Tính kháng thuốc trừ sâu của rầy lưng trắng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm sinh vật học, sinh thái học và biện pháp phòng chống rầy lưng trắng sogatella furcifera horvath tại yên mỹ, hưng yên năm 2019 (Trang 28 - 29)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước

2.2.5. Tính kháng thuốc trừ sâu của rầy lưng trắng

Việc sử dụng thuốc trừ sâu liên tục trên đồng ruộng đã dẫn đến sự tái phát của RLT, làm cho rầy kháng thuốc mạnh, tiêu diệt nhiều kẻ thù tự nhiên và hủy hoại sinh thái ruộng lúa (Sogawa, 2004). Matsumura đã đưa ra kết luận RLT đã xuất hiện hiện tượng kháng thuốc với hoạt chất Fibronil sau khi tiến hành xác định chỉ số LD50 của RLT với hoạt chất Fibronil ở một số nước vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á như Nhật bản, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines (Matsumura et al., 2008).

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các thuốc trừ sâu (Quinalphos, Chlorpyriphos, Methyl parathion, Endosulfan, Imidacloprid và Deltamethrin) tới sức sinh sản, tỷ lệ sống sót của RLT và hoá sinh của cây kí chủ cho thấy: khi phun các loại thuốc trên 3 lần với khoảng cách 10 ngày/lần ở nồng độ 1/2 nồng độ khuyến cáo trên lúa giống mẫn cảm và giống kháng rầy gieo trong chậu thì các loại thuốc Methyl parathion, Deltamethrin và Quinalphos có khả năng làm tăng sức sinh sản của RLT và tăng tần suất tái phát quần thể (tăng lên 1,75 lần); thuốc Methyl parathion và Deltamethrin làm tăng tỷ lệ sống sót của rầy non (tương ứng 59,3% và 52,2% so với đối chứng) và tăng chỉ số phát triển quần thể của rầy (tương ứng là 4,8 và 4,2 so với đối chứng). Tỷ lệ rầy trưởng thành vũ hoá từ những cây có xử lý thuốc Methylparathion và Deltamethrin tăng với tỷ lệ trưởng thành cái chiếm ưu thế (1,51 và 1,15 so với đối chứng) trên giống mẫn cảm nhưng không thay đổi trên giống kháng rầy (Suri và Singh, 2011). Việc sử dụng liên tục các thuốc trừ sâu để phòng trừ RLT là véc tơ truyền virus gây bệnh cho cây lúa ở miền Đông của Trung Quốc đã hình thành tính kháng thuốc của RLT, kết quả nghiên cứu cho thấy RLT đã kháng vừa phải đối với buprofezin (gấp 25 lần), khoảng 32% mẫu RLT thu trên đồng ruộng có biểu hiện tính kháng vừa phải với imidacloprid (gấp 7,6 lần), đối với thiamethoxam không thể hiện tính kháng rõ ràng (<6 lần), 8% số cá thể thu được thể hiện sức đề kháng vừa phải và 32% biểu hiện mức kháng thấp với chlorpyrifos (Su et al., 2013).

Tại Việt Nam, thực tế sản xuất cho thấy sử dụng thuốc hoá học cũng dần trở nên kém hiệu quả trong việc quản lý phòng trừ các loài dịch hại phổ biến. Nguyên nhân là do các loài dịch hại có khả năng sinh sản nhanh và phát triển mạnh, vòng đời ngắn, trong một năm có nhiều lứa và đặc biệt chịu áp lực chọn lọc thuốc hóa học rất cao, do đó chúng có khả năng hình thành tính kháng rất nhanh chóng. Việc lạm dụng thuốc hóa học phổ rộng phun 3 - 4 lần/vụ đã gây phá vỡ mối quan hệ sinh thái trong sinh quần ruộng lúa, phá hủy quần thể sinh vật bắt mồi, đặc biệt là thiên địch của rầy là bọ xít mù xanh, các loài nhện… là nguyên nhân dẫn đến bùng phát rầy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm sinh vật học, sinh thái học và biện pháp phòng chống rầy lưng trắng sogatella furcifera horvath tại yên mỹ, hưng yên năm 2019 (Trang 28 - 29)