11 Chúng ta thấy rất rõ vai trò quan trọng của số 3 với những tác giả tràn đầy niềm tin vào Cơ đốc giáo như Dante (sau này là Gogol nữa)
2.1.2. Kết cấu phầ n1 với những tác động của mô típ hành trình
42
Những linh hồn chết mở đầu bằng hình ảnh một cỗ xe: "Cỗ xe ngựa tiến vào cổng một khách sạn ở tỉnh lỵ N.N. Đó là một chiếc xe britska nhỏ, khá đẹp, có díp, kiểu xe mà những kẻ độc thân thường dùng..." [7, 9]. Không một lời giải thích về nguồn gốc cỗ xe ngựa, không một lời rào trước đón sau, Gogol đã bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình bằng những vòng lăn "điềm nhiên" của một phương tiện chuyên chở. Tiếp đó là những thông tin cực kỳ chung chung về người ngồi trên xe: "Ngồi trong xe là một người đàn ông, chẳng đẹp mà cũng chẳng xấu, không béo mà cũng không gầy, tuổi thì chưa có thể nói là già, nhưng cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa" [7, 9]. Và lẽ ra, sự xuất hiện của người đàn ông lạ và chiếc xe phải khuấy động một chút gì đó đến thành phố nhưng sự thể hoàn toàn ngược lại: "Y đến thành phố này, chẳng ai xôn xao, bàn tán gì, chẳng đem lại một việc gì đặc biệt, chỉ có hai người muzik Nga đứng ở cửa một tiệm rượu đối diện khách sạn, trao đổi với nhau vài lời, nhưng lại nói về cỗ xe chứ không phải về người trong xe" [7, 10]. Chi tiết này về sau cũng được M. Bulgakov - một nhà văn chịu ảnh hưởng nhiều từ Gogol - tái tạo trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nghệ nhân và Magarita, trong đó chuyến đi của Quỷ đến Moskva cũng không được mong đợi, không ai chú ý, không ai biết.
Bằng giọng điệu "tỉnh bơ", người trần thuật giới thiệu câu chuyện qua những lời phủ định liên tiếp. Chính ở đây, Gogol ngầm tung ra những mô típ xuyên suốt tác phẩm: mô típ cỗ xe tam mã và người lữ hành bí ẩn. Thực chất, những mô típ này là những mô típ nhánh của mô típ hành trình- mô típ trung tâm và có ảnh hưởng sâu sắc đến kết cấu Những linh hồn chết. Vòng quay của cỗ xe ngựa sẽ đưa người đọc đi đến những sự kiện quan trọng tiếp theo.
Điểm nhìn trần thuật khách quan tiếp tục theo sát cỗ xe của người lạ, dừng lại một chút ở dáng điệu của người hầu rồi tỏa ra miêu tả tỉ mỉ về quang cảnh khách sạn, cách bài trí phòng, hành lý của khách. Sau đoạn văn miêu tả
43
khá dài này, những nhân vật ngồi trên xe dần dần lộ diện: "Hai người khiêng hành lí vào là gã xà ích Selifan, người thấp bé, mặc áo tulup ngắn và gã hành bộ Petruska, trạc ba mươi..." [7, 12]. Nhưng ông chủ của chúng- dù đã bắt đầu được phác hoạ qua mấy nét trang phục, điệu bộ- vẫn chưa được nêu tên, chỉ được gọi một cách khiếm diện là "khách": "Người khách bỏ mũ lưỡi trai, tháo cái khăn quàng cổ bằng len ngũ sắc" [7, 13]; "khách hỏi cặn kẽ tên họ của các quan tỉnh trưởng, chánh án, chưởng lý.." [7, 14]; "khách có một vẻ ung dung, đĩnh đạc và xỉ mũi rất kêu" [7, 15] . Mãi đến khi người khách lạ di chuyển từ khách sạn ra ngoài thành phố, người trần thuật mới cung cấp tên của nhân vật này: "Gã người hầu chưa đọc xong mảnh giấy thì Paven Ivanovich Chichikov đã thân hành đi thăm thành phố" [7, 16]. Từ đây, điểm nhìn trần thuật được trao vào nhân vật Chichikov, người trần thuật "biết tuốt" được thay bằng người trần thuật "tò mò", hồi hộp đón nhận những sự việc nhân vật sắp trải nghiệm.
Khảo sát về cách dẫn chuyện và giới thiệu nhân vật như trên, chúng tôi nhận thấy: mở đầu tác phẩm, Gogol cố ý để cho nhân vật chính giấu mặt bằng cách tung ra những thông tin mù mờ. Một lần nữa, chúng ta không thể phủ nhận dấu ấn Gogol trong Nghệ nhân và Magarita sau này. Tiêu đề chương thứ 1 trong phần 1 của tiểu thuyết này- "Không bao giờ nói chuyện với người lạ" cũng có sự xuất hiện một lữ khách bí ẩn. Như vậy, cả Bulgakov và Gogol đều cuốn người đọc của mình vào một "trò chơi giải đố" hóc búa. Với Gogol, chỉ có cái tên của nhân vật được thông báo và cũng chỉ đến khi Chichikov bắt đầu cuộc du hành vào thành phố, tác giả mới trả lại nhân thân cho nhân vật này. Phải chăng, chỉ khi bắt đầu cuộc hành trình, nhân vật mới thực sự có được "sinh khí" của nó? Phải chăng Gogol muốn nhắc người đọc hãy bám sát các cuộc hành trình của nhân vật vì đó là chìa khóa quan trọng để giải mã những bí mật? ở chương bảy, Gogol trực tiếp thể hiện quan điểm này bằng
44
một lời vẫy gọi: "Lên đường, lên đường thôi! Vui lên, đi sâu vào cuộc đời, vào giữa những tiếng om sòm, tiếng nhạc vui của cuộc đời và xem Chichikov đang làm gì" [7, 211].
2.1.2.2. Sự sắp xếp cấu trúc tác phẩm theo mô típ hành trình.
Cấu trúc Những linh hồn chết được sắp đặt dựa theo những cuộc hành trình của Chichikov. Nhân vật chính di chuyển đến nhiều địa điểm, thực hiện việc "giao dịch" với những trang chủ khác nhau. Điều này làm cho chiều hướng vận động của cốt truyện phát triển và rẽ nhánh không ngừng theo những cuộc gặp gỡ bất ngờ.
Ngay ở phần mở đầu, mặc dù xung quanh Chichikov còn đầy những bí ẩn chưa có lời giải đáp nhưng tác giả không hề có ý định dừng lại kể lể dông dài mà luôn để cho diễn tiến sự kiện bám sát sự di chuyển của nhân vật về phía trước. Chichikov tham quan thành phố. Chichikov tham dự các cuộc vui ở nhà tỉnh trưởng và cảnh sát trưởng. Chichikov rời thành phố về thăm các trại ấp nông thôn. Chichikov trở lại thành phố làm các thủ tục sang tên. Chichikov rời thành phố và tiếp tục đi... Có thể nói, Chichikov đi đến đâu, cốt truyện mở ra đến đó. Mạng lưới sự kiện của Những linh hồn chết được thâu tóm tại một điểm trung tâm: hành trình của Chichikov.
Từ chương 2 đến chương 6, mỗi chương là một hành trình trọn vẹn của nhân vật: chương 2- hành trình hoan hỉ về trại ấp Manilov, chương 3- hành trình lạc bước vào trang trại Korobochka, chương 4- hành trình lầm lối theo Nozdriov, chương 5- hành trình vất vả đến trại ấp Sobakievich, chương 6- hành trình không chủ định đến trang trại Pliushkin. Khi Chichikov rời nơi này sang một nơi khác, dòng sự kiện lập tức chuyển đổi về phía đối tượng mới, đối tượng ở nơi cũ bị thay thế, không được người kể "ngoái lại". Nguyên tắc kết cấu như trên có nhiều điểm tương đồng với kết cấu Thần khúc của Dante (và có thể cả Don Quixote của Cervantes nữa). Trong 33 khúc của phần Địa
45
ngục - phần thứ nhất trong Thần khúc, ta thấy mỗi khúc trình bày một chuyến du hành của Dante và Virgile thâm nhập vào các tầng địa ngục, gặp gỡ các linh hồn với vô số tội lỗi (ví dụ: khúc 5 - Tầng Địa ngục thứ hai - Những người dâm đãng; khúc 6 - Tầng Địa ngục thứ ba - Siacco, âm hồn quê ở Phirenxe, tiên đoán về diễn biến tương lai của thành phố mình....). Cứ như thế, các khúc ca nối tiếp bất tận, tái hiện sự di chuyển của nhân vật theo vòng xoáy của địa ngục tăm tối.
Có thể thấy, mặc dù ý đồ tái dựng một "Thần khúc mới" của Gogol không thể hoàn thành nhưng kết cấu Thần khúc vẫn in dấu trong phần 1 của
Những linh hồn chết. Hai tác phẩm không chỉ có sự tương đồng về cấu trúc hành trình mà ngay trong mỗi hành trình cụ thể, Gogol đã kín đáo nhắc nhở người đọc về bản trường ca lừng danh của người ý. Ví như ở cuộc gặp gỡ của Chichikov với trang chủ Manilov: cách miêu tả về nếp sống yên bình của trại ấp, những cử chỉ lãng mạn của hai vợ chồng Manilov, những cái tên Hi Lạp của hai cậu con trai - Themistoculus và Alcides, tất cả đều gợi về không khí của tầng địa ngục thứ nhất trong Thần khúc - nơi giam giữ những con người tiết hạnh, đoan chính, những thi bá lừng danh của thời cổ đại. Hay trong cách Gogol sắp đặt cuộc du hành của Chichikov đến nhà bà góa Korobochka vào lúc nửa đêm, ta thấy rất rõ nhà văn đã chịu ảnh hưởng từ những ý niệm của Dante về bóng tối, về sự di chuyển bất ngờ, không hẹn trước khi chuyển đổi từ một tầng địa ngục này sang một tầng khác.
Bên cạnh đó, trong Những linh hồn chết, mô típ hành trình còn chi phối đến sự liên kết của các thành phần cốt truyện. Nhìn bề ngoài, theo hành trình của nhân vật, mỗi chương giống như những khúc đoạn bị cắt rời, tương ứng với mỗi chuyến đi. Thực chất, những chuyến du hành ấy có một mối quan hệ ngầm ẩn, đó là: dù có chủ định hay hoàn toàn bất ngờ, những chuyến đi của Chichikov luôn chỉ có một cái đích duy nhất- mua hoặc xin những nông phu
46
đã chết trong sổ đinh của các trại chủ. Chính mục đích hành trình này là sợi dây vô hình nối kết mô thức các chương, khiến những cuộc du hành dù diễn ra ở những không gian khác nhau nhưng luôn luôn có sự lặp lại đầy ẩn ý. Chúng tôi có thể đề xuất một công thức chung cho cả năm hành trình về các trại ấp của Chichikov là: thăm dò -> đặt vấn đề -> đưa giá -> "cò kè bớt một thêm hai" -> kết quả thu mua. Tất nhiên, ở mỗi chương, do đặc thù của các trang chủ rất khác nhau nên công thức trên có thể thêm hoặc bớt một vài khâu. Với trang chủ Manilov, một người nhạt nhẽo, việc mua bán của Chichikov diễn ra cực kỳ "xuôi chèo mát mái", công đoạn "cò kè" biến mất. Nhưng với Sobakievich, một trang chủ gian ngoan và thô lỗ, Chichikov phải tốn rất nhiều công sức mới mua được nông phu với giá cả như ý muốn.
Không chỉ có tác dụng liên kết sự kiện, mô típ hành trình còn là một nút thắt chủ đạo, thúc đẩy các xung đột truyện, gia tăng kịch tính và tạo nên sự hấp dẫn cho tiểu thuyết.
Xung đột bắt đầu nhen nhóm khi người đọc dõi theo hành trình của Chichikov về các trại ấp, chứng kiến năm cuộc mua bán nông phu chết mà không thể hiểu nổi ý đồ thực sự của nhân vật là gì. Tại sao lại cần phải mua những nông phu đã chết? Tại sao Chichikov phải vất vả dặm trường đến các trại ấp để làm một điều vừa kỳ quặc, vừa có vẻ ngớ ngẩn như thế? Và tại sao sau mỗi cuộc giao dịch, Chichikov lại dặn các trang chủ phải giữ bí mật cho mình? Những thắc mắc trên cũng xuất hiện trong suy nghĩ của tất cả các trại chủ được Chichikov viếng thăm. Nhưng đáp lại tất cả, Chichikov luôn tìm được những lý do hợp lí để bao biện hoặc tìm được những cách thức "lấp liếm" hoàn hảo. Trong cuộc giao dịch với Manilov, chỉ bằng một câu hỏi "cuộc điều đình này có gì trái với các thiết chế và ý kiến thẩm tra về sau của nước Nga không?" [7, 55], Chichikov đã dẹp tan sự bối rối và nghi ngờ của vị trang chủ vốn đã không phải là người có nhiều ước mơ hay suy nghĩ. Trước
47
sự tính toán và cân nhắc thiệt hơn của bà góa Korobochka tằn tiện, Chichikov lại giở một giọng điệu khác: "Tôi làm việc chỉ vì lòng nhân ái Cơ đốc giáo, tôi chỉ nghĩ rằng đây là một bà lão góa bụa tội nghiệp, làm ăn vất vả chết đi được" [7, 83]. Khi Nozdriov gặng hỏi, Chichikov lập tức xuống giọng nài nỉ: "Tôi có ý định lấy vợ, nhưng bố mẹ vợ lại đòi hỏi lắm thứ. Chẳng biết tôi lại nhúng vào cái việc này làm gì? Họ đòi hỏi chú rể phải có ba trăm nông phu, và tôi hiện còn thiếu gần một nửa." [7, 121]. Rõ ràng, không chỉ có các trang chủ mà cả người đọc cũng bị Chichikov đưa vào mớ bòng bong của những "lý do lý trấu".
Xung đột tiểu thuyết được đẩy lên cao hơn khi Chichikov quay trở về thành phố, và tại bữa tiệc chè chén ở dinh tỉnh trưởng, nhân vật suýt nữa đã bị lật tẩy bởi tên chủ ấp thô lỗ Nozdriov. Thoát nạn vì không mấy ai tin lời một kẻ say xỉn nhưng Chichikov chưa hẳn đã bình an vô sự. Kịch tính được dâng lên đến mức cao trào với chi tiết bà chủ góa Korobochka, sợ rằng mình bị bán "hớ", đã lập cập đi vào thành phố để dò hỏi về giá cả nông phu chết. Vậy là, cả thành phố đã được biết sự thật về những cuộc mua bán của ngài tư vấn cấp bộ Chichikov. Những người mới đây còn tung hê và tỏ lòng ngưỡng mộ ngài giờ quay sang phỉ báng ngài như một kẻ xấu xa ghê tởm. Nhưng cái sự thật mà họ vừa được biết từ miệng bà góa tội nghiệp dẫu sao cũng chỉ là một nửa sự thật. Đúng như câu châm ngôn rất nổi tiếng của người Nga: "Một nửa cái bánh mì vẫn là một nửa cái bánh mì nhưng một nửa sự thật đồng nghĩa với sự dối trá"; người dân thành phố không ai truy tìm được căn nguyên của việc làm này, sự thật vẫn nằm trong bóng tối, bất chấp mọi nỗ lực điều tra.
Cho đến hết chương 10 của phần 1, xung đột tiểu thuyết chưa được "cởi nút". Chichikov ra đi cũng lặng lẽ như khi hắn đến, mang theo nguyên vẹn sự bí ẩn mà hắn đã tạo ra từ đầu tiểu thuyết, bỏ lại phía sau cỗ xe tam mã của hắn là một thành phố với biết bao dối trá và sự ngờ vực. Và chắc chắn, với đông
48
đảo các nhân vật lớn, nhỏ trong bản trường ca này, Chichikov mãi mãi là một ẩn số.
Nhưng với các độc giả dõi theo hành trình của Chichikov từ đầu truyện đến giờ, Gogol không muốn giấu giếm thêm nữa. Tại chương cuối, những thắc mắc về nguồn gốc của nhân vật, mục đích thật sự của các cuộc hành trình đã được người trần thuật giải đáp. Người trần thuật biện hộ: "Sau cùng, cảnh vật bên đường không làm y chú ý nữa, y nhắm mắt lại, tựa đầu vào chiếc gối. Tác giả lấy thế làm mừng, xin thú thật như vậy, vì được cơ hội để nói ít nhiều về nhân vật của mình, cho đến nay, bạn đọc cũng thấy đấy, tác giả lúc nào cũng bị ngăn trở, hoặc bởi Nozdriov, hoặc bởi các vũ hội, các phu nhân, các chuyện ngồi lê, đôi mách, hoặc cuối cùng bởi muôn nghìn chi tiết mà khi đã ghi vào một cuốn sách thì trông như vô nghĩa, nhưng trong giới thượng lưu vẫn được xem là cực kỳ quan trọng" [7, 372]. Đây chỉ là một cách nói hóm hỉnh và đánh lạc hướng. Thực chất, tác giả của chúng ta chẳng hề bị "ngăn trở" bởi một thế lực nào. Việc Gogol giấu Chichikov trong vỏ bọc của những bí mật và chỉ chịu "vén bức màn" ở phần cuối là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Dường như tác giả muốn nói: bản chất của hành trình là sự kiếm tìm, sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu mỗi người đọc tự mình thực hiện những cuộc du hành đi tìm lời đoán giải. Đừng vội vàng đòi hỏi ngay khi bắt đầu, những điều hấp dẫn nhất đang chờ đợi ta phía cuối chặng đường dài.
Phần thứ nhất của cuốn sách khép lại bằng hình ảnh cỗ xe tam mã từng được nhắc đến ở phần mở đầu: "Ba con ngựa rùng mình và kéo vun vút chiếc britska, nhẹ nhàng như một cái lông. (...) Người Chichikov cũng nảy nhè nhẹ trên chiếc đệm da, y mỉm cười vì y thích đi nhanh" [7, 417]. Rồi đây, cỗ xe ba ngựa kéo sẽ tiếp tục lao vun vút trên những con đường, đưa Chichikov đến những thành phố, những tỉnh lị xa xăm... Cấu trúc vòng tròn khiến người đọc dự cảm rằng câu chuyện về Chichikov dường như chẳng bao giờ chấm dứt.
49
Viễn ảnh về một hành trình mới đã xuất hiện ngay tại điểm kết thúc của một hành trình đã qua. Cách kết cấu này thể hiện tầm vóc xã hội- lịch sử rộng lớn của những cuộc hành trình và cũng làm nổi bật tính chất trường ca bát ngát của Những linh hồn chết.
2.1.2.3. Nhịp điệu trường ca - nhịp điệu hành trình