13 Về vấn đề không gian trong sáng tác của Gogol, Robert Maguire đã lý
3.1.3. Con đường đi của nước Nga anh hùng
Sau tất cả những phác họa về tính cách Nga, khẳng định giá trị của ngôn ngữ Nga trong đời sống văn hóa dân tộc, điều mà Gogol canh cánh trong lòng chính là con đường mà nước Nga đã, đang và sẽ phải đi, cái đích mà nước Nga cần phải đến.
Trong chương cuối của phần thứ nhất, bỏ lại nhân vật giữa đường thiên lý, tác giả đã thay mình vào đó và ngạc nhiên trước vẻ đơn điệu, chán ngắt của sự vật: "Từ phương xa kỳ ảo này, ta thấy nước Nga nghèo nàn, xơ xác và không ở được, chẳng có kỳ công nào của nghệ thuật làm tôn vẻ đẹp của thiên nhiên, để cho người ngắm cảnh phải vui thích hay khiếp sợ (...) Quạnh hiu trong cảnh đơn điệu, khắp nơi ngươi đều như thế, như những cái chấm, cái vết không nhìn thấy được..." [7, 366]. Sau này, trong lá thư gửi Belinsky, Gogol nhắc lại ý này và phân tích rõ hơn về tình hình nước Nga: "Gần một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày hoàng đế Piot đệ nhất mở mắt cho chúng ta, dắt dìu ta bước lên con đường văn hóa châu Âu và đặt vào chúng ta đủ mọi phương tiện hành động nhưng nông thôn của ta vẫn buồn tẻ và hoang vắng như xưa. Quanh ta mọi vật đều có vẻ ghẻ lạnh, thù địch, tưởng chừng chúng ta chưa
94
phải đang ở trong nhà mình mà chỉ là đang cắm trại trên đường trường..." [7, 426].
Rõ ràng, nước Nga của thực tế vô cùng tiêu điều và hoang phế nhưng vẫn có một nước Nga khác trong lòng Gogol, nước Nga ấy có một sức hút không thể nào cưỡng nổi, khiến nhà văn phải thốt lên: "Tại sao lại vang lên không dứt bên tai ta khúc ca ai oán, văng vẳng từ biển nọ tới biển kia...? Có cái gì trong khúc hát ấy? Cái gì kêu gọi, và thổn thức, và thít chặt lấy tim ta? Những âm thanh nào len lỏi, như một cái vuốt ve đau đớn, vào tận hồn ta và ám ảnh hồn ta khôn dứt?" [7, 367]. Nước Nga của Gogol "chẳng có gì làm xiêu lòng, làm đẹp mắt người ta cả" [7, 367] nhưng đối với những tâm hồn Nga chân chính, nước Nga vẫn đủ sức níu gọi, ám ảnh qua những âm thanh của bài ca Nga thê thiết. Bởi lẽ, "ai là người trong những âm thanh thê thiết của bài dân ca Nga không nhận thấy những lời trách móc đau xót đối với bản thân mình thì người ấy đã làm xong bổn phận của mình một cách trọn vẹn, trừ phi không có một tâm hồn Nga" [7, 426].
Lại một lần nữa, tác giả cất lời cảm thán "Nước Nga! Ngươi muốn gì ở ta? Sợi dây khó hiểu nào đã ràng buộc chúng ta với nhau? Có gì mà ngươi lại nhìn ta như thế? Tại sao tất cả những gì trong nước Nga đều quay lại nhìn ta với những đôi mắt đầy vẻ mong chờ?" [7, 367]. Nhiều nhà phê bình cùng thời với Gogol cho rằng đoạn văn trên chứng tỏ một sự tự kiêu ghê gớm. Nhưng Gogol đã đáp lại bằng những lời bộc bạch: "đây không phải là huênh hoang, cũng chẳng phải là sự kiêu ngạo, mà chỉ là sự diễn đạt một cách vụng về của một tình cảm chân thành" [7, 426]. Đúng như lời Gogol đã nói! Chỉ có những người yêu nước Nga tha thiết mới cảm nhận trọn vẹn trách nhiệm mà mình đang phải gánh vác, bởi trong mỗi con người ấy luôn luôn có sự thôi thúc tiềm tàng của tiếng gọi dân tộc.
95
Nặng trĩu ưu tư và tình cảm đối với đất nước mình, Gogol hình dung nước Nga trong dáng hình của cỗ xe tam mã: "Và ngươi, nước Nga, chẳng phải ngươi cũng bay vút lên như một chiếc trôika mãnh liệt, không ai có thể vượt được?". Cỗ xe là niềm tự hào của dân tộc Nga, như tác giả đã viết "Ngươi chỉ có thể sinh ra giữa một dân tộc dũng cảm, trên đất nước không làm cái gì nửa vời này mà đã lan ra như một vết dầu trên một nửa thế giới..." [7, 418]. Cỗ xe tam mã bình thường nhưng ẩn giấu thế bay của cánh chim và Gogol muốn nước Nga mà ông yêu mến cũng sẽ bay lên giống như một cánh chim trời: "Ngươi đi qua, dặm trường bụi cuốn mịt mù, những chiếc cầu kêu răng rắc, mọi vật bị bỏ lại, nằm lại đằng sau ngươi!" [7, 418]; "Tiếng nhạc ngựa nghe vẫn du dương, không khí bị xé tan, ầm ầm như tiếng sấm, và chuyển thành gió, tất cả những gì ở trên trần thế đều bị bỏ lại sau, và với một cái nhìn thèm thuồng, các dân tộc rẽ ra, nhường lối cho nước Nga" [7, 419]. Chỉ có điều, tác giả băn khoăn không biết đích đến của "cánh chim ấy". Từ tình yêu nước thẳm sâu của người công dân Nga vọng lên một câu hỏi lớn: "Nước Nga, ngươi bay đi đâu? Hãy trả lời ta". Đáng buồn thay, trong thời đại của Gogol, chưa ai có khả năng đáp trả!
Trong Những linh hồn chết, Gogol không xác định được con đường mà nước Nga sẽ đi. Nhưng bằng linh cảm bén nhạy, Gogol đã nhìn ra trong nước Nga sẽ có những con người có đủ khả năng để cải tạo lịch sử: "Chẳng phải đã tiền định rằng ngươi sẽ đẻ ra những anh hùng, vì ngươi đem cho họ trường hoạt động rộng lớn để xây dựng sự nghiệp?" [7, 367]. Niềm tin mãnh liệt đó càng được củng cố trong lá thư ông viết gửi bạn: "Giờ đây, sống ở nước Nga, bất cứ lúc nào người ta cũng có thể trở thành một bậc anh hùng (...) sự nghiệp ngày nay chỉ dành cho dân tộc Nga mà thôi, vì chỉ có dân tộc Nga biết được chủ nghĩa anh hùng..." [7, 431]. Những lời tiên cảm của Gogol sau này đã trở
96
thành hiện thực, khi cả thế giới ngưỡng vọng về nước Nga xô viết, nước Nga của Cách Mạng tháng Mười vĩ đại...
Như vậy, có một không gian văn hóa Nga rất phong phú và sắc nét đã được tái hiện qua những chuyến chu du tưởng tượng của tác giả. Gogol đã thể hiện sự am hiểu và nghiên cứu sâu sắc đối với các phương diện văn hóa, xã hội Nga. Hơn tất cả, chính tình yêu nước Nga từ trong cốt tủy đã giúp Gogol viết về đất nước mình nhiệt thành và sinh động đến thế!