13 Về vấn đề không gian trong sáng tác của Gogol, Robert Maguire đã lý
2.3.2. Đối tượng gặp gỡ của các cuộc hành trình
Bên cạnh việc xem xét các chủ thể hành trình, sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến những đối tượng đã xuất hiện trong các cuộc hành trình của Chichikov. Chúng là năm trang chủ khác nhau: Manilov, Korobochka, Nozdriov, Sobakievich, Pliushkin, với những tổ hợp tính cách phức tạp nhưng chỉ qua một lần viếng thăm của người lữ khách, chỉ qua những lời trao đổi về việc mua bán nông phu chết, chân dung của năm tên địa chủ ấy đã được khắc chạm, viền nổi thật đa dạng và sinh động.
Manilov là địa chủ đầu tiên Chichikov ghé thăm. Nhân vật này được
phác họa là một dạng người "không thế này, cũng chẳng thế kia" [7, 37], một tính cách dịu dàng đến thái quá, cũng là một người nhạt nhẽo đến mức "chẳng có mê say nào cả" [7, 38]. Tất cả những dự định trong công việc và cuộc sống của Manilov đều chỉ dừng lại ở dạng ý niệm, chưa bao giờ được biến thành hành động thực tế: "chàng ít quan tâm đến việc làm cho trang ấp phát đạt và chẳng bao giờ nhìn ngó đến ruộng đất", "trong buồng làm việc, chàng giữ một
77
cuốn sách có cái chắn đánh dấu đến trang 14 mà chàng vẫn đọc dở từ hai năm nay", "hai cái ghế bành vẫn phủ một lần chiếu thường vì thiếu lụa, từ bao nhiêu năm nay..." [7, 39]. Trong công việc trại ấp, y là một người bất lực. Trong đời sống gia đình, y ưa chuộng lối xã giao màu mè, phù phiếm và lúc nào cũng duy trì một kiểu sống mơ mộng theo chủ nghĩa tình cảm. Nếp sống nhà Manilov bình yên đến vô vị. Người vợ nhạt nhẽo và lười nhác giống hệt tính cách của chồng. Hai cậu con trai nhỏ được gọi bằng hai cái tên của những người anh hùng Hi Lạp nhưng thực chất thì ngay cái tên của chúng cũng bị đặt sai một cách lố bịch. Khi Manilov tự hào khoe với Chichikov về sự thông minh của cậu lớn Themixtoklux, y không ngờ rằng đã phô bày bản chất của chính y. Cậu con trai đã trả lời câu hỏi đúng như những kỳ vọng của cha và người khách. Tuy nhiên, trong khi cậu bé nói "Con rất thích", đầu cậu lại "lắc lư khi sang bên phải, khi sang bên trái" [7, 48]. Một chi tiết rất nhỏ thể hiện sự không ăn khớp giữa lời nói và cử chỉ. Và cậu bé này quả thật là hình ảnh thu nhỏ của người cha, đã chứng minh cho một chân lý là sự giả dối rồi sẽ tiếp tục sinh ra sự giả dối. Rốt cục, Manilov chỉ là một tiếng vang vô nghĩa lý, là "hiện thân của sự trống rỗng, nhu nhược, mơ tưởng hão huyền" [43, 191].
Tình cờ rẽ vào trại ấp Korobochka giữa đêm khuya, Chichikov đã được "chào đón" bằng dàn hợp xướng đủ loại của bầy chó giữ nhà. Sau đó, bà chủ nhà hiện ra trong một bộ dạng nhếch nhác, đúng như tên gọi của mình- Korobochka nghĩa là chiếc rổ nhỏ- "đây là một kiểu bà già đầu nghiêng nghiêng, lúc nào cũng kêu khổ mà cứ từ từ nhét đầy những túi vải tréo go, giấu trong các ô của những chiếc tủ ngăn" [7, 68]. Hình ảnh Korobochka gợi nhắc đến một truyện ngắn trước đó của Gogol, truyện "Một đôi vợ chồng trang chủ kiểu xưa". Korobochka cũng có kiếp sống thầm lặng, xám xịt y như đôi vợ chồng trong truyện suốt ngày làm những điều vô nghĩa lý. Chỉ có điều, bà goá này được khắc tả tằn tiện hơn, bủn xỉn hơn, ngu dốt hơn rất nhiều.
78
Trong nhà Korobochka tập hợp đủ các đồ vật cũ kĩ, thể hiện sự ki cóp, tằn tiện đến khổ sở. Korobochka còn là một mụ đàn bà sống cô lập trong trại ấp của chính mình, ngờ nghệch với sự đời đến mức không biết tên của người hàng xóm. Khi Chichikov đặt vấn đề mua nông phu, con người đần độn ấy không mảy may nghi ngờ, chỉ băn khoăn không biết cái giá đưa ra có thích hợp hay không, mình có bị bán "hớ" không. Tính cách của Korobochka điển hình cho bản chất thủ cựu, mê muội, hám lợi của tầng lớp địa chủ cũ ở Nga.
Nhà nghiên cứu Donald Fanger đã từng nhận xét rằng, cả bản trường ca dài của Gogol dường như được định dạng bởi "sự thiếu hụt những cái gì đó" (a lack of things)14. Giống như những linh hồn trong các tầng địa ngục của Dante luôn thiếu ánh sáng mặt trời, thiếu sự dẫn đường của Chúa, những nhân vật như Manilov và Korobochka trong Những linh hồn chết cũng đang thiếu hụt ánh sáng của niềm hi vọng, niềm tin vào tương lai, ánh sáng của trí tuệ và tình cảm trong bản thân mỗi người. Cuộc sống của họ đang bị giam hãm và ngưng đọng bởi những thói tật xấu xa, họ không biết sẽ phải làm gì và hoàn toàn không có khả năng cải biến cuộc sống ấy.
Người tiếp theo mà Chichikov gặp trên chuyến đi của mình là Nozdriov.
Khác với hai trang chủ trước, Chichikov bất ngờ gặp Nozdriov trong một quán trọ ven đường. Địa điểm gặp gỡ này phù hợp với tính cách la cà, bạt mạng của Nozdriov. Cái tên Nozdriov có từ căn nghĩa là cái mũi. Đây quả thật là một "nhân vật lịch sử". Trong nhân vật này, Gogol không tiếc lời để lột tả mọi thói hư tật xấu: một kẻ "tinh ranh lõi đời", "đa ngôn, phóng đãng, tự đắc, nổi bật giữa mọi người"; "đã ngoài ba mươi lăm tuổi mà Nozdriov vẫn hệt như ngày mười tám đôi mươi: chỉ là một kẻ ăn chơi"; "hắn mê cờ bạc, biết rất nhiều mánh khoé", "say rượu đến nỗi chỉ còn biết cười, tuôn ra lắm điều khoác lác đến nỗi cuối cùng chính hắn cũng phải xấu hổ", "hắn gạ bạn đi bất
79
cứ đâu, dù là đến tận cùng thế giới, giới thiệu với bạn vào bất cứ công việc kinh doanh nào, đổi chác bất cứ cái gì với tất cả vật gì bạn thích" [7, 110]. Tóm lại, tính xấu của Nozdriov nhiều vô kể, dường như thâu tóm hết các tính cách của mọi kẻ vô lại trên đời. Cả đến bầy chó săn mà Nozdriov nuôi trong nhà cũng mang những cái tên kỳ cục, phản ánh chân thực đặc tính của chủ chúng: "Chúng mang đủ thứ tên: Cãi cọ, ầm ỹ, Lẹ làng, Ngạo mạn, Sáng rực, Dữ dội, Say sưa, Trơ tráo, Hung hăng, Gắt gỏng, Nóng nảy, Chim én. Nozdriov ở giữa chúng tựa hồ một người cha ở giữa bầy con" [7, 113].
Chichikov gặp Nozdriov đúng là "mạt cưa gặp mướp đắng". Chỉ có Nozdriov mới dám bỗ bã vạch trần bộ mặt của người bạn mới quen: "Tớ còn lạ gì cậu. Cậu là một thằng xỏ lá hạng nặng (…). Nếu tớ là quan trên của cậu, tớ đã treo cổ cậu lên cái cây đầu tiên rồi" [7, 121]. Chỉ có Nozdriov mới làm cho kế hoạch thu mua của Chichikov bị "bể mánh", thất bại ê chề. Cũng chính Nozdriov là kẻ đã oang oang kể với cả thành phố về kế hoạch lạ lùng của Chichikov, dù chả có mấy ai tin lời một kẻ say. Chichikov đã nhiều phen bị Nozdriov làm cho khốn đốn, thậm chí còn bị đe doạ đến cả tính mạng.
Nhân vật địa chủ thứ tư là Sobakievich - một nhân vật cực kỳ sinh động
và gây ấn tượng. Như tên gọi Sobakievich - có từ căn là chó, từ dáng điệu đến cử chỉ của nhân vật đều khiến Chichikov liên tưởng đến hình ảnh một con gấu. Tác giả còn miêu tả Sobakievich bằng những so sánh thậm xưng: "Ta biết là có nhiều bộ mặt mà tạo hóa không buồn gọt đẽo gì cả. Bỏ hết dũa, khoan và mọi công cụ chính xác khác, tạo hóa tạc những bộ mặt ấy chỉ bằng dao quắm, một nhát là thành cái mũi, một nhát nữa thành đôi môi, hai nhát đục kếch xù là khoét xong hai bộng mắt, rồi không thèm trau chuốt gì nữa, tạo hóa ném chúng ra giữa thiên hạ rồi nói: Thế này là được lắm rồi! Hình thù thô kệch của Sobakievich đã được tạc ra cẩu thả như vậy" [7, 145]. Vẻ bề ngoài thô thiển và cục mịch phần nào hé mở tính cách bên trong của Sobakievich.
80
Không khác gì hình dạng bên ngoài, bản tính của Sobakievich cũng xù xì, kệch cỡm và hoang dã như thế. Qua buổi tiếp đãi Chichikov, Sobakievich hiện lên như một kẻ vô văn hóa, vô giáo dục- đúng như lời hắn nói "Người ta thường nói đến văn hóa, nhưng tôi, bác biết không, tôi cóc cần văn hoá" [7, 152]. Đến bà vợ cũng phải kêu lên với Sobakievich: "Bao giờ đang ăn, mình cũng nói những lời khiếm nhã" [7, 151]. Cách ăn uống phàm phu tục tử của Sobakievich là hệ quả tất yếu của một kẻ lố bịch, thô lậu.
Nhưng đối với việc mua bán, Sobakievich nhanh nhẹn lạ lùng. Chẳng cần đợi Chichikov đặt vấn đề đến lần thứ hai, cũng chẳng một chút bất ngờ nào khi nghe đến việc bán người đã chết, Sobakievich lập tức thét một cái giá cao ngất ngưởng: một trăm rúp cho một mạng. Chichikov phải hết sức chật vật mới thỏa thuận xong giá cả với Sobakievich nhưng tên địa chủ gian ngoan còn kịp nhét tên một nông phu nữ của hắn vào bản danh sách (ở nước Nga lúc đó, nông phu nữ không có giá trị trong sổ đinh) khiến cho Chichikov đành ngậm đắng nuốt cay. Gogol đã vạch rõ bản chất của tên trọc phú thô lỗ này bằng một từ kulăc - vừa có nghĩa là xiết chặt nắm tay, vừa có nghĩa là một tên phú nông bủn xỉn.
Tên địa chủ cuối cùng, cũng là kẻ đã "rơi xuống nấc thang cuối cùng của sự sa đọa " [43, 193] là Pliushkin. Gặp Pliushkin lần đầu tiên, Chichikov
không thể định nghĩa được nhân vật ở trước mặt mình là ai, là một mụ đàn bà, một lão quản gia hay một gã ăn mày rách rưới? Đó chính là vì Pliushkin đã tự tạo cho mình một bộ dạng tàn tạ đến mức đáng sợ: "Cấu tạo của cái áo dài cũ của lão chấp tất cả mọi sự tìm hiểu, ống tay và vạt áo nhờn những mỡ, bóng lên đến nỗi người ta phải bảo rằng đó là da đóng ủng, sau lưng phất phơ bốn cái đuôi én rách nát để bông độn rơi ra từng túm" [7, 181]. Chẳng thua kém gì sự bẩn thỉu, rách nát của bộ quần áo, gương mặt Pliushkin cũng toát lên vẻ thảm hại: "Đôi mắt ti hí còn linh hoạt, chạy dưới hai hàng lông mày cao hình
81
bán nguyệt, như đôi chuột nhắt khi mà chúng đánh bạo thò cái mõm nhọn ra khỏi cái hang tối tăm của chúng, tai vểnh lên, râu phe phẩy... " [7, 180]. Ngoại hình đã vậy, tính cách Pliushkin còn kinh khủng hơn. Pliushkin đi dạo khắp làng để bòn mót, ăn cắp từng thứ chổi cùn rế rách về chất đống trong phòng. Nhà hắn chứa toàn những đồ vật mốc meo, cũ nát, không thể sử dụng được. Thói keo kiệt biến Pliushkin thành một kẻ tàn nhẫn và ích kỷ, thành "miếng giẻ rách hiện hình người" [7, 194]. Ngay cả đứa con gái bao lần về nhà cầu viện sự giúp đỡ cũng không thể mở nổi cái hầu bao đã thít chặt của người cha ki kiệt ấy. Bởi "Những tình cảm của con người ở lão vốn đã chẳng sâu sắc gì, lại càng ngày tiêu hao, cái tâm hồn đồi phế, lang thang ấy ngày càng sa đọa" [7, 186].
Khi Chichikov đưa cho hắn số tiền mua nông phu chết, "lão già vồ lấy cả hai tay và đem đến đặt trên bàn giấy" "đến bàn giấy lão đếm lại một lần nữa, rồi cũng cẩn thận như thế, cất tập bạc vào một ngăn kéo" và Gogol mỉa mai: "đó là mồ chôn chúng cho đến ngày mà Cha Karp và cha Polykarp sẽ làm ma cho lão với nỗi vui mừng khôn xiết của con rể lão" [7, 202]. Với con người này, sự bủn xỉn là lẽ sống, sự nhặt nhạnh, tích cóp là niềm vui, sự khổ hạnh là lý do để tồn tại. Trong nhân vật Pliushkin, ta đã gặp bóng dáng của thánh Job keo kiệt trong Kinh thánh, Harpagon trong vở kịch Lão hà tiện của Molière, Grandet trong tiểu thuyết Eugenie Grandet của Balzac, hiệp sĩ keo kiệt trong vở kịch cùng tên của Pushkin. Mô típ "gã keo kiệt" đã tạo một đường liên kết giữa các nền văn học. Belinsky nhận xét rằng, hình tượng Pliushkin của Gogol còn chân thực hơn hình tượng Harpagon của Molière, nó đầy tính chất hài hước chứ không đượm màu bi đát như hình tượng người hiệp sĩ keo kiệt của Pushkin.
Vậy là, năm tên địa chủ, năm cá tính độc đáo nhưng đều gặp gỡ ở sự trống rỗng về tinh thần, sự xuống cấp về nhân cách, sự tham lam đến mất hết
82
tính người. Chúng sẵn sàng tiếp tay cho Chichikov thực hiện một việc làm vô nhân đạo là trả giá, mua bán con người, thậm chí là những người đã chết. Chúng đại diện cho một giai cấp đã lỗi thời, bị lịch sử lên án. Chúng mới chính là những linh hồn chết thật sự đang cản đường lịch sử: "Những linh hồn chết, chỉ riêng nhan đề đó thôi đã mang trong mình nó một cái gì khiến người ta khiếp sợ. Không phải những nông nô là những linh hồn chết mà toàn bộ Nozdriov, Manilov và tất cả bọn chúng là những linh hồn chết và ta gặp chúng nhan nhản" (Gertsen).
Tiểu kết: Những cuộc hành trình của Chichikov trong không gian vật thể có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các thành tố tác phẩm. Trước hết, mô típ hành trình đã tác động đến kết cấu trong ý đồ tác giả cũng như kết cấu của phần 1. Nó không chỉ tạo thành mối nối cho mọi sự kiện, thúc đẩy sự vận động của cốt truyện mà còn là đòn bẩy cho các xung đột truyện, chi phối đến sự sắp xếp của bố cục tác phẩm và ấn định nhịp điệu cho trường ca. Bên cạnh đó, khi Chichikov di chuyển, chính những cuộc hành trình của nhân vật đã kéo dãn và mở rộng cấu trúc không gian từ thành phố về nông thôn. Cũng thông qua hành trình, Gogol mượn sự quan sát của Chichikov để khắc tả những mô hình không gian này trong một sự giễu nhại nghệ thuật, mang tính phúng dụ và hàm ẩn sâu sắc. Mô típ hành trình còn là một "phép thử", giúp nhận diện đặc điểm, tính cách các nhân vật. Từ những chủ thể hành trình đến các đối tượng gặp gỡ ở các chuyến du hành, hệ thống nhân vật hiện lên thật sống động, với các chi tiết chân xác, có ý nghĩa điển hình và sức tố cáo mạnh mẽ.
83
Chương 3
Hành trình trong không gian tâm tưởng của
Những linh hồn chết
Trong Những linh hồn chết không chỉ có những nhân vật có tên tuổi cụ thể như Chichikov, Selifan thực hiện những cuộc hành trình mà chúng tôi nhận thấy còn có sự xuất hiện của một nhân vật hư cấu không kém phần quan trọng. Nhân vật ấy chính là người kể chuyện, một sự phân thân của tác giả- một tác giả tưởng tượng. Người kể chuyện đã đồng hành cùng nhân vật của mình trong mọi cuộc hành trình, thể hiện thái độ nhập cuộc qua hành động "tay trong tay, khoác vai đi cùng nhau hai phần lớn nữa của cuốn sách". Nếu như Chichikov thực hiện hành trình bằng cỗ xe tam mã thì người kể chuyện này du hành đến mọi miền xa xôi bằng đôi cánh của trí tưởng tượng. Chính ở đây, đằng sau không gian vật thể của Những linh hồn chết, chúng tôi đã nhận thấy rất rõ sự hiện diện của không gian tâm tưởng.
Không gian tâm tưởng gắn với sự quy ước của con người. Sự mở rộng của không gian tâm tưởng là vô cùng. Khi con người dịch chuyển trong không gian tâm tưởng, người đó không bị câu thúc bởi các rào cản không gian, có thể thoải mái kéo dãn các tọa độ không gian theo ý muốn chủ quan của mình. Trong Những linh hồn chết, tác giả hư cấu đã thực hiện những hành trình tưởng tượng và thoải mái tạt ngang, nhảy cóc, lội ngược về quá khứ hoặc hướng đến tương lai. Vì thế, hành trình trong không gian tâm tưởng không phát triển theo một đường tuyến tính mà lan toả như những vòng sóng tiếp nối.
ở bản trường ca này, những đoạn trữ tình ngoại đề, những lời chêm xen, bình tán nhiều khôn kể. Thoạt đọc, ta ngỡ như những đoạn viết đó chỉ là những lời dông dài, làm lạc hướng câu chuyện. Nhưng sự thật, khi cùng người