Sự lựa chọn kiểu nhân vật, các kỹ thuật viết văn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mô típ hành trìnhtrong Những linh hồn chếtcủa N.V. Gogol (Trang 110 - 142)

13 Về vấn đề không gian trong sáng tác của Gogol, Robert Maguire đã lý

3.3.2. Sự lựa chọn kiểu nhân vật, các kỹ thuật viết văn

Xác định cho mình một hướng đi đúng đắn, Gogol cũng không quên giải trình về sự lựa chọn của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Lần đầu tiên trong một tác phẩm, Gogol đã trực tiếp viết về "chuyện bếp núc" của nhà văn với biết bao tâm huyết.

Ông viết một cách hóm hỉnh về nhân vật chính trong bản trường ca của mình: "Rất đáng ngờ là nhân vật mà tác giả chọn đã làm vừa ý bạn đọc. Nó

107

không vừa ý các bà, có thể nói chắc như vậy, vì các bà vẫn đòi hỏi nhân vật phải là hiện thân của sự toàn thiện, toàn mỹ, còn nếu lộ ra một mảy may một khuyết điểm về hình thức hay tinh thần nào, thì thế là đi đứt" [7, 372]. Biết rõ sự chỉ trích của công luận dành cho nhân vật của mình, Gogol vẫn dứt khoát trong sự tự vấn lương tâm:

"Con người đức hạnh đã không được chọn làm nhân vật. Có thể nói rõ lý do như sau: đã đến lúc để cho con người khốn khổ ấy được yên thân rồi, vì bất cứ lúc nào, người ta cũng sẵn sàng ở cửa miệng mấy tiếng con người đức hạnh và như thế chẳng đúng lúc gì hết; vì người ta đã đem người đức hạnh ra làm con ngựa, mà không nhà văn nào là không cưỡi lên, tay hoa cái roi và bất cứ cái gì vớ được, vì người ta đã làm cho con người đức hạnh kiệt lực, đến nỗi giờ đây, đến bóng dáng của đức hạnh nó cũng không còn nữa, mà chỉ còn có xương với da thôi, vì người ta viện đến người đức hạnh một cách dối trá, chẳng hề có mảy may tôn trọng nào với nó cả. Không, đã đến lúc phải thắng những kẻ vô lại vào xe. Thế thì thắng một kẻ vô lại vào đây vậy" [7, 374].

Bằng lối nói ví von độc đáo và những lập luận sắc sảo, Gogol đã chỉ trích không thương tiếc những nhà văn tầm thường, chạy theo sự ru ngủ của dư luận để tạo nên những nhân vật sáo rỗng và đạo đức giả. Với Gogol, ông muốn lựa chọn một kiểu nhân vật khác - kiểu nhân vật "kẻ vô lại" - bởi trong hiện thực đầy rẫy những kẻ như thế. Không phải đợi đến Những linh hồn chết, nhân vật "kẻ vô lại" mới trở thành hứng thú sáng tạo của Gogol. Từ rất lâu trước đó, trong những truyện ngắn viết về chủ đề Petersburg, trong hài kịch

Quan thanh tra, người ta đã thấy xuất hiện bóng dáng của những kẻ xấu xa mà Gogol căm ghét. Nhưng chỉ đến Những linh hồn chết, Gogol mới tập hợp được tất cả những chi tiết điển hình để mang đến cho người đọc chân dung đầy đủ của bọn chúng: "Những nhân vật của tôi nối đuôi nhau xuất hiện, nhân

108

vật này lại tầm thường hơn nhân vật kia, và độc giả hoài công đi tìm một đoạn có thể an ủi mình" [7, 433].

Gogol cũng giúp người đọc gọi đích danh đặc điểm của nhân vật chính: "Tên gọi đúng nhất cho nhân vật của chúng ta phải là: ông chủ- thu mua. Cái khao khát thu nhặt là nguyên nhân của mọi sự, chính nó đẩy ta đến những hành động mà người đời gọi là không sạch sẽ lắm. Thật ra, một cái tính cách loại ấy thì tự nó đã có gì ghê tởm rồi, và có bạn đọc, trong đời thật thì giao du với một con người như thế, tiếp đãi nó trong nhà và sống với nó rất thích thú…" [7, 410]. Trong đoạn văn này, Gogol đã cho ta hình dung rõ hơn về những nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực, trong đó, mọi tính cách đều có quá trình phát triển biện chứng, đều có thể tìm ra nguyên nhân và có gốc rễ ở thực tại.

Nhân vật mà Gogol chọn lựa chỉ là một "kẻ vô lại" nhưng nó đã tạo ra những dư âm không thể xóa nhòa trong lòng độc giả. Và Gogol xót xa khi nghĩ đến còn bao nhiêu những anh Chichikov, còn bao nhiêu kẻ vô lại vẫn nhởn nhơ trong cuộc đời thực: "ai là một người trong các anh, giữa cảnh yên tĩnh, tịch liêu của những phen tự vấn tương lâm, với lòng khiêm tốn cơ đốc giáo, sẽ nghĩ kỹ đến câu hỏi nặng nề này: - ở tôi cũng có một phần nào của Chichikov chăng?" [7, 415]. Những lời tự vấn nghiêm khắc của Gogol đồng thời cũng góp phần soi sáng tính chất điển hình của một nhân vật được xây dựng bằng phương pháp hiện thực chủ nghĩa.

Sự trăn trở của Gogol trên con đường kiếm tìm các kiểu mẫu nhân vật cũng chính là nguồn gốc để tạo nên những tác phẩm mang giá trị hiện thực sâu sắc. "Sáng tác của Gogol là thí dụ nổi bật về việc nghệ sĩ biết rút ra từ chất liệu của cuộc sống thường ngày, cái chất liệu mới thoạt nhìn thì tẻ nhạt và cùng loại, để tạo nên những hình tượng nghệ thuật trọn vẹn và độc đáo đến kỳ lạ (…). Ông kiên quyết mài sắc những đặc điểm cố hữu của các nhân vật,

109

làm nổi bật các khuynh hướng thực tại, các nguyên tắc sâu sắc của tâm lý con người" [19, 108]. Gogol là thế. Không cần danh vọng cao sang, ông chỉ muốn người đọc của mình có thể đạt được một chút thức ngộ trong tâm hồn họ "Đã thấy ghê tởm như vậy trước sự đê tiện, hẳn phải có những đức tính trái ngược với sự đê tiện" [7, 433].

Đúng như M. Khrapchenko đã nhận xét: "Việc kết hợp hữu cơ cái nhỏ và cái lớn, làm nổi bật những tính chất quan trọng nhất của những tính cách lạnh lùng, tản mạn cũng làm cho các khái quát nghệ thuật của Gogol có sức thuyết phục sâu sắc. Nhà văn nhấn mạnh rằng ông mong muốn khám phá không phải những dấu hiệu cục bộ của đời sống con người mà khám phá những tính chất căn bản của họ." [19, 109].

Tiểu kết: Những cuộc hành trình trong tâm tưởng hoàn toàn khác biệt với những cuộc hành trình thật: chúng không có thời gian cụ thể, không bị bó buộc trong một không gian nào, không gặp những rào cản không gian. Tác giả hư cấu dẫn dắt ta tìm đến không gian văn hóa Nga phong phú, nhận diện bộ mặt hà khắc của chế độ nông nô chuyên chế, giúp ta hiểu và thông cảm hơn với sự trở trăn sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ đây chúng ta nhận diện được chân dung tinh thần của một nhà văn lớn, hiểu rõ hơn phương pháp sáng tác của ông.

110

Kết luận

Trong những lời mở đầu của chương thứ hai Những linh hồn chết, Gogol từng viết: "Bạn đọc sẽ được biết dần dần và đúng lúc nếu chịu khó đọc hết cái truyện khá dài và càng về cuối càng lắm việc này, như ta vẫn biết, đoạn kết thường hoàn thành toàn bộ tác phẩm một cách tốt đẹp" [7, 30]. Thực tế, kỳ vọng của Gogol đã không thành hiện thực. Những linh hồn chết mãi mãi không có hồi kết cũng giống như những hành trình bất tận của Chichikov. Thế nhưng, trên thế gian này, có lẽ đâu cứ phải vin vào sự trọn vẹn để soi xét giá trị của những kiệt tác? Vì vậy, không có gì lạ khi một tác phẩm dang dở như

Những linh hồn chết lại kích thích sự tò mò và niềm say mê nghiên cứu của giới phê bình hơn bất cứ một tác phẩm hoàn chỉnh nào khác của chính Gogol. Tiếp nối niềm say mê ấy, luận văn của chúng tôi lựa chọn nghiên cứu về mô típ hành trình trong Những linh hồn chết, dù biết rằng sẽ phải đối diện với một cuộc hành trình cực kỳ khó khăn trong khảo sát và phân tích văn bản. Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực, chúng tôi đã đi đến cuối chặng đường dài và tự cho mình một khoảng thời gian ngơi nghỉ để nhìn lại những gì đã làm được. Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu rằng, khi đã bước vào thế giới nghệ thuật muôn màu của một kiệt tác như Những linh hồn chết, sẽ chẳng bao giờ có sự kết thúc hoàn toàn cho bất cứ một hành trình kiếm tìm giá trị của nó. Vì thế, công trình này, dẫu thành công đến đâu, cũng mới chỉ là những bước khai phá và thử nghiệm ban đầu.

Chương thứ nhất của luận văn làm nhiệm vụ "khai sơn phá thạch" bằng cách đặt mô típ hành trình trong một hệ hình văn hóa và văn học nghệ thuật, tìm hiểu sự hình thành của mô típ này từ các mẫu gốc foklore cũng như những hình thức đa dạng của nó trong dòng chảy văn học. Có thể nói, qua mọi nền văn học ở các thời đại khác nhau, hành trình luôn luôn biểu trưng cho sự kiếm tìm, cho nỗi khát khao được khám phá thế giới bên ngoài và thế giới bên

111

trong của con người. Những nhà văn Nga thiết tha yêu Tổ quốc đã tìm đến với mô típ hành trình như một điểm tựa nghệ thuật đắc địa để họ có thể thực hiện nhiệm vụ cao cả- "bao quát toàn bộ nước Nga". Là một nhà văn xuất sắc của văn học hiện thực Nga thế kỷ 19, Gogol đã thể hiện niềm yêu thích tự nhiên của mình đối với những chuyến du hành trong đời thực cũng như đối với việc sử dụng mô típ hành trình trong đời văn. Với Gogol, mô típ hành trình giúp ông thể hiện những quan niệm nghệ thuật tinh tế và một thế giới quan rộng mở đối với hiện thực Nga bộn bề lúc đó. Dưới nhiều hình vẻ, mô típ hành trình trở thành một trong những mô típ chủ đạo, có mối quan hệ khăng khít, thậm chí có vai trò chi phối tới hệ thống mô típ trong tác phẩm của Gogol.

Trên cơ sở hệ thống khái niệm ở chương thứ nhất, hai chương tiếp theo, chúng tôi tiến hành nghiên cứu những đặc điểm, phương tiện thể hiện cũng như chức năng của mô típ hành trình trong trường ca Những linh hồn chết.

Dựa trên điểm tựa không gian, luận văn khảo sát sự hiện diện của mô típ hành trình trong hai loại không gian chính: không gian vật thể và không gian tâm tưởng. Nếu như ở chương thứ hai, khi phân tích mô típ hành trình trong không gian vật thể của Những linh hồn chết, chúng tôi có thể đưa ra những kết luận về sự ảnh hưởng của hành trình đến kết cấu tiểu thuyết, cấu trúc không gian và tính cách nhân vật thì ở chương thứ ba, tìm hiểu hành trình trong không gian tâm tưởng lại đưa chúng tôi đến với không gian văn hóa Nga nhiều màu sắc, nhận diện bản chất của chế độ chuyên chế nông nô tàn nhẫn và thức ngộ hơn về những lựa chọn đầy trăn trở của Gogol trong nghề viết.

Đúng như kỳ vọng của Gogol khi đặt phụ đề cho tác phẩm của mình là

Những cuộc phiêu lưu của Chichikov, mô típ hành trình thực sự đã trở thành xương sống của bản trường ca, thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ nghệ thuật của nó và mang đến cho người đọc sự khám phá sâu hơn về các tầng tư tưởng

112

trong Những linh hồn chết. Hơn gì hết, mô típ hành trình là một phương tiện gửi gắm đầy dụng ý những tri nhận nghệ thuật của Gogol về nước Nga máu thịt của ông, cái nước Nga dẫu tiêu điều, xác xơ và không ở được nhưng vẫn thức gợi những tiếng gọi lương tâm và trách nhiệm nơi người nghệ sĩ.

Gogol viết phần thứ nhất của Những linh hồn chết khi ông đang ở nước ngoài. Tác phẩm kiệt xuất, chứa đựng những tư tưởng lớn nhất của Gogol đồng thời cũng là lời của một người con xa xứ đau đáu hướng về Tổ quốc. Hình tượng anh chàng Chichikov cô độc trên chặng đường dài dường như cũng chất chứa hình bóng của người lữ khách Gogol. Có rất nhiều sự ràng buộc trong tác phẩm, giúp bạn đọc hiểu hơn về một nhà văn Nga kì lạ đã cách chúng ta hàng thế kỷ dài. Mặc dù khi Những linh hồn chết ra đời, nhiều kẻ phê bình phản động phỉ nhổ tác phẩm, coi nó là sản phẩm quái đản của một nhà văn kì cục nhưng thời gian đã rửa trôi tất cả những lời xuyên tạc méo mó đó, để còn lại một thiên kiệt tác với những sự mời gọi và ám ảnh lạ lùng.

Nghiên cứu mô típ hành trình trong tác phẩm này, chúng tôi mới chỉ sử dụng một "chìa khóa" để mở thế giới bên trong Những linh hồn chết. Còn bao nhiêu con đường có thể dẫn tới thành Rome? Còn bao nhiêu cánh cửa nghệ thuật trong bản trường ca vẫn đang đóng chặt, đợi chờ và thách thức bạn đọc nhiều thế hệ? Câu trả lời đang ở phía trước, hãy lên đường đi thôi!

113

Tài liệu tham khảo

1. M. M. Bakhtin (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.

2. M. M. Bakhtin (2006), Sáng tác của Rabơle và nền văn hóa Trung cổ Phục hưng, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Bình (2006), Những cuộc hành trình trong tiểu thuyết của Jean- Marie Gustave Le Clezio, luận án tiến sĩ Ngữ Văn, Hà Nội.

4. Đặng Anh Đào (2007), Việt Nam và phương Tây- Tiếp nhận và giao thoa trong văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

5. Dante (2004), Thần khúc Địa ngục, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.

6. N. V. Gogol (1971), Bức chân dung- Tập truyện Petersburg, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.

7. N. V. Gogol (2001), Những linh hồn chết, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 8. N. V. Gogol (2006), Quan thanh tra, Nhà xuất bản Sân khấu, Hà Nội

9. Phạm Thu Hà (2006), Văn học Nga thế kỷ 19, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

10. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển Thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

11. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.

12. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2003), Từ điển văn học, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.

13. Nguyễn Huy Hoàng (2001), Thi pháp truyện ngắn N. V. Gogol, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

14. Homer (2001), Anh hùng ca Odyssey, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 15. Dẫn theo Danielle Jones, Gogol's Portrayal of Saint Petersburg in "Dead Souls", http://rmmla.wsu.edu/ereview/562/articles/jones.asp.

114

16. Kinh thánh (2006), Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.

17. Feliks Kuznesov, Sự lành mạnh tinh thần của nhân dân và văn học Nga, http://www.vienvanhoc.org/tap chi NCVN/Phe binh.

18. M. B. Khrapchenko (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.

19. M. B. Khrapchenko (1984), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

20. E. M. Meletinsky (2004), Thi pháp của Huyền thoại, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

21. Bùi Xuân Mỹ (biên soạn) (2001), Thần thoại Hy Lạp, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

22. Hoàng Xuân Nhị (1982), Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Đại học& Trung học chuyên nghiệp.

23. Phạm Gia Lâm (Tài liệu hướng dẫn), Những khuynh hướng hiện đại trong nghiên cứu Gogol (Nguồn: http://revolution.allbest.ru)

24. Phạm Gia Lâm (2007), Motip Kyto giáo trong "Nghệ nhân và Magarita" của Bulgakov, Nghiên cứu văn học, Số 2.

25. Nguyễn Hiến Lê (2000), Gogol (1809- 1852), Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

26. Iu. M. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

27. Phương Lựu (chủ biên) (1987), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

28. Diệp Tú Sơn (2004), Mỹ học tiểu thuyết (người dịch Nguyễn Kim Sơn), Phòng Tư liệu khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 29. B. Suchkov (1980), Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội.

115

30. Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

31. Trần Đình Sử (2000), Lý luận và phê bình văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

32. G. Pospelov (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

33. Laszlo Tikos, A search for identity, Chapter nine- "Dead Souls", http://samizdat/russian.html.

34. Hoàng Trinh (1998), Phương Tây - Văn học và con người, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mô típ hành trìnhtrong Những linh hồn chếtcủa N.V. Gogol (Trang 110 - 142)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)