13 Về vấn đề không gian trong sáng tác của Gogol, Robert Maguire đã lý
3.1.1. Tính cách Nga
Theo hành trình của tác giả tái hiện những tính cách Nga, chúng tôi không muốn nói lại về những nhân vật chính của câu chuyện nữa. Vì điều hiển nhiên, trong một tác phẩm văn học bất kỳ của một đất nước, các nhân vật luôn là hình mẫu đầy đủ nhất của những con người nơi đó. Những linh hồn
85
chết cũng thế. Chichikov tinh ranh, Manilov ủy mị, Korobochka tằn tiện, Nozdriov bịp bợm, Sobakievich gian ngoan, Pliushkin keo bẩn ...- tất cả đều là những nét tính cách Nga được phóng chiếu một cách sinh động và đậm đà. Những tính cách này đã được chúng tôi phân tích kỹ ở chương 2. Trong tiểu mục này, ngoài những điển hình đã có, chúng tôi muốn xem xét những tính cách Nga được tái hiện thêm nhờ sự liên tưởng mở rộng của tác giả.
Mặc dù quả quyết rằng mình sẽ theo sát nhân vật chính để dõi theo những chuyến chu du ngoạn mục của anh ta nhưng rất nhiều khi, người kể chuyện "để mặc" nhân vật của mình, say sưa nhận xét, mạn đàm, trữ tình ngoại đề về các nét tính cách của người Nga. Như mọi dân tộc trên thế giới luôn có những căn tính riêng, người Nga cũng đã từng hiện lên qua các tác phẩm văn học với rất nhiều cá tính độc đáo. Trong Những linh hồn chết, bằng sự tưởng tượng rẽ ngang dòng sự kiện chính, tác giả cho ta hiểu thêm nhiều hơn về những tính cách Nga "nguyên chất".
Người Nga, trước hết là những người định danh tính cách theo nhóm ngoại hình. ở chương 1, trong buổi tiệc tổ chức tại nhà tỉnh trưởng, mượn sự
quan sát của Chichikov, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi sâu tìm hiểu bản chất của các nhóm người nơi đây. Người kể chuyện thủng thẳng kể: "Cũng như ở mọi nơi khác, đàn ông chia làm hai hạng" [7, 23], đó là hạng béo và hạng gày. Trước hết, tác giả miêu tả về những người gày: "Hạng gày thì suốt buổi theo tán tỉnh phái đẹp. Vài người trong bọn họ thật khó mà phân biệt được với các công tử ở Petersburg, cũng như bọn ấy, họ chải bộ râu má rất diêm dúa, hay phô ra những bộ mặt trái xoan cạo nhẵn thín; cũng như bọn ấy, đối với phụ nữ họ có những điệu bộ tự nhiên, tựa hồ lơ đãng và nói những câu chuyện bông đùa bằng tiếng Pháp" [7, 23]. Chúng ta có cảm giác người kể đang dùng cặp mắt vô hình dõi theo từng cử chỉ của các anh gày, tìm kiếm những người đồng dạng với họ ở Petersburg, để rồi đưa ra kết luận rằng: người gày là những
86
người chải chuốt, có biệt tài tán gái. Đối lập với họ là các anh béo hoặc không béo, không gày như Chichikov "thì chẳng để ý gì đến các bà, các cô cho lắm và lúc nào cũng chăm chú chờ người nô bộc mang bàn đánh bài uyxt ra" [7, 23], rõ ra là những người hờ hững với đàn bà, chỉ dồn niềm say mê vào cờ bạc. Đến đây, người kể chuyện tinh nghịch lập tức miêu tả cặn kẽ gương mặt các anh béo "mặt họ phì nộn, tròn trĩnh", "tóc họ không toả thành chùm, cũng không xoáy thành ốc, cũng không để bờm xờm theo kiểu quỉ sứ bắt ta đi, như người Pháp thường nói, mà cắt ngắn hay chải dính sát vào thái dương" [7, 23].
Hình dáng của các anh béo đã tiết lộ tính cách của họ, như tác giả nói "hạng béo lại khéo thu xếp công việc của họ hơn hạng gày" vì họ có những đức tính rất phù hợp cho công việc: tính chắc chắn - "đã ngồi vào đâu là họ ngồi thật vững, thật chắc", tính giản dị, cóp nhặt - "họ không thích cái vẻ hào nhoáng bề ngoài, áo họ tuy không cắt khéo bằng áo bọn gày, nhưng hòm bạc của họ đầy hơn", tính cẩn trọng phòng xa - "anh béo, sau khi đã phụng sự đắc lực Thượng đế và Nga hoàng để được mọi người kính nể, lui về trí sĩ trên điền trang, chè chén linh đình, sống cuộc đời sung túc của ông chúa nông thôn; nhưng rồi chẳng bao lâu, những kẻ gày kế thừa họ sẽ tiêu tán sạch sành sanh cái gia tài của họ, theo đúng kiểu người Nga" [7, 24]. Trong những dòng miêu tả trên, người đọc như đang cùng tác giả đi đến khắp mọi nơi trên đất nước Nga rộng lớn để chứng thực và so sánh về những anh gày và những anh béo.
Tính cách Nga phân chia và định hình theo vẻ bề ngoài, phát hiện này thật đặc sắc!
Bên cạnh đó, bằng việc theo sát Chichikov du hành về các trại ấp khác nhau, tác giả còn cung cấp cho ta một đặc tính đáng quí của người Nga - tính
mến khách. Dù bạn chỉ là người mới quen nhưng khi bạn đến nhà của người
87
lên những món ăn ngon nhất, đưa bạn đến chỗ nằm êm ái nhất trong nhà, sẽ nhắc gia nhân cho ngựa của bạn ăn no và khi bạn chào từ biệt, họ sẽ ríu rít hẹn ngày gặp lại. Người Nga là như thế! Không phải dân tộc nào cũng có được tính xởi lởi và nhiệt tình như họ. Trong truyện, Chichikov đã được đón tiếp theo đúng tinh thần đó của người Nga. Không nói đến những cuộc gặp gỡ đã được hẹn trước, dù Chichikov lạc vào trại ấp của Korobochka giữa đêm khuya, vị chủ nhà bị đánh thức cũng không hề giận dữ mà nhanh nhẹn xếp chỗ ngủ cho khách, sáng hôm sau còn thết đãi khách mấy đĩa bánh kẹp thơm ngon.
Nhưng tính mến khách của người Nga cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đó là trường hợp người chủ Nozdriov phóng túng, côn đồ đã làm cho khách một phen hết vía. Việc Nozdriov làm trái lại với phong tục đón khách ở Nga đã bị tác giả lên án kịch liệt và mai mỉa rằng "ba con ngựa hình như coi Nozdriov không ra gì", rằng "mọi người ai cũng bất mãn cả" [7, 137]. Đó còn là trường hợp lão già Pliushkin keo kiệt, trại ấp phủ bụi mốc meo, đến miếng bánh mời khách cũng tiếc. Nhưng cứ theo như lời tác giả, bản thân mình, Pliushkin còn chẳng thèm quan tâm, lão sống theo kiểu "hành xác" như thế, làm sao mong đợi có thể rộng rãi với khách!
Tính mến khách trên gắn chặt với một nét tính cách độc đáo: sở thích du hành. Chính vì người Nga có tính quảng giao, thích đi đó đây nên trên
chặng đường dài, họ coi chỗ nào cũng như nhà mình, nơi đâu họ cũng được chào đón như một lẽ tất yếu. Rất nhiều trang viết, người kể chuyện say sưa nói về những cuộc hành trình và niềm vui thích được đi du lịch "Biết bao cái lạ lùng và hấp dẫn, và cám dỗ, và kỳ ảo mà hai tiếng lữ hành gợi lên cho ta! Và chính cuộc lữ hành này mới thần diệu làm sao! Trời quang, mây tạnh, lá thu rơi, không khí mát lạnh... Dát lạnh, ta cuộn mình trong chiếc măng tô, kéo mũ lông xuống tận tai, nép người vào một góc xe" [7, 308]. Bay bổng theo lời
88
văn, người đọc như đang thoát ra khỏi những sự kiện ngổn ngang của câu chuyện để du hành đến những miền xa xăm, dõi mắt nhìn "những nhà thờ với những nóc hình cầu cổ kính và những mũi tên đen sạm", "các mái nhà gỗ sáng lên một ánh kim", "bầu trời cao xa, sâu thăm thẳm, mênh mông, đầy âm thanh và trong sáng" [7, 369]. Cuộc hành trình bằng trí tưởng này mở ra trong các miền không gian mênh mang và trôi đi cùng dòng chảy kỳ diệu của thời gian, mới đây còn là "đêm thanh tĩnh" đã thoắt chuyển sang "một màu phơn phớt vàng xuất hiện trên chân trời trăng trắng.." [7, 369].
Thậm chí, một lúc nào đó, người kể chuyện bất chợt ngược dòng quá khứ, kể lại một kỷ niệm rất xa về những chuyến chu du đầu đời: "Ngày xưa trong thời niên thiếu xa xăm của tôi, trong thời thơ ấu không bao giờ trở lại nữa mà được đến một nơi xa lạ lần đầu tiên: thôn xóm, làng mạc, thị trấn hay lỵ sở tồi tàn của một tổng là lòng tôi hân hoan..." [7, 170]. Dường như, ta gặp lại thời thơ ấu của chính mình trong những dòng tâm sự trữ tình ấy.
Niềm yêu thích đi du lịch là bản tính tự nhiên của người Nga. Trên đất nước của những hàng bạch dương xôn xao, đất nước của dòng Vonga thơ mộng, của những mùa thu vàng rợp bóng, của những cánh đồng và thảo nguyên bát ngát, có ai lại không thích lên đường để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp diệu kỳ của Tổ quốc mình. Gogol - người Nga chân chính - hiểu thấu hơn ai hết cảm giác tuyệt vời của một chuyến du hành "Thỉnh thoảng đi một chuyến thật xa, thật xa, còn gì tốt bằng! (...) Rong ruổi dặm trường, ta đã được trải qua biết bao ấn tượng thần tiên" [7, 370]. Những đoạn trữ tình ngoại đề này giống như một cuộc hành trình xoáy sâu vào cảm giác, đi đến nơi sâu thẳm tâm hồn của mỗi người Nga. Cảm hứng du hành có lẽ cũng là ngọn nguồn để tác giả viết nên câu chuyện về những cuộc phiêu lưu của Chichikov.
Ngoài những trường đoạn hé lộ những đặc tính nổi bật của người Nga, tác giả còn đan xen giới thiệu một vài nét tính cách khá thú vị, đó là: tính
89
thích chè chén của các ông, tính tụ bạ, ngồi lê đôi mách của các bà các cô, tính quyết đoán nhiều khi thành ra bộp chộp ("như người Nga, trong những lúc nguy nan, bao giờ cũng quyết định mà không cần suy nghĩ" [7, 63]), tính háo danh ("người Nga là như thế: họ khao khát được làm quen với bất cứ ai cao hơn họ, dù chỉ là một cấp và thích những quan hệ qua quít với các bá tước hay công tước hơn là lạc thú của một tình bạn thâm giao" [7, 32])...
Tóm lại, người kể chuyện đã đưa ta đi tìm những nét tính cách Nga với đầy đủ những mặt tốt và xấu, không một chút giấu giếm. Dù trong số những căn tính này, mỗi dân tộc có thể nhận ra một vài nét trùng hợp với dân tộc mình nhưng tổ hợp những tính cách này thì chỉ người dân Nga mới có. Điều này tạo nên một nước Nga độc đáo, không bị hoà lẫn vào những dân tộc khác.