13 Về vấn đề không gian trong sáng tác của Gogol, Robert Maguire đã lý
2.3.1. Chủ thể của hành trình
2.3.1.1. Bộ ba chủ - tớ
Trên chiếc britska tiến vào khách sạn, những chủ thể chính của hành trình dần dần lộ diện, đó là: ông chủ Chichikov, gã xà ích Selifan và gã hành bộ Petrushka. Mô típ ông chủ và người hầu là mô típ phổ cập khi viết về các cuộc hành trình. Trong tiểu thuyết Don Quixote (Cervantes), cuộc hành trình của "nhà quí tộc tài ba xứ Mantra" chỉ được tiến hành khi có thêm anh nông dân Santro. Trong tiểu thuyết Tây du ký (Ngô Thừa Ân), Đường Tam Tạng
68
phải thu nạp thêm ba đệ tử là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng thì mới vượt qua được 81 nạn của cuộc hành trình lấy kinh gian khổ. Rõ ràng, Gogol đã kế thừa những kinh nghiệm văn học quý giá để xây dựng mô típ nhân vật cho bản trường ca của mình.
Tuy nhiên, Gogol học tập mà không lặp lại. Trong mô típ nhân vật của ông, người đọc vẫn nhận ra những dụng ý nghệ thuật độc đáo. Sự độc đáo được thể hiện ngay trong số lượng các chủ thể hành trình: khác với các tác phẩm kinh điển thường lựa chọn hai nhân vật hoặc một nhóm nhân vật tiến hành chuyến đi, Gogol cố ý tạo ra một bộ ba nhân vật. Chichikov và hai gã nô bộc của mình thực sự tạo thành một bộ ba, góp mặt cùng với những bộ ba khác trong Những linh hồn chết (ví dụ: ba con ngựa kéo xe cho Chichikov- con Hồng bờm đen, con Vằn, con Trợ tá; chiếc giường "chỉ có ba chân" mà Petrushka nài nỉ mãi mới mượn được ở nhà trọ…). Không phải ngẫu nhiên mà Gogol ưa thích sử dụng các "bộ ba". Chúng tôi cho rằng, đối với một tác giả giàu lòng tin Cơ đốc giáo như Gogol, ý nghĩa của con số 3 rất lớn. Đạo Cơ đốc quan niệm số 3 là một con số hoàn thiện, hoàn mỹ, biểu thị tinh thần
tam vị nhất thể, phản ánh trật tự vĩnh hằng của vũ trụ. Gogol thấu hiểu biểu tượng của con số 3 và đã từng gửi gắm bao khát vọng đẹp đẽ qua hình tượng cỗ xe tam mã (xem phần 1.3.2 của luận văn). Chỉ có điều, ở Những linh hồn chết, giống như cái cách mà nhà văn đã làm với kết cấu và không gian tiểu thuyết, thông qua bộ ba nhân vật của mình, Gogol lại muốn thể hiện một sự giễu nhại đối với mọi trật tự cuộc sống.
Trước tiên, ta hãy thử để ý một chút đến cách đặt tên của Gogol dành cho ba nhân vật này. Gogol là một nhà văn rất thích chơi chữ. Nhân vật của ông thường được đặt tên theo một chủ ý nhất định. Ví dụ: tên nhân vật Akaki Akakievich (trong Chiếc áo khoác) không có một ý nghĩa nào cả, giống như cuộc đời nhỏ nhoi và thầm lặng của bác. Trong trường hợp này cũng thế, tên
69
của chủ tớ nhà Chichikov mang một hàm nghĩa khá đặc biệt, góp phần phản ánh đặc tính của nhân vật.
Tên đầy đủ của người lữ khách là Pavel Ivanovich Chichikov - một cái tên ẩn giấu nhiều điều thú vị. Bóc tách cái tên Chichikov, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: từ tố chi theo tiếng Ukraina có nghĩa là "ai đó", khi gấp đôi từ tố này (chi- chi) cộng với hậu tố kov thì cả cụm từ này có nghĩa là "con trai của một ai đó" - một cụm từ rất mập mờ, bí hiểm. Còn Pavel là đọc trệch của từ Paul - tên người tông đồ thứ nhất trên đất Thánh, đồng thời là ông tổ truyền đạo của Cơ đốc giáo; Ivanovich - tên được đặt theo kiểu Nga, nghĩa là "con trai của Ivan". Với tất cả những ý nghĩa này, cái tên của nhân vật như muốn nói với người đọc rằng anh ta chính là một vị thánh huyền bí, đi khắp nước Nga để thực hiện sứ mạng cao cả là khai sáng cho những người dân còn mê muội. Nhưng sự thật thì sao? Chichikov - người được Gogol choàng cho một cái tên thánh cao quí, thực chất chỉ là một kẻ lừa đảo, lợi dụng sự mê muội của mọi người để tư lợi cá nhân. Và hành trình của "vị thánh" này chỉ nhằm một "sứ mạng" duy nhất là thu mua những nông phu chết để đổi chác thành tài sản bất chính, làm giàu cho bản thân hắn. Mai mỉa thay sự khập khiễng giữa tên gọi và bản chất bên trong!
Tiếp đó, hãy thử quan sát những cái tên của hai gã nô bộc. Selifan, theo một cách khác có thể được phiên âm là Serafim, có nghĩa là một thiên thần gác cổng. Qua ngòi bút hóm hỉnh của Gogol, "thiên thần" là một "người thấp bé, mặc áo tulup ngắn" [7, 12], rất thích uống rượu và la mắng những con ngựa kéo xe. Trong khi đó, Petrushka, một cái tên bắt nguồn từ đời sống Nga và Ukraina, gắn liền với hình ảnh một anh hề dân gian. Đúng như tên gọi, ở Petrushka có nhiều đặc điểm gây cười, đáng nhớ: "Petrushka mặc một cái áo lễ dài, cũ của chủ, màu vỏ quế, hơi rộng" [7, 31], bộ dạng lầm lì, có sở thích "đọc những sách mà hắn chẳng cần quan tâm đến nội dung mấy" và đặc biệt
70
nhất là người hắn có "cái mùi cố hữu, mùi mồ hôi của vật hấp hơi" [7, 31] mà ngay cả ông chủ của hắn cũng phải nhăn mặt khó chịu.
Gogol đánh giá hai gã nô bộc chỉ là "nhân vật hạng hai, hạng ba và chẳng có mấy vai trò trong bản trường ca của chúng ta" [7, 30]. Nhưng rõ ràng, trong ý đồ ngầm ẩn của mình, khi sắp đặt hai gã người hầu bên cạnh ông chủ Chichikov, Gogol đã tạo nên một thế chân vạc hoàn chỉnh. Và theo như tinh thần Cơ đốc giáo, bộ ba nhân vật này quả thật là tam vị nhất thể - chủ và tớ chẳng khác gì nhau, đều là những kẻ trơ trẽn và khoác lác.
Chẳng kém cạnh gì giọng điệu cao biện của ông chủ khi giải thích cho các đối tượng về mục đích của mình, gã xà ích Selifan cũng dùng một giọng triết lí rởm đầy kiêu ngạo khi quát mắng mấy con ngựa kéo xe tội nghiệp: "Không, bạn thân ạ, cư xử cho đúng đắn nếu mày muốn người ta trọng mày. Hãy noi gương, chẳng hạn, ông chủ nhà ta vừa ra khỏi nhà, gia nhân người ta ngay thẳng biết mấy!" [7, 62]. Selifan còn thừa hưởng cả tính cách lấp liếm của ông chủ trong trường hợp đánh xe đi nhầm đường mà cứ cố đổ tại thời tiết xấu (chương 3). Còn gã hành bộ Petrushka, ngay trong sở thích đọc sách mà chỉ quan tâm đến việc đọc, không thèm để ý nội dung cuốn sách, đã thể hiện đặc tính rởm đời giống như ông chủ. Petrushka còn là một kẻ trâng tráo, hay nói dối, thích nhậu nhẹt và ương bướng vô cùng. Đúng là "chủ nào tớ nấy". Cả Selifan lẫn Petrushka khi được xếp bên cạnh Chichikov đã góp phần tô đậm hơn bản chất của ông chủ mà chúng theo hầu.
Bộ ba chủ tớ Chichikov đã thực hiện các chuyến đi trên một bộ ba ngựa kéo - những con ngựa mà theo như lời gã xà ích phàn nàn, cũng xỏ lá, lười biếng, dối trá không khác gì con người. Đây quả là một sự sắp xếp hữu ý của Gogol. Nhà văn như muốn bằng tiếng cười nhẹ nhàng nhưng bén ngọt để chế giễu mọi thói tật của cuộc đời. Trung tâm của sự giếu nhại không gì khác là
71
nhân vật chính Chichikov - một nhân vật mang mặt nạ trong suốt hành trình và chỉ lộ diện khi kết thúc chuyến chu du của mình.
2.3.1.2. Chichikov - nhân vật mang mặt nạ
Theo những diễn giải của tác giả trong chương mười một, Chichikov không phải là một nhân vật đức hạnh, cũng không hoàn toàn là kẻ vô lại vẫn thường có trong nhiều truyện từ trước đến nay. Là người lữ khách với những chuyến đi không mệt mỏi, Chichikov cũng là một nhân vật thường xuyên di chuyển giữa các vai trò, các đối cực giá trị khác nhau. Và có lẽ, sức hút của nhân vật bắt nguồn từ đó, từ chính những sự không rõ ràng, không thể gọi đúng tên, nhưng ở nhân vật ấy luôn có sự tương hợp kỳ lạ giữa bộ dạng, tác phong, tính cách, ý chí. Tất cả những đặc điểm này đã hiển thị thật rõ nét thông qua những cuộc hành trình của nhân vật.
Trong công trình nổi tiếng Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bakhtin có nhắc đến lý thuyết về mặt nạ trong lễ hội cacnavan. Theo nhà nghiên cứu: "Những mặt nạ dân gian - Marcus, Pulcinella, Arlequin - có thể hành động trong mọi thân phận và có mặt trong mọi tình huống nhưng bản thân chúng không bao giờ bị các thân phận và cảnh huống ấy khai thác cạn kiệt, bao giờ chúng cũng gìn giữ được - vượt lên trên mọi thân phận, cảnh huống - cái phần dư thừa vui nhộn của mình, bao giờ cũng bảo tồn được cái bộ mặt con người không phức tạp, nhưng không khi nào khánh kiệt của mình" [1, 70]. Lý thuyết
mặt nạ này thực sự phù hợp khi áp dụng vào phân tích nhân vật Chichikov. Trái với vẻ bề ngoài hết sức bình thường - không đẹp mà cũng không xấu, không béo mà cũng chẳng gầy - Chichikov có những phẩm chất đặc biệt, không chê vào đâu được. Đó là khả năng giao tiếp thiên phú: "Tiếp chuyện những nhà cầm quyền, y khéo tâng bốc từng người. Với tỉnh trưởng, y nói rằng bước vào địa phương của ngài trong trấn, y tưởng như lạc vào cõi thiên đường (…). Với cảnh sát trưởng, y nói mấy lời tán dương trật tự tề chỉnh của
72
lính tuần cảnh thành phố. Tiếp chuyện phó tỉnh trưởng và chánh án, y cố ý lầm lẫn, gọi các ngài hai lần là đại nhân…" [7, 20]. Đó là tính cách nhã nhặn và biết thu phục lòng người một cách tuyệt đối: "Tóm lại, ở đâu y cũng vẫn được xem là con người mẫu mực. Y đến đâu là tất cả các quan lại đều vui mừng. Nói đến y, tỉnh trưởng gọi y là một người đầy thiện ý, chưởng lý gọi là một người tài ba, đại tá cảnh binh - là một người uyên bác, chánh án - là một người học thức và đáng trọng, cảnh sát trưởng - là một người đáng quý, đáng mến; bà cảnh sát trưởng - là con người lịch sự, dễ ưa nhất…" [7, 29]. Chichikov đã thành công khi tự tạo cho mình một vỏ bọc tuyệt hảo.
Trên hành trình về các trại ấp, Chichikov tiếp tục chứng minh tài xã giao và khả năng ứng biến với mọi hoàn cảnh. Đến với gia đình Manilov, y không tiếc lời khen ngợi các vị quan chức trong tỉnh để tung hứng theo những lời xưng tụng của gia chủ:
"- Còn quan phó tỉnh trưởng, cũng là người thật tốt, phải không nào? Manilov lại nói, vừa nói vừa lim dim đôi mắt.
- Một người rất, rất có phẩm chất, Chichikov trả lời
- Xin phép bác, còn quan cảnh sát trưởng, theo bác thì thế nào? Thật tình ông ta rất đáng yêu.
- Rất đáng yêu! Và tài trí biết bao, học thức biết bao!" [7, 44]
Và thậm chí, Chichikov cũng chẳng ngượng mồm khi bày tỏ lòng thán phục với những câu trả lời cụt lủn của cậu con trai nhà Manilov: "Hoan hô chú bé! Chichikov kêu lên và nói tiếp với Manilov, vẻ thán phục vô cùng, - nhưng này, bác có thấy rằng cháu rất có thiên tư không nào?" [7, 48]. Những lời tán dương mà Chichikov dành cho Manilov đã đạt được hiệu quả mỹ mãn.
Đến với trại ấp Korobochka do sự đưa đẩy của trận bão lớn nhưng Chichikov chẳng hề nao núng với cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Chỉ cần quan sát gia cảnh và cách ăn mặc của chủ nhà, Chichikov đã thừa hiểu mình cần phải
73
ứng đối với người này như thế nào. Với Korobochka, thái độ của Chichikov hoàn toàn khác hẳn so với khi gặp gỡ Manilov bởi lẽ: "Trước một chúa ấp có hai trăm nông phu, những kẻ gian hùng của chúng ta hát một bài tụng ca khác với bài hát trước một chúa ấp ba trăm nông phu; họ không nói với chúa ấp ba trăm nông phu cùng một giọng như với chúa năm trăm nông phu và lại đổi giọng với chúa tám trăm nông phu..." [7, 75]. Chichikov thật khôn ngoan. Nếu như với Manilov, hắn xin được nông phu chết nhờ thái độ nhã nhặn và những lời có cánh thì với bà góa Korobochka, Chichikov lại đạt được mục đích bằng thái độ hung hăng và những lời doạ nạt. Cứ như thế, với Sobakievich, Chichikov dùng một giọng kiên quyết, không nhượng bộ; với Pliushkin, thái độ của hắn chuyển sang sự cảm thông sâu sắc khiến cho lão già tằn tiện sung sướng nghĩ rằng mình đang được gặp một vị thánh, một ân nhân lớn trong đời [7, 192]. Như vậy, dù phải tiếp xúc và giao dịch với bất kỳ trang chủ nào, Chichikov đều biết cách xoay chuyển linh hoạt để tình thế có lợi cho mình. Quả thật, bằng sự tinh khôn, khéo xoay sở, khéo thay đổi, Chichikov đã "túm bắt được linh hồn của những kẻ đang sống, gây được cái ảnh hưởng không cưỡng lại nổi đối với những người xung quanh" [19, 104].
Những đặc tính của nhân vật Chichikov khiến ta liên tưởng đến người anh hùng Ulysses trong sử thi Hi Lạp. Dù Chichikov chỉ là một nhân vật mang chiếc mặt nạ giả dối, không thể nào sánh được với chàng Ulysses kiêu hùng nhưng xét trên khía cạnh nào đó, sự lanh lợi, biết thích nghi với mọi môi trường của nhân vật này không hề thua kém người anh hùng khi chàng vượt qua những thử thách trên biển cả. Đọc anh hùng ca Odyssey, ta thấy chàng Ulysses nhờ tài ăn nói khôn khéo, nhờ mưu trí và đôi khi có cả "thủ đoạn" (Ulysses đã lừa quái vật Poliphem uống rượu say để chọc thủng mắt của nó) mới có thể thoát hết nạn nọ đến nạn kia để trở về quê hương nguyên vẹn. Chichikov đâu kém gì so với Ulysses! Hắn cũng tính toán, cũng "uốn lưỡi",
74
cũng không ngừng dùng mưu này chước nọ để thu phục đối tượng trong các chuyến thu mua của mình. Một điểm tương đồng khá thú vị nữa mà chúng tôi phát hiện ra trong quá trình so sánh hai nhân vật này: giống như người anh hùng một lòng hướng về Tổ quốc và gia đình, Chichikov dẫu phải trải qua rất nhiều thử thách, có lúc suýt nguy hiểm đến tính mạng (ở cuộc gặp gỡ với Nozdriov) nhưng không bao giờ từ bỏ mục đích. Kể cả khi nhân vật bị những sự kiện bất ngờ đưa đẩy thì ở hắn vẫn luôn luôn tồn tại một mục đích duy nhất và Chichikov sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích ấy (ví dụ: khi đặt vấn đề với tên bịp bợm Nozdriov, bất chấp việc hắn dụ chơi bài, đổi chác, dọa nạt, Chichikov vẫn kiên quyết gạ mua nông phu chết). Trong cái mục đích xấu xa của Chichikov ta lại nhìn thấy cốt lõi của một ý chí và nghị lực phi thường. Và nếu như được dùng một từ cho chính xác thì phải gọi cái ý chí tồn tại trong con người Chichikov là ý chí sử thi (chúng tôi nhấn mạnh- T.T.H.H).
Bên cạnh những đức tính "đáng quí" trên, Chichikov còn có khả năng thoát ra mọi nguy nan để bảo toàn chiếc mặt nạ của mình. Trong Những linh hồn chết, rất nhiều lần tác giả đã đẩy nhân vật vào những tình huống kịch tính nhưng lần nào cũng thế, mỗi lẫn Chichikov gặp nạn, anh ta lại bằng cách này hay cách khác kịp thời tháo chạy khỏi những điều rủi ro. Khi bị Nozdriov gây sự và đang trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", sự xuất hiện của viên đại úy cảnh sát vô tình đã cứu thoát Chichikov khỏi một trận đòn chí mạng (chương 4). Cũng là Nozdriov lè nhè tiết lộ cho Chichikov về những tin đồn thất thiệt trong thành phố, nhờ vậy mà Chichikov kịp chạy tháo thân trước khi người dân phát hiện ra sự thật (chương 10). Và ở cuối phần 1 của trường ca, lẽ ra người đáng bị trừng phạt là Chichikov thì thay vào đó lại là ông chưởng lý vì quá sợ hãi đã chết bất đắc kỳ tử (chương 11). Những chi tiết này gợi nhắc về một tín ngưỡng cổ xưa. Trong các nghi lễ thụ pháp, để dâng lễ lên thần linh, người ta thường thay thế nhân vật chính bằng một nhân vật phụ để bảo toàn
75