1.2. Một số vấn đề lý luận chung về toàn cầu hóa
1.2.1. Khái niệm toàn cầu hóa
Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về bản chất, nội dung của toàn cầu hóa, cũng như các loại hình của nó, điều này phụ thuộc vào góc nhìn, mục đích khai thác khái niệm cũng như cách thức tiếp cận vấn đề của nhà nghiên cứu. Nhìn chung có thể khái quát thành những quan điểm như sau:
Tác giả Phạm Thái Việt (2006) trong cuốn sách Toàn cầu hóa những biến
đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa cho rằng,
“1. Toàn cầu hóa là một quá trình phức tạp, thể hiện ra dưới dạng những dòng tư tưởng, tư bản, kỹ thuật và hàng hóa ở quy mô lớn, đang tăng tốc và khuyếch trương trên toàn thế giới và gây ra những biến đổi căn bản trong xã hội của chúng ta.
2. Toàn cầu hóa được hiểu như cách thức diễn đạt một cách ngắn gọn cái quá trình mở rộng phổ của các quan hệ sản xuất, giao tiếp và công nghệ ra khắp thế giới. Quá trình này đã làm cho các hoạt động kinh tế và văn hóa đan bện vào nhau.
3. Toàn cầu hóa như một quá trình (hoặc một tập hợp gồm nhiều quá trình) làm biến dạng kết cấu không gian của các quan hệ và giao dịch xã hội. Quá trình này làm nảy sinh các dòng chảy xuyên lục địa hoặc liên khu vực và làm xuất hiện các mạng lưới hoạt động, tương tác giữa các quyền lực...” [62, 21].
“Toàn cầu hóa là một quá trình mà thông qua đó thị trường và sản phẩm ở nhiều nước khác nhau trở nên ngày càng phụ thuộc lẫn nhau do tính năng động của việc buôn bán hàng hóa và dịch vụ cũng như do tính năng động của sự lưu thông vốn tư bản và công nghiệp” [6, 78].
“Toàn cầu hóa là một quá trình biến các vùng miền, các cộng đồng người khác nhau từ trạng thái biệt lập, tách rời nhau thành một trạng thái khác về chất, bằng sự liên kết gắn bó thành một thể thống nhất hữu cơ trên quy mô toàn cầu. Khi đó, một sự kiện, một hiện tượng, một vấn đề xảy ra ở vùng miền này, ở cộng đồng người này sẽ có ảnh hưởng, tác động tới các vùng miền, các cộng đồng người khác trên quy mô toàn thế giới” [47].
Như vây, thực chất toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới, hay nói như C.Mác là quá trình lịch sử biến thành lịch sử toàn thế giới. Toàn cầu hóa là giai đoạn mới, giai đoạn phát triển cao của quá trình quốc tế hóa đã diễn ra từ nhiều thế kỷ trước đây. Hình thức biểu hiện đầu tiên của toàn cầu hóa là toàn cầu hóa kinh tế. Sự xuất hiện xu thế toàn cầu hóa kinh tế bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất trên phạm vi quốc gia và quốc tế, từ nền kinh tế thị trường thế giới. Sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ với quá trình biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp, sự phát triển của các công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới... đã làm thay đổi về chất lực lượng sản xuất của loài người, đưa loài người từ nền văn minh công nghiệp lên văn minh tin học, từ sản xuất cơ khí lên tự động hóa, tin học hóa sản xuất. C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch rõ: “Vì luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở nơi khác… Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới...” [29, 601].
Nhưng bên cạnh quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra như là một xu thế tất yếu và đang trở thành đề tài nóng bỏng trên thế giới thì chúng ta cần nhận ra một trào lưu toàn cầu hóa khác, nó cũng diễn ra rất quyết liệt, đó là toàn câu hóa về văn hóa.
Toàn cầu hóa văn hóa “phản ánh không chỉ xu hướng nhất thể hóa các chuẩn giá trị mà còn bao hàm tất cả những hậu quả khả dĩ do giao lưu và tương tác văn hóa đem lại; cụ thể như: sự dung nạp lẫn nhau giữa các nền văn hóa để hình thành nên hệ giá trị chuẩn chung cho toàn nhân loại; sự va chạm và đụng độ giữa các nền văn hóa ở cấp độ toàn cầu; xu hướng bài ngoại, chủ nghĩa biệt lập văn hóa” [62, 333]. Trên cơ sở của sự tăng cường mạnh mẽ của toàn cầu hóa kinh tế thì sự tăng cường mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là giao thông và viễn thông, sự tăng cường giao lưu ảnh hưởng và xích lại gần nhau giữa các dân tộc, các quốc gia khiến văn hóa các dân tộc có nhiều cơ hội giao lưu ảnh hưởng, học hỏi chia sẻ lẫn nhau. “Truyền thanh, truyền hình và Internet đã chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa thành đơn vị chung cho tất cả các nền văn hóa trên thế giới (chẳng hạn như thời trang, thể thao, du lịch, văn hóa đại chúng). Cũng nhờ công nghệ thông tin mới mà nhiều thành tựu văn hóa riêng lẻ của các dân tộc - từ những di sản cổ đại đến các hiện tượng trác tuyệt trong nghệ thuật, văn học và âm nhạc, trong triết học và khoa học - đã bước qua biên giới dân tộc để trở thành tài sản chung của nhân loại. Đây là xu hướng hội nhập văn hóa và tạo ra hệ các giá trị phổ quát trong điều kiện toàn cầu hóa” [62, 286].
Mặt khác, toàn cầu hóa văn hóa còn thể hiện sự trao đổi và giao lưu văn hóa đó khiến mỗi nền văn hóa khác nhau, trong quá trình va chạm với nhau, trên cơ sở gìn giữ bản sắc nền văn hóa của mình, đã đồng thời hấp thu và tham khảo các nền văn hóa khác, thậm chí còn hình thành sự hòa đồng giữa các nền văn hóa khác nhau về chất. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay trong toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa văn hóa nói riêng đang có hiện tượng đồng hóa văn hóa, dưới sức ép của quyền lực nước lớn muốn áp đặt văn hóa và hệ tư tưởng của mình lên các quốc gia khác nhau trên phạm vi toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản đang tự cho mình quyền áp đặt cái gọi là giá trị của thế giới tự do, đứng đầu là Mỹ, Mỹ đã từng tuyên bố: “Chúng ta sẽ mở rộng hòa bình bằng cách khuyến khích mở cửa và tự do tại các xã hội trên mọi lục địa” [66].
Như vậy, trên thực tế hiện nay đã xuất hiện nhiều mối đe dọa và thách thức đối với việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đạo đức truyền thống của xã hội là một trong những yếu tố bị chi phối nặng nề trong quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt thông qua toàn cầu hóa văn hóa. Điều đó có nghĩa là toàn cầu hóa có ảnh hướng rất lớn đến việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống hiện nay.
Vì vậy, chúng ta không nên hiểu toàn cầu hóa một cách đơn giản, phiến diện mà cần nhìn nhận nó như là một quá trình phức tạp, đầy mâu thuẫn, có tính chất hai mặt chứa đựng cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, cả thời cơ và thách thức đối với tất cả các quốc gia, trong đó các nước đang và chậm phát triển chịu nhiều thách
thức gay gắt hơn. Trong khuôn khổ của luận văn chúng tôi hiểu Toàn cầu hóa là
quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.