2.1. Thực trạng phát huy giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam trong bối cảnh
2.1.3. Phát huy giá trị đạo đức truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động
Cần cù, sáng tạo trong lao động là một trong những giá trị đạo đức truyền thống nổi bật của dân tộc Việt Nam. Nó được xem như là một yêu cầu khách quan của người dân Việt Nam vì: ở vị trí địa lý nằm gần trung tâm khu vực Đông Nam Á, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, như nắng lắm, mưa nhiều, nhưng đó cũng chính là khó khăn do thiên nhiên tạo ra, có khi mùa hè nắng nóng, hạn hán kéo dài làm cho ruộng
đồng nứt nẻ, nhưng có khi mưa, lũ lụt triền miên làm cho người dân gặp không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đó đã buộc người dân Việt Nam phải hình thành nên đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Cũng từ tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động nhân dân Việt Nam mới sáng tạo ra nhiều cách đánh giặc thông minh, hiệu quả cao bằng cách lợi dụng thiên nhiên thủy triều lên xuống, bẫy đá, hầm chông để đánh giặc... và kết quả là chúng ta đã đánh thắng lần lượt các kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta rất nhiều lần. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhờ tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động nhân dân ta đã đảm bảo hậu cần, nuôi quân khỏe, ăn no, đánh thắng, làm nên những chiến thắng chấn động địa cầu. Các phong trào lao động sản xuất được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, những người phụ nữ hậu phương trong phong trào “ba đảm đang”, bằng khí thế “mỗi người làm việc bằng hai” nhân dân đã lao động hết mình, hạt gạo chia ba nuôi quân đánh giặc, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… đã tạo nên sức mạnh đưa cả dân tộc ta đến thắng lợi mùa xuân 1975.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa nhằm đáp ứng cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tinh thần cần cù và sáng tạo trong lao động, hiện nay chúng ta đã thực hiện nhiều phong trào, tuyên truyền và vận động ý thức hăng say lao động trong quần chúng nhân dân, mỗi ngành nghề, địa phương đều có phong trào thi đua của riêng mình cho phù hợp với điều kiện của từng ngành, nghề, địa phương. Cụ thể như:
Trong ngành giáo dục, bên cạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã trở thành truyền thống của ngành trong nhiều thập kỷ, còn có phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” và các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” tiếp tục được triển khai. Từ năm học 2006 - 2007 đến nay, xuất phát từ thực tiễn, ngành Giáo dục đã tích cực chỉ đạo thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động
“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Những phong trào thi đua và các cuộc vận động này đang ngày một phát triển sâu rộng trong toàn ngành với tinh thần mới, khí thế mới, thực sự phát huy nội lực của ngành và huy động các nguồn lực của xã hội, tạo nên động lực to lớn để chấn chỉnh kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục - đào tạo lành mạnh. Làm cho chất lượng giáo dục học sinh và đào tạo nguồn nhân lực tiếp tục được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước.
Đối với ngành y tế, hàng năm vào ngày 27/2 - ngày truyền thống của ngành, Bộ y tế phát động phong trào thi đua như học tập và noi theo tấm gương Anh hùng liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cán bộ y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực công tác; thi đua “Hướng về y tế cơ sở, cán bộ y tế làm theo lời dạy của Bác “Thầy thuốc như mẹ hiền”; Thi đua nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh… Việc tham gia các phong trào đã tạo niềm tin cho cán bộ toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khống chế các loại dịch bệnh, chủ động trong sản xuất thuốc… Từ những kết quả đạt được Bộ Y tế đã tổ chức tôn vinh nhiều cán bộ y tế cơ sở tiêu biểu xuất sắc trong cả nước.
Ngoài ra, còn nhiều phong trào thi đua lao động, sáng tạo, tiêu biểu của nông dân thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo đã được phát động từ năm 1989. Đến năm 2011 có 4,2 triệu hộ nông dân sản xuất giỏi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhìn chung trong hầu khắp các đơn vị ở mọi lĩnh vực sản xuất đều phát động phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Sáng tạo trẻ”…
Các chương trình truyền hình cũng đã và đang góp phần tuyên truyền cho truyền thống lao động cần cù, sáng tạo như chương trình “Sáng tạo Việt” nhằm tìm kiếm những sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng vào quá trình sản xuất. Từ nhiều năm
nay đã có giải thưởng thường niên “Sao vàng Đất Việt” nhằm tôn vinh sự lao động sáng tạo của các tập thể và cá nhân xuất sắc tiêu biểu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo vẫn còn một số hạn chế như, việc tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” chưa thực sự đi hết khả năng của mình ở nhiều công ty, xí nghiệp. Đặc biệt là giáo dục ý thức làm việc cho người lao động còn hạn chế, nhiều cơ quan nhà nước còn tình trạng “đi muộn về sớm” vẫn còn tồn tại, tâm lý ngại lao động chờ đợi cơ hội còn nhiều. Hiện tượng chạy theo thành tích ở một số ngành như giáo dục, y tế, giao thông vẫn là phổ biến. Thói lười học, lười làm việc nhà ở nhiều người từ tuổi nhi đồng đến thanh niên có chiều hướng lan rộng đã thực sự là hiện tượng rất đáng quan ngại.
Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi con người ta đề cao sức mạnh của đồng tiền, lương tâm nghề nghiệp suy thoái đã gây ra những bức xúc trong xã hội, chẳng hạn như thời gian vừa qua trong ngành y tế đã xảy ra vụ việc bác sĩ thẩm mỹ viện ném xác bệnh nhân xuống sông, tiếp đến vụ việc y, bác sĩ của bệnh viện cố ý nhân bản phiếu xét nghiệm của bệnh nhân để lấy tiền bảo hiểm. Qua đó dễ thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thì trong việc phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động vẫn tồn tại không ít hạn chế. Yêu cầu đặt ra là cần có những biện pháp khắc phục để trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay chúng ta có thể phát huy tốt truyền thống này.