2.1. Thực trạng phát huy giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam trong bối cảnh
2.1.5. Một số vấn đề đặt ra trong phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong bố
trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Toàn cầu hóa là một quá trình có thể biến các vùng, miền, các cộng đồng người khác nhau từ trạng thái biệt lập, tách rời nhau thành một trạng thái khác nhau về chất, bằng sự liên kết gắn bó thành một thể thống nhất hữu cơ trên quy mô toàn cầu. Khi đó, một sự kiện, một hiện tượng, một vấn đề xảy ra ở vùng miền này, ở cộng đồng người này sẽ có ảnh hưởng, tác động tới các vùng miền, các cộng đồng người khác trên quy mô toàn thế giới. Hay nói cách khác, toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.
Đối với dân tộc Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đó là cơ hội để cả thế giới biết đến giá trị văn hóa nói chung và giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng, qua đó nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước ta mở cửa, giao lưu, học hỏi với thế giới. Thông qua toàn cầu hóa, đặc biệt là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Internet, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam được truyền đến thế giới rất mau lẹ, cả thế giới sẽ nhanh chóng biết đến dân tộc Việt Nam với nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc đánh thắng hai kẻ thù lớn mạnh nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành lại độc lập cho dân tộc, hay đó là truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay đã có nhiều tướng tài, có vị lãnh tụ vĩ đại Chủ
tịch Hồ Chí Minh và hiện nay chúng ta giành được nhiều loại huy chương trong các cuộc thi về tri thức phổ thông thế giới. Mặt khác, thông qua toàn cầu hóa nhiều hạn chế của các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc cũng sẽ nhanh chóng được thế giới biết đến, điều này sẽ tác động không nhỏ tới suy nghĩ, cách nhìn nhận của thế giới về các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta. Vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay chúng ta cần đẩy mạnh việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Để đẩy mạnh việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cần giải quyết một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, tư tưởng đạo đức vừa phản ánh tồn tại xã hội, vừa có mối quan hệ mật thiết với các hình thái ý thức xã hội khác. Khi tồn tại xã hội thay đổi thì đạo đức cũng thay đổi theo. Và ngược lại, như các hình thái ý thức xã hội khác, đạo đức cũng có tính độc lập tương đối so với cơ sở kinh tế và với các hình thái ý thức xã hội khác. Biểu hiện rõ rệt nhất của tính độc lập tương đối ấy là một số đạo đức truyền thống vẫn tồn tại lâu dài khi cơ sở kinh tế, các thiết chế chính trị sản sinh ra chúng đã mất đi.
Vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta cần phải xem xét nội dung của việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc như thế nào là phù hợp, có nghĩa là trong điều kiện hiện nay với hệ thống giá trị đạo đức truyền thống, chúng ta cần xác định rõ phát huy giá trị đạo đức truyền thống nào mang tính cốt lõi nhưng vẫn không làm mờ nhạt các giá trị còn lại. Phát huy giá trị đạo đức truyền thống yêu nước sẽ là nội dung cốt lõi, hàng đầu của dân tộc Việt Nam. Khi xác định nội dung trọng tâm là yêu nước thì chúng ta cần chú ý đến việc phát huy các giá trị đoàn kết, cần cù và sáng tạo trong lao động, nhân ái, hiếu học, để qua đó thể hiện việc phát huy luôn mang tính đồng bộ và đều khắp. Với nội dung như vậy sẽ có tác dụng vừa tạo động lực vừa mở ra điều kiện để chúng ta thực hiện việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống một cách có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó để phát huy hết khả năng của các giá trị đạo đức truyền thống chúng ta
cần phải tổ chức nghiên cứu, khảo sát, bổ sung nội dung cho các giá trị đạo đức truyền thống cho phù hợp với điều kiện mới hiện nay. Đây được coi là một đòi hỏi cấp thiết, quyết định việc tìm ra giải pháp hữu hiệu để phát huy các giá trị đạo đức truyền thống.
Thứ hai, cách thức thực hiện trong việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; phương thức thực hiện còn mang tính hình thức, chưa có nhiều nội dung thiết thực; phương tiện thực hiện mang tính chất lạc hậu, chậm đổi mới, đặc biệt lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt; việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết còn chậm và thiếu điều kiện bảo đảm thực hiện; công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí còn buông lõng, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; chưa quan tâm đứng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp. Vì vậy việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống đạt hiệu quả chưa cao dẫn đến “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa ở nhiều nơi còn nghèo nàn; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái thuần phong mỹ tục; các tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, văn nghệ chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Hệ thống thông tin đại chúng thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực; một số cơ quan truyền thông có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường. Hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa với nước ngoài còn hạn chế; vẫn còn tình trạng tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa bên ngoài, tác động tiêu cực đến văn hóa trong nước” [67]
Thứ ba, việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống cần tập trung cho đối tượng là thế hệ trẻ, thế hệ trẻ hôm nay là chủ nhân đất nước trong tương lai nhưng đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiều luồng văn hóa ngoại lai tác động đến đời sống, suy nghĩ của giới trẻ. Toàn cầu hóa làm cho giới trẻ trở nên năng động, nhiệt tình, hào hứng trong cuộc sống và công việc. Nhưng cũng chính toàn cầu hóa đã làm cho giới trẻ có nhiều biểu hiện sai lệch về đạo đức, lối sống nhất là cách thức nhìn nhận xã hội hiện tại, về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ. Vì vậy, hơn bao giờ hết hiện nay cần tập trung việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống cho thế hệ trẻ, là chủ nhân tương lai của đất nước.
Thứ tư, giữa cái truyền thống và hiện đại vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau. Chúng thống nhất với nhau ở chỗ không có truyền thống thì không có hiện đại. Cái hiện đại không được sinh ra từ cái hư vô. Trên cơ sở cái truyền thống mới nảy sinh ra cái hiện đại. Có hiểu biết sâu sắc cái truyền thống cái hiện đại mới đúng đắn, mới phát triển lành mạnh. Có hiểu biết cái hiện đại chúng ta mới bổ sung và phát triển cái truyền thống một cách đúng đắn. Cái truyền thống và cái hiện đại có mâu thuẫn. Cái truyền thống thường có tính bảo thủ, trì trệ do vậy có thể níu kéo, cản trở những cái mới cái tiến bộ. Cái mới mà thoát ly khỏi cái truyền thống có thể dẫn tới mất bản sắc dân tộc, thiếu sức sống trong nhân dân. Như vậy, trong quá trình thực hiện phát huy các giá trị đạo đức truyền thống một mặt chúng ta cần khắc phục tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, tạo điều kiện cho những cái mới ra đời và phát triển mặt khác cần khắc phục tư tưởng muốn phủ định sạch trơn những giá trị quý báu của truyền thống dân tộc. Mà thực hiện phát huy giá trị đạo đức truyền thống gắn với tiếp thu có chọn lọc những yếu tố phù hợp với điều kiện hiện tại cụ thể là bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thực hiện tốt việc phát huy đó sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện mới.