1.2. Một số vấn đề lý luận chung về toàn cầu hóa
1.2.3. Tác động tiêu cực của toàn cầu hoá
Toàn cầu hóa không những đem lại nhiều cơ hội và có những tác động tích cực đến đời sống xã hội, mà còn đặt ra không ít thách thức. Tuy nhiên, những thách thức này là không giống nhau đối với các nước có trình độ kinh tế khác nhau. Các nước tư bản phát triển thu được nhiều lợi ích nhất thông qua toàn cầu hóa nhưng không có nghĩa là họ không gặp phải khó khăn thách thức và trở ngại trong quá trình này. Vấn đề gay cấn nhất của họ chủ yếu là tranh chấp thị trường và quyền chế định các luật chơi toàn cầu, quyền khống chế kinh tế các khu vực và
thế giới, thực chất là họ giành nhau sân chơi và phần lợi nhuận tối đa trong quá trình toàn cầu hóa.
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thách thức lớn nhất có lẽ là thách thức về kinh tế. Việt Nam tiến hành mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới từ năm 1986. Từ đó đến năm 1997, kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng hơn 9% một năm, là thành tựu rất ấn tượng. Tuy nhiên, từ năm 1997 đến nay, do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ liên tục diễn ra trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế của nước ta bắt đầu gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng đang giảm xuống. “Thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc, GDP đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 114 USD năm 1991 lên 1.061 USD năm 2010. Trong khi đó, GDP đầu người của Trung Quốc tăng từ 353 USD lên 3.915 USD trong khoảng thời gian trên” [70].
Để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn để khắc phục khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, chủ trương đó được thực hiện trong điều kiện xuất phát điểm về kinh tế của chúng ta thấp, cơ sở hạ tầng và trình độ quản lí còn yếu kém. Do vậy, những khó khăn của việc thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa là không nhỏ. Thí dụ, xét về mặt cơ cấu của nền kinh tế, nước ta vẫn là nước nông nghiệp, còn công nghiệp lại phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở hai đầu đất nước. Người lao động có trình độ cao chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Do đó, sự phát triển công nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Mặt khác, do sự thay đổi của cơ chế quản lý, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng của nhà nước, càng làm bộc lộ rõ hơn sự yếu kém trong quản lý nhà nước và sự suy thoái nghiêm trọng đạo đức của nhiều cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, toàn cầu hoá cho thấy, các sản phẩm do doanh nghiệp nước ta sản xuất ra không đủ sức cạnh tranh với các nước, và ngay ở sân nhà. Như vậy, những thách thức về
kinh tế sẽ tăng lên gấp bội nếu như trong vài năm tới nước ta không có những quyết sách mạnh bạo tái cơ cấu nền kinh tế.
Cùng với thách thức về kinh tế, toàn cầu hóa đang đặt ra cho chúng ta những thách thức không nhỏ trong các lĩnh vực chính trị - văn hóa - xã hội. Toàn cầu hóa hiện nay đang mang nặng dấu ấn tư bản chủ nghĩa và thế mạnh hoàn toàn thuộc về các nước tư bản phát triển. Từ chỗ chi phối về kinh tế dẫn đến thao túng về chính trị chỉ là gang tấc. Trên thực tế hiện nay đang diễn ra nhiều cuộc xung đột dân tộc, sắc tộc trong cùng một quốc gia hoặc giữa các dân tộc với nhau trên thế giới. Nhiều cuộc chiến tranh diễn ra suy đến cùng cũng chỉ vì lợi ích kinh tế mà thôi.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã xuất hiện hiện tượng chống phá chính quyền, phá hoại sản xuất của một số nhóm người mà gần đây nhất là sự kiện họ lợi dụng người lao động tỉnh Bình Dương biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam để đập phá, đốt, lấy đi tài sản của một số doanh nghiệp ở tỉnh này. Đó là một trong những dấu hiệu của sự mơ hồ, nhẹ dạ về chính trị, sự lệch chuẩn đạo đức tối thiểu do bị lôi kéo, xúi dục của các phần tử xấu trong và ngoài nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết, giảm uy tín của Đảng ta, ngăn chặn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Toàn cầu hóa góp phần giải quyết việc làm nhưng cũng chính toàn cầu hóa làm cho nạn thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Các thành phần kinh tế có cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhưng sự cạnh tranh giữa chúng trở nên quyết liệt hơn. Chính sự cạnh tranh đó đã làm cho nhiều cơ sở sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, hoặc phải giãn thợ. Tình trạng đó làm tăng thêm số những người không có việc làm hoặc việc làm không đầy đủ. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, khiến cho bức tranh đạo đức càng trở nên méo mó. Ở Việt Nam hiện nay ngoài một số người giàu lên hợp pháp, thì còn có không ít những kẻ giàu lên nhờ những hành vi tham nhũng, buôn gian, bán lận. Đó được xem điều đáng lo ngại của xã hội chúng ta, hiện nay tham nhũng đã là “quốc nạn” ở Việt Nam. Nếu như làm giàu hợp pháp là
rất đáng khuyến khích thì cách làm giàu bất hợp pháp cần phải nhanh chóng được loại bỏ. Vì những hành vi đó không những bòn rút tiền của công, làm suy yếu nền kinh tế mà còn làm đảo lộn các giá trị xã hội.
Tình trạng thiếu việc làm, sự phân hóa giàu nghèo do tác động của toàn cầu hoá lại là một trong những nguyên dẫn đến tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự. Bên cạnh tình trạng thất nghiệp và sự phân hóa giàu nghèo có nguy cơ ngày càng tăng, tệ nạn xã hội và tội phạm cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập. Từ khi hội nhập kinh tế thế giới đến nay, tệ nạn xã hội ở Việt Nam phát triển mạnh về quy mô và số lượng, tính chất hoạt động của các tệ nạn xã hội này ngày càng tinh vi. Tình hình tội phạm hình sự có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong những năm gần đây cùng với sự phát triển giao lưu kinh tế quốc tế, các hoạt động tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng phát triển mạnh mẽ. Đó là hiện tượng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam và người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa xuất hiện nhiều loại hình tội phạm nguy hiểm như: buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới Trung Quốc và Campuchia, vận chuyển và buôn bán chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước khác, hải tặc, không tặc, rửa tiền, khủng bố...
Thách thức về văn hóa cũng đang là một trong vấn đề đáng lo ngại. Trên thực tế hiện nay, một số loại hình nghệ thuật dân tộc đang bị coi nhẹ, số người yêu thích nghệ thuật cải lương, chèo và đặc biệt tuồng đang giảm dần. Điều đáng lo ngại nhất vẫn là xu hướng thương mại hóa. Đã xuất hiện hiện tượng kinh doanh nghệ thuật, kỹ thuật hóa nghệ thuật, vi phạm bản quyền tác giả và tình trạng thẩm lậu văn hóa phẩm độc hại đang liên tục diễn ra. Toàn cầu hóa là cơ hội để các quốc gia giao lưu học hỏi nhưng cũng là mối đe dọa khiến các quốc gia khi hội nhập dễ bị pha trộn, đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, lối sống vị kỷ, quá vì tiền đã làm cho giá trị đạo đức truyền thống đang có sự biến đổi rõ rệt theo chiều hướng xấu.
Toàn cầu hóa là quy luật tất yếu khách quan, nó có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, và giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Sự biến động của các giá trị đạo đức truyền thống trước tác động của bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra khá phức tạp theo hai chiều hướng chủ yếu: tích cực và tiêu cực. Nhu cầu phát triển kinh tế buộc các quốc gia, dân tộc phải mở cửa hội nhập vì nếu không thì sẽ trở nên tụt hậu. Đó chính là cơ hội để các quốc gia, dân tộc có điều kiện gặp gỡ, giao thoa và tiếp xúc với nhau trên tất cả các mặt, trong đó có sự giao lưu giữa các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Đây không chỉ là nhu cầu tự thân của văn hóa nói chung và giá trị đạo đức truyền thống nói riêng mà nó là đòi hỏi khách quan là kết quả tất yếu của xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Tuy nhiên, việc giao lưu văn hóa giữa các quốc gia chứa đựng nhiều thách thức, dễ làm cho các dân tộc khi tham gia sẽ bị mất đi bản sắc riêng của mình. Một trong những lý do dẫn đến nguy cơ đó là ưu thế của các nước phát triển có tiềm lực kinh tế dễ chi phối các nước kém phát triển. Tham vọng của các nước lớn muốn thâu tóm các nước bé trên mọi mặt kể cả văn hóa mà trực tiếp là đánh vào giá trị đạo đức truyền thống. Các nước phát triển với mưu đồ dùng sức mạnh kinh tế để mở tung cánh cửa văn hóa của các dân tộc khác nhằm áp đặt nền văn hóa mới được nhào nặn theo kiểu phương Tây, kiểu Mỹ. Trên thực tế hiện nay thông qua mạng thông tin các sản phẩm văn hóa của các nước phát triển đang dần chiếm ưu thế và hầu như đã tràn lan trên khắp thế giới, xâm nhập sâu vào xã hội các nước nghèo, dẫn đến nguy cơ làm mất bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt làm đảo lộn các giá trị đạo đức truyền thống ở các dân tộc đó.
Tiểu kết chương 1
Giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa được cô đúc nên trong quá trình phát triển của dân tộc. Đó là những giá trị đạo đức mang tính tương đối ổn định, tốt đẹp và tiêu biểu cho bản sắc riêng của dân tộc, được truyền lại cho thế hệ sau gìn giữ và phát huy. Những giá trị đó có vị trí vô cùng quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Nhưng những giá trị đạo đức truyền thống đó không phải là vĩnh cửu, nó có lõi bất biến đồng thời có phần biến động để có thể bổ sung, đổi mới cho ngày càng phong phú và phù hợp với điều kiện thực tại. Vì vậy, việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc có ý nghĩa vô cùng to lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vậy thực chất của phát huy giá trị đạo đức truyền thống là khơi dậy, khai thác, sử dụng có hiệu quả các mặt tích cực của giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời đó là quá trình bổ sung, lựa chọn nội dung giá trị đạo đức truyền thống mới phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc thế giới. Toàn cầu hóa hiện nay, một mặt, tạo cơ hội để các nền văn hóa của các trên thế giới được gặp gỡ, tiếp xúc và giao lưu, học hỏi để làm phong phú thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc mình. Mặt khác, cũng chính toàn cầu hóa đưa đến các nguy cơ làm mất bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc. Việt Nam cũng không ngoại lệ, là đất nước có bề dày lịch sử với hệ giá trị phong phú đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhưng đứng trước tác động toàn cầu hóa hiện nay, giá trị đạo đức truyền thống đang bị đe dọa có nguy cơ bị xói mòn. Vì vậy, hơn lúc nào hết hiện nay chúng ta cần khẳng định lại sức mạnh của các giá trị đạo đức truyền thống, từ đó kế thừa và phát huy chúng cho phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, tạo cơ sở xây dựng một nền tảng tinh thần vững chắc cho đất nước phát triển.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY