1.2. Một số vấn đề lý luận chung về toàn cầu hóa
1.2.2. Tác động tích cực của toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa hiện nay không còn là một hiện tượng mới mẻ, nó là xu thế khách quan mà mọi dân tộc, dù muốn hay không đều chịu sự tác động của nó. Sự tác động đó diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trên lĩnh vực kinh tế: Toàn cầu hóa thúc đẩy rất nhanh, rất mạnh sự phát triển và xã hội hóa các lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng kinh tế cao. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ với quá trình biến đổi khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp, sự nở rộ các công nghệ cao: sinh học, thông tin, vật liệu mới... đã làm thay đổi về chất lực lượng sản xuất của loài người, đưa loài người từ văn minh công nghiệp sang văn minh tin học. Vì vậy, toàn cầu hóa đã đem đến nhiều cơ hội mà các nước có thể tận dụng để phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động. Toàn cầu hóa tạo sự truyền bá và chuyển giao trên quy mô ngày càng lớn những thành quả mới, những đột phá sáng tạo về khoa học và công nghệ, về tổ chức và quản lý, về sản xuất kinh doanh, đưa kiến thức và kinh nghiệm đến với các quốc gia và dân tộc. Đồng thời, thông qua hội
nhập các nước tư bản thực hiện xuất khẩu tư bản để thu về lợi nhuận. Những nước nghèo thông qua nhập khẩu tư bản để giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Toàn cầu hóa tạo thêm khả năng “phát triển rút ngắn” và mang lại những nguồn lực cần thiết cho những nước đang phát triển. Không chỉ có vậy, toàn cầu hóa thúc đẩy sự xích lại gần nhau của các dân tộc, kích thích các luồng và các dạng giao lưu làm cho con người trên trái đất hiểu nhau hơn, có thể nắm bắt được tình hình và cập nhật nhanh chóng mọi sự kiện.
Việt Nam là một nước đang phát triển, nhờ có quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển đất nước. Trước hết trong bối cảnh hiện nay chúng ta có lợi thế của nước đi sau để “đi tắt, đón đầu” trong một số lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Từ khi quan hệ kinh tế thị trường được mở rộng, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều công ty liên doanh với nước ngoài, các khu công nghiệp của nước ngoài sản xuất ở Việt Nam. Các công ty này đã thu hút một số lượng lớn người lao động, khắc phục một phần tình trạng thiếu công ăn việc làm trong nhân dân. Người lao động có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, trình độ học vấn và tay nghề dần dần được nâng cao. Nhờ có công nghệ hiện đại, tiền vốn vay từ nước ngoài và sự cạnh tranh với các quốc gia khác, các cơ sở kinh tế trong nước đã sản xuất được nhiều hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiện nay, chúng ta đang mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa ra các nước trong khu vực và trên thế giới, với kim ngạch lớn tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng như dệt, may, dầu thô, giầy dép, hàng thủy sản...
Ngoài ra, chúng ta có điều kiện thuận lợi để mở rộng thương mại quốc tế, thu hút đầu tư và nguồn lực bên ngoài nhằm phát triển các ngành sản xuất mà ta có lợi thế qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Thông qua toàn cầu hóa Việt Nam tăng cường trao đổi hàng hóa giúp cho phát huy được thế mạnh nội lực của đất nước, nhằm khắc phục hạn chế trong sản xuất nâng cao mức sống cho người dân.
Trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội: Toàn cầu hóa giúp cho các quốc gia, dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn tạo môi trường giao lưu hợp tác
bình đẳng. Toàn cầu hoá là yếu tố quan trọng để tạo môi trường hợp tác lâu dài trên thế giới. Các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng tài chính, dịch bệnh, thiên tai, khủng bố và ô nhiễm môi trường... lại càng làm cho các quốc gia, dân tộc chung một vận mệnh. Toàn cầu hóa đã giúp cho mỗi người dân Việt Nam có cách nhìn thông thoáng hơn về thế giới bên ngoài. Điều này thể hiện rõ nét ở mặt văn hóa - xã hội. Có thể nói chưa bao giờ nhu cầu học tập, hiểu biết của người dân Việt Nam lại lên cao như hiện nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sự phát triển của công nghệ thông tin đặc biệt là Internet đã làm cho văn hóa của các nước thâm nhập vào nhau, người dân có điều kiện thuận lợi để tìm hiểu thế giới bên ngoài. “Nhờ Internet, các yếu tố văn hóa bản địa được phát tán và được “toàn cầu hóa”; các chuẩn mực nghệ thuật cũng được nâng cấp; những tư tưởng nghệ thuật mới được khuyến khích; các giá trị văn học được quảng bá; tính đa dạng và độc đáo của văn hóa được tôn trọng” [62, 322]. Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê vào tháng 3 năm 2012, “số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt 32,1 triệu người” [69]. Kết quả phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet, du lịch... đã làm cầu nối cho các giá trị đạo đức truyền thống của các dân tộc đến gần với nhau hơn, thông qua đó mọi dân tộc đều có thể cho và nhận, có nghĩa là họ có thể học tập, tiếp thu những giá trị tinh hoa của nhau làm phong phú cho hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc mình.
Đối với Việt Nam chúng ta thông qua toàn cầu hóa các giá trị đạo đức truyền thống sẽ có dịp được truyền bá ra bên ngoài làm cho nhiều dân tộc trên thế giới hiểu được nền văn hóa của dân tộc mình, yêu dân tộc mình, từ đó tác động trở lại làm cho con người Việt Nam càng yêu quý, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật của Việt Nam cũng có sự phát triển rõ rệt, cùng với sự có mặt của nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài trên đất nước ta thì nhiều đoàn nghệ thuật của chúng ta cũng đã có cơ hội lưu diễn ở các nước bạn trên thế giới. Trong thời
gian vừa qua nhân kỷ niệm 40 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2013) ngày 10 tháng 4 năm 2013 đã diễn ra chương trình “Giao lưu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam - Nhật Bản”. Sự kiện này làm tăng cường sự hiểu biết về văn hóa của nhau, qua đó góp phần tăng cường và thắt chặt tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Cũng chính toàn cầu hóa là quá trình đấu tranh giữa hệ giá trị đạo đức truyền thống của các dân tộc riêng biệt, làm hình thành nên những chuẩn giá trị phổ biến, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Đến lượt mình, khi các giá trị mới được hình thành và được chấp nhận, chúng sẽ kết hợp với các giá trị truyền thống, bổ sung và làm phong phú thêm cho nó, không chỉ có vậy chúng còn có thể cải tạo những yếu tố không còn phù hợp của giá trị đạo đức truyền thống làm cho nó phát triển theo hướng tích cực.
Việt Nam cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách bởi có các địa danh du lịch với các nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền khác nhau, thêm nữa lại có truyền thống mến khách và nhiều giá trị đạo đức tiêu biểu. Như vây, toàn cầu hóa đã phần nào giúp con người phát triển theo hướng toàn diện, nâng cao mức sống cả về vật chất lẫn tinh thần của cá nhân và xã hội, và đến lượt mình, điều này không thể không tác động đến quan niệm và hành vi đạo đức của mỗi người, đến việc gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống.