CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1.3. Đánh giá chung điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của quận Bắc Từ Liêm
Liêm
a. Thuận lợi
- Quận Bắc Từ Liêm có vị trí thuận lợi nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thành phố, giao thông thuận tiện nên có nhiều ưu thế trong việc phát triển thị trường đối với khu vực nội thành và giao lưu hàng hóa với các địa phương khác. Nằm trong vùng có thị trường lớn, Bắc Từ Liêm có thể cung cấp các loại nông sản thực phẩm như: Gạo, rau, thịt gia súc, gia cầm, cá, các loại thủy sản, hoa quả, đặc biệt là hoa tươi. Các loại thực phẩm chế biến cho thị trường Hà Nội và các khu vực lân cận như: Đậu phụ, bún, bánh kẹo, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Hàng dệt kim, dệt may, đan lát, đồ gỗ và các loại đồ dùng gia đình.
- Với việc mở rộng Thủ đô về phía Tây và Tây Bắc nên Bắc Từ Liêm được quy hoạch là khu vực trung tâm phát triển văn hóa, trung tâm thương mại, khoa học kỹ thuật, tập trung các bệnh viện lớn, văn phòng đại diện, trụ sở cơ quan…
- Nền kinh tế phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu kinh tế thay đổi theo chiều hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dần sang cơ cấu thương mại, dịch vụ - công nghiệp- nông nghiệp.
- Nhiều chủ trương, chính sách và chương trình quốc gia về các lĩnh vực kinh tế - văn hóa được tích cực thực hiện và có hiệu quả như: nâng cao chất lượng cuộc sống (cải thiện nhà ở ngoại thành, thực hiện phổ cập giáo dục, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,…). Việc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý được UBND quận tích cực thực hiện. Vai trò quản lý Nhà nước được củng cố và phát huy có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Chính sách thu hút đầu tư và các thủ tục hành chính giải quyết nhanh chóng đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển.
- Dân cư tập trung đông, tỷ lệ tăng cơ học cao, nguồn lao động dồi dào. Số lượng lao động có trình độ văn hóa và tay nghề tăng dần qua các năm.
b. Khó khăn, thách thức
- Các dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao), dịch vụ cuộc sống (nước, điện, chiếu sáng đô thị…) được chú trọng đầu tư song mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng của một phần dân cư đô thị. Nhiều khu đô thị mới chưa có các công trình văn hóa – thể thao, y tế. Khu vực nông thôn vẫn còn thiếu điện và thiếu nước sinh hoạt, chất lượng nước chưa cao.
- Số người trong độ tuổi lao động nhiều, song lao động chưa có việc làm và thiếu việc làm còn nhiều. Người lao động chưa chủ động trong việc học nghề và tự tạo việc làm. Lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao và cán bộ quản lý kinh doanh giỏi chưa nhiều. Một số đơn vị sản xuất công nghiệp thiết bị kỹ thuật còn lạc hậu, sản xuất kinh doanh không ổn định, nhiều sản phẩm của nền kinh tế chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài; chưa tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị cao.
- Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng tuy đã có nhiều chuyển biến song tình trạng lấn chiếm đất công, đất canh tác vẫn phức tạp; vẫn tồn tại hiện tượng xây dựng trái phép, không phép. Tỷ lệ cấp phép xây dựng trong khu dân cư mới chỉ đạt 82% số công trình khởi công xây dựng.
- Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải ngày càng được nỗ lực thực hiện nhằm tạo nên một thủ đô có diện mạo xanh - sạch - đẹp.
Tuy nhiên, vệ sinh, an toàn trong lĩnh vực xây dựng vẫn chưa thực sự đảm bảo. Hiện tượng xe ô tô chở vật liệu gây bụi bẩn, đồ phế thải xây dựng không đúng quy định đang là mối quan tâm của các cấp chính quyền và người dân; ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, tiếng ồn, rác thải sản xuất tại các cụm công nghiệp và một số cở sở sản xuất, làng nghề còn chưa được giải quyết triệt để.