Đặc điểm dân số, nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển đội ngũ công nhân trên địa bàn Tỉnh Bắc Ninh thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 58 - 62)

2.1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội và đội ngũ

2.1.3. Đặc điểm dân số, nguồn nhân lực

Năm 2014, dân số của Bắc Ninh là 1.131.000 người, cơ cấu dân số Bắc Ninh thuộc loại trẻ: nhóm 0-14 tuổi chiếm tới 27,7%; nhóm 15-64 tuổi khoảng 66% và 6,3% số người trên 65 tuổi. Do đó, tỉ lệ nhân khẩu phụ thuộc còn cao (0,59). Dân số nữ chiếm tới 51,11% tổng dân số của tỉnh, cao hơn so với tỉ lệ tương ứng của cả nước (50,05%). Kết quả này có thể do nguyên nhân kinh tế - xã hội là chủ yếu.

Phân bố dân cư Bắc Ninh mang đậm sắc thái nông nghiệp, nông thôn với tỉ lệ 72,8%, dân số sống ở khu vực thành thị chỉ chiếm 27,2%, thấp hơn so tỉ lệ dân đô thị của cả nước (29,6%). Mật độ dân số trung bình năm 2014 của tỉnh là 1413 người/km2. Dân số phân bố không đều giữa các huyện/thành phố. Mật độ dân số của Quế Võ và Gia Bình chỉ bằng khoảng 1/3 của Từ Sơn và 1/3 của thành phố Bắc Ninh.

Tính đến năm 2014, dân số trong độ tuổi lao động có khả năng lao động chiếm 67,01% tổng dân số, trung bình mỗi năm lao động có khả năng lao động tăng thêm khoảng 4,094 ngàn người, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2014 đạt 1,3%/năm. Nguồn nhân lực chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Nguồn nhân lực trẻ và chiếm tỉ trọng cao, một mặt là lợi thế cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; mặt khác, cũng tạo sức ép lên hệ thống giáo dục- đào tạo và giải quyết việc làm.

Chất lượng của nguồn nhân lực được thể hiện chủ yếu qua trình độ học vấn và đặc biệt là trình độ chuyên môn kĩ thuật. Trình độ học vấn của nguồn nhân lực Bắc Ninh cao hơn so với mức trung bình cả nước nhưng thấp hơn so với mức trung bình của đồng bằng Sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tuy chỉ còn 0,39% nguồn nhân lực mù chữ, 5,79% chưa tốt nghiệp tiểu học, 66,61% tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở nhưng số tốt nghiệp THPT chỉ 27,2%.

Tín đến năm 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng cao, bình quân 15,7% năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 22,2%, dịch vụ tăng 8,5%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,3%.Đây là mức tăng trưởng bình quân cao nhất trong các kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm từ khi tái lập tỉnh tới nay. Năm 2015, dự kiến GDP bình quân đầu người đạt 5.500USD . Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.192 USD.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2015, tỷ trọng của ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt 74,3%, dịch vụ 20,5%, nông nghiệp đạt 5,2%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 14.300 tỷ đồng, tăng bình quân 18,6%/năm.. Đầu tư cho phát triển được đẩy mạnh, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

Xuất phát điểm từ một tỉnh mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp hiện đại hầu như không đáng kể. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 15 khu công nghiệp tập trung: hơn 18 khu công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề với hàng trăm nhà máy có công nghệ sản xuất hiện đại đã và đang hoạt động, Công nghiệp Bắc Ninh từ vị trí thứ 19 (2004) vượt lên vị trí thứ 9 trong toàn quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,250 tỷ USD, tăng bình quân 67,2%/năm. Sản phẩm của ngành công nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước mà còn tăng khối lượng và chủng loại sản phẩm xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể để tiếp tục đầu tư phát triển. Ngành tiểu thủ công nghiệp rất phát triển với nhiều làng nghề truyền thống và được ví là “ Vùng đất trăm nghề”, một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới như đồ gỗ mỹ nghệ (Đồng Kỵ - Từ Sơn), đúc đồng (Đại Bái – Gia Bình).

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 10 toàn quốc và là một trong ba tỉnh dẫn đầu miền Bắc. Hoạt động kinh tế đối ngoại được mở rộng, góp phần

quảng bá hình ảnh Bắc Ninh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 7 trong toàn quốc, thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,5% (theo giá năm 1994). Năng xuất, sản lượng cây trồng tăng đáng kể: năng suất lúa đạt hơn 60 tạ/ha; sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 60 tấn; Cơ cấu cây trồng gắn với luân canh hợp lý, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ha như: lúa, khoai tây, rau xanh, hoa, cây cảnh… Quan hệ sản xuất ở nông thôn có chuyển biến tích cực, bước đầu xuất hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, doanh nghiệp nông nghiệp, kinh tế trang trại tiếp tục phát triển. Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa tăng nhanh, dịch vụ nông nghiệp phát triển, “dồn điền đổi thửa” gắn với quy hoạch hạ tầng vùng sản xuất được coi trọng. Chăn nuôi phát triển khá, đàn gia súc, gia cầm tăng đáng kể, bước đầu chuyển sang chăn nuôi tập trung, giá trị sản xuất khu vực chăn nuôi tăng bình quân 4,6%/năm; nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 11,4%/năm; trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, cải tạo vườn tạp được duy trì và phát triển. Hình thành mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp với tổ hợp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, tạo liên kết doanh nghiệp hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.

Bắc Ninh là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải. Mạng lưới giao thông bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thuỷ đã được hình thành từ lâu. Hơn nữa, đây là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, trong khu vực tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nôi - Hải Phòng - Quảng Ninh nên được Chính phủ quan tâm đầu tư cho phát triển các tuyến đường huyết mạch. Quốc lộ 1, quốc lộ 18, quốc lộ 38 và tuyến đường sắt Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn. Trong khi đó hệ thống các tuyến đường trong nội tỉnh được nâng cấp và

xây dựng mới, đặt biệt phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm đã góp phần tích cực vào việc mở rộng thông thương, khai thác tiềm năng của tỉnh, rút ngắn “khoảng cách” giữa Bắc Ninh với các tỉnh trong vùng, giữa thành thị và nông thôn. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 375 km đường quốc lộ trải nhựa. 290 km đường tỉnh lộ phần lớn được trải nhựa và hơn 3000 km đường huyện, đường xã, đường thôn xóm trong đó có gần 2000km được trải bê tông và lát gạch.

Trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tinh, bưu chính - viễn thông luôn được coi là một ngành đặc biệt quan trọng góp phần tích cực trong tăng trưởng kinh tế của vùng, khu vực và quốc gia. Vì vậy, Nhà nước nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng đã tập trung nguồn lực cho lĩnh vực này theo hướng đi tắt, đón đầu, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại tạo nên sự thay đổi rõ rệt cả về chất và lượng. Những năm đầu tái lập, toàn tỉnh chỉ có duy nhất một đơn vị hoạt động bưu chính viễn thông là Bưu điện tỉnh, đến nay đã có thêm 3 đơn vị khác hoạt động trong lĩnh vực này. Hoạt động của các mạng công nghệ thông tin đã góp phần đáng kể trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Bắc Ninh là một trong 3 tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đầu tiên trong cả nước vào năm 2000, đến năm 2002 đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở và đang tiến hành phổ cập trung học phổ thông. Mạng lưới trường học ở tất cả các bậc học từ mầm non, phổ thông phát triển đều khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trong các trường ngày càng được củng cố về chất lượng và phát triển về số lượng theo hướng chuẩn hoá. Tính đến nay toàn tỉnh đã có hơn 200 trường ở các ngành học, bậc học được công nhận là trường chuẩn Quốc gia. Theo đó chất lượng giáo dục cũng từng bước được nâng cao. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp cao so với cả nước. Đặc biệt, Bắc Ninh luôn được xếp vào

nhóm 10 tỉnh có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cao nhất trong cả nước. Đi liền với các thành tích trên, công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh và phát triển bằng các hoạt động thiết thức thông qua các trung tâm giáo dục cộng đồng, các hội khuyến học từ tỉnh, huyện đến các thôn làng, dòng họ đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà.

Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân luôn luôn được tỉnh đặc biệt chú trọng, Thể hiện ở mạng lưới các bệnh viện, phòng khám đã khoa khu vực rải đều khắp các huyện/thị, 100% các xã/phường thị trấn có trạm y tế, Cơ sở vật chất và đội ngũ y sỹ, bác sỹ tăng dần qua các năm. Y tế dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được coi trọng; tăng cường phòng chống dịch, xử lý kịp thời không để lây ra diện rộng như bệnh cúm, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tích cực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ tiêm chủng đạt 98,2%, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển đội ngũ công nhân trên địa bàn Tỉnh Bắc Ninh thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)