Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng Đảng viên vi phạm kỷ luật đảng trên địa bàn Hà Nội hiện nay (Trang 67 - 72)

CHƢƠNG 2 : CƠ CẤU ĐẢNG VIÊN VI PHẠM KỶ LUẬT ĐẢNG

4.1. Nguyên nhân khách quan

4.1.2. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đặc biệt coi trọng nhiệm vụ xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung chỉ đạo có kết quả bước đầu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chủ động hơn trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch.

Đại hội XI của Đảng cũng chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thực sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, làm theo chưa đạt yêu cầu” [1.tr.172-173]

Sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, tình hình kinh tế - chính trị thế giới đã đổi khác; đời sống kinh tế - xã hội đất nước đã thay đổi một cách căn bản; tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của các tầng lớp nhân dân hiện nay không còn như trước đây; những vấn đề tư tưởng, lý luận chính trị cũng như đối tượng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận có nhiều nét mới; bản thân đội ngũ làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng được củng cố và phát triển.

Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận trong tình hình mới là một vấn đề mang tính chiến lược, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, vừa định hướng cho sự phát triển lâu dài. Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác tư tưởng, lý luận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra, trước hết, cần tổng kết một cách khoa học, toàn diện lý luận - thực tiễn của gần 30 năm đổi mới. Đặc biệt, cần nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới. Đó là các vấn đề: Cục diện thế giới và khu vực, những biến động gần đây tác động đến nước ta, dự báo tình hình sắp tới; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra hiện nay; bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hội nhập quốc tế, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; tổng hợp nhận thức và giải quyết 8 mối quan hệ lớn được nêu trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) [2].

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của thế giới đương đại. Vì lẽ đó, đánh giá, tổng kết những vấn đề quan trọng về tư tưởng, lý luận nêu trên cần trên cơ sở nhận diện một cách sâu sắc những vấn đề cơ bản của kinh tế, chính trị thế giới hiện nay. Đó là, về tổng thể, thế giới đang giải thể cấu trúc cũ, hình thành trật tự thế giới mới, mặc dù có những xung đột ở một số quốc gia, khu vực nhưng xu thế cơ bản vẫn là hòa bình, hội nhập, hợp tác và phát triển; những vấn đề toàn cầu đang đặt nhân loại trước những thách thức mới; cách mạng khoa học - công nghệ

mới đang mở ra một thời đại kinh tế thế giới mới với cơ cấu kinh tế không chỉ mang tính quốc gia, khu vực mà còn mang tính toàn cầu; bạo lực chính trị thế giới đang diễn ra với nhiều hình thức và xu hướng đa dạng; toàn cầu hóa tác động và làm thay đổi một cách căn bản mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị, kinh tế thế giới.

Đời sống tư tưởng thế giới ngày càng đa dạng, phức tạp. Trong đó, các tư tưởng của chủ nghĩa tư bản vẫn chiếm ưu thế ở nhiều nơi; chủ nghĩa dân tộc hồi sinh trên quy mô rộng lớn; phong trào dân chủ xã hội phát triển mạnh và nhận được sự đồng tình ở nhiều quốc gia; tư tưởng XHCN sau một thời gian thoái trào đã dần phục hồi bằng sự đổi mới, với nhiều mô hình, thử nghiệm. Công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa thành công của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác, cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ, tự tin của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh chính là sự khẳng định sức sống của tư tưởng XHCN trong thời đại ngày nay.

Bối cảnh quốc tế nêu trên đã và đang tác động hết sức mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của xã hội ta, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận. Có thể nêu một số vấn đề đang nổi lên trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay là:

Thứ nhất, niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta có xu hướng suy giảm trong một bộ phận nhân dân. Đó là do sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu; phong trào XHCN thế giới vẫn đang lâm vào thoái trào, trong khi sự phục hồi của nó vẫn còn chậm; lý luận về CNXH và con đường lên CNXH ở nước ta chưa có bước đột phá, chưa có thành tựu lý luận xây dựng CNXH đặc thù Việt Nam.

Thứ hai, mặc dù bao chứa trong nó rất nhiều mâu thuẫn gay gắt, không thể dung hòa được và trải qua nhiều khủng hoảng trầm trọng, triền miên, kéo dài cả về kinh tế và xã hội nhưng CNTB vẫn tìm cách thích nghi, phục hồi để

kéo dài sự tồn tại của nó. Vào thời điểm hiện nay, sức sống của CNTB vẫn còn khá mạnh mẽ. Đây là một thực tế không thể phủ nhận và cũng là vấn đề gây hoài nghi, dao động về tư tưởng đối với không ít người về con đường XHCN mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn.

Thứ ba, sự phục hồi niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh có xu hướng tăng mạnh với các hoạt động lễ hội cổ truyền gắn với du lịch tâm linh, các tín ngưỡng dân gian hết sức đa dạng và phức tạp. Niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng trong giai đoạn hiện nay tăng mạnh là một chỉ báo xã hội mà công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận cần hết sức quan tâm.

Thứ tư, về vấn đề dân chủ, tự do, bình đẳng trong lĩnh vực truyền thông, tư tưởng, lý luận chưa có cơ chế, chế tài cụ thể, rõ ràng, chưa được thể chế hóa có tính chất luật định. Trong điều kiện toàn cầu hóa, để quản lý thông tin và định hướng dư luận xã hội, cần phải có tư duy mới phù hợp. Phát huy dân chủ, tự do ngôn luận và phản biện xã hội đều là những nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, “thế giới phẳng”. Ở đây, chúng ta sẽ thực hiện và “xử lý” như thế nào để bảo đảm những nguyên tắc cơ bản của sự ổn định phát triển, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững kỷ cương, phép nước, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ, nhất là tự do ngôn luận.

Bên cạnh đó, vấn đề tự do tư tưởng, bình đẳng về thông tin và quyền được thông tin là xu hướng vận động tất yếu của xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có những giải pháp, phương thức phù hợp đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là giới trẻ. Sẽ khó có thành tựu trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, trong nghiên cứu lý luận chính trị nếu không có một môi trường thực sự tự do, dân chủ trong nghiên cứu, trao đổi học thuật và xã hội hóa các kết quả nghiên cứu.

Thứ năm, xã hội ta đang trong thời kỳ chuyển biến hết sức mạnh mẽ từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Hơn thế, sự hội nhập cũng tác động đến đời sống tinh thần của xã hội một cách toàn diện. Thực tế cho thấy, xã hội ta đang diễn ra một đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đa dạng nhưng hết sức phức tạp. Điều này được thể hiện rõ trong đạo đức, lối sống xã hội. Những giá trị, chuẩn mực truyền thống dân tộc tồn tại đan xen với những giá trị, chuẩn mực ngoại nhập đương đại. Thật không dễ khẳng định đâu là giá trị, chuẩn mực đích thực, phù hợp, còn đâu là giá trị, chuẩn mực ảo, không phù hợp. Bản thân chúng ta cũng chưa có sự nghiên cứu nhận diện, đánh giá, xếp loại và xây dựng được hệ thống chuẩn mực, giá trị về đạo đức, lối sống của con người Việt Nam hiện nay.

Thứ sáu, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ngày càng điên cuồng, với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt chống phá cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận của chúng ta gặp nhiều khó khăn như nêu trên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội càng lợi dụng thời cơ để ra sức tấn công chúng ta trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, lý luận. Bên cạnh việc tung các con bài quen thuộc về “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, các thế lực thù địch, phản động còn lợi dụng sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động, xuyên tạc, tạo dư luận làm mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Đó chính là chúng thực hiện âm mưu kích thích “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, làm cho không chỉ nhân dân, mà cả những cán bộ, đảng viên chân chính cũng dao động, nghi kỵ lẫn nhau, mất niềm tin vào đồng chí, tổ chức, từ đó dao động lập trường, phai nhạt lý tưởng XHCN, hoài nghi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, băn khoăn về con đường XHCN,... Tuy nhiên, cần thấy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng

viên thời gian qua không chỉ là hậu quả của âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, mà còn do những sai phạm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng Đảng viên vi phạm kỷ luật đảng trên địa bàn Hà Nội hiện nay (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)