1 .Tính cấp thiết của đề tài
7. Cấu trúc của luận văn
2.2. Giai cấp công nhân hiện đại: khái niệm và đặc điểm
2.2.1. Khái niệm giai cấp công nhân hiện đại
Dưới chế độ của chủ nghĩa tư bản ở những phiên bản trước đây, giai cấp công nhân là những người lao động tự do, những người bán sức lao động để sống, họ là những người làm công ăn lương hay làm thuê, là lao động trong lĩnh vực công nghiệp. Ngày nay, với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong nửa sau của thế kỷ XX, bộ mặt của giai cấp công nhân hiện đại có nhiều đổi thay so với trước đây. Từ dự kiến của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, giai cấp công nhân xét về diện mạo có nhiều biến đổi. Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất trong xã hội hiện nay đã vượt xa trình độ văn minh công nghiệp trước đây, sự xã hội hóa và phân công lao động xã hội mới, cơ cấu của giai cấp công nhân hiện đại, các hình thức bóc lột giá trị thặng dư…đã làm cho diện mạo của giai cấp công nhân hiện đại không còn giống
với những mô tả của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin trong thế kỷ XIX nữa. Tuy thế nhưng giai cấp công nhân hiện đại vẫn tồn tại dù nó được biểu hiện bởi những thuật ngữ khác nhau, nó vẫn có sứ mệnh lịch sử của mình trong xã hội tư bản hiện đại; những thuộc tính cơ bản của giai cấp công nhân mà C. Mác và Ăngghen đã phát hiện ra vẫn còn nguyên giá trị.
Là những người theo quan điểm duy vật biện chứng, chúng ta thấy rằng quan niệm về giai cấp công nhân không phải là cái gì bất biến, trái lại, nó cũng không ngừng vận động và phát triển theo sự vận động, phát triển của chính giai cấp công nhân. Trong điều kiện sự phát triển của khoa học công nghệ vừa tạo ra tiền đề, vừa đòi hỏi bản thân người lao động nói chung, giai cấp công nhân nói riêng phải có tri thức cao, ngày càng phải vươn lên nắm bắt những thành tựu mới của khoa học công nghệ để có đủ năng lực làm chủ những công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất và hoạt động xã hội.
Ngày nay có khá nhiều thuật ngữ khác nhau dùng để chỉ giai cấp công nhân như giai cấp công nhân hiện đại. giai cấp công nhân hậu công nghiệp, giai cấp công nhân trí thức, giai cấp công nhân áo vàng, công nhân áo xanh, công nhân áo trắng. Theo sự phân chia của các nước thuộc nhóm G7 thì giai cấp công nhân được chia ra thành 5 loại: thứ nhất là công nhân kỹ thuật cao (công nhân áo xanh) có các bậc được sắp xếp theo thứ tự tăng dần về trình độ kỹ thuật từ 1 tới 7: Nhóm này đóng vai trò là nhóm chủ lực. Thứ hai là nhóm kỹ thuật viên và kỹ sư thực hành (công nhân áo vàng). Thứ ba là công nhân trí thức (công nhân áo trắng). Thứ tư là nhóm công nhân dịch vụ (chiếm tỷ lệ ngày một cao tới hơn 70% công nhân hiện đại) và cuối cùng là nhóm công nhân lao động giản đơn.
Nếu như trước đây, Các Mác và Ăng ghen xuất phát từ những phân tích sâu sắc về chủ nghĩa tư bản để đi đến kết luận: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”. [22, tr. 610] Thì bây giờ, ngay trong thời đại chúng ta đang sống sự thay đổi của giai cấp công nhân hiện đại cũng sẽ được lý giải từ chính những phân tích sự thay đổi cơ bản
của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Đó chính là nguồn gốc cho những thay đổi mới của giai cấp công nhân trong thời đại của toàn cầu hóa và kinh tế tri thức đang lên ngôi. Có thể nhận thấy một điều rằng: nền sản xuất tư bản chủ nghĩa càng hiện đại thì càng làm cho giai cấp công nhân có số lượng, chất lượng ngày càng cao với những phẩm chất ưu việt. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin cũng đã từng nhấn mạnh rằng, cùng với sự lớn mạnh của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”. [22, tr. 605]
Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX trước những bước phát triển mới của chủ nghĩa tư bản do tận dụng được thành tựu mới nhất của cách mạng khoa học công nghệ ứng dụng vào phát triển sản xuất đã làm thay đổi không chỉ bản thân chủ nghĩa tư bản mà còn thay đổi cả giai cấp công nhân. Tuy nhiên, sự thay đổi này không làm thay đổi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mà có chăng chỉ là sự thay đổi trong cách thức, phương tiện thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy mà thôi.
Cùng với sự phát triển nhanh của chủ nghĩa tư bản và những thành tựu khoa học công nghệ trong nửa sau thế kỷ XX và nhất là thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, giai cấp công nhân hiện đại có nhiều thay đổi khác trước. Trong điều kiện đó, ở các nước tư bản phát triển đã xuất hiện một số quan điểm lý luận về giai cấp công nhân, tiêu biểu có thể kể tới như:
Lý luận về giai cấp mới: Nhân vật tiêu biểu cho lý luận về giai cấp mới là
Alwin Ward Gouldner (1920 – 1980) là nhà xã hội học người Mỹ, đồng thời là nhà lý luận phê phán và khám phá tiềm năng của các chính trị gia cấp tiến thời hiện đại. Ông là tác giả của cuốn sách “Tương lai của tri thức và sự nổi lên của giai cấp mới”. Lý luận về giai cấp mới của ông cho rằng, phần tử trí thức nắm văn hóa, khoa học kỹ thuật là một giai cấp mới, vì họ có tư bản văn hóa, mà tư bản văn hóa là thứ mang lại lợi ích cho người có nó. Phần tử trí thức được giáo dục có thể có thu nhập nhiều hơn so với người lao động khác, mấu chốt nằm ở tư bản văn hóa được tích lũy trong quá trình tiếp nhận giáo dục. “Tư bản vốn có nhiều hình thức, tư bản tài sản và tư bản văn hóa đều là sự biểu hiện cụ thể của nó. Hiện nay, tầm quan trọng của
trí thức trong xã hội không ngừng được nâng cao, tư bản văn hóa cũng ngày càng được coi trọng. Phần tử trí thức dựa trên nền tảng tư bản văn hóa mà cấu thành một giai cấp mới”. [42, tr. 54]
Lý luận về “giai cấp công nhân mới”: Nhân vật tiêu biểu của lý luận này là
S.Mahler. Lý luận này cho rằng thành viên của “giai cấp công nhân mới” bao gồm: nhà khoa học; kỹ sư; nhân viên kỹ thuật; và nhân viên quản lý. Khi nghiên cứu đưa ra những đặc trưng của “giai cấp công nhân mới” S.Mahler đã cho rằng: Giai cấp công nhân mới nằm ở trung tâm của cơ chế phức tạp nhất của chủ nghĩa tư bản hiện đại, họ nhận thức được mâu thuẫn cố hữu của cơ chế này nhanh hơn bất kỳ ai khác. Chính vì yêu cầu kinh tế cơ bản của giai cấp công nhân mới, đa phần đã được thỏa mãn, điều này đã làm cho họ nêu lên rất nhiều vấn đề khác mà không thể giải quyết được trong lĩnh vực tiêu dùng. Lý luận “giai cấp công nhân mới” có quan điểm hoàn toàn khác biệt so với quan điểm truyền thống trước đây, lý luận ấy cho rằng tầng lớp nhân viên quản lý và kỹ thuật chuyên nghiệp ở vị trí cốt lõi của biến đổi xã hội đương đại. Lý luận này không dựa trên quan hệ bóc lột, cướp đoạt để phân tích giai tầng, mà tiến hành phân tích trên phương diện tri thức khoa học, kỹ thuật là sức sản xuất mang tính quyết định của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại và cho rằng giai tầng sản xuất chuyên nghiệp có tri thức khoa học tất yếu sẽ chiếm vị trí chủ đạo trong kinh tế và xã hội.
Lý luận về “giai cấp công nhân nhất thể hóa” nhân vật tiêu biểu của lý luận
này là Herbert Marcuse (1898 – 1979) là một nhà triết học lý luận chính trị và là nhà xã hội học người Đức, thành viên của trường phái Fankfurt. Ông là tác giả của các tác phẩm như: Con người một chiều, The Aesthetic Dimension,… Với lý luận này, trong khi giải thích vai trò giai cấp công nhân các nước tư bản phát triển, đã chỉ ra việc can dự vào kinh tế của nhà nước ngày càng gia tăng, làm cho quan hệ giữa sức sản xuất với quan hệ sản xuất có sự thay đổi căn bản, quan hệ sản xuất không hề làm trở ngại cho sự phát triển của sức sản xuất. Tình trạng đời sống vật chất của giai cấp công nhân về cơ bản đã được cải thiện, nhờ vào sự phát triển của sản xuất và tiêu dùng, chủ nghĩa tư bản hiện đại có khả năng kiềm chế được biểu hiện của những mâu thuẫn riêng của chế độ xã hội mà nó đang tồn tại.
Vì vậy, ở các nước tư bản phát triển xuất hiện một quá trình làm cho cá nhân và xã hội đang sống “nhất thể hóa”. Herbert Marcuse đã chỉ ra, trong các nước tư bản phát triển, quyền lợi kinh tế mang tính rời rạc đang từng bước thay đổi theo xu thế thịnh hành là trái nhau và khớp nhau. Nó có khả năng dẫn tới một cuộc thay đổi về chất, nó có thể dẫn tới việc hòa nhập hơn nữa của giai cấp công nhân. Lý luận giai cấp công nhân nhất thể hóa trên một mức độ nào đó đã phê phán những tệ nạn xã hội của các nước tư bản phát triển, nêu ra vấn đề quan trọng của việc mất đi tính cách mạng của giai cấp công nhân.
Như vậy, hiện nay ở các nước tư bản chủ nghĩa cũng như ở các nước đang phát triển, không còn tồn tại giai cấp vô sản như quan niệm thời kỳ thế kỷ XIX nữa. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Vì vậy đã có nhiều cách nhận thức và giải thích khác nhau về khái niệm giai cấp công nhân. Song, để có một cái nhìn khách quan và khoa học, tiến tới một nhận thức thống nhất về khái niệm giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của nó tất yếu phải trở về thế giới quan, phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Như đã nói trong phần lý luận chung về giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác – Lênin ở trên, chúng ta có thể thấy những nội dung cơ bản về giai cấp công nhân mà các nhà kinh điển đã nêu có cùng một bản chất, có hình thức diễn đạt chặt chẽ của một khái niệm khoa học. Tuy nhiên, hiện nay khi thực tiễn đã có nhiều đổi thay, để hiểu đúng quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin về giai cấp công nhân, đòi hỏi chúng ta cần có thái độ khách quan và phương pháp khoa học trong cách tiếp cận khái niệm này.
Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại ngày nay không tồn tại giai cấp vô sản như trước đây, mà chỉ có giai cấp công nhân hiện đại, lao động ngày càng được trí tuệ hóa cao và ngày càng gần với đặc trưng lao động của trí thức. Tuy nhiên, trình độ tri thức của công nhân ngày càng cao không hề làm thay đổi bản chất của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản với tư cách là giai cấp làm thuê cho giai cấp tư sản trong hoạt động sản xuất. Bản thân giai cấp công nhân hiện đại trong các nước hiện nay đã có trình độ học vấn khoa học công nghệ, trình độ tay nghề và
trình độ chính trị - xã hội ngày càng cao, khác xa với tình hình giai cấp công nhân trước đây. Đội ngũ công nhân cao cấp, hay những công nghệ viên bậc cao ngày càng đông đảo và họ cùng trực tiếp sản xuất công nghiệp với những loại công nhân khác, thậm chí họ còn chiếm đa số ở các nước có ngành sản xuất công nghiệp tự động hóa, tin học hóa cao. Nhưng như thế không có nghĩa là giai cấp công nhân đã mất đi hay chuyển hóa thành tầng lớp trí thức như các học giả tư sản rêu rao. Bởi lẽ những công nhân cao cấp này vẫn thường xuyên trực tiếp lao động công nghiệp chứ không thuần túy chủ yếu là nghiên cứu lý thuyết, lý luận như những người trí thức. Sự chuyển biến về chất có tính tích cực và cách mạng này cần được nhận thức đầy đủ và đề cập trong khái niệm giai cấp công nhân hiện đại.
Như vậy, có thể từ những cách tiếp cận khác nhau dẫn tới những quan niệm khác nhau về giai cấp công nhân, nhưng nếu phải nêu lên định nghĩa về giai cấp công nhân thì định nghĩa được nêu trong cuốn Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học do Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia là có tính khái quát
nhất tính tới giai đoạn hiện nay. Định nghĩa được nêu lên như sau: Giai cấp công
nhân là một tập đoàn xã hội ổn định, hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của nền công nghiệp hiện đại, với nhịp độ phát triển của lực lượng sản xuất cơ bản tiên tiến, trực tiếp hoặc tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất và cải tạo các quan hệ xã hội; là lực lượng chủ yếu của tiến trình lịch sử quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Ở các nước tư bản, giai cấp công nhân là những người không có hoặc về cơ bản không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê cho giai cấp tư sản và bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư; ở các nước xã hội chủ nghĩa chủ yếu và cùng nhau hợp tác lao động vì lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ích chính đáng của bản thân họ.
Từ định nghĩa về giai cấp công nhân hiện đại nêu trên chúng ta có thể hình dung ra phần nào những điểm mới cơ bản của giai cấp công nhân hiện đại, nhưng về bản chất giai cấp công nhân hiện đại vẫn mang đầy đủ những thuộc tính và đặc điểm tiên tiến mà học thuyết Mác – Lênin đã chỉ ra.