Đặc điểm chủ yếu của giai cấp công nhân hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chủ nghĩa tư bản hiện đại và việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (Trang 60 - 64)

1 .Tính cấp thiết của đề tài

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Giai cấp công nhân hiện đại: khái niệm và đặc điểm

2.2.2. Đặc điểm chủ yếu của giai cấp công nhân hiện đại

Trong thời đại xã hội nào, những người lao động sản xuất trong các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp hay những người công nhân đều có vai trò

sáng tạo chân chính ra lịch sử và là những người giữ vai trò quyết định sáng tạo công cụ sản xuất, giá trị thặng dư và chính trị xã hội. Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác – Lênin đã nghiên cứu một cách toàn diện về các quy luật chính trị - xã hội của quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong đó, chủ nghĩa xã hội khoa học đã tập trung nghiên cứu những nguyên tắc căn bản, những điều kiện, con đường, hình thức, phương pháp đấu tranh của giai cấp công nhân để thực hiện chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội. Từ vai trò to lớn của giai cấp công nhân, việc khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn. Tuy nhiên, sau những biến động thế giới phức tạp, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào cuối thế kỷ XX, những nhà lý luận tư sản, cùng các phần tử cơ hội, xét lại đã lớn tiếng tuyên bố rằng, đây là hồi chuông báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội, học thuyết Mác – Lê nin đã lỗi thời, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn nữa. Sự thực không phải vậy. Bởi sự vận động tất yếu của lịch sử thế giới một phần tư thế kỷ qua chính là bằng chứng chân thực để phủ nhận những tuyên bố đó. Chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn luôn tồn tại, phát triển trong cải cách, đổi mới; giai cấp công nhân vẫn không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và khẳng định vai trò sứ mệnh lịch sử của họ. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của toàn thế giới nói chung và sự thay đổi của chủ nghĩa tư bản nói riêng đã tác động không nhỏ tới giai cấp công nhân và tạo ra những nhân tố mới của giai cấp công nhân trong quá trình phát triển cũng như việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của chính mình.

Nét nổi bật nhất trong sự hình thành giai cấp công nhân hiện đại là sự hình thành những đặc trưng mới khác xa giai cấp công nhân truyền thống, công nhân công nghiệp cổ điển. Những đặc trưng này góp phần hình thành những mâu thuẫn xã hội, quy định tính chất các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản phát triển.

Những cải cách và biến đổi về chính trị ở các nước tư bản phát triển kéo theo sự đổi thay về vấn đề sở hữu, quản lý và phân phối sản phẩm lao động trong điều kiện của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ đã làm thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu xã hội của giai cấp công nhân.

+ Về mặt lịch sử

Khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở thế kỷ XVIII đã tạo ra giai cấp công nhân truyền thống, công nhân đứng máy trong các xí nghiệp công nghiệp, thì cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã tạo ra một sản phẩm tiên tiến hơn trước rất nhiều, đó là giai cấp công nhân hiện đại. Giai cấp này ra đời và tồn tại trong các xã hội “hậu công nghiệp”, “xã hội thông tin” của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Khác với giai cấp công nhân truyền thống xuất thân từ nông dân, thợ thủ công và từ tầng lớp tiểu chủ phá sản… tựu chung là từ quá trình bần cùng hóa người lao động trong xã hội phong kiến, tiền tư bản, thì giai cấp công nhân hiện đại là sản phẩm của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được điều chỉnh, đồng thời là thành quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, là sản phẩm trực tiếp của chính sách giáo dục, đào tạo và chính sách bảo trợ xã hội của nhà nước tư bản chủ nghĩa. Phần lớn họ được học tập miễn phí ở nhà trường phổ thông và được nhà nước cho vay khi học ở bậc đại học hoặc ở các trường dạy nghề.

+ Về mặt kinh tế - xã hội

Nếu như giai cấp công nhân truyền thống là giai cấp vô sản theo đúng nghĩa đen của từ đó, là những người làm thuê, nghèo khổ thì giai cấp công nhân hiện đại có mức sống trung lưu, đủ tiện nghi. Điều này có được là do có năng suất lao động cao nhờ việc sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ, nên mức sống chung của xã hội được nâng lên rõ rệt nhất là ở các nước tư bản phát triển. Họ chiếm khoảng 60% trong tầng lớp trung lưu mới , phần lớn họ có cổ phần nhỏ hoặc sở hữu chứng khoán có giá. Nhờ vậy, điều kiện sống và làm việc của công nhân ở các nước này được cải thiện đáng kể. Bộ phận giai cấp công nhân hiện có mức sống trung lưu chính là bộ phận cấu thành lực lượng sản xuất tiên tiến và lực lượng sản xuất chủ yếu. (ở Mỹ có khoảng 70% lực lượng công nhân có mức sống trung lưu; ở Nhật Bản và Đức khoảng 60%), số còn lại là công nhân nghèo khó và vô gia cư, lao động nhập cư. Cùng với sự phát triển của sản xuất, mức thu nhập bình quân đầu người ở các nước tư bản phát triển tăng lên khá cao. Tiền lương và thu nhập của người lao động nói chung, của giai cấp công nhân nói riêng ở những nước tư bản phát triển cũng tăng lên mạnh mẽ. Trung bình một giờ làm việc ở Mỹ vào cuối những năm 90

của thế kỷ XX là 11.74 USD/1 giờ, Đức là 14.41 USD/ 1 giờ, Pháp là 7.69 USD/1 giờ. Tùy theo những ngành nghề khác nhau sẽ có tiền lương theo giờ khác nhau. Ở Nhật Bản có những ngành thuộc công nghệ cao mức lương lên tới 20.44 USD/1 giờ. [31, tr. 92]

Do được trả lương tương đối cao so với trước đây nên đa số công nhân bảo đảm được các nhu cầu ăn, mặc, ở, chi tiêu cho học tập, thể thao, du lịch, y tế, mua sắm được nhà ở, đồ dùng hiện đại trong sinh hoạt, gửi tiết kiệm, mua cổ phiếu,… Thời gian lao động của công nhân được giảm đi đáng kể. Như vậy, bên cạnh đời sống vật chất được nâng cao rõ rệt và tương đối ổn định trên cơ sở thu nhập cao, người lao động ở các nước tư bản phát triển còn được cải thiện cả về đời sống văn hóa, tinh thần. Thời gian lao động được rút ngắn họ có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để đi nghỉ ngơi, du lịch, giải trí, học tập và các hoạt động thể thao khác, làm phong phú đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định một điều rằng giai cấp công nhân hiện đại vẫn là những người làm thuê, bị bóc lột giá trị thặng dư tương đối một cách nặng nề. Giai cấp công nhân hiện đại là những người có trình độ văn hóa từ trung học trở lên và đã qua đào tạo nghề nghiệp ở bậc cao đẳng, một bộ phận có trình độ đại học và trên đại học. Bộ phận có trình độ cao phân biệt với tầng lớp trí thức ở phương thức lao động. Trí thức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu độc lập, công nhân hiện đại hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và các hoạt động dịch vụ trực tiếp hoặc gián tiếp. Giai cấp công nhân hiện đại được xã hội tôn trọng và thừa nhận như là một tầng lớp có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Bản thân họ không hề mặc cảm, tự ty về địa vị xã hội của mình.

+ Về trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ văn hóa nghề nghiệp

Giai cấp công nhân hiện đại là lớp người được học tập văn hóa và qua đào tạo nghề nghiệp do đòi hỏi của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, do yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Cùng với tầng lớp trí thức, giai cấp công nhân hiện đại là một bộ phận hữu cơ cấu thành lực lượng sản xuất chủ yếu ở các nước tư bản phát triển.

Nhìn chung, tỷ lệ người lao động có học vấn không ngừng tăng lên ở các nước tư bản phát triển. Hiện nay, thanh niên Nhật Bản có trình độ đại học và tương đương đại

học chiếm tới khoảng 90%. Chính phủ Pháp đang dự định kế hoạch vài thập niên đầu thế kỷ XXI xây dựng lực lượng lao động thuần thục về khoa học công nghệ và khoa học xã hội. Năm 1992, ở Mỹ có 53,5% lực lượng lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên, trong đó đặc biệt có 9,6% có bằng thạc sĩ và tiến sĩ. [31, tr. 94]

Trình độ văn hóa, khoa học công nghệ, chuyên môn nghề nghiệp cao là cơ sở cho một nền kinh tế năng động phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu phát triển mới của nhân loại. Những nhân tố đó cũng sẽ ảnh hưởng đến điều kiện sống và làm việc của người công nhân, làm cho nó được cải thiện một cách tích cực.

+ Về mặt chính trị

Thái độ chính trị của một giai cấp, tầng lớp do hai yếu tố tạo thành đó là: những điều kiện kinh tế khách quan (điều kiện sống: thu nhập, hoàn cảnh lịch sử,…), điều kiện và phương thức lao động; ý thức địa vị, vai trò lịch sử của họ thông qua sự giác ngộ lý luận và ảnh hưởng của chính đảng của giai cấp.

Quan điểm cho rằng: với mức sống trung lưu, giai cấp công nhân dường như là thỏa mãn về địa vị xã hội, không còn ý thức giai cấp, ý thức chính trị nữa là không đúng. Hiện nay, giai cấp công nhân hiện đại vẫn là một lực lượng chính trị, xã hội chủ yếu trong các cuộc đấu tranh với giai cấp thống trị ở các nước tư bản phát triển, vì các mục tiêu dân sinh, dân chủ, hòa bình, môi trường, chống tư bản độc quyền, chống chiến tranh, chống bóc lột các nước lạc hậu, chống tư nhân hóa, chống phân biệt chủng tộc, chống sự phục hồi chủ nghĩa phát xít, cùng nhau chống lại đói nghèo và bệnh tật,… Nhưng hiện nay những cuộc đấu tranh này mang tính chất kinh tế - xã hội nhiều hơn là tính chất chính trị. Những cuộc đấu tranh này không trực tiếp nhằm lật đổ chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa mà hướng vào mục tiêu cải biến chủ nghĩa tư bản.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chủ nghĩa tư bản hiện đại và việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (Trang 60 - 64)