Nhịp điệu thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ bà huyện thanh quan trong tiến trình thơ nôm đường luật việt nam (Trang 91 - 105)

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Về hệ thống kết cấu Đƣờng luật và nhịp điệu thơ

3.2.2. Nhịp điệu thơ

Làm nên tính trọn vẹn của thơ luật Đường không chỉ ở các yếu tố niêm, luật…mà còn có sự góp phần của nhịp thơ. Mỗi thể thơ đều có nhịp thơ riêng và với thơ Nôm Đường luật cũng không là ngoại lệ. Từ điển thuật ngữ văn học quan niệm nhịp điệu “là sự lặp lại cách quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, mô típ…nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mỹ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật” [20, 165]. Vì vậy có nhịp điệu của thể thơ và nhịp điệu của luật thơ. “Ở cấp độ tổ chức văn bản, đơn vị cơ bản của sự lặp lại trong thơ là dòng thơ với độ dài của nó gồm số tiếng và vần như là điểm ngắt của nó. Vì vậy, mọi thể thơ có một nhịp điệu riêng. Dòng thơ lại có kiểu ngắt nhịp của luật thơ, có độ dài ngắn cân đối hoặc không cân đối khác nhaụ Nhịp điệu của thể thơ và luật thơ tạo thành cái nền nhịp điệu…” [20, 165]. Ở cấp độ thứ nhất – cấp độ tổ chức văn bản – nhịp điệu tổng quát trong cả bài thơ tạo nên sự khăng khít, điều hòa của bài thơ dường như không khác gì so với một bài thổ Đường thi hay Đường luật chữ Hán. Tuy nhiên ở cấp độ thứ hai, nhịp điệu trong từng dòng thơ thì vừa giống vừa khác nhaụ Đây là nhịp điệu của luật thơ và mang ý nghĩa thi pháp rất rõ, góp phần cho thấy cái mã của thể loại thơ Nôm Đường luật.

Nói một cách hình ảnh thì nhịp thơ là cái dáng đi, cái chuyển động của dòng thơ khi mau, khi chậm, lúc nghỉ, lúc dứt. Ở thơ Anh, thơ Đức, yếu tố nhịp điệu rất rõ. Nó gây nên bởi sự trở lại đều đặn của những âm thanh cần phải đọc mạnh vào (stress). Ở thơ Pháp, yếu tố “rythme” ấy chỉ hơi rõ. Còn trong thơ Việt Nam, bởi tiếng Việt không có “stress” nên khi ngâm thơ người ta ngân dài giọng ở chữ trước chỗ ngắt và ở chữ mang vần, hay tùy thuộc tình ý trong câu thơ mà đọc mạnh, cao giọng vào một vài chữ, nhờ đó gây ra trạng thái đều đặn về âm hưởng. Lý do chúng tôi không khảo sát nhịp điệu của thể thơ là vì ở thơ Nôm Đường luật thế kỉ XIX nói chung và thơ Bà Huyện Thanh Quan nói riêng, mỗi dòng thơ đã ổn định số âm tiết, chỉ lẫn lộn một số ít câu lục ngôn không đáng kể.

Nếu Nguyễn Trãi và tiếp đó là các tác gia Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện mạnh mẽ tinh thần phá cách thơ luật thì Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương lại thể hiện khuynh hướng trở về với hình thức kết cấu ban đầu của thơ Đường luật. Vì thế, đến nửa sau thế kỉ XVIII, câu thơ lục ngôn không còn giữ vai trò là “cái mã” để nhận diện thơ Nôm Đường luật nữạ

Sự thể nghiệm ở các thế kỉ trước, kể từ Quốc âm thi tập thường được các nhà nghiên cứu cho là mang tính chất độc đáo của nhịp điệu trong thơ Việt Nam. Có người căn cứ vào nhịp ngắt của thơ lục bát để lý giải nhịp ngắt của câu lục ngôn. Đó là Nguyễn Văn Xung trong bài viết “Những cố gắng nhằm li khai thơ Việt Nam ra khỏi thơ Tàu” đăng trên tạp chí Tư tưởng (Sài Gòn),số 1 năm 1973. Ông viết: “Vậy thì thơ lục ngôn xuất hiện vào thượng kì đời hậu Lê đã bắt đầu li khai với nhịp điệu thất ngôn của Tàu và nhận chịu ảnh hưởng của thể lục bát trong văn chương dân gian Việt Nam để thể hiện cá tính dân tộc của nó trong nhịp điệu và nhạc tính”. Để lý giải sự vắng mặt của hiện tượng này trong thơ Nôm Đường luật thế kỉ XVIII và XIX, ông cho rằng: “Lý do có lẽ là vì lục ngôn này nhịp điệu tuy có sinh động nhưng âm điệu lại có tính chất khô khan và thô cộc, chưa phù hợp với tâm hồn Việt Nam, cho nên đã bị đào thảị.”. Tất nhiên theo chúng tôi, đây là một khát khao xây dựng một lối thơ Việt Nam để bộc lộ cá tính dân tộc, muốn tự khẳng định mình bằng cách làm khác với Đường thi Trung Quốc.

Ở cấp độ thứ 2, về nhịp điệu trong từng dòng thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Hòa cho rằng: “Thể thất ngôn bát cú có nhịp lẻ, nếu tính từ phần cuối 4/3 hoặc 2/2/3. Ví dụ:

Bước tới đèo Ngang / bóng xế tà Cỏ cây chen đá / lá chen hoa

Nhịp khá đơn điệu và chỉ dùng để ngâm, dường như tạo một chỗ ngừng nhỏ để làm giàu âm hưởng chứ không có vai trò quan trọng” [28, 229]. Thật ra nhịp điệu thơ Nôm Đường luật theo chúng tôi là khá sinh động. Chỉ riêng dạng thất ngôn, ngoài nhịp 4/3, 2/2/3 còn có nhịp 2/5 và 3/4 …và ở chỗ ngững giữa dòng thơ, không chỉ là làm giàu âm hưởng mà còn tạo liên tưởng, gợi những mối liên hệ rất tinh tế giữa hai vế câu (hay ba vế) nhờ nhịp ngắt, có thể là mối liên

hệ tương phản, cũng có thể là mối liên hệ thống nhất, hòa hợp.

Ở những dòng thơ có nhịp ngắt 4/3, dừng lại ở nới ngắt nhịp, người đọc có thể cảm nhận những xúc động, những suy nghĩ không nói nên lời, không thể nói hết được của nhà thơ. Tất nhiên ở đây có nhiều gần gũi với thi pháp thơ Đường. Một dẫn chứng tiêu biểu về mối quan hệ tương phản:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

(Thăng Long hoài cổ)

Lời thơ thể hiện cái không nói được của nữ sĩ khi bà chứng kiến một cảnh tưởng thay đổi đến không ngờ. Cái rộn ràng ngựa xe một thời đã tan biến để nhường chỗ cho cái hiu quạnh, cái trống không. Những công trình nhân tạo dẫu huy hoàng đến đâu cũng không thể nào trường cửu, chỉ còn hồn cỏ thu, chỉ còn bóng chiều tà, nghĩa là chỉ còn cái vĩnh cửu của trời đất. Chính ở chỗ ngừng, nhà thơ có thể diễn đạt những hàm ý mà ngôn ngữ thơ trong khuôn khổ hạn định của thể thơ cũng không nói được, là một trong những thủ pháp để bộc lộ “ý tại ngôn ngoại”, ở hai dòng thơ này là: cái khắc nghiệt vô tình ghê gớm của thời gian, cái biến đổi cũng gớm ghê của thế sự và cái mong manh bé nhỏ của kiếp người…

Mặt khác, ở những chỗ ngừng giữa dòng thơ, lại có thể là mối liên hệ thống nhất, hòa hợp rất tinh tế giữa hai vế, giữa những hình ảnh bề ngoài tưởng như đối lập hoặc độc lập, không có quan hệ với nhau:

Ngàn mai gió cuốn / chim bay mỏi, Dặm liễu sương sa / khách bước dồn.

(Chiều hôm nhớ nhà)

Giữa “ngàn mai” với “cánh chim”, giữa “dặm liễu” với “lữ khách” tưởng như không có quan hệ gì, nhưng thật ra, chính nhờ chỗ ngừng, lời thơ gợi liên tưởng đến cái trở ngại cách ngăn, đến con đường xa xăm vời vợị Đằng sau hình ảnh sương sa đầy dặm liễu, chính là chỗ ngưng, người đọc bỗng cảm nhận được cái lạnh đã bắt đầu thấm vào người mà con đường thì còn quá xa xôi, lẽ nào lữ khách chẳng dồn chân bước? Như vậy, đây cũng chính là đặc điểm thể hiện âm vang Đường thi trong thơ Nôm Đường luật.

Thơ Bà Huyện Thanh Quan trang nhã, đài các và điêu luyện là vậy, thế nhưng sự tiếp nhận thơ bà ở mỗi người và mỗi thời kì lại khác nhaụ Có người thích thơ bà, chê thơ Hồ Xuân Hương sống sượng, dâm tục. Có người lại thích sự trẻ trung, tươi mới ở thơ Xuân Hương mà phê bình lối thơ chải chuốt, khuôn sáo ở nữ sĩ Thanh Quan. Các nhà thơ mới đã có thời kì đánh giá rất khắt khe thơ Bà Huyện Thanh Quan, cho rằng thơ bà dù hay nhưng lại thiếu sự sáng tạo và có cảm giác khô cứng. Ông Phạm Thượng Chi trong Nam phong tạp chí, số 5 nhận xét bài thơ Qua Đèo Ngang: “Rằng hay thì thực là haỵ Nhưng hay quá, khéo quá, phần nhân công nhiều mà vẻ tự nhiên ít, quả là một bức tranh cảnh vậy” [63, 19]. Bình thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Vũ Quần Phương trong cuốn Bình thơ, NXB Văn học, 2012 đã “góp ý” thẳng thắn với thơ tiền nhân: “Câu sáu:

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia là một câu thơ độn. Nó tồn tại như một hình nhân làm vế đối cho câu năm, không có hồn vía gì. […] Thơ đường của bà Thanh Quan nổi tiếng là có ngôn ngữ sang trọng, đài các mà đến lúc phong trần thì cũng phong trần như aị Tiếc thế” [tr 149]. Là một nhà thơ có ý thức cao về nghề nghiệp, Vũ Quần Phương mỗi khi bình không chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp của đối tượng. Nhà bình thơ cũng không ngại nói ra những điều bất cập hoặc còn non lép. Có điều cách nói của người bình là cách nói chân thành, không phải cao ngạo hay "bới lông tìm vết" nên dễ được đồng tình, cảm thông. Việc chỉ ra những hạn chế, những "tì vết" trên viên ngọc cũng góp phần vào nâng cao thị hiếu thẩm mĩ và năng lực thưởng thức của bạn đọc. Đây cũng là một công lao cần ghi nhận ở nhà bình thơ Vũ Quần Phương.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong bài viết Địa vị lịch sử của phong trào thơ mới cũng nhận xét: “cho đến hết thời Trung đại thơ tiếng Việt, dù đã có không ít đỉnh cao ở các thể tự sự, ngâm khúc, hát nói, nhưng người Việt chưa có thể loại thơ trữ tình của mình. Toàn bộ thơ trữ tình hoàn toàn làm theo khuôn mẫu Trung Quốc, luẩn quẩn trong vòng Đường luật, không ai vượt qua các đỉnh cao Lý, Đỗ. Thơ tiếng Việt Đường luật dù điêu luyện như Nguyễn Khuyến, bà Huyện Thanh Quan vẫn đi theo một lối thơ đã vạch sẵn, không có sáng tạo mớị” Tuy vậy, theo chúng tôi, sự sáng tạo ở các nhà thơ Nôm nước ta trong

đó có thơ Bà Huyện Thanh Quan chính là đã đưa vào thể thơ có nguồn gốc ngoại sinh này những nét tính cách, tâm hồn rất Việt Nam. Nếu ở Nguyễn Trãi, thơ Nôm cố gắng phá cách bằng việc sáng tạo những câu thơ lục ngôn chen thêm vào bài thơ luật Đường nhưng đến Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…thơ Nôm đã quay về kết cấu quen thuộc nhưng thêm vào đó là lối tư duy và cách biểu hiện tình cảm của người Việt, gắn với những vấn đề bức thiết của dân tộc. Thế giới nghệ thuật này xét đến cùng là có những chỗ tương đồng nhưng chủ yếu là những nét dị biệt với thế giới nghệ thuật Đường thi và cả với Đường luật Hán. Trong sự giao lưu văn hóa ở đây, rõ ràng ảnh hưởng của Đường thi có để lại dấu vết trong thơ Nôm Đường luật nhưng rõ ràng có những dấu hiệu của Đường thi đã được hòa tan trong sức sáng tạo của các nhà thơ Nôm Đường luật với tư cách chủ thể tiếp nhận. Thể loại này do vậy tiêu biểu cho hiện tượng vượt gộp hay tiếp biến trong thi ca, rộng hơn là là sự vượt gộp hay tiếp biến văn hóạ Nó vừa chấp nhận cái chân lý vĩnh viễn tồn tại xuyên qua những thay đổi bên ngoài nhưng cũng có xu hướng phủ định hệ tư tưởng và phá vỡ tính quy phạm của Đường thị Đó là vì sao người ta vẫn yêu và trân trọng những sáng tác thơ Nôm Đường luật như những viên ngọc quý của nền văn học dân tộc.

KẾT LUẬN

Về tiến trình phát triển thơ Nôm Đường luật, rõ ràng thơ Nôm Đường luật không thể không chịu ảnh hưởng của tư duy nghệ thuật cổ trung đại phương Đông. Sự vay mượn chất liệu nghệ thuật và cả kĩ thuật làm thơ là một quy luật, rất phổ biến trong giao lưu văn hóa, nhưng dường như chủ yếu là do mối quan hệ tương đồng về điều kiện lịch sử, xã hội, đặc điểm chung của tâm hồn con người Á Đông. Nguyễn Văn Dân trong công trình Những vấn đề lý luận của văn học so sánh đã khẳng định: “Người ta chỉ có thể vay mượn những gì đồng điệu với quan niệm tư tưởng của mình” [tr 46,47]. Tuy nhiên các nhà thơ của ta đã tiếp nhận bằng con đường Việt Nam hóa, biết gạt bỏ những gì xa lạ với cảm thức của người Việt Nam, nghĩa là tiếp nhận có cách tân và sáng tạọ Phải chăng chính vì vậy, mặc dù sinh mệnh nghệ thuật của thể loại thơ Nôm Đường luật đã chấm dứt vào đầu thế kỉ XX nhưng tinh hoa của nó vẫn mãi tồn tạị

Nhà nghiên cứu văn học sử Phạm Thế Ngũ nhận xét: “Thơ luật qua đời Nguyễn Sơ ở các tác phẩm của hai nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Thanh Quan, như vậy quả đã tiến đến cao độ mĩ diệu như chưa hề thấy”. Dùng từ “mĩ diệu” để nói về thơ của hai nữ sĩ như vậy hẳn thơ Đường luật lúc này đã đạt đến một vẻ đẹp hiếm có trong văn học cổ. Không rõ thơ Hồ Xuân Hương hay hơn hay thơ Bà Huyện Thanh Quan hay hơn vì hay dở còn do cảm nhận và đánh giá của từng ngườị Tuy nhiên khó có thể phủ nhận rằng với Bà Huyện Thanh Quan, thơ Nôm Đường luật đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật Đường thi cũng như đạt đến đỉnh cao của tâm trạng cô đơn và nỗi niềm hoài cổ. Ở thơ bà có sự hòa trộn một cách tự nhiên giữa xúc cảm chính trị và xúc cảm trữ tình. Điều đó làm nên nét đặc sắc riêng trong thơ bà và cũng là đóng góp riêng của bà trong tiến trình thơ Nôm Đường luật của văn học trung đạị

Với thơ Bà Huyện Thanh Quan, vì có sự hòa hợp mật thiết giữa hình thức và nội dung nên có thể nói bà là thi sĩ làm thơ Đường luật hay nhất trong văn chương Việt Nam. Những bài thơ Đường luật của Hồ Xuân Hương, của Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương tuy đúng niêm luật nhưng ý tứ có lúc hằn học, mỉa mai, châm biếm, kém vẻ thanh tao, lời văn nôm na, không kiểu cách, trau chuốt,

nên hình thức thì là thơ Đường nhưng tinh thần thơ Đường thì lại khác xạ Thơ Bà Huyện Thanh Quan hay vì bà đã gửi vào thế vay mượn của Trung Quốc một tinh thần phù hợp với thể thơ ấỵ Như vậy là thơ bà với tính cách diễm lệ và đài các của nó, chỉ có những người theo đòi Hán học, văn nhân thi sĩ thưởng thức, không thể phổ cập đến đại chúng. Trái lại thơ của Trần Tế Xương chẳng hạn, với giọng điệu hóm hỉnh như lời nói chuyện, đọc lên ai cũng hiểu, cũng cảm được tình ý là một loại thơ rất gần bình dân và rất dễ truyền bá. Thơ Bà Huyện Thanh Quan cao nhã duyên dáng thì lại kém tính cách phổ thông, thơ Trần Tế Xương được cái dễ lưu hành trong quần chúng, nhưng chỉ là thơ Đường ở tại cái vỏ. Với Hồ Xuân Hương, thơ luật Đường chỉ còn là cái vỏ, là tấm áo khoác để nữ sĩ phô diễn hết tài năng sáng tạo độc đáo của mình. Nó đã mất hẳn tính chất cung đình, đài các và trang trọng vốn có. Còn thể thơ này ở Bà Huyện Thanh Quan nó vẫn giữ nguyên được vẻ đài các, trang nhã của mình. Với cách diễn tả thâm trầm, điềm đạm bằng những lời lẽ thanh tao, quý phái, bà vẫn phả được vào thơ cái hồn, cái chất riêng của mình. Đó là một tâm trạng cô đơn trước thời cuộc, luôn cảm thấy mình lẻ loi, quạnh quẽ trước thiên nhiên, trước những thịnh suy phế hưng diễn ra trước mắt. Bất lực trước lẽ vô thường, vô ngã của định mệnh, bà đã mượn thơ để kí thác nỗi niềm hoài hương, hoài cổ, hoài quốc của mình.

Sánh vai với Xuân Hương và hoàn toàn khác xa với Xuân Hương trong phong cách là Bà Huyện Thanh Quan. Nguyễn Lộc đánh giá cao thơ Nôm Đường luật của hai nhà thơ nữ này: “Dung lượng của thể tài hạn chế và cách luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ bà huyện thanh quan trong tiến trình thơ nôm đường luật việt nam (Trang 91 - 105)