Khái niệm nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện trinh thám việt nam từ góc nhìn thi pháp thể loại (Trang 34 - 35)

1.1 .Khái niệm truyện trinh thám

2.1. Nhân vật của truyện trinh thám Việt Nam

2.1.1. Khái niệm nhân vật

Nhân vật được xây dựng nên nhằm phục vụ cho sự phát triển của hệ thống cốt truyện, đảm bảo cho sự phát triển hoàn chỉnh và thống nhất của tác phẩm cả về nội dung và hình thức, cao hơn nữa là để nhằm truyền tải chủ đề, tư tưởng của tác giả gửi gắm qua tác phẩm.

Theo nhà nghiên cứu Đoàn Đức Phương: “Văn học không thể thiếu nhân vật,

vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực” [9, tr.160]

Nhân vật được phân loại thành nhân vật chính, nhân vật phụ và nhân vật trung tâm. Trong truyện trinh thám Việt Nam, tùy theo thể loại mà nhân vật trung tâm sẽ là một tên tội phạm, là một chiến sĩ công an, một thám tử hoặc đơn giản chỉ là một người bình thường. Các tác giả truyện trinh thám vẫn chưa phát triển nhân vật lên mức điển hình quá, nhắc đến loại “tính cách” đó thì sẽ nghĩ ngay đến tên của nhân vật. Với những tác phẩm cần đặt yếu tố cốt truyện lên hàng đầu như thể loại trinh thám, nhân vật thường chỉ là một công cụ để giúp người đọc lật giở ra từng lớp lang trong tình tiết vụ án, mang tính chức năng nhiều hơn là được tập trung khắc họa chi tiết và nâng tầm lên mức “tính cách” hoặc “tính cách điển hình”.

Với yêu cầu dung lượng phong phú và khắc họa nhiều nhân vật, các tác giả truyện trinh thám Việt Nam hầu hết lựa chọn tiểu thuyết làm thể loại để gửi gắm cốt truyện của mình. Các nhân vật được mô tả khá đầy đủ và chi tiết về ngoại hình cũng như hành động, tâm lý bằng nhiều phương thức khác nhau qua lối kể chuyện, qua lời đối thoại, hoặc qua những lời nghị luận, phát biểu của chính tác giả. Tuy nhiên, với đặc thù của một cốt truyện cần “kín”, “hở” đúng chỗ để gây sự tò mò và đánh lừa được người đọc, có những nhân vật sẽ được ẩn thân cho đến cuối truyện mới xuất hiện, hoặc có những nhân vật sẽ được mô tả một cách khái lược chứ không quá đi sâu vào chi tiết nhằm gây sự tò mò và tạo nên sức hấp dẫn.

Nhân vật chính của tác phẩm trinh thám rất dễ nhận ra, và thông thường, cốt truyện của truyện trinh thám sẽ là sự đối kháng của hai tuyến nhân vật đại diện cho công lý và phản công lý: thám tử / công an / trinh sát / người điều tra và tội phạm. Dựa vào những suy nghĩ và hành động của nhân vật chính, người đọc có thể rút ra nhiều vấn đề chính yếu của tác phẩm. Dựa vào mối quan hệ đồng tình hoặc đối kháng giữa các nhân vật quan trọng, có thể tìm ra mâu thuẫn chính mà tác giả xây dựng nên để hướng tới mục tiêu chính của một tác phẩm trinh thám: sự hấp dẫn, lôi cuốn, thôi thúc người đọc lật giở những trang tiếp theo để theo dõi tình tiết của các vụ án. Thậm chí, người đọc còn có thể đối chiếu các mâu thuẫn trong tác phẩm với mâu thuẫn chủ yếu của thời đại.

Theo lý thuyết, thông thường, nhân vật thường sẽ được xây dựng bằng nhiều hình thức phong phú, ví dụ như tính cách sẽ được thể hiện qua hành động, qua ngôn ngữ, qua lời bình của tác giả. Thậm chí có nhiều trường hợp nhân vật tự biểu hiện, nghĩa là phát triển theo quy luật nội tại, không theo ý muốn chủ quan của nhà văn. Với truyện trinh thám, nhân vật sẽ hoàn toàn thuộc về tầm kiểm soát của nhà văn, bởi trong một mạch truyện đã được nhà văn dồn công “giăng bẫy” người đọc, nhân vật sẽ không thể tự thoát ra mà đi chệch hướng so với ý định ban đầu của tác giả. Trong truyện trinh thám, yếu tố logic và hợp lý của cốt truyện được đặt lên hàng đầu, không có chỗ cho những cảm quan mang tính cá nhân và những đột biến về mặt xúc cảm. Mỗi một thể loại văn học có yêu cầu riêng, có đặc thù riêng, và với truyện trinh thám, không có quá nhiều “đất” cho những mong muốn chủ quan, phi lý.

Dựa trên những nghiên cứu tổng quan về một số truyện trinh thám Việt Nam sau năm 1975, chúng tôi phân chia phương diện nhân vật thành các kiểu nhân vật: nhân vật thám tử, nhân vật tội phạm, nhân vật điệp viên tình báo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện trinh thám việt nam từ góc nhìn thi pháp thể loại (Trang 34 - 35)