Kết cấu đảo lộn thời gian sự kiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện trinh thám việt nam từ góc nhìn thi pháp thể loại (Trang 72 - 76)

2.2 .Cốt truyện của truyện trinh thám Việt Nam

2.2.1 .Cốt truyện logic, cấu trúc với ba phần mở đầu – thắt nút – mở nút

3.1. Kết cấu tiểu thuyết trinh thám Việt Nam

3.1.2. Kết cấu đảo lộn thời gian sự kiện

Việc đan xen trần thuật giữa những sự việc xảy ra trong quá khứ và những gì đang xảy ra ở hiện tại không phải là một kết cấu quá mới lạ và phá cách, nhưng chưa bao giờ cũ và chưa khi nào hết hiệu quả. Bởi vậy, không quá ngạc nhiên khi rất nhiều các tác giả trinh thám Việt Nam đã chọn kiểu kết cấu này để ứng dụng cho những đứa con tinh thần.

Tiêu biểu của dạng kết cấu đảo lộn thời gian sự kiện là tiểu thuyết Có tiếng

người trong gió của Nguyễn Xuân Thủy. Cuốn tiểu thuyết này đã gần đạt đến ranh

giới của một tiểu thuyết dòng ý thức, phá vỡ trình tự thời gian của tiểu thuyết truyền thống để đạt được hiệu quả nghệ thuật đầy kịch tính.

Có tiếng người trong gió tập trung kể về việc các chiến sĩ công an triệt phá

một đường dây chuyên hành nghề bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng. Đường dây này được một số người Trung Quốc móc nối từ sự giúp đỡ của những người Việt Nam. Những người Việt này hầu hết đều cho rằng việc bắt cóc những đứa trẻ đơn thuần chỉ để bán cho một số gia đình người Trung không may rơi vào cảnh hiếm muộn, nhưng sự thật khủng khiếp đằng sau việc này đó là những đứa trẻ sẽ được đưa vào

một “trại tập trung” có tên Sơn Trang, sau một thời gian được nuôi dưỡng sẽ bị dẫn đến một nơi thường gọi là Thạch Động tự để tiến hành mổ lấy tạng dần dần. Cho đến khi moi móc hết các nội tạng có giá trị trong cơ thể, những đứa trẻ xấu số sẽ bị đưa vào nhà xác và sau đó bị quăng như một bịch rác xuống nơi tập trung những ngôi mộ “Rừng mả”.

Câu chuyện được kể theo hướng xé lẻ ra từng mảnh nhỏ với các cột mốc thời gian khá lộn xộn, ban đầu là những phần truyện lẻ tẻ, càng về sau lại càng gợi mở sự liên hệ mật thiết, phần truyện này là nguyên nhân hoặc hệ quả của phần truyện kia. Người thiếu phụ tên Bảo Trân vì bị Năm Ký – một tên trung gian buôn người, lừa gạt mà sinh ra một đứa trẻ, được gọi là Lục Nhị. Sau này Lục Nhị bị bán sang Trung Quốc, sau đó bị giết chết, linh hồn trú trong một thân xác đứa bé khác tên Phan Phan. Bảo Trân lặn lội sang Trung Quốc tìm con, nhưng bị lừa bán vào Nghiêm Hoa Lầu để làm gái làng chơi. Trong một lần, Phan Phan tìm đến Nghiêm Hoa Lầu như một vị khách, và được sắp xếp gặp lại Bảo Trân (lúc này đã có tên là Đoan Đoan). Trình tự thời gian của tác phẩm cũng bị đảo lộn một cách có chủ ý, khi các thân phận khổ đau trong truyện lần lượt được khơi mở dần dần theo một trật tự bất định.

Cách kết cấu này khiến cho nhịp điệu của tiểu thuyết Có tiếng người trong

gió chậm hơn so với các tiểu thuyết khác, tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là sự

việc trong tiểu thuyết có tính chất chậm chạp, dừng lắng. Dù nhà văn có đi sâu vào những chi tiết của tâm lý và kết cấu theo kiểu xé lẻ các sự việc cộng thêm đảo lộn trình tự thời gian, tác phẩm cũng không vì thế mà giảm giá trị, không vì thế mà trở nên khó hiểu. Ngược lại, người đọc như bị cuốn vào mạch truyện nối tiếp nhau mà Nguyễn Xuân Thủy tạo ra, bởi vì dù có vẻ rời rạc nhưng thực chất các sự việc, tình tiết trong truyện lại liên quan mật thiết đến nhau.

Một tác phẩm khác được kể không theo thứ tự thời gian tuyến tính, có sự đảo ngược thời gian, đó là Hồ sơ một tử tù của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Ngòi bút của Nguyễn Đình Tú như một cuộn phim quay chậm, nhưng cuốn phim ấy có vẻ khá lộn xộn, ví dụ như việc chương 3 có nội dung chính kể về việc Đàn quyết định đi đào vàng, thì chương 4 ngay sau đó lại là sự tường thuật về việc Đàn bị giải đến

pháp trường. Tác giả đảo ngược kết cục của câu chuyện lên đầu tiên, trong khi theo lẽ thường điều này sẽ chỉ được tiết lộ khi tiểu thuyết đi đến hồi kết. Sau khi đặc tả về hành động cũng như tâm lý của tên tử tù đang đi lầm lũi từng bước đến cây cột hành hình, chân dung tên tử tù Bạch Đàn được kể lại từ khi hắn còn nhỏ, tuổi thơ của hắn lớn lên với tiếng đập đá, ghè đá. Đàn học giỏi văn từ nhỏ, có chí tiến thủ cao, chăm chỉ, chịu khó và cực kỳ yêu thơ của Tố Hữu.

Cách đảo lộn kết cấu thời gian, không đi theo trình tự tuyến tính theo motip việc nào trước kể trước, việc nào sau kể sau đã được Nguyễn Đình Tú vận dụng rất tài tình trong tác phẩm này. Thay vì đi theo kết cấu truyện truyền thống với câu hỏi dành cho người đọc: người này sẽ có kết cục như thế nào, sẽ phải trả giá những gì cho tội ác do hắn gây nên (đối với tiểu thuyết vụ án), hung thủ là ai (đối với tiểu thuyết điều tra), thì thay vào đó sẽ là những câu hỏi: tại sao người này lại thay đổi từ một người dân lương thiện trở thành một kẻ sát nhân, tại sao người này lại phải chết... Đến cuối truyện, mọi thứ sẽ được phơi trần trước ánh sáng của công lý. Nhưng trong quá trình viết, nhà văn sẽ đảo lộn trình tự thời gian để vừa “giăng bẫy” người đọc, vừa tạo điểm nhấn cho tác phẩm của mình.

Với cách kết cấu đảo lộn thời gian, vô hình chung sẽ khiến tác phẩm sở hữu nhiều chi tiết có giá trị, mà người đọc sẽ tự hiểu rằng các chi tiết này giống như một điềm báo trước về cuộc đời của nhân vật về sau. Trong tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù có khá nhiều chi tiết tưởng chừng là thoáng qua nhưng lại rất có ý nghĩa mà ý nghĩa quan trọng nhất là gợi nên liên tưởng về sự tương đồng. Ví dụ bài văn mà Đàn đoạt giải học sinh giỏi là phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo. Hắn phân tích được quá trình một nhân vật văn học từ người tốt mà biến chất trở thành một tên côn đồ bị cả xã hội khinh ghét chối bỏ, nhưng lại không thể tự vạch ra được hướng đi của cuộc đời mình, để rồi hắn trở thành Chí Phèo trong đời thực, và kết cục thậm chí còn bi thảm hơn cả nhân vật văn học được hư cấu của Nam Cao. Hay chi tiết người bà nhận xét rằng Đàn là một người rất nhạy cảm, và sự nhạy cảm đó của Đàn có thể đưa đến hai con người mà Đàn sẽ trở thành sau này: “Nhạy cảm quá thường dẫn đến những hành động cực đoan… Hoặc sẽ là một kẻ mềm yếu, từ bi đến mức không làm nổi được việc gì, hoặc sẽ trở thành chú ngựa hoang có phần hồn nhàu nát, tổn

thương” [13, tr.36]. Thực tế chứng minh rằng, Đàn chính xác đã trở thành loại người thứ hai, những sai lầm trong cuộc sống đã xô đẩy Đàn để bàn tay mình nhúng chàm, rơi vào hành động thủ ác một cách tình cờ. Từ một cậu sinh viên chăm chỉ nhu mì, Đàn đã trở thành một tên thủ lĩnh đào vàng có máu mặt và được nể trọng. Cách kể song song hai khoảng thời gian, giữa thời gian hiện tại, khi Đàn đang được đem ra trường bắn để thi hành án, và giữa thời gian quá khứ, từ ngày bé thơ cho đến khi Đàn sa ngã dần vào con đường tội lỗi, khiến cho câu chuyện có được những phép đối sánh và liên tưởng rất thú vị.

Một tác phẩm trinh thám phản gián khác cũng lựa chọn kết cấu đảo lộn thời gian sự kiện để trần thuật, đó là Ông cố vấn của Hữu Mai. Tài năng kể chuyện của tác giả Hữu Mai thể hiện ở chỗ: hồ sơ hoạt động của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ được nói đến một cách rất cụ thể, không đi theo thứ tự thời gian nhưng lại vô cùng hấp dẫn, không phải theo lối kể liệt kê sự kiện khô khan thông thường. Các sự việc dần dần được hé mở một cách rất tự nhiên, hợp lý, để người đọc dần hiểu được tại sao Hai Long từ vị thế của một tên tù chính trị bị nghi ngờ là Việt Cộng, lại trở thành phụ tá của Cha xứ, từ đó chiếm được lòng tin tuyệt đối của gia đình họ Ngô, đường hoàng bước chân vào Dinh Độc Lập và được đón tiếp như một vị khách quý, thậm chí còn được Nhu mời vào phòng riêng – căn phòng tối mật và cất giữ nhiều tài liệu quan trọng có thể quyết định đến sự tồn vong của chế độ Việt Nam Cộng hòa, cho đến khi trở thành một điệp viên tình báo dưới cái lốt “Ông cố vấn”.

Tác giả Hữu Mai thường kể theo lối đảo ngược kết quả, nghĩa là trong mỗi sự việc, tác giả sẽ nói luôn hệ quả của việc đang kể sau này là như thế nào, kết quả ra sao, chứ không giấu đến những phút cuối cùng như những cuốn tiểu thuyết tình báo khác. Ví dụ khi cuộc đảo chính chế độ gia đình trị họ Ngô còn chưa diễn ra thì tác giả đã viết trong trường đoạn kể lại sự việc Hai Long đến báo tin về thời gian đảo chín cho Ngô Đình Nhu: “Y đâu biết rằng người cuối cùng gặp y lại là một chiến sĩ cộng sản” [44, tr.189].

Nhưng cũng có khi tác giả giấu đi phần chìm của câu chuyện và phần đó chỉ được tiết lộ khi tất cả đã an bài, khiến cho tất cả người đọc đều bất ngờ. Ví dụ việc Hai Long làm cố vấn cho Nhu nhưng bên cạnh đó anh cũng bí mật tiết lộ thông tin

và ủng hộ quá trình đảo chính của chế độ Diệm – Nhu. Sau khi đảo chính diễn ra, với tư cách là một người thân cận với Nhu, nhưng anh lại được những tên cầm đầu cuộc đảo chính tán dương và cảm ơn với lòng nhiệt thành. Anh lo sợ rằng mình sẽ chới với giữa hai tình huống nên đã chủ động vạch ra một lối thoát cho riêng mình. Đó là nét hấp dẫn trong kết cấu và cách kể chuyện của Hữu Mai.

Tương tự, nhà văn Đặng Thanh cũng sử dụng kết cấu đảo ngược thời gian, đảo ngược kết quả. Tác giả thường đảo ngược kể về kết quả sự việc trước khi kể về quá trình sự việc diễn ra trong tiểu thuyết X30 phá lưới. Ví dụ việc X30 phát hiện Lý Ngọc Tú là mật vụ do Ngô Đình Cẩn cài vào và trừng trị hắn ta, hoặc việc Phan Thúc Định thoát chết và người chết là vệ sĩ của anh, việc Tố Loan là người thứ 3 biết âm mưu thủ tiêu Phan Thúc Định của X-mít và Phu-lit-xton… Tất cảđều được đảo ngược kết quả trước khi nhà văn trần thuật lại quá trình gây ra hệ quả đó. Người đọc biết việc Phan Thúc Định thoát được cái bẫy giăng ra của CIA Mỹ trước khi biết về nguyên nhân anh biết được âm mưu đó và quá trình anh thoát nạn như thế nào.

Tóm lại, một trong những hình thức mới mẻ mà các tác phẩm trinh thám Việt Nam đem đến trên phương diện kết cấu là sự đảo lộn thời gian của sự kiện, nghĩa là trần thuật không tuân theo trình tự diễn tiến của tự nhiên theo thời gian tuyến tính (đi từ “nhân” tới “quả”). Các truyện này thường đảo kết quả lên đầu, hoặc có thể bắt đầu ở phần giữa hoặc phần kết thúc của cốt truyện tự nhiên. Bên cạnh đó, sự đảo lộn trật tự thời gian của các sự kiện còn có ý nghĩa không nhỏ trong việc thể hiện nội dung tác phẩm, bởi vậy nên kiểu kết cấu này khá phổ biến đối với truyện trinh thám ở nước ta. Sự tái tạo lại kết cấu với những trật tự sự kiện được đảo lộn là một đặc trưng của tư duy nghệ thuật hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện trinh thám việt nam từ góc nhìn thi pháp thể loại (Trang 72 - 76)