Tổ chức không gian nghệ thuật của truyện trinh thám Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện trinh thám việt nam từ góc nhìn thi pháp thể loại (Trang 78 - 83)

2.2 .Cốt truyện của truyện trinh thám Việt Nam

2.2.1 .Cốt truyện logic, cấu trúc với ba phần mở đầu – thắt nút – mở nút

3.2. Tổ chức không gian nghệ thuật của truyện trinh thám Việt Nam

Có khá nhiều cách định nghĩa về “không gian nghệ thuật trong một tác phẩm văn học”, và đây là một yếu tố không thể thiếu cấu thành nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Tác phẩm văn học tái hiện thế giới hiện thực, nhưng không đơn thuần là không gian thực tại, mà được nhìn dưới con mắt của tác giả, hay nói cách khác, thể hiện quan niệm không gian của con người. Đó không phải lúc nào cũng cần là một không gian địa lý cụ thể, mà còn là không gian tâm lý, mang tính trừu tượng.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sửđịnh nghĩa ngắn gọn: “Cái không gian biểu đạt bằng các phương tiện văn bản và được hiện thực hóa trong hành động đọc chính là không gian nghệ thuật” (31, tr.135). Có thể nói, đã mang hai chữ “nghệ thuật” đi kèm phía sau, nghĩa là không gian ấy không còn là không gian địa lý đơn thuần, là cảnh vật thực tế đơn thuần nữa, mà đã được biến đổi qua lăng kính chủ quan của tác giả. Thậm chí, trong một số tác phẩm, không gian nghệ thuật còn đối lập với không gian thực tại bên ngoài văn bản.

Cần có sự phân biệt giữa không gian sự kiện và không gian của người kể chuyện. Khi đang kể chuyện, người kể không thể can thiệp vào không gian mà nhân vật đang trải qua. Trong mỗi tác phẩm, nhân vật chính thường được vận động qua nhiều không gian. Ví dụ, nhân vật Trương Sỏi trong tiểu thuyết Người không mang

họ và nhân vật Tí của tác phẩm Sát thủ online là hai điển hình của trường hợp trải

qua nhiều không gian, tương đương với những bước ngoặt đánh dấu một cuộc đời truân chuyên, “lên voi xuống chó”. Các nhà văn đã đưa hai nhân vật này qua nhiều những chặng đường khác nhau, khi thì bình yên trong không gian rừng núi thăm thẳm của tuổi thơ nghèo khó nhưng êm đềm, khi thì xông pha vào rừng núi nhưng với tư cách là tướng cướp người người run sợ, khi thì ở nơi thành thị và chui rúc trong những căn nhà tạm bợ để hành nghề cướp tiền người khác qua mạng xã hội.

Xét trên phương diện không gian của những tác phẩm văn học trinh thám, những bối cảnh đưa vào truyện có thể đều có những ý đồ của riêng tác giả, để nhằm tạo diễn tiến thuận lợi cho vụ án, hoặc để tung hỏa mù đánh lừa độc giả. Đó có thể là không gian rừng núi như Trại hoa đỏ của Di Li, Có tiếng người trong gió của

Nguyễn Xuân Thủy, hay cũng có thể là không gian thành thị ồn ào tấp nập như trong Âm thanh của im lặng của Minh Nhật, Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, hoặc Sát thủ online của Nguyễn Xuân Thủy… Rõ ràng, không gian truyện được dựa trên bối cảnh do tác giả muốn tạo dựng nên, mà cốt truyện của tác phẩm sẽ là yếu tố quyết định. Dù là thành phố chật chội, hay đơn giản chỉ là không gian miền núi nhiều rừng nhiều thác để những tên tướng cướp lộng hành, thì cũng xuất phát từ quan niệm của tác giả khi nhìn nhận vấn đề. Một tác phẩm có thể có nhiều không gian nghệ thuật khác nhau, khi thì lên rừng, khi thì xuống phố, khi thì ở trong

một cõi hư hao, khi thì ở một thực tại khắc nghiệt. Đọc một tác phẩm văn học, người đọc như được sống trong không gian của nó, không gian lúc ấy không còn đơn giản là không gian mà nơi đó nhân vật xuất hiện, nhân vật sống, nhân vật hành động, mà còn là không gian tâm lý, có tính phổ quát, trừu tượng.

Dựa trên việc khảo sát một số tác phẩm trinh thám Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có các loại không gian nghệ thuật như sau:

Không gian sự kiện (không gian thực tế), nghĩa là bối cảnh đời sống có thể tác động đến đời sống nhân vật, gây ra những sự kiện khác nhau theo quan hệ nhân quả thành một chuỗi sự kiện.

Truyện trinh thám của Thế Lữ đều lấy không gian phố cổ Hà Nội hoặc ở phủ Lạng Thương để làm bức phông nền diễn ra câu chuyện.

Một ví dụ khác, tiểu thuyết Sát thủ online của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Nhân vật Tí có 2 bối cảnh không gian sự kiện trái ngược nhau: không gian làng quê bình yên nơi nhân vật lớn lên, và không gian phố xá chật chội xô bồ, nơi đẩy nhân vật ngày càng lún sâu vào con đường tội ác. Ở nơi làng quê thanh bình ấy, Tí đã sinh ra với thân phận một đứa con hoang, một đứa trẻ không có cha, một đứa bé mà ngay từ khi ra đời đã bị phủ nhận, bị cả xã hội coi là nỗi ô nhục, là cái cớ để người khác chì chiết và dồn mẹ của Tí đến đường cùng. Cũng tại nơi làng quê ấy, Tí đã gặp bé Bông và trải qua những ngày tháng bình yên, vô lo vô nghĩ duy nhất trong cuộc đời ở trong cái hang phủ đầy hoa cúc ma, dù chỉ trong những khoảng thời gian ngắn ngủi, chóng vánh. Nơi làng quê ấy cũng chứng kiến thằng bé tên Tí tuyệt vọng chạy đuổi theo chiếc xe ô tô chở mẹ nó đi khuất dần ra khỏi lũy tre làng. Và đó cũng là nơi Tí bị xích vào gốc cây mít và chịu đựng đòn roi từ chính những người mà Tí coi là người thân.

Cho đến cuối cùng, không gian làng cảnh êm đềm ấy, lại là nơi nhân vật chết đi, chấm dứt mọi tội ác, chấm dứt mọi khổ đau, chấm dứt mọi sự nhục nhã. Nơi sinh ra cũng là nơi lìa bỏ cõi đời, vốn sự an yên chỉ nằm trong mong ước của nhân vật mà thôi. Bởi vì vốn, ở nơi làng quê ấy, sự bình yên mà Tí nhận được chẳng là gì so với bao nhiêu uất ức và buồn khổ từ một đứa trẻ bất hạnh đã bị chối bỏ sự tồn tại ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Không được xã hội đón nhận, lại phải lớn lên

trong một “gia đình” chẳng có chút hơi ấm, phải chịu những tổn thương mà một người lớn còn chưa chắc đã chịu đựng nổi, dễ hiểu khi tâm lý của Tí ngay từ nhỏ đã bị méo mó một cách nặng nề, là cơ sở để hình thành nên một tên tội phạm mạng Mr Mouse đầy nguy hiểm nhưng cũng vô cùng đáng thương sau này.

Hay như trong tác phẩm Người không mang họ của nhà văn Xuân Đức, nhân vật có bao nhiêu cái tên thì bấy nhiêu cái gắn liền với từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, ở những không gian khác nhau. Trương Sỏi là tướng cướp khiến cho những người biết tên tuổi đều phải run sợ, hắn sống trong rừng sâu, nơi có thể che giấu đi những tội ác tày trời. Nhưng ít ai biết rằng trước đó, hắn đã sống ở vùng đất yên bình của miền bắc, nơi mà hắn được sống đúng với con người thật của mình, chứ không cần phải gồng lên để sống cho vừa mắt kẻ khác, sống mà như không sống, chỉ “tồn tại” đúng nghĩa, vì cuộc đời đã chọn hắn phải trở thành tướng cướp, còn trong thâm tâm hắn luôn khao khát được sống một cuộc đời thiện lương và bình yên. Nơi rừng núi là nơi chứng kiến những cuộc chém giết đổ máu, là nơi chứng kiến bàn tay của Trương Sỏi nhúng nhàm càng ngày càng sâu, không thể rút lui được. Còn không gian miền bắc là nơi Sỏi sinh ra, lớn lên và lúc đó, hắn ta vẫn chỉ là một người bình thường, với những hoài bão và ước vọng tốt đẹp như biết bao nhiêu người khác. Sự đối lập một cách gay gắt này tạo ra hai chặng đường đời với hai sắc thái trái ngược nhau, tạo thành một sự tương phản để độc giả so sánh và ngẫm ra cái gọi là không gian sống, hoàn cảnh sống quyết định nên tính cách hành động của một con người:

Trái ngược với không gian thực tế, đó là không gian phi thực tế. Với loại không gian này, có thể chia thành hai loại nhỏ: Không gian ảo ảnh (trong cõi mộng, trong tưởng tượng) và Không gian tâm tưởng (bám sát theo dòng suy tư của nhân vật, ví dụ hồi ức, hoặc không gian nhuốm màu tâm trạng).

Có tiếng người trong gió – tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy là một

minh chứng xuất sắc của không gian ảo ảnh. Đây là tác phẩm có ngôi kể và điểm nhìn khá phức tạp (chúng tôi đã phân tích vấn đề này ở chương II của luận văn), bởi vậy những không gian mà tác giả đưa người đọc kinh qua cũng rất phong phú. Không gian này xuyên biên giới (Việt Nam – Trung Quốc) do vụ án mang tầm quốc

tế chứ không giới hạn trong phạm vi nước ta, không gian nửa thực nửa hư pha trộn giữa viễn cảnh thực tế của thị Trấn Cam Túc – Trung Quốc, nơi giam lỏng những đứa trẻ và nuôi chúng đến độ tuổi đủ để mổ lấy nội tạng Thạch Động – Sơn Trang và không gian mờ ảo trong cơn mê man của nhân vật. Hầu hết những nhân vật trong câu chuyện này, dù là người hay chỉ là một linh hồn, thì đều có nhiều những ký ức đau lòng vần vũ trở đi trở lại trong tâm trí, và không gian thì thay đổi liên tục theo mạch xúc cảm và sự hồi tưởng của nhân vật. Có thể vừa ở tại Sơn Trang trong ký ức của Phan Phan, ngay lập tức đã quay trở về Việt Nam trong ký ức của Mẫu Phụ, rồi đến không gian ảo ảnh mà Lục Nhị luôn bị mắc kẹt trong đó.

Với không gian tâm tưởng, không có ví dụ nào rõ ràng hơn tiểu thuyết Hồ sơ

một tử tù – tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Ngòi bút Nguyễn Đình Tú dù

tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã tỏ ra cực kỳ điêu luyện trong việc khắc họa nội tâm của nhân vật. Đặc biệt, một trong những lý do thế giới nội tâm nhân vật trong tác phẩm này phong phú, là do tác giả đã để rất nhiều không gian chồng chéo lẫn nhau ẩn hiện một cách khó đoán… Tất cả không gian trong truyện đều thuộc về ký ức của nhân vật Đàn, kể cả khi câu chuyện bắt đầu với hình ảnh một tên tử tù đang lê từng bước nặng nhọc ra pháp trường thì không gian xung quanh hắn vẫn chủ yếu hiển hiện qua tầng sâu hồi tưởng – ngày hắn còn bé, hắn đã từng dậy từ một, hai giờ sáng đến núp trong những đoạn hào bỏ không, căng mắt ra nhìn tử tù bị hành quyết. Không gian ấy có tiếng nổ u u mê mê, tiếng người trao đổi với nhau, tiếng xe nổ vội vàng, những bóng người cử động như trong phim câm, và nấm mộ lùm lùm với những chân hương cháy dở chỉ được nhìn rõ khi trời tờ mờ sáng. Trường bắn Áng Sơn là không gian mở đầu và cũng là không gian kết thúc hồ sơ của tử tù Bạch Đàn, nơi mà tên tướng cướp này từng háo hức nhìn tội phạm bị xử bắn, thì trớ trêu là vào rất nhiều năm sau, đó lại chính là nơi mà máu của hắn đã đổ xuống dưới nòng súng của pháp luật.

Không gian nghệ thuật là một phạm trù rộng lớn, và với truyện trinh thám Việt Nam, chúng tôi sẽ còn hạn chế trong việc khảo sát tác phẩm, cũng như khảo sát hết về mọi mặt của yếu tố không gian. Với các tác phẩm thiên về trinh thám, yếu tố không gian có thể không quá được chú trọng để khắc họa, nhưng cũng là một

phương diện không thể không kể đến khi nói về thi pháp thể loại, bởi trong một số tác phẩm, nhờ có không gian mà nội tâm nhân vật trở nên phong phú hơn, câu chuyện dễ để đánh lừa độc giả hơn và kéo theo sự hồi hộp cho người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện trinh thám việt nam từ góc nhìn thi pháp thể loại (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)