2.1. Nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn nhân lực dân tộc
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
Về địa lý, Thái Nguyên là một tỉnh ở Đông Bắc Việt Nam. Tọa độ địa lý nằm 20020’ đến 22025’ vĩ độ Bắc; 105025’ đến 106016’ kinh độ Đông. Diện tích tư nhiên toàn tỉnh là 3.562,82 km², chiếm 1,13% diện tích cả nước. Phía bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn; phía tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang; phía đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội. Tỉnh Thái Nguyên cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km. Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi phía Bắc nói chung; là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc giao lưu đã được thực hiện thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu nút.
Về thời tiết khí hậu, Thái Nguyên nằm sát chí tuyến Bắc trong vành đai Bắc bán cầu, nên khí hậu của tỉnh Thái Nguyên mang tính chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào mùa nóng (mưa nhiều) từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình khoảng 23-280C và lượng mưa trong mùa này chiếm tới 90% lượng mưa cả năm. Mùa đông có khí hậu lạnh (mưa ít) từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Song do có sự khác biệt rõ nét ở độ cao và địa
hình, địa thế nên trên địa bàn Thái Nguyên hình thành các cụm tiểu vùng khí hậu khác nhau. Sự đa dạng về khí hậu của Thái Nguyên đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về các tập đoàn cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt tại Thái Nguyên, có thể tìm thấy cả cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Đây chính là cơ sở cho sự đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, phát huy lợi thế so sánh của các yếu tố sinh thái của tỉnh.
Về địa hình, Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, có độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 200 - 300m, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Thái Nguyên được bao bọc bởi các dãy núi cao Bắc Sơn, Ngân Sơn và Tam Đảo. Đỉnh cao nhất thuộc dãy Tam Đảo có độ cao 1592m. Về kiểu địa hình, đại mạo được chia thành 3 vùng rõ rệt. Thứ nhất là vùng địa hình vùng núi. Vùng này bao gồm nhiều dẫy núi cao ở phía Bắc chạy theo hướng Bắc - Nam và Tây Bắc - Đông Nam. Các dãy núi kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam; tập trung ở các huyện Đại Từ, Định Hóa và một phần của huyện Phú Lương. Đây là vùng có địa hình cao chia cắt phức tạp do quá trình castơ phát triển mạnh, có độ cao từ 500 -1000m, độ dốc thường từ 25-35 độ. Thứ hai là vùng địa hình đồi cao, núi thấp. Đây là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi cao phía Bắc và vùng đồi gò đồng bằng phía Nam, chạy dọc theo sông Cầu và đường quốc lộ 3 thuộc huyện Đồng Hỷ, Nam Đại Từ và Nam Phú Lương. Địa hình gồm các dãy núi thấp đan chéo với các dải đồi cao tạo thành các bậc thềm lớn và nhiều thung lũng. Độ cao trung bình từ 100-300m, độ dốc thường từ 15-25 độ. Thứ ba là vùng địa hình nhiều ruộng ít đồi. Vùng này bao gồm vùng đồi thấp và đồng bằng phía Nam tỉnh. Địa hình tương đối bằng, xen giữa các đồi bát úp dốc thoải là các khu đất bằng; tập trung ở các huyện Phú Bình, Phổ Yên, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên và một phần phía Nam huyện Đồng Hỷ, Phú Lương. Độ cao trung bình từ 30-50m, độ dốc thường <10 độ.
Về tài nguyên thiên khoáng sản, Thái Nguyên nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc - Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương; là một tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú về chủng loại và trữ lượng, trong đó có nhiều loại có ý nghĩa đối với cả nước như mỏ sắt, mỏ than (đặc biệt là than mỡ). Thái Nguyên có một lợi thế trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng để có thể trở thành một trong các trung tâm luyện kim lớn của cả nước.
Về tài nguyên đất, Thái Nguyên chủ yếu là vùng đồi núi (chiếm đến 85,8% tổng diện tích tự nhiên). Diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên chỉ chiếm 22,35% (79.621 ha) và diện tích đất lâm nghiệp chiếm 36,61% (130.443 ha). Thái Nguyên là tỉnh miền núi xen kẽ vùng trung du với diện tích đất đồi rất lớn. Đây là tiềm năng để phát triển hàng hóa về cây công nghiệp, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi gia súc. Đặc biệt Thái Nguyên có tiềm năng cây chè rất lớn. Chè (Trà) Thái Nguyên nổi tiếng trên khắp Việt Nam và được tôn vinh là một trong hai loại trà ngon nhất nước và cũng được mệnh danh là "Thủ đô chè Việt Nam". Trong đó, trà tại vùng Tân Cương, một xã phía tây thành phố Thái Nguyên được đánh giá cao nhất, đây là cây mũi nhọn của tỉnh tạo ra sản phẩm hàng hoá vừa xuất khẩu vừa nội tiêu và tiêu dùng hàng ngày.
Về tài nguyên nước mặt, Thái Nguyên là một tỉnh có mạng lưới sông suối khá dầy đặc và phân bố tương đối đều. Các sông lớn là Sông Cầu, Sông Công, Sông Dong. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn nhiều sông nhỏ khác phân bố đều khắp và một số hồ chứa tương đối lớn tạo ra nguồn nước mặt khá phong phú, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.
Về tài nguyên du lịch, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, từng là nơi tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2007. Thắng cảnh Hồ Núi Cốc cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 15 km về hướng tây nam; khu Bảo tàng
văn hóa các dân tộc Việt Nam, di tích hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên 42 km về phía đông bắc. Đây là một quần thể thắng cảnh đẹp của tỉnh Thái Nguyên bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hang động đẹp, nhiều dáng vẻ kì thú. Nơi đây có thác nước, dòng suối trong xanh, mùa hạ khí hậu ôn hoà, mát mẻ. Di tích danh thắng phượng hoàng, suối nước và bến tắm hang mỏ gà được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1994. Và mới đây nhất vào tháng 5 năm 2012 khu di tích lịch sử ATK Định Hóa (khu căn cứ địa cách mạng) đã được nhà nước xếp hạng là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Như vậy, về mặt địa lý tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh, thành phố trong vùng, trong cả nước cũng như với nước ngoài trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp thu khoa học kỹ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đồng thời, khí hậu thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên phong phú tập trung nhiêu ở miền núi là một tiềm năng lớn để phát triển kinh tế cho nhân dân trong tỉnh nói chung và đồng bào DTTS nói riêng. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi là chủ yếu, do dân cư sống thưa thớt, sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cho nên việc xây dựng đường giao thông liên bản, liên xóm, liên xã còn hạn chế, sự giao lưu giữa đồng bào DTTS với nhau và với các địa phương khác gặp nhiều khó khăn, sự nghiệp giáo dục, văn hóa, bảo vệ môi trường và sức khỏe, nâng cao dân trí gặp nhiều trở ngại. Điều này gây cản trở rất lớn đến việc khai thác và phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số của tỉnh.