Các giải pháp về giáo dục đào tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay (Trang 83 - 85)

3.2. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển nguồn nhân lực dân tộc

3.2.2. Các giải pháp về giáo dục đào tạo

Để phát triển nguồn nhân lực DTTS thì giáo dục - đào tạo là khâu đột phá; là cơ sở và là con đường cơ bản. Để tạo ra sự chuyển biến căn bản, nâng cao dân trí, sớm hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và tầng lớp trí thức người dân tộc thiểu số có đủ khả năng giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế-xã thì về giáo dục đào tạo chúng ta cần phải chú ý thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đặt công tác tuyển sinh đào tạo cán bộ DTTS trong mối quan hệ chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp bố trí sử dụng cán bộ. Chính sách tuyển sinh cần được giải quyết đồng bộ với chính sách đào tạo, đãi ngộ và sử dụng cán bộ DTTS. Việc xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ các DTTS, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. Từ nhu cầu thực tế về cán bộ và khả năng để chuẩn bị nguồn tuyển sinh của địa phương.

Thứ hai, cần nhanh chóng xây dựng bằng được mạng lưới các trường từ mầm non đến trung học phổ thông, nhất là ngành học mầm non. Hiện tại chúng ta đang duy trì cụm trường tại các xã, bên cạnh đó cần tính toán để đưa điểm trường mầm non mẫu giáo đến tận thôn bản để thu hút các cháu vào học tiếng Việt. Cần duy trì việc học tiếng Việt cùng với tiếng dân tộc và văn hóa bản địa. Khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là bỏ học ở các cấp học cao hơn. Cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chú trọng giáo viên là người DTTS hoặc giáo viên người Kinh nhưng am hiểu về văn hoá, ngôn ngữ DTTS. Mở rộng và nâng cao hiệu quả và chất lượng các trường dân tộc nội trú các cấp. Trước mắt có thể đáp ứng ít nhất 50% con em các dân tộc được tham gia hệ đào tạo này. Song song với việc mở rộng về quy mô thì phải chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tránh hiện tượng chạy đua thành tích và con số. Cần mở rộng và

phát triển hệ thống trường dạy nghề trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu phát triển của từng vùng, từng dân tộc, khai thác thế mạnh của các địa phương và nhu cầu của nguồn nhân lực, tránh việc mở trường và đào tạo tràn lan không xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Cần cải tiến chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; đảm bảo tăng chỉ tiêu đúng đối tượng, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đảm bảo các nhu cầu cần thiết để học sinh, sinh viên cử tuyển yên tâm học tập và làm việc sau đào tạo. Có chế độ sử dụng thích hợp, tránh hiện tượng cử tuyển để phục vụ nguồn nhân lực cho các vùng khác. Từng bước kết hợp giữa ưu tiên với việc tạo điều kiện để con em các dân tộc thiểu số vươn tới trình độ đạt chuẩn chung.

Thứ ba, cần phải thay đổi chính sách ưu tiên đối với học sinh các DTTS. Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đại học đã áp dụng chính sách ưu tiên cho học sinh người DTTS, nhưng biện pháp cụ thể chưa thật thích hợp. Hầu như chúng ta mới chỉ quan tâm đến sự ưu tiên về điểm và chỉ tiêu tuyển sinh khi vào trường cũng như châm trước về điểm thi của các môn học trong trường. Việc ưu tiên như vậy đã dẫn tới tình trạng là khả năng và trình độ của học sinh DTTS không đáp ứng nhu cầu của cấp học mà lại phải học chung với những học sinh khác có trình độ cao hơn nhiều. Do vậy, ở những học sinh này thường nảy sinh tư tưởng ỷ lại vào ưu tiên, không cố gắng học tập, hoặc ngược lại do trình độ thấp, sức tiếp thu chậm nên không theo học được và mặc cảm với bạn bè, thường chán học rồi bỏ học. Như vậy, biện pháp ưu tiên về điểm chắc chắn dẫn đến chất lượng đào tạo thấp. Do đó, không nên cứ tiếp tục ưu tiên mãi về điểm, mà chủ yếu phải có kế hoạch bồi dưỡng lâu dài từ những bậc học phổ thông; phải tìm những loại hình đào tạo mới, thích hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh người DTTS, thích hợp với trình độ kinh tế - xã hội của vùng DTTS.

Thứ tư, trong quá trình đào tạo cần thường xuyên phát hiện tài năng trẻ, phát hiện sở trường, năng khiếu của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; tăng cường bồi dưỡng cho các em thực sự trở thành nhân tài của các dân tộc thiểu số. Đối với những người có khả năng phát triển nguồn nhân lực tinh hoa thì cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tài năng sáng tạo. Tạo nguồn để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo người dân tộc thiểu số cả về tri thức khoa học và bản lĩnh chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số; chú trọng tính cân đối về tộc người, khu vực. Bên cạnh đó cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ cả đội ngũ cán bộ quản lý hiện có, nhất là lớp trẻ, người dân tộc thiểu số. Nên có trường đào tạo cán bộ nguồn đối với người dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện cho việc cán bộ ở khu vực này tiếp cận nhanh với tri thức mới. Cần đào tạo cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ hiện nay để có thể quản lý tốt các dự án, các kế hoạch đã ban hành. Đào tạo cán bộ chính là chìa khoá để nâng cao trình độ, nâng cao dân trí ở miền núi.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)