2.1. Nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn nhân lực dân tộc
2.1.2. Điều kiện kinh tế-xã hội
- Đặc điểm về dân cư và phân bố dân cư
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều dân tộc sinh sống (46 dân tộc), trong đó có 8 dân tộc chủ yếu đó là Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, H’mông, Sán
Chay, Hoa và Dao. Dân cư phân bố không đều, vùng cao và vùng núi dân cư rất thưa thớt, trong khi đó ở thành thị và đồng bằng dân cư lại dày đặc. Đơn vị hành chính, mật độ dân số được thể hiện chi tiết ở bảng sau đây:
Bảng 2.1: Diện tích, dân số và cơ cấu diện tích, dân số tính theo địa phương cấp huyện
Diện tích (km2) Dân số tại thời điểm 1/4/2009 (người) Diện tích so với toàn tỉnh (%) Dân số so với toàn tỉnh (%) Chung toàn tỉnh 3534 1123116 100 100 TP Thái Nguyên 189,7 277617 5,4 24,7 Thị xã Sông Công 83,64 49481 2,4 4,4 Huyện Định Hóa 511,09 87089 14,5 7,8 Huyện Phú Lương 368,97 105233 10,4 9,4 Huyện Đồng Hỷ 457,75 107769 13,0 9,6 Huyện Võ Nhai 840,1 64241 23.8 5,7 Huyện Đại Từ 577,06 159667 16,3 14,2 Huyện Phổ Yên 256,68 137815 7,3 12,3 Huyện Phú Bình 249,36 134150 7,1 11,9
Nguồn: Cục thống kê Thái Nguyên.
Qua số liệu của bảng trên, ta thấy dân số của tỉnh phân bố rất không đều và có sự khác biệt khá lớn theo khu vực thành thị - nông thôn, vùng kinh tế - địa lý. Dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố, thị xã và ở một số huyện phía nam của tỉnh. Thành phố Thái Nguyên chỉ chiếm 1/20 diện tích của tỉnh nhưng dân số chiếm tới ¼. Một số địa phương khác của tỉnh như thị xã Sông Công, Phổ Yên, Phú Bình đều có tỉ trọng dân số cao so với toàn tỉnh nhiều. Huyện Võ Nhai chiếm gần ¼ diện tích toàn tỉnh, nhưng dân số chỉ xấp xỉ 1/20 tổng dân số toàn
tỉnh. Do đặc điểm phân bố như trên nên nhiều tiềm năng to lớn của tỉnh ở miền núi chưa được khai thác, chênh lệch về đời sống xã hội giữa các dân tộc trong tỉnh còn cao. Điều đó đòi hỏi Thái Nguyên cần có chính sách đầu tư phát triển giao thông và các điều kiện hạ tầng khác làm tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng miền núi và để điều chỉnh lại phân bố dân cư, khai thác tiềm năng to lớn ở những vùng xa xôi góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cũng như toàn quốc, Thái Nguyên có một dân số trẻ với nhóm tuổi lao động từ 15 đến 60 là 779.261 người, chiếm 69,38% tổng dân số. Nhóm tuổi dưới 15 có 249.001 người, chiếm 22,17% tổng dân số còn nhóm người trên 60 tuổi có 94.854 người, tức chiếm 8,45%. Đây là một tiềm năng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong vấn đề giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội có liên quan.
- Về trình độ dân trí
Nhìn chung trình độ dân trí của tỉnh Thái Nguyên ở mức độ tương đối cao. Theo kết quả điều tra năm 2009, tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết chiếm 97,3%, tỷ trọng số người chưa bao giờ đi học chung toàn tỉnh chỉ là 2,5%, tương đương ½ so với con số 5,1% bình quân chung cả nước và thấp hơn rất nhiều so với con số 10,3% của bình quân vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên trình độ này có sự chênh lệch lớn giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Ở các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn mới có khoảng 95% học sinh tiểu học, trên 75% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi được đến trường.
- Văn hóa giáo dục
Tỉnh Thái Nguyên được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với vị trí là trung tâm đào tạo trình độ cao của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, mạng lưới trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh phát triển rộng đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực
trình độ cao cho tỉnh và tỉnh khác trong vùng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 trường đại học, 12 trường cao đẳng, 33 trung tâm dạy nghề, 7 trường trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Đây là một môi trường thuận lợi lớn cho con em đồng bào DTTS trong tỉnh có điều kiện học tập nâng cao trình độ và tay nghề dáp úng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh.
- Về tốc độ tăng trưởng kinh tế
Năm 2011 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh, kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) theo giá thực tế là 25.418 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 21,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 41,77%; khu vực dịch vụ chiếm 36,95% (năm 2010 có cơ cấu tương ứng: 21,76% - 41,32% - 36,92%). Trong số 18 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội chủ yếu, có 14 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, có 4 chỉ tiêu đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn ước đạt 9,36%. GDP bình quân đầu người ước đạt 22,3 triệu đồng, vượt kế hoạch và tăng 4,8 triệu đồng/người so với năm 2010.
- Về cơ sở hạ tầng
Thái Nguyên đã và đang xây dựng tất cả các xã đều có đường ôtô đến trung tâm xã. Tuy nhiên chỉ có đường tỉnh đến trung tâm huyện là đường nhựa, còn các tuyến đường liên xã hầu hết là đường đất. Với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm các tuyến đường liên thôn, xóm của tỉnh trong 2 năm qua đã và đang được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho sự đi lại của nhân dân. Tính đến năm 2010 cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông ngày càng được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Nhiều điểm bưu điện văn hóa xã được xây
kiên cố và cải tạo thành hai tầng để mở rộng dịch vụ. Các xe chở bưu phẩm bưu kiện được đầu tư thêm. Hệ thống cáp quang đến 100% các xã, 100% xã có điểm thu phát điện thoại di động BTS, 70% xã có dịch vụ Internet. Hệ thống điện lưới quốc gia đã đến được tất cả các huyện trong tỉnh. Tuy nhiên, tại các xã đặc biệt khó khăn chỉ có 72,7% thôn bản có điện lưới đến khu dân cư. Hệ thống cấp nước sinh hoạt đã và đang đầu tư xây dựng nhằm tăng số người được sử dụng nước sạch. Những năm qua tỉnh đã đầu tư xây dựng cá công trình cấp nước tập trung và cấp nước nhỏ lẻ để nhân dân vùng núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số sử dụng. Vượt qua những khó khăn về địa hình, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực đưa nước hợp vệ sinh về với nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là những địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống. Việc đưa nước hợp vệ sinh về các bản làng không những thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân địa phương các xã miền núi. Năm 2011 tỷ lệ số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở nông thôn (theo tiêu chí mới) là 75%.
Tóm lại, về điều kiện KT-XH nói chung, Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chỉ tiêu KT-XH đề ra chưa đạt được. Toàn tỉnh hiện còn 100 xã thuộc vùng khó khăn, trong đó có 44 xã đặc biệt khó khăn được hưởng chương trình 135. So với mặt bằng chung của toàn tỉnh thì đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tỷ lệ nghèo còn ở mức cao; sản xuất chậm phát triển, phần lớn còn mang tính tự cung, tự cấp, năng suất thấp; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Không ít xóm, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như đời sống, xã hội. Đặc biệt, nhiều xã chưa có trụ sở làm việc cho cấp uỷ, chính quyền tại địa bàn. Trên địa bàn tỉnh, số hộ đồng bào chưa được sử dụng điện vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể. Đặc biệt, huyện vùng cao Võ Nhai hiện còn 35 xóm, bản chưa có điện; huyện
Đại Từ còn xóm Tân Yên, xã Mỹ Yên có 100% số hộ đồng bào Dao chưa có điện sinh hoạt… Hệ thống đường giao thông liên xóm, bản chưa thuận tiện cho việc giao lưu hàng hoá, đi lại của nhân dân; hệ thống trường lớp cho bậc mầm non vẫn còn thiếu. Vẫn còn 17 xã chưa có trạm y tế được xây dựng kiên cố chưa có đủ trang thiết bị cần thiết khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân cũng còn một số bất cập, trong đó danh mục và số lượng thuốc chữa bệnh cấp cho các trạm y tế xã còn thiếu và chưa phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh. Các thủ tục hành chính để khám chữa bệnh miễn phí vẫn còn rườm rà, gây không ít khó khăn cho đồng bào nghèo, người bệnh ở vùng sâu, vùng xa. Kết cấu hạ tầng vùng DTTS còn thiếu thốn, chắp vá và không bền vững. Với đặc điểm như vậy, nguồn nhân lực các DTTS của tỉnh khó có điều kiện tiếp thu với những thành tựu của khoa học kỹ thuật, tiếp thu những nghành nghề mới với chất lượng và hiệu quả cao… Do đó đời sống vật chất và tinh thần của họ ngày càng có khoảng cách với các vùng miền và dân tộc khác trong tỉnh, năng lực của họ không được phát huy một cách có hiệu quả.
Thái Nguyên là tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: xây dựng chiến đấu, bảo vệ thủ đô kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não cách mạng và chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng góp sức người sức của trong suốt kháng chiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Lịch sử đã hun đúc nên truyền thống quý báu của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng. Đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh đang kế thừa những truyền thống tốt đẹp đó, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên
ngày càng văn minh, giàu đẹp xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của miền đất đã vinh dự là trung tâm Thủ đô kháng chiến, tỉnh Anh hùng.