Về một số hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lãnh đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng (1997 - 2010) (Trang 85 - 90)

Chƣơng 3 : NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

3.1. Nhận xét

3.1.2. Về một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản thì sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Qua tìm hiểu, phân tích, đánh giá, tôi xin đề cập một số hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo kinh tế kết hợp với quốc phòng của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.

Thứ nhất, quá trình lãnh đạo kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm

quốc phòng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa có sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, địa phương và cơ sở. “Phát triển kinh tế chưa thực sự kết hợp giải quyết tốt các vấn đề xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân” [70, tr. 12]. Các chủ trương, chính sách chưa tập trung khai thác hiệu quả, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh Vĩnh Phúc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Vĩnh Phúc chưa thực sự nghiên cứu kỹ tập quán, phong tục, tâm lý của nhân dân dẫn đến tình trạng việc thu hồi đất để làm các dự án đã gặp sự phản kháng quyết liệt của người dân. Những vấn đề bức xúc, trong đó có vấn đề đảm bảo đất sản xuất cho người dân chưa được giải quyết kịp thời; việc tổ chức lại sản xuất còn trong tình trạng manh mún, sản xuất hàng hóa chậm; kết quả giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc, chưa lường được sự phức tạp trong giải quyết đất đai.

Thứ hai, các chương trình chủ yếu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng

mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân ở vùng núi, nông thôn. Điện, trường, trạm là những tiền đề cần thiết cho sự phát triển nhưng chưa thực sự gắn trực tiếp với sự phát triển đồng bộ của sản xuất vùng núi, nông thôn của người dân. Nó không làm cho nông dân tăng thu nhập, không có khả năng hưởng lợi từ điện, đường, trường, trạm mà “còn khó khăn về vốn, ruộng đất bình quân đầu người ít; hệ thống kết cấu

hạ tầng còn yếu kém, nhất là ở những vùng kinh tế trang trại đang phát triển” [70, tr. 15].

Thứ ba, mặc dù Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã vận dụng, quán triệt quan

điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng nhưng việc kết hợp giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với yêu cầu đảm bảo quốc phòng ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa được coi trọng đúng mức, chưa được đầu tư và triển khai thực hiện ngang tầm với vị trí chiến lược của địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Về mặt nhận thức, một số cấp ủy đảng có lúc, có nơi chưa nắm chắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp các Nghị quyết của Đảng nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, chưa gắn chặt giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, chưa tập trung các nguồn lực vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để vừa giải quyết những vấn đề bức xúc trước mặt, vừa bảo đảm sự phát triển lâu dài. “Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chưa kịp thời xử lý một số khó khăn, vướng mắc. Việc kiểm tra thực hiện nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, sơ kết, tổng kết chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy chưa kịp thời” [31, tr. 75].

Thực tiễn cho thấy nhận thức của một số cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về phát triển kinh tế, bố trí dân cư gắn với bảo đảm quốc phòng chưa đầy đủ, toàn diện, đồng bộ. “Việc kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và an ninh có lúc có nơi chưa chặt chẽ. Việc quản lý huấn luyện dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên kết quả còn hạn chế. Kết quả xây dựng các các tiềm lực trong trong khu vực phòng thủ thiếu đồng bộ” [1, tr. 577]. Xuất hiện xu hướng nặng về phát triển kinh tế, chỉ quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế mà không chú ý đúng mức đến việc củng cố, tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, coi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là của riêng lực lượng vũ trang. Nhận thức trong một số cấp ủy đảng về một số nội dung quốc phòng, an ninh, đối ngoại chưa thống nhất cao. “Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị cơ sở và một số ít cán bộ Đảng viên chưa coi trọng đúng mức nhiệm vụ quốc phòng và công tác giáo dục quốc phòng - an ninh” [87, tr.

13]. Nhiệm vụ củng cố quốc phòng còn có những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, chỉ nhấn mạnh khía cạnh hòa bình, hữu nghị mà không thấy hết những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch vẫn đang âm thầm theo dõi và chờ cơ hội. “Do ảnh hưởng cuả cơ chế thị trường, công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan đơn vị còn lỏng lẻo, công tác giáo dục chính trị tư tưởng có lúc có nơi chưa nhạy bén, chưa kịp thời nên một bộ phận cán bộ, đảng viên còn mơ hồ, mất cảnh giác, chưa nhận thức sâu sắc âm mưu hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch” [67, tr. 8]. Công tác tuyên truyền, giáo dục âm mưu thủ đoạn hoạt động của địch chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các địa phương ở xa trung tâm, đồng bào theo đạo Thiên chúa. Biện pháp tuyên truyền chưa thích hợp, trình độ nhận thức của một số bộ phận nhân dân còn thấp, một số cán bộ cơ sở chưa thấy hết ý nghĩa của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng nên trong chỉ đạo còn nặng về kinh tế, coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng.

Thứ tư, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc chưa có chiến lược tổng thể, dài hạn,

xuyên suốt mọi hoạt động phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng nên hiệu quả của sự kết hợp còn kém. Thí dụ, trong kế hoạch trồng rừng chưa tính kỹ trồng loại cây gì vừa cho gỗ tốt, vừa có tán lá xanh cả bốn mùa để ngụy trang khi chiến tranh xảy ra và trồng giãn cách bao nhiêu để các loại xe cơ giới quân sự có thể cơ động được và để bộ đội trú quân, mắc võng. Hoặc khi xây dựng một trục đường thông tin, một chiếc cầu chưa tính đến làm đường, cầu dự bị, phòng tránh khi xảy ra thiên tai, bão lụt hoặc địch phá hoại. Khi xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, nhất là chương trình kiên cố hóa kênh mương, Đảng bộ tỉnh chưa chỉ đạo các nhà đầu tư phải chú ý đúng mức việc hoàn thành hệ thống hầm hào trú ẩn cho nhân dân và là hệ thống giao thông hào cơ động cho bộ đội khi đánh địch, còn nặng về kinh tế đơn thuần. Phần lớn các hệ thống VIBA và đường cáp quang của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay đều chạy theo trục đường giao thông, nếu địch phá đường giao thông sẽ bị tắc thông tin liên lạc, trở ngại lớn đến công tác chỉ huy.

Hệ thống thoát nước bẩn của thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên đều không tính đến việc bố trí tầng ngầm và không tính đến việc bố trí đánh địch trên các điểm cao của những khu nhà cao tầng này, may chăng các công trình này mới chú ý đến công tác phòng cháy chữa cháy.

Thứ năm, trong việc bố trí sản xuất hình thành cơ cấu kinh tế, đặc biệt

là cơ cấu vùng lãnh thổ vẫn còn bộc lộ nhiều sơ hở. Thực tiễn cho thấy, còn nhiều vùng có tầm chiến lược về quốc phòng nhưng lại yếu về kinh tế. Tỉnh đã xây dựng nhiều khu công nghiệp như: khu công nghiệp Kim Hoa, Bình Xuyên, Khai Quang, Hợp Thịnh... nhưng các cơ sở công nghiệp này đều bố trí ở thành phố, thị xã và trên các trục đường lớn, chưa chú trọng đến các khu công nghiệp nhỏ ở vùng nông thôn, miền núi để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn. Hai huyện Lập Thạch, Tam Đảo dân còn thưa thớt, tạo khoảng trống, thiếu lực lượng bố phòng, tạo ra sơ hở để kẻ địch dễ dàng xâm nhập.

Việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa sâu rộng, chưa giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tình trạng tiêu cực xã hội xảy ra càng nhiều. Hiện tượng thanh thiếu niên nghiện ma túy ngày càng tăng, đây là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, chưa có biện pháp xử lý một cách hữu hiệu, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định.

Thứ sáu, việc xây dựng thế trận phòng thủ, tổ chức triển khai chưa được toàn diện, chưa được đồng bộ, một số cấp ủy, chính quyền trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quan tâm đúng mức, có nơi còn coi đó là việc của quân sự. Cho nên kế hoạch phòng thủ ở một số huyện, ngành chậm được bổ sung, điều chỉnh, một số huyện chưa xây dựng khu hậu cứ, hậu cần tại chỗ, đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của tỉnh.

Sự lãnh đạo của Đảng bộ Vĩnh Phúc trong quá trình kết hợp kinh tế với quốc phòng trên thực tế ở những lĩnh vực cụ thể thời gian còn nhiều khó khăn: vấn đề sử dụng quỹ đất cho phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và quỹ đất cho quốc phòng chưa tương xứng; một số mô hình kinh tế quốc

phòng được đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp; việc nhân rộng mô hình lực lượng dân quân tự vệ kết hợp trong đẩy mạnh sản xuất với tuần tra, phát hiện, thông tin tình hình trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ bài bản và đi vào nề nếp.

* Nguyên nhân hạn chế

- Về khách quan: Vĩnh Phúc là một tỉnh nhỏ, vừa mới thành lập, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng.

Nhà nước Việt Nam chưa hình thành một cơ chế chính sách về kết hợp kinh tế với quốc phòng, một hệ thống các văn bản pháp luật phù hợp với yêu cầu mới quản lý nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng để có cơ sở pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức điều hành thực hiện.

- Về nguyên nhân chủ quan:

Thứ nhất, Sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, ở một số thời

kỳ, giai đoạn chưa nhận thức đầy đủ và coi trọng đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết hợp phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng. Sự phối kết hợp trong lãnh đạo chủ trương gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng của một số cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ và hiệu quả.

Thứ hai, do nhận thức chưa chuyển kịp so với yêu cầu, nhiệm vụ xây

dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; chưa thấy hết bối cảnh quốc tế và khu vực biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường; chưa thấy hết và có phần mất cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch; và sâu xa hơn nữa là chưa nhận thức được yêu cầu bảo vệ trong chính bản thân quá trình xây dựng, cho nên có nơi, có lúc biểu hiện coi nhẹ nhiệm vụ quốc phòng, cho quốc phòng là gánh nặng của kinh tế.

Thậm chí lãnh đạo, thủ trưởng của các ngành, các đơn vị trong và ngoài quân đội cũng nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng trong tình hình mới, cho nên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong phát triển kinh tế - xã hội chưa làm đúng chức trách của mình để thực

hiện có hiệu quả sự kết hợp này; đặc biệt là yêu cầu tự kết hợp, tự bảo vệ ngay trong từng hoạt động kinh tế. Mặt khác, do tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, hay trong từng hoạt động kinh tế ở nơi này, nơi khác chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, thậm chí có nơi làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc phòng - an ninh quốc gia.

Thứ ba, Đội ngũ cán bộ làm kinh tế chưa được trang bị đầy đủ kiến

thức về quốc phòng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế “mở” từng bước hội nhập khu vực và thế giới. Công tác bồi dưỡng nâng cao nhận thức về kinh tế quốc phòng thời gian qua chưa chú ý đúng mức đến những vấn đề thuộc quan điểm, phương thức, phương pháp trong kết hợp kinh tế với quốc phòng, cho nên tổ chức thực hiện thiếu nhịp nhàng, đồng bộ và còn nặng về kinh tế, chưa coi trọng việc kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Như vậy, trong thời gian qua Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tích trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, từ việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế đến việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, từ việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh đến việc các lực lượng vũ trang gián tiếp và trực tiếp tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế. Tuy đạt được những kết quả đó nhưng trong quá trình lãnh đạo thực hiện kinh tế kết hợp với quốc phòng vẫn còn nhiều thiếu sót cần phải đề ra các giải pháp để khắc phục các hạn chế đó mà nguyên nhân chủ yếu của những nhược điểm này là nhận thức chưa chuyển biến kịp với những yêu cầu mới về kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lãnh đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng (1997 - 2010) (Trang 85 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)