Quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Khảo cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay (Trang 36 - 43)

6. Ý nghĩa của Luận văn

1.2. Quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá

giá Phát Diệm

Giáo phận Phát Diệm hiện nay trước đây là một phần của giáo phận Bắc kỳ Duyên Hải (quen gọi là giáo phận Thanh) thành lập năm 1901 theo Đoản sắc của giáo hoàng Lêo XIII ban hành ngày 15/4/1901. Đến ngày 8/2/1902, các Sắc chỉ của Tòa thánh liên quan đến việc thành lập giáo phận Thanh đã được chính thức công bố trong cuộc họp tại Kẻ Sở và từ năm 1902 giáo phận Thanh chính thức tách khỏi giáo phận Bắc kỳ Duyên Hải trở thành một giáo phận độc lập với đầy đủ nhân sự và cơ sở vật chất [xem:11 (tập 2), tr.566]. Năm 1924, giáo phận Thanh đổi tên là giáo phận Phát Diệm theo địa giới hành chính nơi đặt tòa giám mục. Đến năm 1932 Tòa thánh phân chia giáo phận Phát Diệm thành hai giáo phận là giáo phận Thanh và giáo phận Phát Diệm. Giáo phận Thanh (thuộc tỉnh Thanh Hóa) giao cho các thừa sai Pháp đảm nhận, giáo phận Phát Diệm gồm tỉnh Ninh Bình và huyện Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình, được giao cho hàng giáo sĩ Việt Nam chịu trách nhiệm [11 (tập 2), tr. 575-576]. Quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm gắn liền với sự thành lập và phát triển của giáo phận Phát Diệm.

Năm 1902 giáo phận Thanh chính thức tách khỏi giáo phận Bắc kỳ Duyên Hải trở thành một giáo phận độc lập, Tòa thánh bổ nhiệm giám mục Alecxandre Marcou (có tên Việt Nam là Thành) lúc đó là phó giáo phận

Tây Đàng Ngoài làm giám mục Đại diện tông tòa giáo phận Thanh. Khi giáo phận Thanh được thành lập, đã có ba cộng đoàn (còn gọi là nhà) của các nữ tu Mến Thánh giá đó là cộng đoàn Bạch Bát được thành lập năm 1749, cộng đoàn Phúc Nhạc được thiết lập năm 1788 và cộng đoàn Cách Tâm thành lập năm 1828, ba cộng đoàn độc lập với nhau và tất cả đều thuộc lãnh thổ của tỉnh Ninh Bình [11 (tập 2), tr. 570]. Với tư cách là giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của giáo phận, năm 1902 giám mục A.Marcou quy tụ các nữ tu Mến Thánh giá ở ba cộng đoàn nói trên và lập thành một dòng Mến Thánh giá lấy tên là dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, đặt tại Lưu Phương thuộc giáo phận Phát Diệm và nhà Lưu Phương trở thành nhà Mẹ của dòng. Giám mục A.Marcou thành lập dòng Mến Thánh giá Phát Diệm đúng với mục đích, nhiệm vụ và tinh thần của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam do giám mục Lambert de la Motte đề ra.

Sau khi thành lập dòng Mến Thánh giá, giám mục A.Marcou đã cho di chuyển nhà in từ Phúc Nhạc về Lưu Phương và giao cho các nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm phụ trách công việc in sách đạo “công tác của chị em là in sách (thời đó bằng chữ nôm và chữ nho), các đơn từ, văn tự… bằng chữ nho; còn sách đạo bằng chữ nôm: sách Kinh, sách bổn, lịch Công giáo, sách cấm phòng, sách Giảng sự thương khó của chúa Giêsu… Nhà in tại Phúc Nhạc là chung cho cả 3 giáo phận Hà Nội, Hưng Hóa và Phát Diệm” [55, tr. 163]. Ngoài ra, các nữ tu còn làm thuốc nam bán kết hợp với những công việc khác như làm ruộng, chăn nuôi và may đồ phụng vụ (may áo lễ, khăn vai, khăn thánh, áo các thánh, ảnh…). Những công việc này một mặt giúp nữ tu đảm bảo trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mặt khác thông qua đó nữ tu có điều kiện thâm nhập, tiếp xúc với dân chúng chủ yếu là những người nghèo đói và truyền bá đạo Công giáo.

Năm 1916 Giám mục Marcou Thành giao cho Thừa sai Louis de Cooman (có tên Việt Nam là Hành) - Tổng Đại diện giáo phận Thanh (sau này là giám mục phó với quyền kế vị) phụ trách và biên soạn luật mới cho dòng Mến Thánh giá Phát Diệm [55, tr. 94]. Với trách nhiệm mới giám mục Louis de Cooman tiến hành cải tổ dòng Mến Thánh giá trên các phương diện như thống nhất các cộng đoàn trong giáo phận, biên soạn lại Hiến pháp quy định việc khấn dòng theo Giáo luật năm 1917; sửa đổi tu phục, nữ tu mặc áo dài đen, đầu đội lúp đen, đeo Thánh giá trước ngực; sửa đổi tên gọi các chức vụ cho thích hợp với dòng tu như Bà Mẹ đổi thành Bề trên chung của cả hội dòng, chị giữ việc gọi là Tổng quản lý. Tại các cộng đoàn, đứng đầu là Bà Nhất, chị Cai được gọi là Quản lý. Đến năm 1924 luật mới của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được Tòa Thánh phê duyệt. Như vậy, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng Mến Thánh giá đầu tiên ở Việt Nam được cải tổ và ban hành luật mới.

Ngày 02/02/1925 giám mục A.Marcou Thành và giám mục Louis de Cooman đã long trọng chủ sự lễ khấn tạm lần đầu cho 71 [11 (tập 2), tr. 571] nữ tu tại nhà Mẹ Lưu Phương, Phát Diệm. Đây là lễ khấn đầu tiên sau 255 năm kể từ khi giám mục Lambert de la Motte nhận lời khấn của 2 nữ tu Anê và Paula tại Phố Hiến và cũng là lễ khấn tạm đầu tiên của nữ tu dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam theo giáo luật mới được ban hành năm 1917 (Giáo luật 1917 quy định lời khấn đơn dành cho các dòng tu có đời sống phục vụ tông đồ truyền giáo). Sáu năm sau, tức ngày 01/02/1931, các nữ tu này được khấn trọn và đây cũng là lễ khấn trọn đầu tiên của các nữ tu dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam.

Năm 1932, Tòa thánh phân chia giáo phận Phát Diệm thành hai giáo phận là Thanh Hóa và Phát Diệm, cho nên dòng Mến Thánh giá Phát Diệm cũng được chia tách. Trong đó, các cộng đoàn của dòng

nằm trong lãnh thổ Thanh Hóa thuộc về dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa và các cộng đoàn nằm trong lãnh thổ Ninh Bình và huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) thuộc về dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Như vậy, sau khi chia tách giáo phận dòng Mến Thánh giá Phát Diệm cũng chia tách và hoạt động độc lập.

Khi mới thành lập, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm mới có cơ sở đầu tiên tại Lưu Phương, sau này cùng với sự phát triển của Công giáo trong giáo phận, số nhân sự của dòng ngày càng tăng, cho nên dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thành lập thêm nhiều cộng đoàn tại các giáo xứ trong giáo phận. Cụ thể là cộng đoàn Ninh Bình được thành lập năm 1919; cộng đoàn Văn Hải thành lập năm 1927; cộng đoàn Khiết Kỷ thiết lập năm 1937; cộng đoàn Hướng Đạo thành lập năm 1938; cộng đoàn Tôn Đạo và cộng đoàn Vô Hốt thành lập năm 1940; cộng đoàn Quyết Bình và cộng đoàn Dưỡng Điềm thành lập năm 1950; cộng đoàn Như Tân thiết lập năm 1952 và cộng đoàn Tân Khẩn thành lập năm 1953 [55, tr. 97].

Cùng với việc phát triển nhân sự và thành lập các cộng đoàn mới, nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm còn giúp cải tổ các hội dòng Mến Thánh giá ở các giáo phận khác như năm 1942 đã giúp cải tổ Hội dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa (giáo phận Hưng Hóa). Năm 1946 giúp thành lập dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu (giáo phận Bùi Chu tỉnh Nam Định). Năm 1951 giúp cải tổ dòng Mến Thánh giá Bùi Chu, sau này đổi tên là Dòng Đức Mẹ Trinh Vương.

Năm 1954, sau hiệp định Giơneve lãnh thổ nước ta chia cắt thành 2 miền, Công giáo ở Việt Nam diễn ra một cuộc di cư lớn. Giáo phận Phát Diệm cũng là một trong những giáo phận có số lượng chức sắc và giáo dân di cư đông. Trong đó nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm phần lớn di cư vào Nam, cho nên thời kỳ này nhân sự của dòng có nhiều xáo trộn. Ngày

11/07/1954 cùng với giám mục Lê Hữu Từ và đa số linh mục Phát Diệm, khoảng 183 nữ tu, gồm cả khấn sinh, tập sinh và đệ tử di cư vào Nam, còn 30 nữ tu lớn tuổi ở lại, chia nhau trông coi 9 nhà, còn 4 nhà phải đóng cửa vì không có người ở [64]. Số nữ tu của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm di cư vào Nam và đã thành lập dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tại Gò Vấp thuộc tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1995 theo nghị định của Bộ tu sĩ, dòng chính thức được đổi tên là Mến Thánh giá Gò Vấp.

Sau cuộc di cư, đến năm 1957 tình hình ổn định hơn, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tiếp nhận 30 thỉnh sinh và chia thành các lớp đào tạo trong ba năm 1958, 1959 và 1960. Sau thời gian đào tạo và huấn luyện ngày 01/01/1963 dòng tổ chức lễ khấn tạm cho 30 tập sinh này.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm không tuân thủ theo quy định của chính quyền địa phương. Cho nên trong hai năm 1966 - 1967, chính quyền yêu cầu 12 nữ tu trở về gia đình, nhưng thời gian này do ảnh hưởng của cuộc di cư, giáo phận Phát Diệm đang thiếu linh mục và nhân sự phục vụ tại các giáo xứ. Vì thế thay vì trở về sinh hoạt tại gia đình thì các nữ tu này đến các giáo xứ (Tân Khẩn, Trì Chính, Mông Hưu, Phương Thượng, Phát Diệm, Dưỡng Điềm) phục vụ và trở thành trợ tá đắc lực trong các công việc mục vụ của giáo xứ như dạy giáo lý cho trẻ em tại, phụ trách ca đoàn, phục vụ phòng thánh, đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân tại nhà.

Trong thời gian chiến tranh, cùng với những khó khăn của đất nước, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm cũng gặp nhiều khó khăn và gần như không phát triển nhân sự. Sau công cuộc đổi mới đất nước, nhất là sau khi Đảng và Nhà nước ta có chính sách đổi mới trong lĩnh vực tôn giáo, từ năm 1991 các nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được tạo điều kiện thuận lợi trở lại dòng sinh sống và hoạt động. Với sự giúp đỡ của giám mục Bùi

Chu Tạo (giám mục giáo phận Phát Diệm) nữ tu Ana Đinh Thị Hiền được gửi vào dòng Mến Thánh giá Gò Vấp (gốc là dòng Mến Thánh giá Phát Diệm) để chuẩn bị khấn trọn theo giáo luật và lễ khấn trọn diễn ra vào ngày 12/06/1991. Sau đó nữ tu Ana Hiền trở về dòng Mến Thánh giá Phát Diệm nhận trách nhiệm đại diện. Ngày 14/09/1991 nữ tu Ana Hiền đã nhận lời khấn cho 7 nữ tu cùng lớp tại nhà nguyện Tòa giám mục Phát Diệm. Ngày 24/10/1991 một số ứng sinh mới của dòng được gửi vào nhà Mẹ của dòng Mến Thánh giá Gò Vấp để huấn luyện ở các lớp đệ tử, tiền tập viện và tập viện.

Cùng năm này, với sự giúp đỡ của giám mục Bùi Chu Tạo, nhà nguyện của dòng đã được xây dựng lại trên chính nền nhà nguyện cũ bị bom đánh phá trong thời kỳ chiến tranh. Đến ngày 14/09/1992, tại nhà nguyện của dòng, giám mục Bùi Chu Tạo đã chủ sự lễ khấn trọn cho 8 nữ tu sau 29 năm khấn tạm (1963-1992).

Từ năm 1993, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tái thiết khu trường đệ tử cho tập sinh ở và học tập. Sau đó, dần dần tái thiết các khu nhà khác của dòng đồng thời từng bước khôi phục và tái lập các cộng đoàn trước đây đã đóng cửa do thiếu nữ tu trông coi.

Mặc dù trải qua nhiều khó khăn do chiến tranh, chia ly nhưng cho đến nay dòng Mến Thánh giá Phát Diệm vẫn tiếp tục phát triển và ngày càng mở rộng hoạt động. Hiện nay, dòng do nữ tu Têrêxa Mai Thị Ngát làm Tổng phụ trách. Tại giáo phận Phát Diệm dòng có 15 cộng đoàn thuộc 15 giáo xứ và 2 cộng đoàn hoạt động ngoài giáo phận. Cộng đoàn hoạt động trong giáo phận Phát Diệm là: cộng đoàn Lưu Phương (nhà Mẹ), Thành Đức (Cách Tâm), Hướng Đạo, Văn Hải, Như Sơn, Quyết Bình, Quy Hậu, Hóa Lộc, Dưỡng Điềm, Tân Mỹ, Thuần Hậu, Phương Thượng, Trung Đồng, Sào Lâm và Vô Hốt. Cộng

đoàn hoạt động ngoài giáo phận là: cộng đoàn Quỹ Nhất (giáo phận Bùi Chu), cộng đoàn sinh viên Hà Nội (giáo phận Hà Nội) [64]. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình, tính đến năm 2013, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm có 233 nữ tu, 120 dự tu [8, tr. 1].

Tiểu kết chương 1:

Dòng Mến Thánh giá là dòng tu nữ được thành lập sớm nhất ở Việt Nam, sự ra đời và phát triển của dòng gắn liền với quá trình truyền bá và phát triển Công giáo vào Việt Nam. Trong quá trình phát triển các cộng đoàn của dòng được tách ra và trở thành một dòng Mến Thánh giá độc lập mang tên giáo phận hoặc địa phương nơi đặt trụ sở chính của dòng. Cho đến hiện nay, theo số liệu thống kê của giáo hội Công giáo Việt Nam (Niên giám 2005), tại Việt Nam có 23 dòng Mến Thánh giá với trên 4.450 nữ tu đã khấn và 3.221 tu sinh, là hội dòng có số nhân sự lớn nhất so với các dòng tu nữ ở Việt Nam, chiếm khoảng hơn 1/3 số nữ tu cả nước. Hoạt động của các dòng Mến Thánh giá ngày càng đa dạng trên nhiều lĩnh vực thích ứng với sự phát triển của xã hội và Giáo hội.

Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là một trong 23 dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam, là dòng Mến Thánh giá được thành lập tương đối sớm so với các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam và cũng là dòng Mến Thánh giá đầu tiên được cải tổ và ban hành luật mới. Quá trình hình thành của dòng gắn liền với quá trình thành lập của giáo phận Phát Diệm. Hiện nay, dòng do nữ tu Têrêxa Mai Thị Ngát làm Tổng phụ trách. Tại giáo phận Phát Diệm dòng có 15 cộng đoàn thuộc 15 giáo xứ và 2 cộng đoàn hoạt động ngoài giáo phận. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình, tính đến năm 2013, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm có 233 nữ tu và 120 dự tu.

CHƯƠNG 2: CƠ CẤU TỔ CHỨC, ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Khảo cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay (Trang 36 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)