6. Ý nghĩa của Luận văn
2.2. Đời sống tu trì
2.2.1. Quá trình huấn luyện và đào tạo nữ tu
Đối với người nữ tu Mến Thánh giá huấn luyện là một hành trình liên tục bước theo Chúa Giêsu với thái độ lắng nghe, nhìn ngắm, suy nghĩ và hành động thiết thực [56, tr. 92]. Đồng thời huấn luyện là một nhân tố làm tăng trưởng nhân cách nữ tu, một ơn lành cho cộng đoàn, một nguồn năng lượng phong phú cho hoạt động tông đồ. Việc huấn luyện được thực hiện trong cuộc sống và qua cuộc sống, từ môi trường thực tế của xã hội và giáo hội địa phương. Huấn luyện phải có hệ thống và toàn diện, kết hợp lý thuyết với thực hành, đặc biệt nhấn mạnh tính chủ động và trách nhiệm của cá nhân. Huấn luyện là một hành trình duy nhất qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng vẫn giữ tính chất liên tục bao gồm: huấn luyện khởi đầu (gồm các giai đoạn tiền tập viện, tập viện, học viện) và huấn luyện thường xuyên. Huấn luyện vừa bao gồm một sự giáo dục cá nhân đáp trả lời mời gọi sống theo sứ mạng của hội dòng, vừa là một sự huấn luyện toàn diện về nhân bản, tu trì, đời sống thiêng liêng, tâm lý… để sống trọn vẹn ơn gọi thánh hiến. Cho nên để đạt được mục tiêu huấn luyện, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm rất chú ý đến điều kiện thu nhận ứng sinh. Cụ thể:
Về tuổi tác: độ tuổi của ứng sinh tối thiểu là 18 và tối đa 25 tuổi. Trên 25 tuổi cần có sự đồng ý của chị Tổng phụ trách.
Về thể lực và trí lực: ứng sinh phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh nan y, tâm lý ổn định, có khả năng lĩnh hội nội dung các chương trình học;
Về nhân cách: ứng sinh phải có đạo đức tốt, bản tính thật thà khiêm tốn, tính tình vui vẻ, hòa nhã, có khả năng sống cộng đoàn, biết phát huy tinh thần cộng đồng, trách nhiệm với mọi người;
Về ơn gọi đời tu: ứng sinh phải có sự yêu mến đời sống thánh hiến, có ý chí và quyết tâm sống đời tu theo ơn gọi, nhập tu không do sự ép buộc hay trốn tránh cuộc đời;
Các điều kiện khác như ứng sinh đã nhận lĩnh các bí tích rửa tội và thêm sức của bản thân [32, tr. 218], bí tích hôn phối của cha mẹ, có sự giới thiệu và bảo lãnh của linh mục xứ, chưa lập gia đình và không bị vướng bận vì gia đình, không bị dị tật, có tinh thần phục vụ tha nhân, có khả năng vượt qua những khó khăn và đáp ứng được công việc do bề trên phân công. Để việc huấn luyện đạt kết quả tốt, trước khi tuyển chọn vào giai đoạn Tiền tập viện, ứng sinh sẽ phải trải qua giai đoạn tìm hiểu 1 năm và giai đoạn đệ tử 1 năm. Đây được gọi là giai đoạn Dự tu. Mục đích của giai này, nhằm giúp ứng sinh nhận biết ơn gọi của bản thân và giúp hội dòng tìm hiểu tính tình, khả năng và lý do chọn lựa đời sống tu trì của ứng sinh. Sau khi hội dòng xác nhận được ơn gọi của ứng sinh và tiếp nhận, ứng sinh sẽ được hội dòng huấn luyện và đào tạo. Quá trình huấn luyện này được gọi là huấn luyện khởi đầu.
Huấn luyện khởi đầu gồm 3 giai đoạn: tiền tập viện, tập viện và học viện.
Giai đoạn Tiền tập viện cũng gọi là Thỉnh tu: Những người muốn gia
nhập dòng Mến Thánh giá Phát Diệm đều phải trải qua giai đoạn này tối thiểu 1 năm và tối đa 2 năm. Mục đích của giai đoạn này nhằm giúp thỉnh sinh nhận biết rõ hơn và bắt đầu khám phá ơn gọi đời sống thánh hiến, giúp hội dòng
tìm hiểu khả năng cũng như các năng khiếu của thỉnh sinh và chuẩn bị cho thỉnh sinh vào tập viện bằng cách cho tham gia đầy đủ đời sống cầu nguyện và sinh hoạt cộng đoàn trong giới hạn một thỉnh sinh [56, tr. 96-97]. Việc huấn luyện của dòng trong giai đoạn này chủ yếu để xác định ơn gọi hay ý muốn của thỉnh sinh, từ đó chú trọng phát huy các năng khiếu của thỉnh sinh, chuẩn bị một nền tảng chuyên môn nhằm đáp ứng hoạt động tông đồ sau này. Các môn thỉnh sinh phải học trong giai đoạn này, bao gồm:
Các môn học thần học: thần học về đời sống tu trì, giáo lý Công giáo căn bản, Kinh Thánh, Thánh nhạc, ơn gọi đời tu, giáo dục nhân bản đời tu…
Các môn riêng của dòng Mến Thánh giá: lịch sử dòng Mến Thánh giá Việt Nam và lịch sử dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, Tiểu sử người sáng lập dòng, ơn gọi tu trì dòng, đặc sủng và linh đạo dòng, tập cầu nguyện bằng phụng vụ và nguyện ngắm.
Các môn xã hội: thỉnh sinh phải học Triết học, Việt ngữ, ngoại ngữ… Kết thúc giai đoạn này, Ban huấn luyện của dòng (gồm các nữ tu: giám sư kinh viện, giám sư tập viện, phụ tá kinh viện và tập viện, đặc trách tiền tập viện, đặc trách đệ tử) sẽ tổ chức một kỳ kiểm tra về nội dung đã được học. Đối với những thỉnh sinh không đủ khả năng hoặc ơn gọi không thích hợp với tinh thần của dòng thì Ban huấn luyện sẽ từ chối nhận vào dòng, có thể để thỉnh sinh về với gia đình hoặc nếu thỉnh sinh vẫn có mong muốn sống cuộc đời tu trì, sẽ giới thiệu sang dòng khác thích hợp với ơn gọi của thỉnh sinh. Những thỉnh sinh vượt qua kỳ kiểm tra sẽ bước sang giai đoạn Tập viện.
Giai đoạn Tập viện là giai đoạn thứ hai của quá trình huấn luyện nữ tu.
Đây được xem là giai đoạn định chế cổ truyền nhất của các dòng tu nữ và là giai đoạn huấn luyện nghiêm ngặt nhất trong quá trình huấn luyện nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Mục đích của giai đoạn này nhằm giúp tập sinh
nhận biết chắc chắn và rõ ràng hơn ơn gọi của mình và của hội dòng; thực nghiệm lối sống của hội dòng; uốn nắn trí tuệ và trái tim theo tinh thần của hội dòng; hội dòng kiểm chứng ý định và tư cách thích đáng của tập sinh với đời sống tu trì trong hội dòng sinh [56, tr. 98]. Trong giai đoạn này tập sinh phải trải qua một thời kỳ thử luyện cuộc sống đời tu với những môn học sau đây: Vun trồng các đức tin nhân bản và Kitô giáo; Học tập nguyện ngắm và từ bỏ mình như là những phương thế hữu hiệu nhất để đạt tới sự hoàn thiện; Đọc và suy niệm Kinh thánh để chiêm ngưỡng mầu nhiệm cứu độ; Học phụng vụ để tôn thờ Thiên chúa cách xứng hợp; Tập sống đời thánh hiến cho Thiên Chúa và loài người trong Đức Kitô bằng các lời khuyên Phúc âm; Nắm vững đặc điểm, tinh thần, mục đích, kỷ luật, lịch sử và đời sống của hội dòng; Thấm nhuần tinh thần yêu mến Giáo hội và các vị chủ chăn [56, tr. 100].
Nhìn chung trong giai đoạn này, tập sinh được rèn luyện những đức tính nhân bản Kitô giáo, học cách cầu nguyện và từ bỏ mình (từ bỏ những thói quen, nhu cầu hưởng thụ) để có thể trải nghiệm cuộc sống khó nghèo trong đời tu. Chương trình tập sinh phải học trong giai đoạn này chú trọng về thần học, sự mầu nhiệm của Chúa Kitô, đào sâu các lời khuyên Phúc âm, tìm hiểu một số chuyên đề về đời sống tu trì như tu đức và khổ chế, giáo luật cho tu sĩ, học nguyện ngắm, Phụng vụ, tập sống đời thánh hiến, nắm vững đặc điểm, tinh thần, mục đích, kỷ luật, lịch sử và đời sống của dòng Mến Thánh giá nói chung và dòng Mến Thánh giá Phát Diệm nói riêng.
Ngoài chương trình học, mỗi ngày tập sinh phải dành thời gian Chầu Thánh thể, mỗi tháng tĩnh tâm một ngày. Bên cạnh đó, tập sinh được phép tham gia hoạt động chung của nhà dòng cùng các nữ tu đã khấn trọn như suy niệm Kinh Thánh, tập sống đời tu với ba lời khấn Phúc âm, tham gia cùng cộng đoàn các giờ kinh, Thánh lễ, kỳ tĩnh tâm năm và nhận lĩnh các bí tích.
Giai đoạn Tập viện kéo dài hai năm, năm thứ nhất là thời gian tập sinh sống trong cộng đoàn của nhà tập. Trong năm này tập sinh phải thường xuyên có mặt tại nhà tập. Nếu vắng mặt quá 3 tháng liên tục hoặc ngắt quãng thì thời gian khóa tập của tập sinh sẽ bị coi là không hoàn thành và buộc phải tập lại ở khóa mới. Nếu vắng mặt quá 15 ngày thì tập sinh phải tập bù lại thời gian vắng mặt. Năm thứ hai tập sinh có thể đi thực tập tông đồ theo sự sắp xếp của hội dòng. Thông thường tập sinh sẽ được sắp xếp sinh hoạt và làm việc tông đồ trong một cộng đoàn của dòng.
Tập sinh phải tham gia đầy đủ và liên tục các nội dung huấn luyện theo luật định một cách nghiêm ngặt. Cuối giai đoạn Tập viện, nếu thấy đủ khả năng và thích hợp đời tu, tập sinh có quyền nộp đơn xin khấn tạm lần thứ nhất với Tổng phụ trách dòng. Điều kiện để tập sinh được chấp thuận khấn tạm lần thứ nhất là tập sinh tối thiểu phải đủ 21 tuổi; đã hoàn thành khóa tập theo đúng quy định; được sự đồng ý của Tổng phụ trách dòng và Ban Tổng cố vấn. Sau khi khấn tạm lần thứ nhất, tập sinh bước sang giai đoạn Học viện.
Trong giai đoạn Tập viện vai trò của nữ tu Giám sư tập viện rất quan trọng trong việc xác định ơn gọi của từng tập sinh. Sự chấp nhận của Tổng phụ trách dòng cho tập sinh khấn tạm lần thứ nhất hay trả tập sinh về với gia đình, phụ thuộc nhiều vào ý kiến nhận xét của nữ tu Giám sư tập viện.
Giai đoạn học viện còn gọi là Kinh viện tiếp tục huấn luyện các nữ tu
đã khấn tạm. Khi thời hạn của lần khấn tạm thứ nhất hết hiệu lực, nếu cảm thấy có khả năng sống tiếp đời sống tu trì, khấn sinh gửi đơn lên Tổng phụ trách dòng xin lặp lại lời khấn. Đối với dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thời gian khấn tạm lần thứ nhất có hiệu lực trong một năm và sau đó từng năm một khấn sinh lặp lại lời khấn cho đến khi được khấn trọn đời. Khấn sinh
nhiên, nếu Tổng phụ trách dòng thấy nên gia hạn thời gian khấn tạm cho trường hợp đặc biệt thì với sự đồng ý của Ban cố vấn có thể gia hạn thêm tối đa 3 năm nữa cho khấn sinh, nhưng tổng số thời gian khấn tạm không quá 9 năm. “Tuy nhiên, nếu thấy tiện, Bề trên có thẩm quyền, tùy theo luật riêng, có thể kéo dài thời gian khấn tạm, với điều kiện là tất cả thời gian mà một phần tử bị ràng buộc bởi lời khấn tạm không được quá chín năm” [32, tr. 222-223]. Trong thời gian khấn tạm, khấn sinh có thể xin tháo lời khấn khi có lý do trầm trọng. Bề trên dòng có thẩm quyền tháo lời khấn cho khấn sinh với sự thỏa thuận của Hội đồng cố vấn của dòng. Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng giáo phận nên thẩm quyền tháo lời khấn của Tổng phụ trách dòng phải được Giám mục giáo phận chuẩn y thì mới có giá trị. Ngoài ra, trong thời gian khấn tạm nếu có lý do trầm trọng thì dòng có thể trục xuất khấn sinh. Như vậy, có hai trường hợp khấn sinh rời khỏi dòng, một là khấn sinh tự nguyện xin tháo lời khấn, hai là khấn sinh bị dòng trục xuất.
Giai đoạn học viện nhằm mục đích kiện toàn việc huấn luyện các nữ tu khấn tạm bằng cách hướng dẫn họ sống nội tâm và chuẩn bị các bước cho việc tuyên khấn trọn, giúp khấn sinh nhận biết được mối liên hệ giữa tinh thần của đời sống tu trì với thực tại xã hội, thể hiện sinh động vai trò truyền giáo cũng như nhiệt tâm làm việc tông đồ theo đường hướng ơn gọi của dòng. Trong giai đoạn này khấn sinh phải học số môn theo quy định như linh đạo dòng Mến Thánh giá với ba chiều kích chiêm niệm, khổ chế và tông đồ; mầu nhiệm Chúa Kitô, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm giáo hội; học Kinh Thánh đặc biệt Thánh vịnh, Phúc Âm và các thư thánh Phaolô. Ngoài ra, khấn sinh cần học sư phạm giáo lý, học nghề hoặc bổ túc chuyên môn để nâng cao năng lực trong các hoạt động tông đồ của dòng.
Trong giai đoạn này, khấn sinh được phân công thực tập việc tông đồ lần lượt tại hai cộng đoàn khác nhau và tham gia các hoạt động tông đồ giáo xứ. Chủ đích của việc thực tập tông đồ là giúp cho khấn sinh được đào tạo để có sự thống nhất trong đời sống chiêm niệm và hoạt động. Đồng thời cũng để cho những người phụ trách dòng trắc nghiệm xem các khấn sinh có thích ứng được với công việc tông đồ của dòng không. Khi thời gian thực tập tông đồ kết thúc, khấn sinh trở về nhà Mẹ dọn khấn trong một năm để chuẩn bị khấn trọn. Hết thời hạn một năm dọn khấn và tĩnh tâm, nếu quyết định không thay đổi, khấn sinh trình đơn xin khấn trọn. Nếu Tổng phụ trách dòng chưa tin tưởng khả năng của tập sinh có thể bác đơn và gia hạn thêm một năm thử thách. Tổng phụ trách dòng cho phép khấn sinh khấn trọn khi đa số thương nghị của nữ tu nơi cộng đoàn khấn sinh thực tập tông đồ trước đó đồng ý.
Điều kiện để được khấn trọn: tối thiểu 26 tuổi, đã khấn tạm ít nhất 5 năm, 6 tháng trước khi khấn trọn đệ đơn xin khấn trọn lên Tổng phụ trách dòng, được Tổng phụ trách dòng và Ban Tổng cố vấn chấp thuận cho khấn trọn, tuyên khấn công khai và tự do, được Tổng phục trách dòng hoặc người được Tổng phụ trách dòng ủy quyền nhận lời khấn.
Khấn dòng: là bước ngoặt quan trọng đối với người nữ tu Mến
Thánh giá Phát Diệm “Tuyên khấn là hành vi của nhân đức thờ phượng niêm ấn giao ước tình yêu thánh hiến giữa Thiên Chúa và chúng ta trong Đức Kitô. Ba lời khấn là ba khía cạnh của tiếng “Thưa vâng” duy nhất, đáp lại ơn huệ Thiên Chúa thánh hiến toàn diện con người tu sĩ” [56, tr. 62-63]. Thông thường, tu sĩ của các dòng tu tuyên khấn 3 lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục nhưng một số dòng có thêm lời khấn thứ tư như các dòng chiêm niệm (dòng tu kín) có thêm lời khấn vĩnh cư. Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng vừa chiêm niệm vừa hoạt động
nên các nữ tu của dòng tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm là: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Sau khi tuyên khấn, nữ tu được nhận dấu chỉ của dòng bao gồm nhẫn giao ước Thánh giá, tu phục dòng. Nhẫn Giao ước và Thánh giá như là dấu chỉ minh chứng họ đã trở thành “hiền thê của Chúa Kitô”. Nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm đeo nhẫn khấn ở ngón áp út tay phải, nhẫn khấn bằng bạc, hình tròn mặt trên có hình Thập giá.
Ngoài ra, nội quy dòng cũng quy định tu phục của nữ tu theo những tiêu chuẩn do Công đồng Vatican II nêu ra: tu phục phải đơn giản, khiêm tốn, khó nghèo, đoan trang, hợp với sức khỏe, thích ứng với thời đại, nơi chốn và thuận tiện cho công việc tông đồ. Hiện nay, tu phục của nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm sử dụng chất liệu màu đen, áo thụng dài quá gối, không xếp ly, cổ cánh én, quấn ống thụng vừa phải, đầu đội lúp đen viền trắng, đeo biểu tượng Thánh giá trước ngực. Tu phục thường ngày là quần tối màu và áo sơ mi màu sáng.
Sau khi khấn trọn nữ tu vẫn phải tiếp tục việc tự đào luyện thường xuyên, không những rèn luyện về đạo đức, chu toàn việc nguyện ngẫm mà còn phải nâng cao kiến thức xã hội, thần học và hoạt động tông đồ.
Chương trình huấn luyện thường xuyên: sau khi khấn trọn, việc
huấn luyện nữ tu chưa kết thúc, tất cả các nữ tu phải tiếp tục công việc đào tạo thường huấn không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn về hoạt động tông đồ mà nhất là trong con đường tu đức. Theo sắc lệnh Perfectae caritatis (Sắc lệnh canh tân đời tu), việc huấn luyện cho tu sĩ không phải là chấm