6. Ý nghĩa của Luận văn
2.2. Đời sống tu trì
2.2.3. Đời sống cầu nguyện
Cầu nguyện đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tu trì của người nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm bởi nhiệm vụ đầu tiên và chính yếu của mọi nữ tu là chiêm niệm và kết hiệp liên lỉ với Thiên chúa bằng kinh nguyện [56, tr. 29]. Cầu nguyện không chỉ là một phương thức giúp nữ tu tiến tới sự trọn lành mà còn đòi hỏi việc chế ngự bản thân, thực tập các nhân đức. Giáo luật quy định các tu sĩ dành thời gian cho việc đọc sách Thánh và thực hành tâm nguyện, cử hành phụng vụ giờ kinh theo quy định của luật riêng và khuyến khích họ hãy cố gắng hàng ngày tham dự thánh lễ, lãnh
nhận Mình thánh Chúa và tôn thờ Thiên Chúa hiện diện trong bí tích Thánh thể, tĩnh tâm và xét mình [32, tr.224 - 225].
Đối với nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm cầu nguyện được thực hiện qua các hình thức phụng vụ Thánh lễ (Thánh lễ hàng ngày, chủ nhật và các ngày lễ trọng), đọc và suy niệm sách Kinh, phụng vụ giờ kinh (kinh nguyện), tâm nguyện (tĩnh tâm) và xét mình.
Phụng vụ Thánh lễ là một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống cầu nguyện của nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm, “chiếm địa vị vô song, vì phụng vụ kết hợp kinh nguyện nội tâm với phượng tự bên ngoài” [56, tr. 29]. Do vậy, nữ tu phải tham dự Thánh lễ hàng ngày và hiệp lễ, khi không có Thánh lễ cộng đoàn hoặc không thể tham dự thánh lễ giáo xứ, nữ tu cử hành phụng vụ lời Chúa với nhau và hiệp lễ. Ngoài ra, nếu có thể phải rước Mình Thánh Chúa và tôn thờ Thiên Chúa hiện diện trong bí tích Thánh thể. Nữ tu thăm viếng Thánh thể riêng ít nhất một lần trong ngày, nếu vì lý do chính đáng không thể làm được thì thay thế bằng ý nghĩ hướng về Chúa Giêsu Thánh thể và rước lễ thiêng liêng. Nếu vì lý do chính đáng, nữ tu không thể tham dự Thánh lễ sẽ bù lại bằng cách tham dự Thánh lễ khác và đọc riêng giờ kinh Phụng vụ đó, hoặc hoàn cảnh không cho phép làm như vậy thì đọc tối thiểu 5 kinh Lạy cha kính nhớ 5 dấu Thánh giá Chúa Kitô. Ngoài việc tham dự Thánh lễ hàng ngày, nữ tu còn phải tham gia phụng vụ trong các lễ trọng của giáo hội và các thánh lễ như lễ Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô (ngày 14/9), thánh lễ mừng bổn mạng sáng lập dòng (ngày 19/3), thánh lễ tôn sùng Mẹ Maria (ngày 15/9), lễ các Thánh tử đạo Việt Nam [xem: 56, tr.32-33].
Phụng vụ giờ kinh là lời cầu nguyện chung của toàn thể giáo hội để thánh hóa ngày giờ và toàn bộ sinh hoạt của con người. Các giờ kinh trong ngày gồm: kinh Sách, kinh sáng, kinh trưa, kinh chiều và kinh tối, quan
trọng hơn cả là kinh sáng và kinh chiều. Kinh Sách đề ra cho dân Chúa phương tiện phong phú nghiền ngẫm Kinh Thánh và những trang sách hay đẹp nhất của các nhà tu đức, cùng các Thánh Vịnh, thánh thi và lời nguyện. Kinh Sáng nhằm thánh hóa thời khắc ban mai khi bắt đầu một ngày mới để dâng lên Chúa những tác động đầu tiên của lòng trí chúng ta. Kinh Sáng được đọc vào lúc bình minh để ca ngợi Chúa Giêsu Phục sinh là mặt trời công chính, là ánh sáng chiếu soi mọi người. Kinh Trưa là những giờ kinh nhỏ nằm giữa kinh Sáng và kinh Chiều, gồm các giờ kinh sau đây: kinh giờ ba (9 giờ sáng), kinh giờ sáu (12 giờ trưa) và kinh giờ chín (3 giờ chiều). Những ai sống đời chiêm niệm phải đọc chung với nhau ba giờ kinh Trưa này, còn những người khác được phép chọn một trong ba giờ kinh này vào những thời khắc phù hợp trong ngày. Kinh Chiều được cử hành vào lúc ban chiều khi ngày vừa xế bóng để tạ ơn những gì Chúa đã ban hoặc những việc lành chúng ta đã làm trong ngày. Kinh Chiều cũng nhắc nhớ đến công trình cứu chuộc của Chúa, và niềm hy vọng về ánh sáng không hề tàn lụi. Kinh Tối là kinh cuối cùng trong ngày, đọc trước khi đi ngủ để xét mình và sám hối đồng thời kinh Tối cũng là lời nguyện tin tưởng cầu khẩn, xin Chúa chúc lành cho một giấc ngủ bình an. Trong 5 giờ kinh phụng vụ thì kinh Sáng và kinh Chiều là hai giờ then chốt của kinh nguyện hằng ngày, nên phải coi như những giờ kinh chính yếu và vì thế không được bỏ qua.
Trong đời sống cầu nguyện của nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, phụng vụ giờ kinh là một trong những nhiệm vụ chính yếu và quan trọng. Phụng vụ giờ kinh được chia thành giờ kinh riêng và giờ kinh chung. Cộng đoàn cử hành ít nhất hai giờ kinh chính là kinh sáng và kinh chiều. Các loại kinh được dùng để cầu nguyện gồm: kinh Nhật tụng, các Thánh vịnh và Thánh ca. Kinh Nhật tụng là loại kinh sử dụng nhiều nhất trong các giờ kinh phụng vụ, được xem là bộ kinh quan trọng nhất trong các
loại kinh nữ tu phải đọc. Trong thời gian đọc kinh Nhật tụng, mọi người tham dự buổi lễ phải hòa hợp tâm trí của mình với lời kinh. Ngoài Thánh lễ và các giờ kinh theo quy định, kinh Nhật tụng phải được tổ chức hàng ngày. Theo truyền thống kinh Nhật tụng sẽ được tổ chức ở hai giờ kinh chính trong ngày: kinh sáng và kinh chiều.
Ngoài việc kinh nguyện, trong đời sống chiêm niệm, nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm luôn luôn vun đắp tinh thần nguyện ngắm và thực hành thinh lặng theo tinh thần của giám mục sáng lập dòng. Đối tượng ưu tiên của việc nguyện ngắm là Chúa Giêsu chịu đóng đinh và hàng ngày nữ tu suy niệm về cuộc đời hy sinh của Chúa Giêsu. Thông thường nữ tu nguyện ngắm riêng trong thinh lặng. Thời gian nguyện ngắm tối thiểu nửa giờ mỗi ngày và thinh lặng tuyệt đối vào ban đêm. Hàng ngày nữ tu thinh lặng từ sau giờ kinh tối đến sau Thánh lễ và giờ kinh sáng [xem:56, tr. 31]. Thinh lặng là thời gian nữ tu suy ngẫm, nguyện kinh, tự xét mình, đồng thời thinh lặng cũng là khoảng thời gian nữ tu suy ngẫm về Chúa Giêsu. Trong thời gian thinh lặng, nữ tu không trao đổi với bất kỳ ai việc gì, cho dù nói thầm. Ngoài sự thinh lặng tuyệt đối vào ban đêm, nữ tu còn có thể thinh lặng cho riêng mình ở những thời gian và hoạt động khác như trong giờ lao động, thời gian ở nhà nguyện, thư viện, phòng riêng.
Thời gian tĩnh tâm cũng mang tính bắt buộc trong đời sống tu trì của nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Hàng tháng nữ tu tĩnh tâm ít nhất nửa ngày. Hàng năm có tĩnh tâm năm. Thời gian tĩnh tâm năm tùy theo Tổng phụ trách dòng sắp xếp, thời gian tĩnh tâm năm thường là một tuần. Khi tĩnh tâm năm nữ tu của tất cả các cộng đoàn phải về nhà Mẹ.
Bên cạnh những hình thức như trên thì trong đời sống tu trì của nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm việc xét mình là một việc làm cần thiết cho việc tiến đức, nữ tu luôn phải tự xét mình, để nhìn nhận và suy xét những việc
làm và suy nghĩ của mình “hàng ngày chị em xét mình cách trung thực, khiêm tốn trước mặt Chúa về các cố gắng cũng như thiếu sót, lỗi lầm” [56, tr. 31]. Có hai cách xét mình: xét mình chung là việc nữ tu kiểm điểm bản thân đều đặn mỗi ngày trong tinh thần cầu nguyện về những lỗi đã mắc phải hoặc những việc tốt đã làm và phải tạ ơn Chúa vì đã ban cho họ sức mạnh để thực hiện những việc tốt. Xét mình riêng là việc nữ tu kiểm điểm bản thân đều đặn hàng tuần, hàng tháng về những khuyết điểm đã mắc phải và đặt ra mục tiêu hành động tốt phải đạt được thời gian tới.