Tuân giữ ba lời khấn dòng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Khảo cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay (Trang 58 - 61)

6. Ý nghĩa của Luận văn

2.2. Đời sống tu trì

2.2.2. Tuân giữ ba lời khấn dòng

Theo quan điểm của giáo hội, đời sống tu trì của tu sĩ các dòng tu biểu hiện một lối sống đặc biệt và bền vững, đặc trưng bằng việc tận hiến cho Thiên chúa qua việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Trong Sắc lệnh về việc canh tân và thích nghi đời

sống tu trì, Công đồng Vatican II khẳng định: “Tu sĩ của bất cứ hội dòng

nào cũng phải hiểu rằng, họ đã đáp trả lời mời gọi của Thiên chúa chủ yếu qua việc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc âm, vì thế không những họ phải chết đi cho tội lỗi, nhưng còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên chúa. Thật vậy, họ muốn dâng trót cả cuộc đời để phụng sự Thiên chúa, chính hành động ấy đã làm nên cuộc thánh hiến đặc biệt, gắn liền và thể hiện cách trọn hảo ơn thánh hiến của bí tích Thánh tẩy” [33, tr.515]. Hiến chế tín lý về giáo hội, nhấn mạnh: “Qua việc tuyên khấn hay qua những ràng buộc linh thánh khác tương tự như lời tuyên khấn, các Kitô hữu tự buộc mình thực thi ba lời khuyên Phúc âm, hiến thân hoàn toàn cho Thiên chúa, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự, phụng sự và làm vinh danh Thiên chúa với một danh nghĩa mới và đặc biệt” [33, tr.152-153]. Tu sĩ của các dòng tu phải tuân giữ các huấn điều Phúc âm với trách nhiệm lời khấn cho nên họ tuyên khấn công khai ba lời khuyên Phúc âm dưới dạng ba lời khấn dòng, được giáo quyền công nhận và phải cam kết thực hành các lời khuyên Phúc âm. Trách nhiệm thực hành lời cam kết là hiệu quả của sự lựa chọn cá nhân thể hiện sự vững vàng và ý chí của người tu sĩ.

Ba lời khuyên Phúc âm không phải chỉ là nghĩa vụ pháp lý đòi hỏi các tu sĩ cam kết tuyên giữ mà từ sự thực hành ba lời khuyên Phúc âm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trong đời sống tu trì, người tu sĩ đã minh họa lại cuộc sống mà Chúa Giêsu đã sống. Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 44 có viết: “Hơn nữa, bậc tu trì noi theo cách chính xác và thực hiện liên tục

trong giáo hội nếp sống mà con Thiên chúa đã đón nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha, và cũng là nếp sống người đã đề ra cho các môn đệ theo Người ”[33, tr.154]. Theo quan điểm của giáo hội, việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm phải đưa đến việc triệt để theo bước chúa Giêsu. Ba lời khuyên Phúc âm là dấu chỉ rõ rệt nhất, bao quát nhất nói lên sự thuộc trọn về chúa và như thế đã tạo nên một danh nghĩa mới mẻ và đặc biệt.

Đối với nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm, tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm là “hiến mình cho Chúa một cách đặc biệt”, là sự noi theo và minh họa cuộc đời của Chúa Giêsu. Nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục dưới hình thức của lời khấn dòng.

Khiết tịnh hay đức trinh khiết là việc làm chủ giới tính, tiết chế và

điều chỉnh các ham muốn tính dục cho phù hợp với những nguyên tắc của lẽ phải và luật Thiên Chúa. Đối với nữ tu Mến Thánh giá thực hành khiết tịnh là sống cuộc đời độc thân, không lập gia đình, xa lánh dục vọng trần thế, noi gương Chúa Kitô dâng hiến trọn vẹn cho Thiên chúa và tha nhân. “Người nữ tu Mến thánh giá sống đức khiết tịnh thánh hiến là giữ gìn trái tim không bị phân chia và hiến dâng trọn vẹn con người mình cho Đức Kitô” [56, tr. 46]. Bằng lời khấn khiết tịnh, nữ tu cam kết giữ sự tiết dục hoàn toàn trong đời sống độc thân nghĩa là họ sống cuộc đời độc thân, từ bỏ hôn nhân để hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, chiêm ngưỡng yêu mến Chúa một cách trọn vẹn. Trước khi tuyên khấn, nữ tu phải thấu hiểu ý nghĩa cao quý cũng như những đòi hỏi của đức khiết tịnh, phải có sự trưởng thành tâm lý, tình cảm cần thiết để sống đời độc thân vui tươi và hạnh phúc. Nữ tu cần ý thức rằng: đức khiết tịnh là kết quả của một sự chọn lựa tự do từ phía con người đồng thời là một ơn đặc biệt từ phía Thiên Chúa. Tuyên giữ lời khấn khiết tịnh, nữ tu phải:

- Chế ngự giác quan trí tưởng tượng và các đam mê;

- Đoan trang, kín đáo trong ngôn ngữ, tác phong cũng như y phục; - Đơn sơ thẳng thắn và trong sáng khi giao tiếp;

- Thận trọng khi tham khảo tài liệu, sách báo và giải trí bằng truyền thanh, truyền hình, phim ảnh;

- Chuyên chú làm việc bổn phận hàng ngày;

- Chị em nên sử dụng hợp lý những phương thế tự nhiên để bảo vệ, phát triển sức khỏe và giữ quân bình tâm lý [56, tr.48].

Như vậy, đối với nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm tuyên khấn khiết tịnh là sống cuộc đời độc thân, từ bỏ hôn nhân, xa lánh dục vọng trần thế, noi gương Chúa Giêsu dâng hiến trọn vẹn cho Thiên chúa và tha nhân.

Khó nghèo hay thanh bần là lối sống đề cao sự thanh đạm, bình dị, từ bỏ quyền sở hữu tài sản. Nữ tu sống chung với nhau, không giữ tài sản riêng, mọi thứ đều là của chung. Khó nghèo còn là sự dấn thân phục vụ tha nhân.

Trong những bản luật cổ, chúng ta thấy xuất hiện hai khuynh hướng thực hiện sự khó nghèo. Khuynh hướng thứ nhất, nhấn mạnh tới tính cách khổ hạnh, do đó sống khó nghèo có nghĩa là sống nhiệm nhặt, khắc khổ. Khuynh hướng thứ hai thì coi việc chia sẻ tài sản quan trọng hơn, do đó tu sĩ nhấn mạnh đến tính chất cộng đồng tài sản trong tu viện hơn là nếp sống khắc khổ cá nhân. Cùng với những biến đổi của xã hội, ý thức về nếp sống khó nghèo cũng có thay đổi để phù hợp với thời đại mới. Sống khó nghèo có nghĩa là hòa đồng và chia sẻ với người nghèo, dấn thân bênh vực và giải phóng họ khỏi cuộc sống nghèo khổ. Trải qua lịch sử, mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về sự khó nghèo nhưng có thể hiểu chung là lối sống nhiệm nhặt đề cao sự thanh đạm, bình dị, từ bỏ tài sản cá nhân, chia sẻ trong cuộc sống cộng đoàn.

Bằng lời khấn khó nghèo, nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm cam kết chấp nhận sự hạn chế, tùy thuộc vào Tổng phụ trách và hội dòng trong việc định đoạt và sử dụng của cải theo Hiến chương và nội quy [56, tr.52]. Khó nghèo trong đời tu không chỉ hẹp trong sự lệ thuộc Tổng phụ trách dòng khi sử dụng của cải vật chất, mà xa hơn nữ tu phải giữ đức khó nghèo trong tinh thần, nói khác đi phải thực thi lời khấn khó nghèo vật chất với tinh thần “tận hiến”. Nữ tu Mến Thánh giá trước khi tuyên khấn lần đầu phải nhường quyền quản lý tài sản của mình cho ai tùy ý. Sau khi đã khấn lần đầu, bất cứ vật gì nữ tu thủ đắc do công sức riêng hay vì danh nghĩa hội dòng hay các tặng phẩm, tiền trợ cấp, bảo hiểm đều thuộc về hội dòng [56, tr. 52-53].

Vâng phục hay vâng lời là sự tuân thủ tuyệt đối thánh ý của Thiên

Chúa và bề trên dòng. Trải qua lịch sử đời tu, đã có rất nhiều quan niệm về ý nghĩa và sự thực hành lời khấn vâng lời. Sự vâng lời khi thì được xét trong tương quan với Thiên Chúa, khi thì được xét trong tương quan với Bề trên, với luật dòng, với cộng đoàn. Trước hết, nữ tu phải vâng phục thánh ý của Thiên Chúa được biểu lộ qua các giới răn của Kinh Thánh. Đồng thời cam kết phục tùng bề trên hợp pháp thay mặt Thiên Chúa, khi Bề trên truyền dạy theo Hiến chương và nội quy của dòng [56, tr. 59].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Khảo cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)