6. Ý nghĩa của Luận văn
2.1. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của dòng tu Công giáo hình thành theo hệ thống của từng dòng chứ không có hệ thống chung thống nhất cho tất cả các dòng tu thế giới. Mặc dù, Toà thánh Vatican cũng đặt ra Bộ Tu sĩ (tên gọi đầy đủ là Bộ lo về Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ) để hướng dẫn và điều hành các dòng tu. Bộ này là cơ quan hành chính của giáo triều có nhiệm vụ trong các lĩnh vực thiết lập, giải thể dòng tu, phê chuẩn hiến chương, nội quy của các hội dòng, hiệp thông giữa các bề trên thượng cấp của các dòng tu và những vấn đề cơ bản liên quan đến giáo huấn, giáo luật về dòng tu. Tuy nhiên, Bộ tu sĩ không có quyền can thiệp sâu vào đời sống tu trì cũng như hoạt động của tu sĩ các dòng tu. Mọi vấn đề điều hành và quản trị dòng tu đều do mỗi dòng tu tuỳ theo cấp độ (dòng giáo hoàng hay dòng giáo phận) tổ chức điều hành dưới quyền của các bề trên dòng. Do vậy, cùng với việc thành lập các cơ sở dòng thì cơ cấu tổ chức cũng được thiết lập để điều hành hoạt động của dòng.
Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng giáo phận, cho nên tổ chức hành chính của dòng gồm 2 cấp: nhà Mẹ và các cộng đoàn. Nhà Mẹ hay cộng đoàn là nơi ở và sinh hoạt của nữ tu. Nhà Mẹ là cơ sở chính của dòng, còn cộng đoàn là các cơ sở trực thuộc (thông thường đối với các dòng tu hoạt động nói chung các cơ sở trực thuộc dòng được gọi là Tu viện). Theo giáo luật, để thành lập một Tu viện cần phải có Nghị định của Bề trên có thẩm quyền trong dòng và sự thỏa thuận bằng giấy tờ của giám mục giáo phận tại nơi sẽ thành lập nhà “những nhà của một hội dòng được nhà chức trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp, với sự đồng ý bằng văn bản
đoàn tu sĩ phải ở trong một nhà được chính thức thành lập, dưới quyền Bề trên được chỉ định chiếu theo quy tắc của luật; mỗi nhà phải có ít nhất một nguyện đường là nơi cử hành Thánh lễ và lưu giữ Thánh thể, để thực sự là trung tâm của cộng đoàn”.
Nhà Mẹ và các cộng đoàn của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thành lập cũng tuân theo các quy định của giáo luật. Nhà Mẹ được thành lập với sự đồng ý bằng văn bản của giám mục giáo phận Phát Diệm. Còn các cộng đoàn do Tổng phụ trách dòng thành lập với sự đồng ý của Ban Tổng cố vấn. Hiện nay, dòng có 1 nhà Mẹ tại Lưu Phương và 15 cộng đoàn tại các giáo xứ trong giáo phận Phát Diệm và 2 cộng đoàn ngoài giáo phận. Các cộng đoàn trong dòng liên kết với nhau và liên kết với nhà Mẹ trong các hoạt động cũng như trong đời sống tu trì. Đứng đầu nhà Mẹ là Tổng phụ trách dòng, đứng đầu các cộng đoàn là Phụ trách cộng đoàn.
Các chức vụ trong dòng Mến Thánh giá Phát Diệm
Trong dòng Mến Thánh giá Phát Diệm hai chức vụ Bề trên thực thụ theo giáo luật là chức vụ Tổng phụ trách và chức vụ Phụ trách cộng đoàn. Các Bề trên thi hành một quyền bính cá biệt và hữu hiệu theo Hiến chương và Nội quy [56, tr. 121].
Tổng phụ trách dòng: là người đứng đầu nhà Mẹ đồng thời cũng là
người điều hành hội dòng. Tổng phụ trách do Tổng tu nghị bầu cử dưới quyền chủ tọa và xác nhận của giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ. Tổng phụ trách dòng có nhiệm kỳ 4 năm, có thể tái nhiệm một lần. Những người được tuyển chọn làm Tổng phụ trách dòng phải là nữ tu đã khấn trọn 10 năm và không quá hạn tuổi do Nội quy ấn định. Ngoài ra phải là người có lòng yêu mến hội dòng, nắm vững đoàn sủng của dòng, nêu gương cho chị em trong việc trau dồi các nhân đức, tuân giữ luật lệ và các truyền thống của dòng, trung thành với giáo huấn của Giáo hội, có trình độ và hiểu biết
thần học [xem:56, tr.133]. Nếu vì một lý do rất nghiêm trọng, chị Tổng phụ trách có thể xin từ chức hoặc bị bãi chức. Quyết định về hai trường hợp này thuộc thẩm quyền giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ [56, tr.125].
Quyền và trách nhiệm của Tổng phụ trách dòng: Tổng phụ trách dòng có quyền trên toàn thể hội dòng, từng cộng đoàn và mỗi nữ tu. Quyền của Tổng phụ trách được quy định theo Hiến chương, Nội quy và các quyết định của Tổng tu nghị. Tổng phụ trách dòng có nhiệm vụ điều hành và linh hoạt đời sống hội dòng về mọi phương diện trong tinh thần liên đới trách nhiệm với Ban Tổng cố vấn, các vị Phụ trách cộng đoàn và các chị đặc trách huấn luyện; Chủ tọa Tổng tu nghị và chính thức công bố các quyết định của Tổng tu nghị cho toàn thể hội dòng; bảo vệ Hiến chương, Nội quy và đảm bảo thi hành các quyết định của Tổng tu nghị; Kinh lý các cộng đoàn ít nhất 2 lần trong nhiệm kỳ; Duy trì kỷ luật, sự hiệp nhất và bình an trong hội dòng; Chịu trách nhiệm về hội dòng trước giám mục; Cư trú tại trụ sở nhà Mẹ, chỉ được vắng nhà khi thi hành chức vụ nhưng nếu vắng mặt khỏi giáo phận trên một tháng, cần trình báo giám mục giáo phận. Khi vắng mặt vì những lý do khác, cần có phép của giám mục [xem:56, tr.133-134].
Phụ trách cộng đoàn: do Tổng phụ trách dòng bổ nhiệm sau khi tham
khảo cộng đoàn liên hệ bằng cách để cho tất cả nữ tu khấn trọn và khấn tạm trong cộng đoàn đề cử và được sự chấp thuận của Ban Tổng cố vấn [xem: 56, tr.123]. Những người được tuyển chọn làm Phụ trách cộng đoàn phải là nữ tu đã khấn trọn ít nhất 5 năm và không quá hạn tuổi do nội quy ấn định. Ngoài ra phải là người có lòng yêu mến hội dòng và quan tâm xây dựng tình đoàn kết giữa các nữ tu với nhau và giữa cộng đoàn với môi trường địa phương. Phụ trách cộng đoàn có nhiệm kỳ 4 năm [56, tr.145].
Trách nhiệm và quyền hạn: linh hoạt và điều hành đời sống cộng đoàn về mọi mặt trong tinh thần liên đới trách nhiệm với Hội đồng cộng
đoàn và Tu nghị cộng đoàn. Có quyền quyết định trong khuôn khổ Hiến chương và Nội quy, đồng thời khích lệ sự tham gia tích cực của mọi nữ tu vào việc quản trị cộng đoàn; Thi hành các chức vụ của mình dưới quyền Tổng phụ trách dòng; Cư trú tại cộng đoàn và chỉ vắng mặt khi thi hành chức vụ. Khi vắng mặt vì những lý do thì tuỳ thuộc vào thời gian để xin phép vắng mặt. Nếu vắng từ 15 ngày đến 6 tháng thì phải có phép của Tổng phụ trách dòng. Nếu trên 6 tháng thì phải có phép của Tổng phụ trách dòng với sự đồng ý của Ban Tổng cố vấn nhưng không được vắng mặt trên 1 năm. Trong trường hợp đi chữa bệnh, học tập, làm việc tông đồ nhân danh hội dòng vắng mặt trên 1 năm thì có phép của Tổng phụ trách dòng với sự đồng ý của Ban Tổng cố. Vắng mặt trên 1 năm mà không thuộc các lý do nêu trên thì phải có phép của giám mục sở tại do Tổng phụ trách xin.
Theo Giáo luật và Hiến chương dòng Mến Thánh giá, Tổng phụ trách dòng và Phụ trách cộng đoàn phải có Ban cố vấn các cấp. Đối với Tổng phụ trách dòng phải có Ban Tổng cố vấn, đối với Phụ trách cộng đoàn phải có Ban cố vấn cộng đoàn. Hiến chương dòng cũng quy định rõ chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm, số thành viên của Ban Tổng cố vấn và Ban cố vấn cộng đoàn.
Ban Tổng cố vấn: là những người cộng sự của Tổng phụ trách, góp ý
với Tổng phụ trách những vấn đề quan trọng. Ban Tổng cố vấn gồm có Phó Tổng phụ trách là đệ nhất Tổng cố vấn và 4 hoặc 6 Tổng cố vấn khác. Nhiệm kỳ của các Tổng cố vấn là 4 năm, có thể tái đắc cử nhiều lần liên tiếp [56, tr. 134]. Ban Tổng cố vấn do Tổng tu nghị bầu ra, chủ tọa Tổng tu nghị là Tổng phụ trách dòng. Những người được bầu làm Tổng cố vấn phải là nữ tu đã khấn trọn 5 năm, có lòng yêu mến hội dòng, có kinh nghiệm tu trì và tông đồ, biết lắng nghe và phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng của các nữ tu. Các Tổng cố vấn cộng tác với Tổng phụ trách dòng bằng
cách hài hòa và hữu hiệu trong điều hành và linh hoạt hội dòng theo tinh thần liên đới và phụ đới [56, tr.135].
Tổng cố vấn đắc cử đầu tiên đương nhiên trở thành Phó Tổng phụ trách dòng. Trách nhiệm của Phó Tổng phụ trách là thay thế Tổng phụ trách dòng khi Tổng phụ trách dòng vắng mặt nhưng không được tự tiện thay đổi điều gì ngược lại với ý muốn của Tổng phụ trách dòng. Trong trường hợp Tổng phụ trách dòng đoạn nhiệm, Phó Tổng Phụ trách xử lý thường vụ và trong vòng 3 tháng triệu tập Tổng Tu nghị bầu cử Tổng phụ trách dòng mới [56, tr.135].
Ngoài ra, trong cơ cấu tổ chức của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm còn có các chức vụ Tổng Thư ký, Tổng Quản lý.
Tổng Thư ký: có nhiệm vụ soạn thảo, truyền đạt, lưu trữ các văn thư
chính thức của hội dòng, tham dự các cuộc họp của Hội đồng dòng và chỉ biểu quyết khi Tổng phụ trách dòng yêu cầu. Tổng Thư ký là một nữ tu đã khấn trọn, có khả năng làm việc văn phòng, đức tính cẩn thận và có lòng yêu mến hội dòng [56, tr.136].
Tổng Quản lý: là một nữ tu đã khấn trọn, có lòng yêu mến hội dòng, có
tinh thần nghèo khó, ý thức về công bằng, cẩn mật và quảng đại với nữ tu. Tổng Quản lý có trách nhiệm quản lý tài sản của dòng dưới quyền điều khiển của Tổng phụ trách dòng. Có trách nhiệm báo cáo tình trạng tài chính của hội dòng hàng năm cho hội dòng vào cuối năm dương lịch, 4 năm một lần cho Tổng Tu nghị thường lệ và cho giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ theo yêu cầu của giám mục. Tham dự các cuộc họp của Hội đồng dòng khi bàn về vấn đề kinh tế và chỉ biểu quyết khi Tổng phụ trách dòng yêu cầu [56, tr.136].
Ban Cố vấn cộng đoàn là những người cộng sự của Phụ trách cộng
đoàn, góp ý với Phụ trách cộng đoàn những vấn đề quan trọng liên quan đến việc điều hành cộng đoàn. Cố vấn cộng đoàn do Tổng phụ trách dòng
bổ nhiệm sau khi tham khảo cộng đoàn liên hệ bằng cách để cho tất cả nữ tu khấn trọn và khấn tạm trong cộng đoàn đề cử và được sự chấp thuận của Ban Tổng cố vấn [56, tr.123].
Ngoài ra, mỗi cộng đoàn phải có một Phó phụ trách và một Quản lý. Phó phụ trách cộng đoàn thay thế Phụ trách cộng đoàn vắng mặt hoặc bị ngăn trở không thi hành được chức vụ, nhưng không được tự tiện thay đổi một điều gì ngược với ý muốn của Phụ trách cộng đoàn. Quản lý cộng đoàn có trách nhiệm quản trị tài sản cộng đoàn dưới quyền điều khiển của Phụ trách cộng đoàn; báo cáo tình hình tài chính cộng đoàn trong mỗi cuộc họp thường kỳ của Hội đồng cộng đoàn và Tu nghị cộng đoàn; báo cáo cho Tổng quản lý vào cuối năm dương lịch và trước khi diễn ra Tổng tu nghị thường lệ; phải phúc trình cho giám mục sở tại về tình hình kinh tế của cộng đoàn khi giám mục muốn biết. Quản lý cộng đoàn phải là một nữ tu khấn trọn, có thể được bổ nhiệm nhiều lần liên tiếp và đương nhiên là thành phần và của Hội đồng cộng đoàn [56, tr.147-148].
Như vậy, tổ chức hành chính của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm gồm 2 cấp: nhà Mẹ và các cộng đoàn. Nhà Mẹ là cơ sở chính của dòng, còn cộng đoàn là các cơ sở trực thuộc. Đứng đầu nhà Mẹ là Tổng phụ trách dòng, đứng đầu các cộng đoàn là Phụ trách cộng đoàn. Tổng phụ trách dòng và Phụ trách cộng đoàn phải có Ban cố vấn các cấp. Đối với Tổng phụ trách dòng phải có Ban Tổng cố vấn, đối với Phụ trách cộng đoàn phải có Ban cố vấn cộng đoàn. Hiến chương dòng cũng quy định rõ chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm, số thành viên của Ban Tổng cố vấn và Ban cố vấn cộng đoàn.