3. Một số đề xuất khuyến nghị
3.1. Với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh
Phật giáo Bắc Ninh là một bộ phận của Phật giáo Việt Nam, nên cũng nằm trong xu thế phát triển của các tôn giáo trên thế giới. Đó là xu thế thế tục hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã và đang hội nhập, đẩy mạnh quan hệ giao lưu, trao đổi về văn hóa, tôn giáo,... với các tổ chức Phật giáo trong và ngoài nước và ngược lại, nhiều tôn giáo theo con đường kinh tế, thương mại đã hiện diện ở nơi đây.
Trong thời gian qua, GHPGVN tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phương châm phụng sự đạo pháp, đồng hành cùng dân tộc của GHPGVN, chư tôn đức tăng ni đã tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như củng cố kiện toàn tổ chức đồng thời quan tâm công tác giáo dục đào tạo tăng tài nhằm hoằng dương chính pháp. Chú trọng phát triển tinh thần nhân văn Phật giáo sâu rộng trong nhân dân thông qua các công tác Phật sự. Bên cạnh đó, GHPGVN tỉnh Bắc Ninh cũng chú trọng đoàn kết với các tôn giáo khác. Tích cực hưởng ứng các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về công tác tôn giáo, khuyến khích tăng ni, Phật tử tham gia thực hiện giư gìn và phát triển văn hóa như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", vận động tín đồ Phật tử tham gia sống "tốt đời, đẹp đạo", thực hiện tốt các qui ước xây dựng làng văn hóa, nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang,… Ngoài ra, GHPGVN tỉnh Bắc Ninh còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. Lãnh đạo GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức nhiều đợt quyên góp nhằm hỗ trợ cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, bếp ăn từ thiện, dạy nghề cho con em gia đình nghèo khó, mở các lớp ngoại ngữ, tin học miễn phí cho học sinh quanh vùng,… Kết quả đạt được là phát huy được các giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của đạo Phật ngày càng sâu rộng đến tín đồ, Phật tử và nhân dân. Góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, việc giữ gìn cảnh quan chùa tôn nghiêm theo tinh thần Thông tư liên tịch số 04 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đạt nhiều kết quả lớn. Nhiều ngôi chùa lớn, nổi tiếng ở Bắc Ninh mỗi khi mở hội thì cũng là dịp tuyên truyền hoạt động tín ngưỡng theo tinh thần của luật, nhắc nhở nhân dân giữ gìn môi trường cảnh quan sạch đẹp. Song, tại một số lễ hội lớn, vì quá đông nhân dân tham gia nên ý thức chấp hành của một số người dân và du khách còn kém như xả rác bừa bãi, kinh doanh theo kiểu chụp giật, và còn đó những hiện tượng mê tín như xem bói, cờ bạc,…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì còn những vấn đề đặt ra như sau:
Thứ nhất, với các ban ngành chức năng, GHPGVN tỉnh Bắc Ninh và các
Ban trị sự Phật giáo các tỉnh cần có sự kết hợp nhiều hơn nữa trong việc tuyên truyền vận động Phật tử và nhân dân chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Đồng thời thực hiện sinh hoạt tôn giáo theo Hiến chương, điều lệ của GHPGVN. Qua đó mới giữ gìn và phát huy tốt tinh thần nhân văn của Phật giáo trong cộng đồng dân cư.
Thứ hai, để ảnh hưởng của Phật giáo sâu rộng hơn trong bối cảnh xã hội
đương đại ở Bắc Ninh, cần thống nhất các hình thức, nội dung sinh hoạt Phật giáo. Có sự kết hợp nhuần nhuyễn hơn giữa GHPGVN cấp tỉnh với Ban trị sự cấp huyện và Ban đại diện Phật giáo cấp phường xã. Tránh tình trạng chồng
chéo trong sinh hoạt tôn giáo theo kiểu mạnh ai lấy làm, đặc biệt là trong các công tác liên quan đến từ thiện xã hội.
Thứ ba, GHPGVN tỉnh Bắc Ninh cần tạo điều kiện hơn nữa cho tăng ni
trụ trì các ngôi chùa tiếp tục trau dồi kiến thức Phật học lẫn kiến thức thế học. Đặc biệt là tham gia được học tập trong các lớp hoằng pháp do Trung ương GHPGVN tổ chức, hoặc GHPGVN tỉnh Bắc Ninh chủ động mở lớp và mời các giảng sư về giảng dạy cho tăng ni. Như thế, khi tốt nghiệp khóa đào tạo về giảng sư, các tăng ni sẽ hoằng pháp một cách bài bản hơn.
3.2. Với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo
Nghị quyết số 25 – NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 xác định "Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta". Nghị quyết này đã thể hiện quan điểm của Đảng và nhà nước ta về công tác tôn giáo đồng thời là kim chỉ nam cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và cả những nhà tu hành thuộc các tôn giáo khác nhau. Đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đề tài xin nêu ra một số đề xuất và khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, đối với Phật giáo, công tác tôn giáo đã có sự gắn kết chặt chẽ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao do sự tăng trưởng kinh tế đem lại. Nhu cầu tâm linh của tín đồ, Phật tử và nhân dân cũng vì thế mà tăng mạnh. Nhiều ngôi chùa được phục dựng, xây mới, nhiều lễ hội được mở với qui mô ngày càng lớn, thu hút nhân dân trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia. GHPGVN tỉnh Bắc Ninh trong công tác Phật sự đã được hiện đại hóa thông qua việc sử dụng truyền thông, hệ thống âm thanh ánh sáng, mở các đạo tràng, câu lạc bộ theo hình thức hiện đại. Chẳng hạn như đạo tràng Tịnh Độ, Bát Quan Trai, Pháp Hoa,…; các câu lạc bộ như Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử,…; nội dung giáo dục, hoằng pháp cũng đa dạng thông qua các khóa tu Phật thất, một ngày an lạc, Búp sen xanh,… Thời gian tổ chức
cũng rất linh hoạt, phụ thuộc vào từng lứa tuổi, chẳng hạnh như đối với học sinh thì tổ chức vào kỳ nghỉ hè, với người cao tuổi thì tổ chức vào buổi tối, với người đi làm thì tổ chức vào thứ bẩy hay chủ nhật,… Nhìn chung, các hoạt động Phật sự được tổ chức chặt chẽ dưới sự chỉ đạo từ GHPGVN tỉnh Bắc Ninh và được sự chấp thuận của các ban ngành chức năng. Song về hình thức và nội dung các hoạt động Phật sự tuy đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tinh thần, tâm linh của nhân dân, chuyển tải những giá trị nhân văn, tinh thần từ bi của đạo Phật vào trong đời sống của nhân dân nhưng chưa được đồng bộ, nhất là trong công tác từ thiện xã hội. Vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp các ngành của tỉnh với GHPG tỉnh Bắc Ninh để có kế hoạch hành động cụ thể để phát huy giá trị Phật giáo sâu rộng hơn nữa trong nhân dân.
Thứ hai, những ảnh hưởng tích cực của NSQ Phật giáo trong đời sống
nhân dân Bắc Ninh hiện nay sẽ làm giảm thiểu những mê tín trong sinh hoạt tôn giáo, đồng thời hạn chế các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chia rẽ tinh thần đoàn kết của nhân dân, và gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Vì thế, cần có những cơ chế cụ thể đối với Phật giáo nhằm phát huy những giá trị của Phật giáo một cách cụ thể hơn trên địa bàn tỉnh. Tránh tình trạng chỉ ra chủ trương, định hướng chung hay hưởng ứng theo kiểu phong trào khiến cho ảnh hưởng của Phật giáo bị hạn chế, không hiệu quả.
Thứ ba: cần thiết có sự phối hợp bài bản hơn giữa chính quyền với
GHPGVN tỉnh Bắc Ninh trong công tác bảo vệ môi trường. Như trên đã đề cập, các triết lý của Phật giáo về con người, về quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường trong mối tương hỗ và tinh thần vô ngã vị tha. Ở Bắc Ninh hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang trở lên cấp bách, đặc biệt là trong các làng nghề. Vì thế, các cấp chính quyền cần có sự kết hợp, phố hợp với GHPGVN tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền giáo dục tư tưởng Phật giáo về môi trường trong nhân dân, nhất là trong các làng nghề. Bởi triết lý nhân quả của đạo Phật vốn đã ở trong tiềm thức của mỗi người dân thông qua các câu
ca dao như "gieo gió gặp bão", "Đời cha ăn mặn đời con khát nước", "ở hiền gặp lành",… Việc giáo dục tư tưởng, giáo lý Phật giáo không chỉ nhằm khơi dậy ý thức của con người mà còn cụ thể hóa thông qua hành động bảo vệ môi trường hiện tại và cho tương lai.
Tiểu kết chƣơng 2
Hiện nay, các tôn giáo hiện diện ở Bắc Ninh vẫn giữ sinh hoạt ổn định, nhưng hoạt động tôn giáo sôi động và "sầm uất" hơn và tuân thủ chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Đối với Phật giáo ở Bắc Ninh dưới sự chỉ đạo của GHPGVN tỉnh Bắc Ninh vẫn hoạt động theo đường hướng "Tốt đời, đẹp đạo", "đồng hành cùng dân tộc" từng bước đi vào ổn định, phát triển và đây là xu hướng chủ đạo.
Người dân Bắc Ninh tự hào về nên văn hoá mang bản sắc của riêng mình. Nhiều ngôi chùa và lễ hội liên quan đến Phật giáo đã có những ảnh hưởng sâu đậm trong tâm hồn nhân dân nơi đây. Dưới ảnh hưởng nhân sinh sâu sắc của Phật giáo, từ trong lịch sử, Phật giáo Bắc Ninh là cái nôi của Phật giáo cả nước với đặc điểm nổi trội là hệ thống Phật Tứ Pháp và tư tưởng từ bi của đạo Phật đã thấm đẫm trong lối hành xử của tín đồ, Phật tử và nhân dân.
Trên phương diện ứng xử với bản thân mình, nhân dân nói chung và Phật tử nói riêng ở Bắc Ninh hiện nay vẫn ứng xử theo tinh thần ngũ giới và tu dưỡng theo tinh thần này để phát triển tâm linh. Song cũng có một bộ phận nhân dân vẫn sa đà vào cầu cúng, xem bói, đặc biệt là hầu đồng.
Trên phương diện ứng xử với tha nhân, người dân Bắc Ninh ứng xử khôn khéo và chân thành. Đặc biệt là với vấn đề báo hiếu người đã khuất, với cha mẹ mình,… Trong quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, giữa vợ với chồng, chồng với vợ,… cũng thể hiện tinh thần nhân văn của Phật giáo. Họ quan niệm, duyên vợ chồng phải qua cả nghìn kiếp tu mới nên duyên được. Ngoài ra, người dân Bắc Ninh cũng rất coi trọng vị trí của người phụ nữ. Truyền thống này có ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo từ lịch sử cho đến hiện tại. Bên cạnh
đó, ứng xử theo xu hướng từ thiện xã hội cũng được xem là điểm nổi bật của người dân Bắc Ninh. Thông qua các kênh của Phật giáo, người dân Bắc Ninh chung tay đóng góp tiền của của mình để làm dịu nỗi đau nơi đồng bào lũ lụt, cứu trợ những gia đình neo đơn, nghèo đói. Bản thân các tu sĩ cũng thường mở các lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo, hay cho học sinh sinh viên vào mỗi dịp hè. Họ quan niệm, những hành động thiện lành này góp phần cho họ tích thêm phúc báo trong tương lai.
Trong ứng xử với môi trường, giáo lý đạo Phật từ lâu đã chỉ ra những hành động phương hại đến môi trường, mối tương quan giữa con người với môi trường,… Hiện nay, vấn đề môi trường ở Bắc Ninh hiện nay đã và đang là vấn đề nổi cộm, đặc biệt là trong các làng nghề. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Phật giáo đối với vấn đề môi trường sâu đậm, song chỉ một số ngôi chùa giữ được môi trường cảnh quan tốt, còn chủ yếu chưa chưa xử lý tốt. Đặc biệt là vào những ngày diễn ra lễ hội, hiện tượng xả rác vô ý thức của du khách đã khiến cho môi trường, cảnh quan không tốt. Trong các làng nghề, nhiều Phật tử, nhân dân vẫn xem lợi nhuận cao hơn vấn đề sức khỏe, vì thế đã xảy ra nhiều bệnh tật liên quan đến hô hấp. Ngoài ra, ảnh hưởng NSQ Phật giáo còn thể hiện trong văn hóa, trong văn học nghệ thuật, trong kiến trúc điêu khắc, trong lễ hội rất đậm đặc.
Nhìn chung, nhiều phong trào về môi trường, về ứng xử văn hóa, văn minh đã được GHPGVN tỉnh Bắc Ninh hưởng ứng, song kết quả còn khiêm tốn. Vì thế, cần có sự kết hợp bài bản hơn giữa GHPGVN tỉnh Bắc Ninh với các cấp chính quyền, và bản thân GHPGVN tỉnh Bắc Ninh cũng cần có chủ trương sát với tình hình hiện tại.
KẾT LUẬN
Trong thuật ngữ Phật giáo không có khái niệm NSQ. Song, khái niệm NSQ thuộc phạm trù triết học Phật giáo lại là điểm nhìn soi chiếu vào hệ thống giáo lý Phật giáo. Để từ đây, con người đi sâu phân tích và ngày càng khám phá ra nhiều chiều cạnh mang tính nhân văn sâu sắc của Phật giáo.
Song hành với NSQ bao giờ cũng là VTQ. Nếu như VTQ là quan niệm của con người về thế giới thì NSQ bao giờ cũng là quan niệm về con người về lẽ sống của con người trong thế giới. Có thể nói, có bao nền triết học, có bao tôn giáo thì có bấy nhiêu quan niệm về vũ trụ và con người.
Đối với Phật giáo, quan niệm nhân sinh đã có từ lâu, hiện diện ngay từ trong những lần thuyết giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Song, chỉ đến khi nó được nghiên cứu ở tầm triết học thì khái niệm NSQ Phật giáo mới trở lên rõ ràng hơn. Nhưng không vì thế mà có những cách nhìn thuận chiều, đôi khi cũng trái chiều và tạo ra những tranh luận rất sôi nổi trong lịch sử triết học nói chung và trong triết học tôn giáo nói riêng.
NSQ Phật giáo không chỉ được xem có sự gắn kết chặt chẽ với thế giới quan theo quan niệm "có cái này thì có cái kia" và ngược lại "cái này không thì cái kia không". Và do đó, khi bàn về NSQ Phật giáo không thể không đề cập tới VTQ Phật giáo và ngược lại. Và nếu chúng ta thử tách rời NSQ Phật giáo thành một đối tượng nghiên cứu riêng, độc lập trong chừng mực nào đó thì có thể hình dung. Ở tầm khái quát, quan niệm nhân sinh của Phật giáo rõ ràng là đặc sắc hơn các tôn giáo khác ở điểm: luôn luôn coi vị trí của con người là cao hơn cả trong muôn loài. Song, con người cũng như muôn loài đều chịu quy luật nhân quả được vận hành bởi chu trình Thành - Trụ - Hoại – Không. Còn ở tầm cụ thể, NSQ Phật giáo đã qui định lối ứng xử vô cùng tinh tế, khéo léo ít nhất trên ba phương diện mà chúng tôi đề cập. Đó là ứng xử với chính bản thân mình, ứng xử với người khác bao gồm, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em,
thầy trò,… và ứng xử với môi trường thiên nhiên. Đương nhiên, trong lối ứng xử với môi trường thiên nhiên thì chúng ta lại quay trở lại với VTQ trong Phật giáo. Vậy cái gì đã qui định quan niệm NSQ trong Phật giáo, trở lại những giáo lý cơ bản ban đầu chính là Tứ diệu đế, luật Nhân quả và những giới răn,… chính là chìa khóa căn bản để chúng ta hiểu rõ hơn cả. Vì thế, Khổ và thoát khổ luôn được Đức Phật khuyến khích, nhưng phải trên nền tảng trí tuệ và thực hành rốt ráo Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ). Do đó, ảnh hưởng NSQ Phật giáo vô cùng sâu rộng không chỉ trong tín đồ Phật tử mà còn trong quần chúng nhân dân.
Ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay, có thể nói có một cơ tầng văn hóa vô cùng đặc sắc. Ngoài vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội thì cơ tầng Phật giáo khiến người dân Bắc Ninh vô cùng tự hào. Trong lịch sử, ảnh hưởng của tam giáo Nho – Phật – Lão rất mạnh, đương nhiên Phật giáo chiếm ưu thế bởi Bắc Ninh