Ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến lối ứng xử với bản thân của

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân trong địa bàn tỉnh bắc ninh (Trang 63 - 69)

7. Kết cấu của đề tài

2.1. Khái quát cơ bản về tình hình kinh tế xã hội, tình hình tín ngƣỡng

2.2.1. Ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến lối ứng xử với bản thân của

thân của người dân Bắc Ninh

Quan niệm của đạo Phật cho rằng đời người là bể khổ. Nguồn gốc của khổ là Vô minh. Vì vô minh nên con người khao khát thỏa mãn mọi mong muốn của mình và tạo nghiệp. Nghiệp vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của con người. Cho nên, diệt khổ trước hết là phải tận trừ vô minh và thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Các chuẩn mực mà Phật giáo đem lại cho mỗi con người chính là phân biệt thiện – ác; chính – tà; hạnh phúc – khổ đau,… Mặt khác, trên phương diện tôn giáo, nghiệp và luân hồi có giá trị đặc biệt vì ảnh hưởng lớn đến bản thân mỗi cá nhân con người.

Đối với nhân dân và tín đồ Phật tử ở Bắc Ninh, ảnh hưởng NSQ của Phật giáo như một kim chỉ nam cho mọi hành động và là sự cảnh tỉnh bởi chính hành động của họ. Nhất là Phật tử, sau khi quy y Tam bảo, Phật tử tại gia tiếp nhận và tuân thủ ít nhất năm giới luật căn bản. Đó là không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không sử dụng chất gây say và nghiện

ngập. Những giới luật này ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi trong đời sống thường ngày của họ. Theo chúng tôi tìm hiểu và quan sát, phần lớn Phật tử ở Bắc Ninh khi đã quy y thì tuân thủ giới luật. Bởi họ nhận thức sâu sắc mối quan hệ của mình với muôn loài. Làm tổn hại đến chúng sinh nghĩa là làm tổn hại đến mình. Một Phật tử ở chùa Phật Tích cho biết: "Con quy y theo truyền thống gia đình. Con và các thành viên trong gia đình thường tránh việc sát sinh. Con cũng nghe các quý thầy giảng về Phật pháp và thấy rằng, sát sinh không đem lại quả tốt. Tại sao mình lại gây đau đớn cho loài vật, nếu ai đó làm đau mình như thế thì mình có chịu được không,… Giết hại động vật để ăn là mang nghiệp đấy ạ"[49, PT. DĐ, chùa Phật Tích]. Có thể thấy, Nghiệp báo trong đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến đời sống cá nhân dân, nhất là những người đã quy y Tam bảo. Chúng tôi phỏng vấn một người khách thập phương đến chùa Phật Tích lễ Phật: "Bác chưa quy y Nhà chùa ạ, nhưng ngày rằm hay mùng một đều tranh thủ đến chùa lễ Phật. Tranh thủ thôi Nhà chùa ạ, vì hiện giờ các con của bác cũng bận làm ăn nên mình cũng phải phụ giúp các con. Với việc sát sinh, bác cho rằng nên hạn chế. Song như Nhà chùa thấy đấy, ở xã hội này, nhất là nhà có đám, không giết gà mổ lợn thì cũng ít người đến "[50, bà NTT, chùa Phật Thích].

Như thế, lo sợ nghiệp xấu, thúc đẩy nghiệp lành đã có ảnh hưởng lớn đến hành vi của mỗi cá nhân, đặc biệt là Phật tử ở Bắc Ninh. Họ cho rằng, không nên sát sinh và nếu sát sinh bản thân họ sẽ ghánh nghiệp báo. Song hiểu sâu hơn về ngũ giới, về nghiệp báo thì chỉ có nhà tu hành mới hiểu thấu đáo. Nhưng rõ ràng nghiệp báo, ngũ giới có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của mỗi cá nhân người dân Bắc Ninh. Như một Phật tử cho biết: "Bác thấy rằng, nếu như ai ngừng được việc sát sinh muôn loài thì chính bản thân người đó đã tạo được nghiệp lành. Cháu thấy đấy, giữ được giới không sát sinh cũng khó vô cùng. Theo bác, cấm sát sinh cung là một hình thức tu tập rồi. Cháu thấy đấy, ra khỏi chùa là hàng quán rất nhiều, đủ các thứ đồ ăn,… Con muỗi

đốt mình, mình để cho nó đốt sao,… Mấy năm trước bác đi chùa Hương, thấy người ta bày bán cả thịt thú rừng,... Trời ơi, như này sao mà tu, sao mà giải thoát được,... Đó, không nên giết hại và ăn chay thì tốt quá. Bản thân mình nếu thực hiện được tốt thì ngày càng nhiều lòng thương đối với muôn loài đấy cháu"[51, ĐL, chùa Bút Tháp].

Không phải người dân nào ban đầu cũng ưu chuộng Phật giáo. Nhiều người dân thường đến chùa mỗi khi trong cuộc sống có trở ngại và dần dần họ cảm nhận được giáo lý của đạo Phật thông qua các buổi nghe pháp, hoặc tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông. Họ đến chùa tìm sự an bình cũng là lối ứng xử với chính mình, giúp cho mình bớt âu lo. Khi đến chùa, họ không nhất thiết phải nỗ lực tu tập thiền định hay niệm Phật như các nhà tu hành, Phật tử thuần thành, mà họ chọn chùa để cho tâm mình được yên ổn. Một Phật tử cho biết: "Cô đến chùa thấy thanh thản lắm, nói thật với cháu là ở gia đình cô cũng nhiều chuyện. Mình là người theo Phật, nếu mình không kiềm chế thì không biết như thế nào. Mỗi khi buồn bực trong lòng, cô thường đến chùa để tâm mình thư thái hơn. Mà nói thật với cháu, đến chùa thì tự nhiên mình nghĩ lại được những việc mình đã là. Có những việc mình sai thì mình phải sửa, có những việc con cháu sai mình về uốn nắn dạy bảo thêm. Nói chung là mình tự kiềm chế bản thân hơn mỗi khi đến chùa đấy"[52, TA, chùa Bút Tháp].

Không sát sinh để nhận về mình nghiệp lành, đây cũng là một hình thức phát triển lòng yêu thương, tinh thần nhẫn nhục trong mỗi con người. Ở đây, mỗi cá nhân tùy theo hiểu biết, cảm nhận của mình về Phật giáo mà có cách ứng xử của riêng mình, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ,... Song tất cả họ đều hướng đến loại trừ dần những hành vi, những tâm trạng không vui như giận dữ, buồn đau do cuộc sống đem lại. Theo họ, kiềm chế được sân hận đồng nghĩa là phát triển lòng từ bi trong bản thân mình, và khi loại bỏ được cái tâm sân hận thì lợi ích đem lại cho họ chính là sự thanh thản trong tâm hồn.

Không trộm cắp, trong đời sống Tăng già, những tu sĩ khất thực thường nhận sự cúng dường của mọi người bởi họ có cuộc sống chân chính. Kinh điển Phật giáo chỉ ra, tất cả những hình thức trộm cắp, cả trực tiếp lẫn gián tiếp đều bị khiển trách và khuyến khích Phật tử tránh xa việc này. Giới luật này này mặc dù chỉ dành cho tín đồ Phật tử đã quy y, nhưng trong thực tế đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân Bắc Ninh ngày nay. Một một người người dân cho rằng:"nghiệp quả do trộm cắp sẽ đem lại nhiều khổ đau. Người nào mà trộm cắp ắt sẽ không có hạnh phúc lâu dài. Sâu sa hơn là hành vi trộm cắp ở đời này thì đời sau sẽ thiếu thốn trăm bề. Đấy là bà nghe quý thầy giảng thế, chứ thực lòng thì bà có biết đọc đâu, già rồi mắt kém lắm"[53, người dân ở chùa Dâu].

Tránh xa tà dâm, đạo Phật khuyến khích tín đồ Phật tử tránh xa việc này. Bởi nếu tín đồ Phật tử tránh tà dâm là giữ cho mình. Kiềm chế sự ham muốn tính dục để không bị phạm vào những hành vi sai quấy. Không tà dâm có ảnh hưởng lớn đến không chỉ tín đồ Phật tử giáo mà còn có sự ảnh hưởng lớn đến nhân dân. Đối với mỗi người dân, quan niệm đạo đức về vấn đề hạnh phúc gia đình rất quan trọng. Không chỉ có Phật giáo đề cao vấn đề này mà phần lớn các tôn giáo đều đồng tình. Do đó, quan niệm không tà dâm trở thành đạo đức luân lý đã ăn sâu trong tâm thức của mỗi cá nhân con người nơi đây. Nếu ai đó vi phạm chuẩn mực đạo đức, chẳng hạn đã có gia đình mà "lòng thòng" với vợ hay chồng người khác đều bị nhân dân phản đối. Đối với tín đồ Phật giáo, giới luật này vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tu hành, và nếu vi phạm thì không có được cuộc sống tịnh hạnh và đương nhiên, họ phải sám hối rất nhiều.

Tuy nhiên, trong cuộc sống đương đại, nền kinh tế Bắc Ninh có sự tăng trưởng riêng trong sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước. Nhưng mặt trái của nền kinh tế thị trường là dẫn đến lối sống hưởng thụ vật chất được đề cao thì nhiều thách thức được đặt ra. Nhiều người trước khi trở thành Phật tử

mắc sai lầm. Trong quá khứ, họ chịu nhiều đau khổ dày vò và khi họ hiểu rõ vấn đề thì rõ ràng là động lực để chính bản thân họ vươn lên. Tránh nói dối và không uống rượu hay các chất gây say gây nghiện có thể nói là nhiều người mắc phải, đặc biệt là trong thanh thiếu niên. Giới răn không uống rượu và các chất gây say gây nghiện đã được Đức Phật chế định từ lâu. Ngài nhận thấy, những người uống rượu thì đầu óc điên đảo, hành vi thiếu chuẩn mực. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, người dân ở Bắc Ninh có cuộc sống vật chất cao hơn so với các tỉnh lân cận. Cũng vì thế, nhiều tệ nạn xã hội bùng phát, trong đó nhiều trường hợp do uống rượu bia mất kiểm soát hành vi cá nhân và trở thành ám ảnh trong nhiều người. Thực tế cho thấy, những thành phần này phần lớn chưa đến với đạo Phật, một thanh niên Phật tử cho biết: "trước đây em chưa biết đâu anh, cũng hay tụ tập bạn bè uống rượu lắm. Giờ thì em được nghe quý thầy giảng về ngũ giới và thập thiện thì em thấy đúng anh ạ. Đôi lúc cảm giác ân hận vì uống rượu bia trước đây. Mình không lo giữ sức khỏe cho mình thì lo cho ai nữa. Cuộc sống của em giờ tốt hơn nhiều, tránh xa được rượu bia rồi anh ạ"[54, PT. TA tại chùa Tiêu Sơn]. Nhiều thanh thiếu niên hiện nay đang mắc sai lầm khi lạm dụng rượu bia và cờ bạc, họ không ý thức được rượu bia sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của họ và sẽ làm cho họ có những hành động thiếu chuẩn mực. Một số khác lại lao vào con đường nghiện hút, theo báo cáo của tổ chức y tế, nếu con người sử dụng một liều lượng theo chỉ định thì cần sa là một dược liệu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng nó thì sẽ bị nghiện, vì cần sa kích thích hệ thống thần kinh, gây ảo giác cho mắt và tai. Người nghiện thường thấy và nghe bị biến dạng và phóng đại. Như tưởng sợi dây là rắn, tiếng trống tưởng là sấm sét,... khiến họ khiếp sợ và hưng phấn không kiềm chế được. Họ dần dần sẽ bị hoang tưởng, điên cuồng và mất trí,... Trên phương tiện truyền thông gần đây cho thấy nhiều người lạm dụng rượu bia gây ra hoang tưởng, gọi là "sảng rượu" hoặc nhiều thanh niên hút chích quá liều mà phải vong mạng, khiến gia đình nghèo khó, nhà cửa tan nát. Ảnh hưởng của giới không uống

rượu và chất gây nghiện có tác động đến ý thức của mỗi cá nhân con người, họ muốn có tiền để uống rượu, xử dụng chất kích thích thì dẫn đến hiện tượng nói dối quanh co, hoặc trộm cắp, cướp giật. Vì thế, những chất này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho người dùng nó. Cảm giác êm dịu, khoái lạc khi dùng rượu hay chất gây nghiện là tạm thời, với những thanh niên Phật tử, họ ý thức được điều này rất rõ. Do đó, mỗi cá nhân Phật tử hay nhân dân Bắc Ninh hướng tới chính là sự bình yên trong gia đình, trong cộng đồng và sâu xa hơn chính là sự tìm kiến sự bình yên nội tại và đây chính là hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh và cũng là con đường diệt Khổ. Nghĩa là, ảnh hưởng NSQ Phật giáo đối với cá nhân mỗi con người Bắc Ninh hiện nay, trực tiếp nhất, sâu sa nhất chính là thực hành ngũ giới để loại trừ tham lam, sân hận và si mê. Một toa thuốc giản đơn nhất mà Đức Phật có thể kê cho con người không thuộc hàng tu sĩ. Toa thuốc này khiến cho Phật tử và cả quần chúng nhân dân khi đã tin tưởng vào Phật pháp, vào Đức Phật thì khởi phát thái độ, hành vi đúng đắn, đó là không sát sinh, không lấy những thứ không thuộc về mình, không tà dâm,… Nói cách khác, với bản thân mình, họ hướng tới cuộc sống an bình nhằm phát triển những phẩm chất tốt đẹp như tinh thần từ bi hỷ xả, khoan dung, vị tha,… đó chính là sự biến đổi bản thân mình.

Nhìn chung, nhân dân nói chung và Phật tử nói riêng ở Bắc Ninh hiện nay cho thấy họ có ý thức giữ gìn ngũ giới. Phật tử và nhân dân ưu cuộng đạo Phật đặt niềm tin vào Tam bảo. Do đó, với chính bản thân, họ có những điều chỉnh hành vi phù hợp với giáo lý mà ở đây là tuân thủ ngũ giới của đạo Phật. Bên cạnh sự tu dưỡng, phát triển trí tuệ, tâm linh, tránh xa sân hận, vấn đề giữ gìn sức khỏe cũng được họ coi trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, ảnh hưởng của NSQ Phật giáo hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, còn nhiều Phật tử vẫn sa đà vào cầu cúng, xem bói... Nhiều Phật tử có trình độ dân trí cao thì họ hiểu sâu sắc hơn về triết lý nhân sinh Phật giáo, đồng thời họ mong giáo lý Phật giáo thấm sâu vào đời sống trong bối cảnh hiện đại.

Bởi theo họ, có như vậy, mỗi cá nhân sẽ tự ý thức về bản thân mình hơn và qua đó tránh xa được những điều xấu, và làm những điều thiện lành mà họ gọi là "giới đức". Và có thể thấy, đạo Phật với hệ thống giáo lý của mình đã giúp cho mỗi cá nhân con người có được cuộc sống được an bình. Tinh thần nhân văn của đạo Phật không bỏ qua bất cứ vấn đề nào của con người, đặc biệt là vấn đề nhận diện khổ đau và chỉ dẫn cho mỗi cá nhân dần dần gột rửa những vô minh để có được cuộc sống lành mạnh, tràn đầy hạnh phúc trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân trong địa bàn tỉnh bắc ninh (Trang 63 - 69)