Ảnh hưởng của NSQ Phật giáo đến lối ứng xử với môi trường của ngườ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân trong địa bàn tỉnh bắc ninh (Trang 79 - 84)

7. Kết cấu của đề tài

2.2.3. Ảnh hưởng của NSQ Phật giáo đến lối ứng xử với môi trường của ngườ

Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, con người đã có cách nhìn khác về vũ trụ, về môi trường sống của con người. Chẳng hạn, khoa học Vật lý không còn nghĩ rằng vũ trụ là do những nguyên tử cấu thành, nguyên tử không phải là cái nhỏ nhất mà nó có cấu trúc. Khoa học sinh vật thì nghiên cứu cấu trúc con người và khoa học xã hội đã nghiên cứu cấu trúc xã hội,... đã đạt nhiều thành tựu so với trước đây rất nhiều. Tôn giáo học và triết học, những vấn đề về con người, linh hồn con người, vấn đề sau cái chết, và vấn đề môi trường sống của con người vẫn luôn là những đề tài hấp dẫn.

Phật giáo đề cao con người với quan điểm chỉ có con người chứ không phải thượng đế hay thần linh định đoạt số phận của mình. Tuy nhiên, con người có tốt có xấu nhưng Phật giáo vẫn luôn tìm cái tốt trong người để vun bồi "tính Phật" và ai cũng có thể từ bỏ cái xấu và vun bồi tính thiện. Cho nên, đạo Phật lấy tinh thần ban vui cứu khổ và đây là ý nghĩa sâu sắc của Từ bi. Cứu khổ theo hạnh nguyện của Bồ tát là không còn người nào khổ ở trong trần gian, đồng thời cũng là gột rửa để môi trường trở nên trong sạch, thanh tịnh hơn.

Đối với vấn đề môi trường, nếu như phương tây quan niệm, chẳng hạn như F. Bacon (1561-1626) quan niệm thiên nhiên được ví như một cô gái cần phải khất phục và chinh phục theo ý muốn. Hay Locke (1632-1704) cho rằng, thượng đế ban cho con người trái đất, cho nên việc chiếm hữu thiên nhiên là do ý muốn của thượng đế. Do đó, trong một thời gian dài, thiên nhiên bị khai thác phục vụ vào các mục đích ngày càng cao của con người. Quan niệm của đạo Phật thì hoàn toàn khác, mọi vật trong vũ trụ đều nương nhau mà thành, "từ vật lớn đến vật nhỏ, từ vật hữu hình cho đến vô hình, đều không ngoài nhân duyên đó"[31, tr. 537]. Vì thế, con người và vũ trụ, hay nói hẹp hơn là môi trường sống của con người có mối tương quan, tương duyên với nhau trong thế giới trùng trùng duyên khởi. Do đó, chúng sinh nghiệp lành thì chiêu cảm sự tốt đẹp và ngược lại, đó là Nghiệp cảm duyên khởi. Khi tín đồ Phật tử hiểu rõ "lý nhân duyên" sẽ thấy được con người với môi trường cùng hiện hữu. Cho nên, những

hành động của con người thiện hay xấu đều ảnh hưởng đến môi trường. Sở dĩ môi trường ngày nay bị ô nhiễm, bão lụt hạn hán,... đều do con người tàn phá thiên nhiên, và vì thế, để môi trường bị hoại diệt hay bảo vệ môi trường đều do ý thức của con người.

Bắc Ninh là một tỉnh có tốc độ phát triển nhanh ở miền bắc với nhiều khu công nghiệp và làng nghề. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Bắc Ninh quy hoạch được 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung, trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động 62 làng nghề. Trong đó có 30 làng nghề truyền thống và 32 làng nghề mới. Cùng với sự phát triển kinh tế từ các làng nghề là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây nguy hại trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân. Chất lượng môi trường tại phần lớn các làng nghề không tốt, các chỉ số môi trường vượt quá từ 2 đến 5 lần mức độ cho phép. Chẳng hạn ở thôn Mãn Xã, xã Văn Môn huyện Yên Phong là một làng nghề với hơn 300 gia đình đúc nhôm. Việc thu gom phế liệu. Có thể nói, với trên 300 hộ gia đình tái chế, kinh doanh nhôm không có qui trình xử lý đã khiến cho không khí, nguồn nước nơi đây ô nhiễm nặng. Anh Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Y tế xã Văn Môn cho biết: "Hầu như ngày nào trạm cũng tiếp nhận vài cháu bé bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhiều cháu bị biến chứng nặng phải chuyển lên tuyến trên. Số lượng người già bị mắc các bệnh về đường hô hấp mãn tính, về mắt chiếm tỷ lệ cao" hay chị Đào Thị Hoài, giáo viên Trường mầm non Mẫn Xá bức xúc "Nhiều hôm khói đen, khói trắng bao phủ làng như sương mù khiến các cháu nhỏ không chịu nổi. Những gia đình khá giả gửi con đi học mẫu giáo ở những nơi khác cho dù Trường mầm non Mẫn Xá luôn thiếu học sinh. Tác hại của ô nhiễm môi trường tại Văn Môn đã đến mức báo động, mỗi năm có hàng chục người bị chết do ung thư khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng"[tapchimoitruong.vn-Ninh, truy cập ngày 4/9/2019]. Hay làng nghề tái chế và sản xuất giấy phường Phong Khê ở thành phố Bắc Ninh có 204 cơ sở sản xuất và tái chế giấy đang hoạt động. Theo ước tính, mỗi năm phường

Phong Khê sản xuất khoảng 200.000 tấn giấy/năm. Mỗi ngày có hàng trăm ống khói thải vào môi trường khiến nhiều người dân mắc bệnh về đường hô hấp; nước thải trực tiếp ra sông với nhiều hóa chất độc hải khiến cho dòng sông Ngũ Huyện Khê có màu đen đặc và bốc mùi hôi thối. Làng nghề đúc đồng Đại Bái ở Gia Bình với có gần 2000 hộ làm nghề không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước mà còn gây ô nhiễm tiếng ồn,... Mặc dù UBND tỉnh Bắc Ninh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề không hề giảm, cần sự chung tay của các cấp các ngành, trong đó có các tổ chức tôn giáo đang hiện diện ở tỉnh Bắc Ninh.

GHPGVN tỉnh Bắc Ninh trong những năm qua đã kết hợp chặt chẽ với Trung ương GHPGVN cùng các ban ngành trơng tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường, cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn. Hưởng ứng thông điệp bảo vệ môi trưởng của Trung ương GHPGVN tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tổ chức tháng 12-2015 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, GHPGVN tỉnh Bắc Ninh bằng những hành động cụ thể như: Tuyên truyền cho các Phật tử và nhân dân ưu chuộng đạo Phật nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; phối hợp với cơ quan chức năng, Ủy ban TWMTQVN tỉnh hưởng ứng chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu,…"[25]. Qua các buổi hoằng pháp, các Tăng ni đã lồng ghép giáo dục về môi trường nhằm chỉ ra nguyên nhân gây hại môi trường không ai khác chính là con người và giải quyết vấn đề môi trường không ai khác cũng chính là con người. Quan niệm của đạo Phật, con gười trong quan hệ với môi trường là tương hỗ, nương vào nhau, mọi loài sinh vật sống trong môi trường cần được tôn trọng chứ không phải vì con người mà hủy diệt các loài khác. Ngũ giới, cấm sát sinh là giới đầu tiên mang tư tưởng nhân đạo, nhân văn

sâu sắc, đồng thời cũng là tôn trọng sự sống của muôn loài. Nếu con người tận diệt môi trường, đưa vào môi trường những chất độc hại thì đồng nghĩa là thiếu tâm từ đối với chúng sinh và với chính mình. Ngoài ra, đạo Phật đề cao việc ăn chay. Ăn chay cũng là một trong những phương pháp bảo vệ môi trường thiết thực. Bởi mọi loài sống đều có quan hệ hữu cơ, có sự gắng bó mật thiết với nhau. Sự sinh tồn của loài này cũng là điều kiện tồn tại của loài kia theo tinh thần "cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt", đây là quy luật tồn tại của muôn loài trong tự nhiên, đồng thời hạn chế làm tổn hại môi trường sống.

Hiện nay, không ít các hộ gia đình trong các làng nghề ở Bắc Ninh vì lợi nhuận mà không chú ý đến việc bảo vệ môi trường. Hàng ngày họ xả vào môi trường không khí, môi trường nước nhiều tạp chất độc hại gây bệnh tật cho con người. Trong giáo lý của Phật giáo, tinh thần nổi bật chính là mong muốn cuộc sống của con người được an vui, hạnh phúc thông các các hành động cụ thể như không tham lam, không làm ác, hạn chế cái tâm vị kỷ chỉ biết làm lợi cho mình mà không chú ý đến người khác. Đức Phật luôn khuyến khích tín đồ, Phật tử có lối sống hài hòa, thân thiện với môi trường. Với tinh thần đó, trong các buổi hoàng pháp, giảng giáo lý, GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã tạo cho Phật tử, nhân dân có thái độ đúng đắn trong việc ứng xử với thiên nhiên. Hiện nay, ở nhiều ngôi chùa ở Bắc Ninh hiện nay hưởng ứng chủ trương của GHPGVN không đốt vàng mã, chẳng hạn như chùa Tiêu Sơn. Đây không chỉ là vấn đề nói không với mê tín mà còn là ứng xử cao đẹp đối với môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, ở Bắc Ninh hiện nay, lối sống của một bộ phận nhân dân còn thiên về vật chất cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy như thích những thú vui không lành mạnh, ích kỷ, thiếu tình thương hay ít chia sẻ cộng đồng xã hội.

Nhìn chung, ảnh hưởng của NSQ Phật giáo đến lối ứng xử với môi trường của người dân Bắc Ninh hiện nay chưa thật sâu sắc, mặc dù với công tác bảo vệ môi trường, GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã có sự chủ động trong việc

khởi gợi tinh thần này trong tín đồ, Phật tử và nhân dân. Song tư tưởng hưởng thụ vật chất, mưu cầu cuộc sống giàu sang và không quan tâm đến vấn đề môi trường vẫn hiện hữu, cụ thể là trong các làng nghề ở Bắc Ninh hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân trong địa bàn tỉnh bắc ninh (Trang 79 - 84)