Một số quan niệm về nhân sinh quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân trong địa bàn tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 33)

7. Kết cấu của đề tài

1.2. Khái quát về nhân sinh quan và nhân sinh quan Phật Giáo

1.2.1. Một số quan niệm về nhân sinh quan

NSQ nói chung được hiểu là quan niệm sự sống con người như: lẽ sống của con người là gì, mục đích, ý nghĩa, giá trị của cuộc sống con người ra sao và sống như thế nào cho xứng đáng. Ở mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp đều có quan niệm khác nhau về NSQ. Trên phương diện triết học, tôn giáo học, mỗi trường phái triết học và mỗi tôn giáo đều có những quan niệm của riêng mình về NSQ. Đối với Phật giáo, ra đời trong bối cảnh xã hội có sự phân biệt giai cấp nặng nề, song về tư tưởng triết học, tôn giáo thì nở rộ nhiều trường phái triết học và tôn giáo. Do đó, Phật giáo vừa tiếp thu vừa bác bỏ một số tư tưởng của các tôn giáo khác; đồng thời người sáng lập đạo Phật vừa là nhân vật lịch sử vừa là tấm gương đức hạnh đã kiến lập con đường giải thoái lý tưởng cho mọi tín đồ. Song, quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của đạo Phật, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa phải qua các lần kết tập kinh điển mới được đầy đủ và ngày nay, chúng ta tìm hiểu NSQ Phật giáo cũng qua hệ thống kinh điển này.

NSQ thường được hiểu là những quan niệm của con người đối với cuộc sống. Mỗi người đều có một NSQ riêng và vì thế, trong cuộc sống mỗi người mỗi quan niệm, thậm chí là đối nghịch trong lối sống nếp nghĩ. Theo nghĩa rộng, NSQ là cách nhìn nhận đời sống con người và xã hội theo quan điểm của từng thời kỳ lịch sử, của giai cấp. Chẳng hạn như NSQ cách mạng là NSQ của giai cấp công nhân, hay NSQ cộng sản là quan niệm nhân sinh của những

người cộng sản đấu tranh để thực hiện lý tưởng cộng sản. Theo nghĩa hẹp, NSQ chính là quan niệm của cá nhân về cuộc đời. Trong cuộc sống đời thường, mỗi con người cũng có quan niệm riêng của mình về cuộc sống. Nhưng các nhà tư tưởng đã khái quát những quan niệm ấy thành quan điểm, thành lý luận và mang hơi thở của từng thời đại cụ thể, nhất là trong xã hội có giai cấp. Vì thế, NSQ có tác dụng lớn đến hoạt động, lối sống của mọi người với mục tiêu tích cực hay tiêu cực. Nếu phát huy được mặt tốt thì có thể cải tạo xã hội và ngược lại sẽ làm cho xã hội xấu đi, điều này đã được minh chứng trong lịch sử. Nhiều giai đoạn lịch sử đã chứng kiến hoạt động của con người bị tha hóa nảy sinh từ NSQ lạc hậu, sa đà vào chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa vị lợi,… hoặc NSQ của nhiều tôn giáo mang tính lánh đời, ẩn dật như đạo Lão,… Nhìn chung, NSQ là một bộ phận của thế giới quan. NSQ bao gồm hệ thống những câu hỏi về con người là gì, con người được sinh ra từ đâu, vị trí của con người trong thế giới, hay hạnh phúc là gì, chết đi về đâu,…

Trên phương diện triết học, PGS.TS. Dương Văn Thịnh đã viết "con người và xã hội loài người là một bộ phận cấu thành nên thế giới, có quan hệ chặt chẽ với toàn bộ thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng đưa ra câu trả lời như nhau đối với vấn đề con người quan hệ với xã hội và giới tự nhiên như thế nào. Bởi vì con người và hoạt động của con người là vô cùng phức tạp"[76, tr193].

Trên phương diện tôn giáo, GS.TS. Đỗ Quang Hưng cho rằng: "nhân sinh quan có vị trí vô cùng to lớn trong thần học Kitô giáo và giáo lý Phật giáo. Có thể nói đây là hai trường hợp tiêu biểu trong số các tôn giáo lớn với triết lý về con người. Đại thể thì, với Kitô giáo, một tôn giáo độc thần, trong đó Đấng tối cao dưới hình thức Thiên Chúa Ba ngôi là Đấng tạo dựng, đã "nặn" ra con người theo hình ảnh của Thiên Chúa. Còn với Phật giáo, con người là một hữu thế vô thủy vô chung, trong vòng luân hồi với những nghiệp (karma) nhất định,

dù là người hay chúng sinh, con người với Phật giáo dường như không có một khuôn mẫu nhất định"[76, tr. 216].

Nho giáo quan niệm về nhân sinh, cho rằng "con người là của gia đình, của dòng họ, làng, nước. Bản thân con người không có cái gì là của mình: thân thể là của cha mẹ cho, phận vị là của vua cho, số mệnh là của Trời cho. Có được cái gì cũng là nhờ ơn vua, ơn Trời. Giá trị của nó được tính theo chỗ nó là con ai, thuộc họ nào, làng nào, có chức sắc gì, chứ không theo chỗ bản thân nó là gì. Tất cả là thần dân của vua, đều được xếp vào bậc thang tước vị xã hội, rồi lại chia thành hạng cha chú hay con cháu. Con người phải nhìn xuống, nhìn lên trong thang trật tự trên dưới đó, tự xác định vị trí của mình mà ăn mặc, nói năng, đi đứng cho phải phép. Đó là con người chức năng trong xã hội luân thường chứ không có nhân cách độc lập"[36, tr. 394-395],...

Phật giáo, với triết lý mà Đức Phật đã dạy rằng "cuộc đời con người là khổ" hay "nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển cả". Cho nên, trong giáo lý Phật giáo thường xem thân người là ô uế, là giả tạm, vạn vật vô thường,... Như thế, quan niệm nhân sinh của Phật giáo về thân phận con người dù ở giai cấp nào, tầng lớp nào cũng như nhau và tất cả luôn luôn trong khổ đau phiền não. Nhưng quan trọng hơn, quan niệm nhân sinh của đạo Phật ở chỗ làm sao giúp con người thoát khỏi xiềng xích khổ đau và phiền não ấy, làm sao để hạnh phúc ngay trong hiện tại và an vui trong tương lai.

Nhìn chung, ở bất cứ nền triết học nào, nhất là trong triết học tôn giáo thì NSQ vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Bởi tất cả các tôn giáo đều phải chú trọng đến cuộc sống con người trong đời sống thực hoặc cuộc sống trong tương lai. Đối với Phật giáo, khi nói về đời sống con người, người ta thường nghĩ đến hai mặt đối lập là khổ đau và an vui. Nếu con người cho rằng, cuộc đời là hạnh phúc thì được xem là theo chủ nghĩa lạc quan và ngược lạc, nếu người nào cho rằng, cuộc đời là khổ đau thì theo chủ nghĩa bi quan.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân trong địa bàn tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 33)