0
Tải bản đầy đủ (.doc) (76 trang)

Quyền và nghĩa vụ của bên tặng cho.

Một phần của tài liệu HỢP ĐỒNG TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 42 -45 )

Bên tặng cho là người có quyền sử dụng đất, khi tặng cho quyền sử dụng đất thì bên tặng cho phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đó là phả trao đổi, thỏa thuận với bên được tặng cho về các điều kiện của hợp đồng, phải thông báo về đặc điểm, tình trạng và vị trí của thửa đất (tặng cho) để bên được tặng nắm được, sau đó tiến hành làm các thủ tục theo quy định của pháp luật. Tại Điều 724 - BLDS năm 2005 quy định các nghĩa vụ cơ bản của bên tặng cho quyền sử dụng đất là:

- Giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số liệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận.

- Giao giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.

Đối với hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện thì điều kiện đó có thể thực hiện được, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Điều kiện này có thể được thực hiện trước hoặc sau khi chuyển giao quyền sử dụng đất. Trong trường hợp điều kiện đã được thực hiện mà bên tặng cho không tiến hành chuyển quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận thì phải bồi thường những chi phí, công sức mà bên được tặng cho đã bỏ ra để thực hiện điều kiện đó. Trong trường hợp mà bên được tặng cho sau khi đã nhận quyền sử dụng đất mà bên tặng cho chuyển giao nhưng không thực hiện điều kiện theo thỏa thuận thì phải trả lại quyền sử dụng đất đã nhận.

Một ví dụ qua thực tế xét xử: Ngày 12 tháng 8 năm 1995, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhường, bà Trần Thị Miền có thỏa thuận với anh Nguyễn Văn Quý (con trai cả của ông bà) với nội dung như sau: Ông Nhường, bà Miền đồng ý tặng cho anh Quý 400m2đất ở tọa lạc tại phường 1, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh với điều kiện anh Quý phải nuôi dưỡng ông bà đến hết đời, việc nuôi dưỡng được thực hiện theo từng tháng, mỗi tháng anh Quý phải gửi cho ông bà là 200.000đ/1người. Anh Quý chấp nhận và hai bên đã tiến hành làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Tháng 10 năm 1995 anh Quý đã xây nhà kiên cố trên phần đất được tặng cho và năm 1996 anh được UBND thị xã Tây Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này.

Phía ông Nhường, bà Miền trình bày: Việc ông bà cho anh Quý (con trai ông bà) 400m2 đất ở nói trên là có thật, nhưng khi lập hợp đồng ông bà đã nói rõ điều kiện anh Quý phải nuôi dưỡng ông bà đến hết đời với số tiền phải cung cấp mỗi tháng là 200.000đ/1người. Anh Quý đã cung cấp số tiền cho ông bà đến hết năm 2000 đúng như thỏa thuận, còn từ năm 2001 đến nay vợ chồng

anh Quý không đoái hoài trông nom gì đến ông bà và cũng không gửi tiền nuôi dưỡng như đã thỏa thuận, vì vậy ông bà yêu cầu Tòa án buộc anh Quý phải trả lại 400m2 đất ở tại phường 1, thị xã Tây Ninh cho ông bà.

Phía anh Quý cho rằng: Hiện tại thửa đất nói trên anh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh cũng đã xây nhà kiên cố trên thửa đất này và cũng đã nuôi dưỡng ông Nhường, bà Miền trong nhiều năm với một số tiền quá lớn, nay anh cho rằng việc nuôi dưỡng ông Nhường, bà Miền là phải bổ đều cho các anh em chứ mình anh thì không đủ sức, đồng thời anh cũng không đồng ý trả lại thửa đất trên cho ông Nhường, bà Miền vì anh đã nuôi ông Nhường, bà Miền trong một thời gian dài với một số tiền chi phí quá lớn. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 27/DSST ngày 18/4/2004 của Tòa án nhân dân thị xã Tây Ninh xử:

+ Chấp nhận yêu cầu của ông Nhường, bà Miền: buộc anh Quý phải giao trả 400m2 đất ở tọa lạc tại phường 1, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho ông Nhường, bà Miền.

+ Ông Nhường, bà Miền được quyền sở hữu 3 gian nhà ngói + công tình phụ mà vợ chồng anh Quý đã xây cất trên diện tích 400m2 đất nói trên và phải có trách nhiệm hoàn trả cho vợ chồng anh Quý số tiền chi phí cho việc xây dựng 3 gian nhà gói + công trình phụ là 80 triệu đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên bố về án phí.

Ngày 25 tháng 4 năm 2004 anh Quý kháng cáo, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm lại toàn bộ vụ án.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 82/DSPT ngày 15/11/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xử: Sửa án sơ thẩm và tuyên.

+Chấp nhận một phần kháng cáo của anh Quý. + Chấp nhận yêu cầu của ông Nhường, bà Miền.

+ Buộc anh Quý phải giao lại 400m2 đất ở tọa lạc tại phường 1, thị xã Tây Ninh tỉnh Tây Ninh cho ông Nhường, bà Miền.

+ Giao cho ông Nhường, bà Miền được sở hữu 3 gian nhà ngói + công trình phụ do vợ chồng anh Quý xây dựng trên diện tích đất này.

+ Buộc ông Nhường, bà Miền phải thanh toán trả cho vợ chồng anh Quý các khoản tiền sau:

Tiền chi phí xây dựng nhà + công trình phụ: 126.820.000đ Tiền chi phí nuôi dưỡng: 39.000.000đ

Tổng cộng: 165.820.000đ

(Một trăm sáu mươi lăm triệu tám trăm hai mươi nghìn đồng) Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí:

Qua ví dụ nêu trên có thể thấy rằng: Đối với hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà bên được tặng cho đã nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện hoặc thực hiện chưa xong điều kiện đã thỏa thuận thì buộc phải trả lại quyền sử dụng đất cho bên tặng cho, tuy nhiên trong các trường hợp nếu điều kiện phải thực hiện trong một thời gian dài, tốn kém mà bên được tặng cho đã thực hiện được một phần của điều kiện đặt ra thì khi giải quyết, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải chú ý xem xét tới các chi phí và công sức mà bên được tặng cho đã bỏ ra để thực hiện một phân điều kiện đó.

Đối với hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà điều kiện phải thực hiện diễn ra sau khi bên được tặng cho đã nhận quyền sử dụng đất, thì thời điểm chấm dứt hợp đồng tặng cho trong trường hợp này được xác định khi bên được tặng cho thực hiện xong điều kiện của hợp đồng.

Một phần của tài liệu HỢP ĐỒNG TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 42 -45 )

×