1 .Giới thuyết về người kể chuyện trong tác phẩm tự sự
3.2 Giọng điệu trần thuật
3.2.1 Giới thuyết về giọng điệu trần thuật trong tác phẩm tự sự
Nhà văn T. Sêkhốp từng khẳng định: “Nếu tác giả nào đó không có lối
nói riêng của mình thì người đó không bao giờ là nhà văn cả”. Không giống
các hoạt động khác trong xã hội, hoạt động nghệ thuật là một hoạt động mang tính đặc thù. Đó là lĩnh vực của cái độc đáo, nên điều quan trọng nhất với một nhà văn là phải tạo được giọng điệu riêng không lẫn với ai. Giọng điệu được
hiểu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với
hiện thực được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [13,134].
Là một trong những yếu tố cấu thành hình thức nghệ thuật của một tác phẩm, giọng điệu chính là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách riêng của mỗi
nhà văn, tạo ra sự khác nhau giữa nhà văn này với nhà văn khác. “Giọng điệu
là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học” [13,135]. Nó phản ánh lập
trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả và có tác dụng truyền cảm đến cho người đọc. Giọng điệu bộc lộ tình cảm chủ quan, thái độ và cách đánh giá của nhà văn đối với con người và những hiện tượng được miêu tả. Cho nên, một nhà văn thực sự có tài phải có một giọng điệu riêng và nó được thể hiện qua toàn bộ sáng tác của nhà văn đó. Qua giọng điệu trong tác phẩm, người am hiểu văn học có thể nhận ra được tác giả của nó. Giọng điệu là cơ sở giúp người đọc có thể khai thông tác phẩm để khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn.
Trong tác phẩm, giọng điệu không phải là phép cộng đơn giản các phương tiện ngôn ngữ. Nó được thể hiện ở nhiều cấp độ (từ ngữ, nhịp điệu, ngữ điệu,…) nhưng chúng ta chỉ nhận ra nó ở cái âm hưởng chung mà sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố ngôn ngữ mang lại. Có thể khẳng định,
giọng điệu nghệ thuật là yếu tố siêu ngôn ngữ bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Giọng điệu nghệ thuật là cảm xúc đã được “hình thức hóa, điệu thức hóa” cho nên không thể đồng nhất nó với giọng điệu tác giả vốn có ngoài đời. Trong mỗi tác phẩm văn học thường bao giờ cũng có một giọng điệu chủ yếu, bên cạnh những giọng điệu khác được sử dụng làm bè đệm. Giọng điệu đó lặp lại nhiều lần ở những tác phẩm khác nhau sẽ tạo ra giọng điệu riêng của nhà văn. Đối với tác phẩm tự sự, giọng điệu trần thuật có một có một vị trí rất quan trọng. Qua giọng điệu trần thuật, người đọc có thể cảm nhận được thái độ, tình cảm của người kể chuyện đối với đối tượng được kể. Không ồn ào, chao chát như Đỗ Hoàng Diệu; không lạnh lùng, sâu cay như Phan Thị Vàng Anh; không “đanh” như Lê Minh Khuê…Nguyễn Ngọc Tư đã tạo dựng cho mình một giọng điệu riêng. Qua việc tìm hiểu giọng điệu trong các sáng tác của chị, chúng tôi nhận thấy giọng điệu chủ đạo của người kể chuyện là giọng trữ tình – lo âu, khắc khoải bên cạnh giọng điệu dân dã, mộc mạc.