Sự kết hợp và dịch chuyển điểm nhìn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 36 - 38)

1.2 .Vấn đề điểm nhìn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ

1.2.4. Sự kết hợp và dịch chuyển điểm nhìn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu

Thu Huệ

Trong nghệ thuật trần thuật, sáng tạo của nhà văn trước hết thể hiện ở cách ứng xử với câu chuyện để tạo ra sự đa dạng của các điểm nhìn nghệ thuật. Có điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn của tác giả, điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời gian...Các loại điểm nhìn này có thể kết hợp trong cùng một truyện ngắn. Sự dịch chuyển điểm nhìn cho thấy cách tiếp cận hiện thực đa chiều của nhà văn và sự khéo léo tổ chức truyện của người cầm bút.

Trong 61 truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu huệ, nhiều truyện có sự dịch chuyển hai loại điểm nhìn bên trong và bên ngoài. Hậu thiên đường là nỗi lòng của người mẹ bất hạnh từng trải qua cõi thiên đường ở tuổi 24, giờ đây khi con gái 16 tuổi, cũng bước chân vào thiên đường ấy. Trải suốt toàn truyện là suy nghĩ, tâm sự của người đà bà từng vô tâm mà không để ý đến sự phát triển của con. Điểm nhìn bên trong đã phơi tỏ những suy nghĩ và cảm xúc chồng xếp trong lòng nhân vật về sai lầm của tuổi trẻ, về con gái. Lật dở từng trang nhật ký của con, người mẹ mới cay đắng nhận ra “Con tôi rồi sao giờ tôi mới biết điều đó”. Cho đến khi sự thật được lộ rõ thì chị mới ngỡ ngàng và đau đớn khôn cùng: “Tôi lặng người nhìn nó...Xong rồi, con gái tôi thành đàn bà thật rồi”.

Điểm nhìn của nhân vật “tôi” – người kể chuyện – người mẹ đã soi chiếu những lớp sóng lòng cuộn dâng: “Tôi cảm giác như mình đang bắt đầu đứng ở cuối con đường, nhìn thấy con mình đang dẫm chân lên những nơi mà tôi đã đi qua, nhưng không sao ngăn nó lại được”. Dòng lệ chảy trên gò má đã hằn in dấu vết của thời gian, chị đau đớn tưởng tượng ra cảnh con gái nước mắt nhòe nhoẹt trên mi – “anh ấy bỏ con rồi”, “con sắp chết rồi mẹ ơi”. Trong tâm lý hoảng loạn, người mẹ đi tìm con: “Con ơi, con ở đâu? Ai cứu con tôi bây giờ? Ai giúp tôi lôi nó ra khỏi cái thiên đường địa ngục đó bây giờ? Tôi phải làm gì đây hả trời? Không phải con đang chập chững ở miệng vực thẳm nữa mà con đang ở trong vực rồi” – người mẹ kêu lên những tiếng ân hận, vô vọng cuối đời của mình.

Người mẹ chết, điểm nhìn của bên trong của nhân vật “tôi” chấm dứt vai trò, nhưng truyện còn chưa dừng lại. Điểm nhìn đến cuối truyện đã chuyển sang điểm nhìn bên ngoài. Lời văn trần thuật lạnh lùng, vô cảm. Điểm nhìn bên ngoài đã hoàn

thành nhiệm vụ báo tử của “tôi”, dẫn dắt tiếp câu chuyện của người con gái. Sự dịch chuyển từ điểm nhìn bên trong sang điểm nhìn bên ngoài đã làm tăng thêm tính bi kịch của truyện.

Cũng với kiểu dịch chuyển điểm nhìn từ bên trong ra bên ngoài, Người đi tìm giấc mơ – câu chuyện của người con gái nghèo ôm giấc mơ đổi đời nhờ lấy chồng giàu nhưng bị tật nguyền, tác giả đã đưa lên trang viết nhưng lời kể của nhân vật “tôi” từ khi sinh ra đến lúc lấy chồng, bị gia đình chồng đuổi đi vì không sinh được con, lang thang, thành một người điên trong mắt mọi người. Điểm nhìn bên trong đã giúp người đọc cảm nhận rõ khát khao hạnh phúc của cô, ước mơ của một người con gái nghèo cho đến nỗi đau thể xác và tinh thần mà “tôi” phải chịu đựng. Kết thúc tác phẩm, điểm nhìn của người kể chuyện xưng “tôi” chấm dứt, điểm nhìn bên ngoài thay thế để miêu tả rõ hình ảnh của “tôi” đang ngủ: “Ở một con đường nhỏ bên bờ đê, người ta nhìn thấy một người đàn bà còn trẻ. Mặt hiền từ phẳng lặng nằm ngủ. Trên người không một mảnh vải che. Hai bầu vú là hai bông hoa. Phía dưới là cái lá sen đã khô.

Hình như cô đang mơ. Những người tò mò nhìn thấy đôi lúc miệng cô lại nhoẻn cười”.

Điểm nhìn bên ngoài giúp độc giả hình dung về chân dung một người phụ nữ trẻ đang đón nhận một giấc ngủ yên mình với giấc mơ đẹp đẽ. Cảm nhận này đã được tác giả trao cho người đọc tự rung cảm và nghĩ suy. Sự khách quan trong trần thuật được đảm bảo nhờ điểm nhìn bên ngoài đã thay thế cho điểm nhìn bên trong.

Sự dịch chuyển điểm nhìn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ cho thấy tính sáng tạo của nhà văn. Phá cách hơn so với văn học truyền thống vốn được trần thuật từ điểm nhìn tương đối ổn định – cái nhìn “biết trước”, Nguyễn Thị Thu Huệ đã sử dụng cả đa dạng các loại điểm nhìn. Việc phối hợp và di chuyển các loại điểm nhìn này giúp cho nhà văn có điều kiện trổ nhiều ô cửa để khám phá đời sống từ những góc độ khác nhau. Theo đó, tác giả có điều kiện để đào sâu cả tầng vô thức cũng như những biến đổi trong tâm trạng đầy tinh vi của nhân vật. Từ phương diện nào đó, có thể nói, sự đan xen và dịch chuyển liên tục điểm nhìn cũng là một cách thức để tạo nên tính phức điệu của truyện ngắn hiện đại.

CHƯƠNG 2: QUAN ĐIỂM NGHỆ THUẬT VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 36 - 38)