3.1 .Nghệ thuật tổ chức kết cấu
3.1.3 .Kết cấu phân mảnh
Tác phẩm sẽ được kết cấu theo kiểu nào, đó phụ thuộc vào đối tượng phản ánh và còn phụ thuộc vào tài năng, phong cách của người nghệ sĩ. Văn học hiện đại với việc thể hiện cá nhân trong tính “không hoàn tất” của nó đôi khi đã chống lại yêu cầu về sự chặt chẽ, do vậy, kết cấu gây ảo giác về tính không xác định, tính tự do hoặc tính ghép mảng. Đó là kết cấu phân mảnh.
Kết cấu phân mảnh được hình thành nhờ những mảnh ghép tương đối độc lập của cốt truyện. Các mảnh ghép đó được sắp xếp theo nguyên lý của tư duy hội họa lập thể với những mảng màu xa lạ nhưng vẫn thể hiện một ý nghĩa hoàn chỉnh. Tính phân mảnh là một trong những yếu tố tạo nên sắc thái đa âm của tác phẩm. Theo nhà phê bình Văn Giá: “Nghệ thuật lắp ghép chỉ thực hiện với mục đích duy nhất là phá vỡ hình thức văn bản truyện trùng khít với trật tự thời gian tuyến tính của cốt truyện. Còn tính phân mảnh đi xa hơn, nó còn chủ trương đập vỡ các mảnh văn bản trần thuật thành những mảnh vụn rời rạc, xô lệch không theo một trật tự nhân quả rõ rệt nào và tương ứng với mỗi mảnh vụn ấy là mỗi mảnh hiện thực đời sống được biểu hiện”.[12].
Kết cấu phân mảnh đã xuất hiện trong một số truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ như X-Men có mùi trường đua, Phòng chiếu phim số 9, Cú mèo và rượu hoa. Với loại kết cấu này, nữ tác giả đã đưa những mảnh ghép của mỗi nhân vật để hoàn thành một tuyến truyện, nhằm biểu hiện một trạng thái đời sống hiện đại xô bồ, lệch lạc, tốt – xấu, sáng - tối lẫn lộn, khó phân biệt rõ ràng.
Trong X-Men có mùi trường đua, Nguyễn Thị Thu Huệ đã sắp xếp các mảnh về sự kiện và nhân vật đan cài, tưởng chừng khó bắt nhập lại hài hòa trong một cấu trúc truyện có hơi hướng hiện đại:
Dựa trên sự phân chia của tác giả về mặt hình thức văn bản, các phần của truyện được phân định qua các dấu “***”, chúng tôi chia truyện thành 6 phần, tương ứng với mỗi mảnh ghép hình thành nên truyện. Ở mỗi phần, chúng tôi chia các sự kiện được trần thuật và đánh số lần lượt (1), (2), (3),...
-Phần 1: (1) Chặng đua chó thứ 6, đám đông hò reo cổ vũ. X-Men và nàng cổ vũ cho con Hoàng Gia bị thương. Nàng không ngừng nói về món thịt chó.(2) Trên khán đài, ba chiếc ti vi đang chiếu về cuộc thi Duyên dáng Quý bà.
-Phần 2: (3) Giới thiệu về nhân vật nàng: nàng là gái điếm, X-Men là khách của nàng. Nàng có học thức, xinh đẹp và hành nghề sòng phẳng, văn minh.
-Phần 3: (4) Nàng và X-Men qua đêm cùng nhau. Nàng hít mùi cà phê cháy đậm đặc của X-Men, điều chưa từng xảy ra với một đứa làm gái. Nàng bối rối vì mùi lạ này sau 13 năm chia tay với chồng cũ.
(5) Ngoài biển, phát hiện xác người phụ nữ khỏa thân nổi lên mặt nước. Có người nhận ra cô gái chết vì bị chó cắn.
-Phần 4: (6) Nàng trở vào phòng ôm chặt lấy X-Men, khóc và kể chuyện có người chết ngoài biển. X-Men thừa nhận: “Anh giết đấy”.
-Phần 5: (7) Nàng về ở với X-Men trong ngôi nhà có trang trại nuôi chó. (8) Một đêm, nàng kể chuyện có một kẻ dọa giết nàng vì nàng không gặp hắn lần hai. X-Men thông báo: “Anh cũng giết rồi”.
-Phần 5: (9) Đối thoại giữa nàng và X-Men: Nàng hỏi lại tỏ vẻ không tin anh giết người. X-Men khẳng định hành vi giết người của mình.
Xét về sự logic của sự kiện, các phần của truyện tỏ ra khá mạch lạc và “ăn khớp với nhau”. Tuy nhiên, giữa các sự kiện của mỗi phần lại có mối ràng buộc “hờ hững”. Sự kiện (1) và (2) không liên quan đến nhau nhưng lại được trần thuật đan xen, tạo nên một không khí nhộn nhạo, vô văn hóa trong một cuộc đua chó. Sự kiện (3) (4) cùng nói về bản thân nhân vật “nàng” nhưng không có mối quan hệ với sự kiện (5), thế nhưng, chúng lại dẫn đến sự kiện (6). Từ sự kiện (7), tác phẩm chuyển không gian khác. Sự kiện (8) và (9) lại cho thấy X-Men ngoài là tay nuôi chó, còn là một kẻ giết người. Cuộc đối thoại hai câu cuối cùng của tác phẩm của phần số 5 chỉ để khẳng định: Khó có thể phân biệt được đâu là một kẻ giết người lão luyện.
Tội ác hiện diện thản nhiên đến nỗi người dù xuống tận đáy xã hội vẫn không tin cái ác nằm chung giường với mình. Kẻ thực hiện tội ác vô cảm, dửng dưng, lạnh lùng với nỗi đau của đồng loại. Niềm say mê của hắn chỉ là những con chó trên đường đua với cái nghĩa địa chó bên nhà. Các mảnh ghép của sự kiện phân định rõ ràng, có khi thiếu liên kết và có phần bất ngờ, vô lý, nhưng tựu chung lại, nó hoàn thành một câu chuyện với điều tốt – xấu, thiện – ác có ranh giới quá mong manh.
Cũng với kết cấu phân mảnh, Cú mèo và rượu hoa được tổ chức với nhiều mảnh truyện phức tạp hơn. Tác phẩm mở ra mảnh truyện về Mừng và Sim – hai người ở nhà ông Nhân đang bán thịt nai cho khách (1). Tiếp đến là mảnh truyện về cha con ông Nhân: Ông đi du học Nga, vợ ông ở nhà chờ chồng hóa điên loạn, lao từ lan can cầu thang tầng hai xuống sân chết, con trai ông – thằng Tâm sống vất vưởng, gầy còm Về nước, ông Nhân lấy vợ lẽ - tên Túy. Túy cặp bồ, chặt đứt gân chân ông rồi bỏ đi, khiến ông bị liệt. Mỗi lần đau chân, Sim cho ông uống rượu thuốc ngát mùi hoa (2).
Cuộc sống của gia đình ông Nhân bị xáo trộn khi vợ chồng người em ở nước ngoài về để chia tài sản. Đây là mảnh truyện mang màu sắc kinh dị vì người em dâu có đôi mắt cú mèo, “luôn trừng trạo gằm ghè, khó chịu lườm Sim, then thét giọng kim rít rít khô như tiếng máy khoan bê tông”. Họ rời đi với câu nói: “Vợ chồng tao kinh nhất là phải dính đến người. Tao ghét người nhất chúng mày ạ”. (3)
Năm năm trôi qua, Tâm đã bớt điên, còn ông Nhân thì mắt đã mờ. Mảnh truyện khác được lắp ghép là gia đình họ tiếp một đoàn địa chất, trong đó có một cô gái luôn mồm muốn phá núi. Khi phá núi đến ngày thứ sáu, ông Nhân mệt, sắp hấp hối, trăn trối lại với vợ chồng Mừng –Sim. Đúng lúc đó, ngoài cửa, có đoàn mang cô gái hôm trước đến nhà, đang bị điên loạn nhờ cứu giúp. Sim cho cô uống rượu hoa, cô gái dần mềm người, nằm im. Đoàn người trao lại cho Mừng – Sim hai bộ hài cốt đã rơi vào đầu cô gái hóa điên ở trong rừng, nhờ mai táng. Mừng – Sim nhận ra con mắt cú mèo, mới biết đây là hài cốt của hai vợ chồng cú mèo đã rời đi cách đây năm năm. Ông Nhân sau đó tỉnh lại. Đoàn địa chất băn khoăn về thứ nước khiến con người từ điên loạn thành trầm tư, Sim bảo đó là “nước của rừng. Người xấu uống như uống thuốc độc, chết không kịp nhắm mắt. Người tốt uống, sắp chết sống lại”.(4)
Truyện kết thúc bằng mảnh truyện tường thuật cuộc đối thoại giữa Mừng và Sim. Họ bàn tán về vợ chồng cú mèo – những kẻ coi tiền hơn cả máu mủ ruột thịt. Họ cùng uống rượu hoa.(5)
Năm mảnh truyện đầy những chi tiết ly kỳ, khó giải thích: Vì sao vợ chồng cú mèo lại chết? Vì sao đống xương lại vắt vẻo trên cành cây và rơi trúng đầu cô gái, khiến cô hóa điên? Rượu hoa là rượu gì mà khiến người điên hóa trầm tư? Lúc ông Nhân sắp chết, khi có bộ hài cốt của người em xuất hiện, cô gái được cứu thì ông Nhân lại khỏe lại? Tất cả là điều bí ẩn. Chính tính chất phân mảnh của truyện đã góp phần làm nên sự bất ngờ, kỳ lạ của truyện.
Trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Thị Thu Huệ đã đem những mảnh truyện tưởng rất “xa nhau”, “không liên quan” để lắp ghép thành một bức tranh đa mảng màu. Nó nhộn nhạo, bí ẩn như chính cuộc sống vốn xô bồ và đầy ắp những điều không thể giải thích nổi. Cái tốt, cái thiện, cái minh bạch và trong sáng đã chìm khuất để dành chỗ cho cái ác, giả dối, cái chết, sự điên, thay thế và đe dọa đến tính mạng, nhân cách con người. Mỗi mảnh truyện được phân ra là mỗi khía cạnh của hiện thực được biểu hiện. Cái đậm đặc và đa dạng của đời sống xuất hiện trong trang viết của Nguyễn Thị Thu Huệ là nhờ lối kết cấu phân mảnh.
Thế nhưng, xét ở khía cạnh khác, kết cấu phân mảnh lại bộc lộ hạn chế trong việc liên kết các sự kiện, vấn đề đặt ra trong truyện. Truyện khó hiểu cũng là vì thế.
Phòng chiếu phim số 9 được tạo dựng từ những mảnh truyện về các nhân vật không có mối quan hệ với nhau. Tác phẩm được kết cấu như sau:
(1) Đôi thanh niên trẻ đẹp vào rạp chiếu phim, ngồi ở phòng số 9, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc.
(2) Tạp vụ, soát vé vạ vật ở phòng khai báo của Công an Phường. Họ chứng kiến cảnh ông bà già xay đậu tương thành nước rồi đổ ra cống. Họ trò chuyện về vụ cô gái giết chàng trai ở phòng chiếu số 9.
(3) Chàng thanh niên vị giết vì vết dao đâm trúng ngực. Cô gái biến mất, chỉ còn lại những tấm ảnh hai người chụp chung.Tạp vụ và Soát vé phát hiện ra cái chết này.
(4) Phòng chiếu phim số 9 đóng cửa. Tạp vụ và Soát vé bỏ việc. Không ai nhận xác về chon cất.
(5) Ba tháng sau, tại nghĩa trang mai táng chàng thanh niên, ông bà già xay đậu tương đến chặt cỏ bên mộ chàng.
(6) Rạp chiếu phim mở cửa trở lại, Chủ nhân của nó, vợ chủ rạp hồi trước khi nhìn mắt anh thanh niên bị chết bỗng cười điên loạn. Vong trẻ luôn luẩn quẩn ở rạp. Ba ngày sau bán rạp, con trưởng đi xe đâm chết bố.
(7) Tạp vụ và Soát vé cũ đến phòng số 9 xem phim, gặp ông bà già cũng ngồi xem ở hàng ghế cuối cùng. Tạp vụ và Soát vé đến hỏi công an về vụ giết người. Khuôn mặt về người đàn bà gần 60 tuổi xuất hiện trong bức ảnh của người cán bộ. Trẻ con gọi bà là “Bà Tiên gốc đa”.
(8) Ông bà già nhìn sang Soát vé, “mắt ai cũng hun hút sâu như những đường nối dài”.
Liệt kê các tình tiết của truyện, người đọc như rơi vào một “mê cung” không lối thoát. Tạp vụ và Soát vé là nhân vật kết nối các nhân vật khác: Vừa chứng kiến vụ giết người, vừa thấy những biểu hiện rất lạ của hai ông bà già. Nhưng mảnh truyện về ông bà già kỳ lạ với những hành động kỳ quặc, đặc biệt là ánh mắt hun hút tối kia có liên quan gì đến cái chết của chàng trai? Mảnh truyện của vợ chồng chủ rạp, kẻ điên, người chết cũng được lồng ghép trong truyện. Những mảnh truyện về các nhân vật đều đặt ra câu hỏi lớn trong lòng người đọc. Tất cả đều không có câu trả lời.
Chính sự mơ hồ, không rõ ràng ở kết cấu truyện phân mảnh đã khiến một số truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ đem lại cảm giác “không thỏa mãn” ở người đọc. Đọc đến hết truyện, người ta vẫn không rõ về bản chất con người như X-Men (trong
X-men có mùi trường đua), ông bà già (trong Phòng chiếu phim số 9), ông Nhân (trong Cú mèo và rượu hoa). Sự việc trở nên khó hiểu đến khó chịu vì tất cả vẫn chìm vào bí ẩn (như trong Phòng chiếu phim số 9).
3.1.4.Kết cấu mở (kiểu kết thúc để ngỏ)
Nhà văn Nga D. Phuocmatop nhận xét: “Sức mạnh của cú đấm (nghệ thuật) là thuộc về đoạn cuối”. Nhà văn Tsekhop nhấn mạnh: “Theo tôi, viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận”. Ở Việt Nam, nhà văn Đỗ Chu từng chia sẻ: “Còn như việc kết thúc một truyện ngắn, đó là hành động dễ gây xúc động đột ngột. Ta rất sung sướng nếu cảm thấy vừa khép kín một cái gì hình thành. Và ta sẽ buồn bã biết bao nhiêu nếu chợt nhận ra mình đã lầm lẫn. Ở phút dừng lại, có thể biết những gì mình viết ra đã thành công đến đâu. Cái thú của người viết truyện ngắn có khi còn nằm ngay ở chỗ đó nữa” [36].
Cái kết của một tác phẩm văn học luôn dồn đọng nhiều ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm hơn cả. Đối với thể loại truyện ngắn, nhất là truyện ngắn hiện đại, khi mà cuộc sống có nhiều chuyện xảy ra có bắt đầu nhưng không có kết thúc thì kết cấu của truyện cũng có sự thay đổi. “Hình thức kết cấu của truyện ngắn hôm nay phần lớn vượt ra khỏi kết cấu của truyện ngắn truyền thống...có kết cấu tự do hơn...Kết thúc truyện ngắn hôm nay là kiểu kết thúc để ngỏ”[24]
Có thể nói, từ truyện ngắn truyền thống (trung đại) đến truyện ngắn thời hiện đại đã có sự chuyển đổi đáng chú ý từ cách kết thúc đóng đến cách kết thúc mở. “Thật ra, kết thúc tác phẩm là chỗ bộc lộ rất rõ mâu thuẫn giữa yêu cầu thể loại (tác phẩm nào cũng phải kết thúc) và thực tế đời sống mà tác phẩm lấy làm chất liệu (đời sống vốn liên tục không bao giờ kết thúc)”[4]. Kết cấu mở là hướng tìm tòi để kết hợp hài hòa hơn những mặt mâu thuẫn ấy, phù hợp với quan niệm: nơi tác phẩm kết thúc là nơi cuộc sống chưa dừng lại, vẫn còn tiếp diễn, thậm chí mới bắt đầu. Được coi là nốt nhấn của truyện ngắn đương đại, với độ mở rất lớn, kết cấu mở tạo ra khả năng đồng sáng tạo cho độc giả.
Kết cấu mở là cách tổ chức các sự kiện, chi tiết ở phần kết trong thế phát triển “chưa hoàn thành” của hiện thực. Tác phẩm đã kết thúc nhưng vẫn còn dư âm và khoảng để ngỏ trong lòng người đọc. Truyện ngắn có thể không có kết thúc hoặc kết thúc chưa đưa ra một kết luận, một cách giải quyết thỏa đáng sau cùng. Ở truyện ngắn theo kết cấu mở, nhà văn có vai trò đặt vấn đề, gợi mở những cách tiếp cận, đánh giá...độc giả trở thành người đồng sáng tạo với tác giả, từ đó, mỗi câu chuyện sẽ đi trọn một cuộc hành trình của nó trong nhận thức, tư tưởng của bạn đọc. Để tạo nên những khoảng trống cho cái kết tác phẩm, nhà văn thường sáng tạo những chi tiết bất ngờ vào cuối truyện, gây ám ảnh sâu sắc với người đọc. Truyện có khi đã lùi xa nhưng cái kết vẫn còn lại mãi trong tâm trí độc giả.
Kết cấu mở đã tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ của truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, đặc biệt là những truyện có cấu trúc lỏng, truyện theo dòng tâm trạng.
Hậu thiên đường của nữ tác giả kết thúc đầy nghiệt ngã: một người mẹ hết lòng yêu thương con bị tai nạn chết, còn cô con gái mười sáu tuổi đang say mê bên một người đàn ông đã có vợ. Tác giả không nói gì nhiều, không bình luận gì thêm, chỉ ngắn gọn trong vài dòng chữ: “Cô gái vội đặt tách cà phê xuống, nhưng người đàn ông cũng vừa tợp xong tác cà phê của mình và choàng tay ôm lấy cô gái. Cô nhắm nghiền mắt, say lịm đi, không kịp nhìn lên màn hình”. Phải chăng đó là điều may
mắn cuối cùng của cô trước khi bước vào...hậu thiên đường?. Lúc mẹ chết là lúc con đang đê mê trong hạnh phúc. Cái kết thúc quá đau đớn này không chấm dứt mọi điều cay đắng, nó mở ra một bi kịch khác nữa đến với cuộc đời con gái: Hậu thiên đường. Hậu thiên đường ấy người mẹ đã đừng trải qua và đã phải trả giá bằng cả quãng đời được sống. Còn với con, hậu thiên đường còn khủng khiếp hơn vạn lần vì sau những phút giây đắm đuối với người tình, con sẽ biết mẹ đã chết khi đi tìm con? Rồi những tháng ngày u mê bên người đàn ông nhếch nhác mặc chiếc áo màu gạch, bẩn thỉu, hôi hám, hai đứa con nhỏ và lấy cả tiền của cô bé khờ khạo chỉ để mua hai bánh xà phòng...sẽ kéo dài được bao lâu? Hậu quả của mối tình ấy là gì? Liệu con