.Giọng chiêm nghiệm, triết lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 86 - 87)

3.2 .Giọng điệu trần thuật

3.2.2 .Giọng chiêm nghiệm, triết lý

Khi con người đã từng trải, lại đa sầu, đa cảm, sống nặng với những ký ức – họ sẽ sớm có những chiêm nghiệm về cuộc đời. Với vốn sống phong phú, lại tiếp cận hiện thực từ những vấn đề của cuộc sống đời thường nên Nguyễn Thị Thu Huệ thường đưa những chiêm nghiệm về nhân sinh thế sự vào trong tác phẩm. Vì vậy, truyện của chị có giọng chiêm nghiệm, triết lý.

Nguyễn Thị Thu Huệ hay triết lý về cuộc đời và thân phận con người. “Cuộc đời vừa nhạt vừa tanh” (Đôi giày đỏ). “Đời phần lớn là buồn. Ngày nọ rồi tới ngày kia. Mỗi ngày được thêu dệt nên bởi những nỗi buồn con con nhiều khi vô cớ”

(Thiếu phụ chưa chồng). Có lẽ vì thế mà trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ, hầu hết các nhân vật dù được miêu tả trọn vẹn một cuộc đời, một số phận hay chỉ miêu tả một khoảnh khắc thì chúng vẫn là những cuộc đời, những thời điểm của nỗi đau, bất hạnh.

Không ngừng trăn trở về con người và cách sống của con người trong xã hội, nhà văn từng tự hỏi: “Con người là cái quái gì nhỉ. Sinh ra trên đời. Hạnh phúc và đau khổ. Ăn và ngủ. Kiếm tiền và tiêu tiền. Tất cả. Để làm gì?”. Để rồi, chị biết rằng, “Ở đời, người ta cứ sống được là vì họ có ảo vọng và ngộ nhận” (Minu xinh đẹp). Đời là bể khổ, thế nên, có lúc, nhà văn phải thốt lên: “Con người khổ thế không biết. Suốt cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc chết đi cứ như ở trong một cuộc chạy thi. Ai cũng bị cuốn vào đó mà không biết. Người khỏe chạy nhanh, người yếu chạy chậm” (Minu xinh đẹp).

Chị từng nhận xét về con người:”Con người có những khả năng thật kỳ lạ. Họ cứ tự thi vị hóa những cái tầm thường và tầm thường những cái cao siêu nếu như nó ảnh hưởng đến họ” (Hoàng hôn màu cỏ úa). Nhà văn còn bày tỏ quan niệm về cách sống: “Không ai chịu sống qua kinh nghiệm của người đi trước. Lại cứ thích bằng kinh nghiệm của chính mình. Thích tự mình rút ra điều phải làm. Có khi phải ân hận và trả giá suốt đời” (Còn lại một vầng trăng). Và chị băn khoăn: “Tại sao, khi phán đoán một việc ác, người ta chỉ nghĩ bằng lòng ác, mà không bằng lòng nhân?” (Dĩ vãng). Để rồi sau đó, chị lại gửi lời nhắn nhủ của mình vào nhân vật cao tuổi nói với hậu thế: “Có vay, có trả, đừng ác độc, trời thương, cháu ạ” (Người đi tìm giấc mơ). Sống trên đời, con người phải biết trân trọng cuộc sống bởi “Cuộc sống là vô giá” (Giai nhân). Sống luôn phải có lòng vị tha, nhân hậu: “Tội ác không được trả thù bằng tội ác” (Ám ảnh). Sống phải suy nghĩ chín chắn và trách

nhiệm vì “Có những sai lầm phải xin lõi bằng sự chết” (Một trăm linh tám cây bằng lăng).

Không chỉ bày tỏ những chiêm nghiệm, triết lý về cuộc đời và nhân sinh, Nguyễn Thị Thu Huệ còn có những triết lý giản dị mà sâu sắc về tình yêu. Chị quan niệm: “Đàn bà khi yêu không bao giờ có tuổi” (Minu xinh đẹp). “Lấy người yêu mình chứ đừng lấy người mình yêu” (Thiếu phụ chưa chồng). Có những lúc, quan niệm về tình yêu được đưa ra đơn giản, hài hước nhưng khá thấm thía: “Trong tình yêu có những lúc phải giành lấy cái để gọi như chơi bạc ấy, được thì phất, hỏng thì thôi nhưng cứ phải cướp cái” (Cát đợi). Còn đây là lời khuyên của mẹ với người con gái trong Tình yêu ơi, ở đâu?: “Ta phải chọn cái ít xấu nhất trong mọi cái xấu là được, con ạ. Người ta ai cũng chịu đựng nhau cả, có điều không phải lúc nào cũng nói ra”. Nguyễn Thị Thu Huệ thường suy tôn giá trị tinh thần và tình yêu của chị cũng mang sắc thái đó: “Người đàn ông đã có vợ thường tìm thấy trong tình yêu mới là tinh thần chứ không phải sự cuồng si của thể xác” (Biển ấm) hay “Chỉ cố yêu ai đó bằng tinh thần thôi chứ đừng vì thể xác, chóng chán lắm em bé ạ” (Cầu thang). Có những bài học được rút ra qua những trải nghiệm của bản thân: “Thiên đường, hình như ai trong đời cũng từng đặt chân tới đó. Chỉ khác nhau là thiên đường của họ là cái gì và đem lại hạnh phúc cho họ ra sao” (Hậu thiên đường). Tác giả để cho nhân vật của mình nói lên lời khuyên về tình yêu: “Hỡi con người. Ai đó. Giống tôi. Đã từng có một mảnh tình chạy qua trong đời, hãy để nó vào chỗ của nó. Đừng lôi nó ra mà soi, mà ngắm làm gì” (Người xưa).

Chính những đúc kết, suy tư trong tác phẩm đã tạo nên giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý của ngòi bút Nguyễn Thị Thu Huệ. Những quan niệm, triết lý mà chị đưa ra có thể không hoàn toàn phù hợp với số đông nhưng đó là một phần có thực trong cuộc đời mà chúng ta không dễ gì phủ nhận, Bởi lẽ, trước mỗi triết lý, mỗi chiêm nghiệm là cả một sự nếm trải những điều không suôn sẻ. Sau mỗi triết lý là những suy nghĩ, trăn trở nghiêm túc về cuộc sống. Rõ ràng bằng giọng điệu này, nhà văn đã bộc lộ được nhân sinh quan và thế giới quan, bộc lộ được thái độ của người cầm bút trước hiện thực. Nó không chỉ làm tăng sức khái quát cho hình tượng nghệ thuật mà còn tạo ra chiều sâu cần thiết cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 86 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)