.Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Thị Thu Huệ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 38 - 43)

Văn chương luôn làm ấm lòng tôi. Với tôi, văn chương chưa bao giờ là những điều thần bí, chỉ đơn giản đó là một phần cuộc sống mà ai đã trót mang nặng kiếp người đều lấy đó để cất bớt đi gánh nặng đa mang” [56] – Nguyễn Thị Thu Huệ đã bộc bạch như vậy khi chia sẻ về nghiệp văn của mình.

Nguyễn Thị Thu Huệ là cái tên mà mẹ chị - nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đặt cho con theo nhân vật chính trong cuốn Cô giáo Huệ của bà. Chị có khiếu văn chương từ nhỏ, nhưng chị lại mê hội họa hơn cả và thích trở thành họa sĩ. Chị kể: “Mình không nghĩ sau này sẽ là nhà văn, thế hệ bọn mình lúc đó hồn nhiên lắm, không bao giờ có ước mơ trở thành người nổi tiếng, giàu sang gì đâu” [55].

Vừa tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp, chị giấu bố mẹ đăng hai truyện ngắn Mưa trái mùaMùa hoa sấu rụng trên báo Văn nghệ khiến văn đàn xôn xao một thời. Nhưng con đường trở thành nhà văn bị ngắt quãng bởi đám cưới sớm hơn dự định khi chị mới hai mươi tuổi.

Sau hai năm ở nhà trông con, chị quyết định vào làm tại tạp chí Văn hóa nghệ thuật với chân biên tập viên sân khấu. Cuộc sống nhàn hạ cứ thế trôi đi nếu không có một lần chị thấy mẹ buồn. Mẹ tủi thân vì thấy nhiều người bằng tuổi con mình đã có tiếng tăm, còn con mình dường như quên hẳn văn chương. Vậy là chị viết, “viết như điên”. Cứ mỗi chiều, sau khi cơm nước xong, chị đạp xe lên cơ quan, mượn chiếc máy chữ và lạch cạch gõ đến tận khuya. “Lúc đó tôi đã viết như lên đồng, ý tưởng tuôn trào không kịp nghĩ” [55]. Những truyện ngắn Hậu thiên đường, Cõi mê, Phù thủy, Cát đợi...ra đời trong hoàn cảnh đó.

Rồi chị chuyển sang làm tại hãng phim truyền hình Việt Nam. Ba tập truyện ngắn ra mắt và truyện Của để dành đã được chuyển thể thành phim, sau đó là Nước mắt đàn ông cũng đến với khán giả và đạt huy chương vàng liên hoan phim truyền hình. Sự nghiệp của Nguyễn Thị Thu Huệ cứ thế tiến lên. Hiện nay, chị là Phó Ban Thư ký biên tập VTV, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kịch bản phim xã hội hóa của VTV, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách Trung tâm bản quyền tác giả văn hóa hãng phim Hội Nhà văn, Giám đốc kênh truyền hình VTC9 Let’s Việt. Bận rộn với hàng loạt vai trò khác nhau nhưng niềm đam mê mà Nguyễn

Thị Thu Huệ dành cho văn chương vẫn chẳng thể nào vơi cạn. Chị bảo, “văn chương là tri kỷ rồi nên không thể bỏ nhau được” [52].

Hơn hai mươi năm cầm bút, Nguyễn Thị Thu Huệ sáng tác không nhiều. Toàn bộ truyện ngắn của chị được tập hợp trong 6 tập truyện: Cát đợi (1992), Hậu thiên đường (1993), Phù thủy (1995), Nào ta cùng lãng quên (2003), 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2004), Thành phố đi vắng (2012). Với 61 truyện ngắn, chị đã tạo được một phong cách riêng. Giải thưởng đến với chị như một cái duyên đối với người phụ nữ nhiều may mắn và tài năng này.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, Nguyễn Thị Thu Huệ đã không ngừng cố gắng, không ngừng trăn trở và viết. Không ít lần, chị trả lời phỏng vấn của báo chí, bày tỏ những nghĩ suy, quan niệm của mình về văn chương nghệ thuât. Chị cho rằng: “Nhà văn dù viết gì đi nữa thì cũng là trên cái nền của thực tế đời sống mà họ trải nghiệm”. Trước những áp lực của đời sống mà tốc độ đang làm thay đổi tâm tính con người, khi con người không còn tin vào cái thiện, cái đẹp, cái tử tế thì “nhiệm vụ của nhà văn, theo tôi, là gọi lại nhưng niềm tin đã mất ấy nơi con người”

[52].

Theo Nguyễn Thị Thu Huệ “với một nhà văn có tài và chuyên nghiệp thì điều gì xảy ra xung quanh, họ cũng biết cách để đưa vào tác phẩm của mình”. Chị nói:

“Tôi không bao giờ nghĩ to tát chuyện có nhà văn có bừng sáng lên bằng một vài truyện ngắn hay cuốn tiểu thuyết ,mấy bài thơ rồi tắt vì điều này điều nọ...Cuộc sống bao giờ cũng ngồn ngộn chất liệu ,một chuyện nhỏ xíu” như người ta đánh bạc cả triệu đô rồi bị bắt, rồi bị xử, theo tôi, đánh bạc nhưng không ai hỏi là người đấy lấy tiền đâu mà đánh bạc,truy nguồn gốc thu nhập...cho đến những chuyện lớn lao hơn như cây cầu Văn Thánh suốt ngày sửa bằng nghìn tỷ...Nếu gọi để cần có những tác phẩm để đời tôi thấy chất liệu thời nào cũng nhiều . Thời chiến tranh có chất liệu thời chiến tranh. Thời bình có chất liệu thời bình. [...] Vậy thì cái gì làm ra một tác phẩm lớn? Tôi thấy, duy nhất, để có một tác phẩm lớn, chỉ cần một điều. Là có nhà văn lớn. Vậy thôi. Khi có một nhà văn lớn, với vốn hiểu biết về vấn đề họ định viết như lịch sử, chiến tranh, môi trường hay thế giới động vật cộng thêm một cái nền căn bản là sự suy luận mọi chuyện qua đời sống chính cá nhân họ, những thăng trầm, được mất...họ cũng biết sẽ làm gì, bỏ gì, tưởng tượng ra những gì từ hiện thực cuộc sống.”[62].

“Chất văn”- Cái hồn cốt làm nên tác phẩm văn chương, theo Nguyễn Thị Thu Huệ: “Nếu văn chương nói về vấn đề thời đại mà chất văn không có, tác phẩm sẽ mang tính ký sự. Ngược lại, văn chương điệu đà quá sẽ giống như môt nồi nước phở không có xương hầm, chỉ có vị phở, váng mỡ, cũng chỉ đánh lừa người ăn một bát mà thôi” [56].

Quan niệm về vấn đề cách tân trong văn học, Nguyễn Thị Thu Huệ hiểu một cách giản dị: “Cách tân - với tôi - là làm sao người ta đọc xong một tác phẩm phải thấy thích trong lúc đọc. Đọc xong, nhớ được một nhân vật, hay nhớ nguyên một cốt truyện, hoặc một chi tiết... Tóm lại, cách tân là cách mà nhà văn và tác phẩm của mình đến được với người đọc. Còn cách tân kiểu gì là tùy vào quan niệm và tài năng của người viết đó” [62]. Với quan điểm này thì Nguyễn Thị Thu Huệ đã thực hiện việc cách tân thành công vì người đọc vẫn nhớ, vẫn bị ám ảnh về một con bé gọi cha mẹ mình là phù thủy, về Mại yêu đến mấy lần mà vẫn nhẹ dạ và thiết tha, về một X-Men vừa nuôi chó vừa giết người, một thành phố trơ lì và cạn ráo tình người...

Trong hành trình sáng tác văn học của mình, Nguyễn Thị Thu Huệ tự chia ra hai giai đoạn sáng tác. “Giai đoạn thứ nhất là lúc mọi thứ bùng nổ ra bên ngoài. Giai đoạn thứ hai là mọi thứ được nuốt vào trong, có cái gì cay đắng, thấm thía hơn”. Âm hưởng buồn phủ trùm cả hai giai đoạn, thế nên: “Ngày trước, những câu chuyện của đời sống đến với tôi và tôi kể lại chúng theo cách nhìn của một người trẻ, trong một xã hội ít bất an, đâu đó còn nhiều góc bình yên. Bây giờ, đời sống của đám đông, của những thân phận bị trồi lên trụt xuống quẫy đạp nhằm tồn tại trong những cơn sóng táp thẳng, khiến tôi chao đảo, buồn bã và đau đớn. Và tôi đã kể những chuyện qua lăng kính của tôi, những ngày tháng này. Lạnh lùng ở câu chữ, nhưng xa xót trong tâm can. Tuy vậy, tôi chưa mất hẳn niềm tin vào con người. Rải rác ở đâu đó vẫn còn những người đau đáu làm điều tốt, làm ra những thứ có ích cho cộng đồng”. [54].

Chị chiêm nghiệm: “Khi người ta hai mươi tuổi – ba mươi tuổi, người ta có thể làm mọi điều mình muốn, nhưng khi bốn mươi – năm mươi tuổi, dù có sẵn sàng hành động đến đâu đi nữa, nhưng mình lại bị mệt chẳng hạn, vậy là đành phải dừng, dù ta không muốn”. Chị bảo “người như tôi từng trải qua ba thời kỳ, thời bao cấp, thời đổi mới và cho đến bây giờ thì có thể thấy rõ sự thay đổi đó. Mình thấy cái gì cũng hơn trước. Mình bị ức chế, bị ngộp. Nó thấm vào mình như không khí, như hơi

thở vậy”. Chính cảm giác rõ nét về sự thay đổi, sự ngột ngạt trong đời sống hiện tại đã bắt dẫn ngòi bút Nguyễn Thị Thu Huệ viết nên Thành phố đi vắng. Đây là

thành quả sau năm năm chị vắng bóng trên văn đàn.

Năm năm trôi qua là quãng thời gian chị di chuyển nhiều, thay đổi môi trường sống, biết đời sống nhiều hơn với muôn mặt của nó. “Từ cảm giác bình yên cả ngày chỉ nghe đi nghe lại một bản nhạc, hay ngồi mãi ở một quán cà phê góc đường của một thành phố vừa xa, vừa lạ, nhưng yêu nó tới thắt ruột khi chia tay” [51]. Sâu sắc với đời sống, tinh tế và nhạy cảm với mọi sự kiện đời sống xô bồ đang chảy trôi nên Nguyễn Thị Thu Huệ tâm sự, chị luôn bị ám ảnh về những dòng chảy đang xoay chuyển thế hệ người Việt theo hướng xấu đi, đang đi xuống. “Sự thanh cao, phẩm chất đáng quý của người Việt một là dần bé lại, bị đè nén trước sự trần trụi và thô tục, sự suy cấp đạo đức, bế tắc không lối thoát. Sự bất an, đời sống khó khăn, đơn điệu, những thói quen sinh hoạt văn hóa cộng đồng ít dần làm người ta mất cảm xúc… Những giá trị tốt đẹp bị triệt tiêu từ từ, thay bằng sự hào nhoáng phô trương của trang phục, đồ dùng tỷ lệ nghịch với văn hóa sống…”[54].

Chị nói rằng, khi người ta không còn trẻ, khi cái hồn nhiên đã khác, “bao phủ xung quanh mình là cảm giác bất lực trước cuộc sống, mình không còn chủ động trong mọi điều nữa. Hoàn cảnh nó lôi kéo mình đi theo. Và các thang bậc của cuộc sống đều tăng lên” [50]. Chính bối cảnh bộn bè, nhộn nhạo ấy lại là mảnh đất để nhà văn đặt bút, bởi như nhận định của chị: “Đây là thời điểm có nhiều thứ để viết. Không phải là về chiến tranh, về chuyện đói hay không đói, mà đây là giai đoạn khốc liệt. Không giống như kiểu khốc liệt của chiến tranh, khốc liệt bây giờ rất khác. Tôi không có tham vọng viết về những gì tôi không biết. Tôi không viết về chiến tranh được vì lúc ấy tôi còn bé quá, cho nên tôi chỉ có tham vọng viết về đời sống này”[50].

Viết về đời sống đang chảy trôi gấp gáp, đang thay đổi trong từng khoảnh khắc, trong mỗi cá nhân đến cả cộng đồng nên ngòi bút Nguyễn Thị Thu Huệ đã tạo dựng một Thành phố đi vắng trong văn học. Vì “tôi luôn loay hoay với những câu chuyện về sự đánh tráo các giá trị” nên truyện Không thể kết thúc ra đời”. Từ tác phẩm này, chị gửi tới thông điệp: “Xã hội nói chung và mỗi người dân nói riêng cần lên án, chống lại sự đánh tráo bởi sớm hay muộn, sẽ phải trả giá cho những việc làm tàn nhẫn đó” [57]. Ở X-Men có mùi trường đua, “tôi nghĩ, người dù xuống tận đáy xã hội vẫn không tin cái ác nằm chung giường với mình”.

Thành phố đi vắng là truyện được nữ nhà văn dồn nhiều bút lực hơn cả. Kết thúc truyện ngắn rất buồn, “nhân vật nữ chính đã tìm chỗ cho mình ở nghĩa trang, cô chết vì quá nóng”, quá nồng nhiệt với đời sống, trong khi thành phố nơi cô từng sống, từng yêu, từng ấm áp bỗng trở nên tàn nhẫn, lạnh lẽo sau vài năm không gặp lại. Có thể nói, cái chết của nữ nhân vật là sự phản kháng tới cùng của tác giả trước những thay đỏi tiêu cực của xã hội. Chị giải thích nguồn gốc truyện dữ dội như sau: “Tôi nghiệm ra rằng thế hệ mới ra đời rất giỏi, nhiều người tài. Các bạn trẻ nạp cho mình kiến thức chuyên môn rất tốt, bằng cấp cao, thông minh, nhanh nhẹn, nhưng các bạn lại lạnh lùng, thực dụng. Trong công việc rất cần những người như thế, nhưng về mặt xã hội, đấy lại là những người lạnh lùng. Đó là những điều tôi nói trong Thành phố đi vắng. Sẽ đến như thế, đến một đời sống vô cảm. Người ta đầy đủ sung sướng nhưng sẽ vô cảm hơn” [50].

Nguyễn Thị Thu Huệ ví “Thành phố đi vắng là một con đường, chạy song

song với con đường hàng ngày tôi đi, một cõi riêng và giờ tôi rủ bạn đọc đi với tôi con đường riêng đó” [51]. Đi chung con đường riêng của chị, người đọc mới nhận ra trong Thành phố đi vắng, nhân vật nữ thường gánh vác cuộc đời không bằng phẳng. Đây chính là điểm gặp gỡ với 5 tập truyện ngắn trước đó. Với Nguyễn Thị Thu Huệ, “khoảng trời trong văn của tôi gói gọn trong cuộc đời các nhân vật. Những người con gái háo hức bước chân vào tình yêu, những người đàn bà sống với ngổn ngang trăm mối tơ vò trong bi kịch tâm hồn không lối thoát. Họ là những con người của thời hiện đại, của những năm tháng mà lối sống bản năng, những khát vọng hướng thiện, hạnh phúc, khổ đau đôi khi chỉ chênh nhau mỏng manh như sợi tóc” [56]. Viết về phái mình, thấu hiểu phụ nữ hơn ai hết nên chị cắt nghĩa một cách rõ ràng: “Nói gì thì nói, phụ nữ Việt Nam có tài giỏi đến đâu, hiện đại đến đâu vẫn phải tồn tại trong một môi trường chung, thở bầu không khí chung, có thể có những bứt phá, nhưng không thay đổi được điều gì lớn lao.[...] Phụ nữ hết mang nặng đẻ đau lo toan bởi bao ràng buộc, bởi họ hàng, những quan hệ...và người phụ nữ Việt Nam lại càng chịu nhiều áp lực” [51].

Một người phụ nữ viết văn phải đảm đương nhiều chức phận. Nguyễn Thị Thu Huệ luôn bị giằng xé giữa những khái niệm hết mình. Hết mình với công việc hay hết mình với chức phận người phụ nữ trong gia đình? Vẫn coi văn chương như một yếu tố không thể thiếu trong cuộc đời mình, chị “thực hiện những chuyến đi xa để tìm cho nhân vật của mình một tính cách chỉ có được trong văn chương. Bởi với

bao chức phận đời thường đang níu giữ, phải kiên gan tới đâu người ta mới dám lên đường” [56].

Xưa kia, nhà thơ Hàn Mặc Tử từng có câu: “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Văn chương của Nguyễn Thị Thu Huệ phản ánh rõ nét con người chị, nhiều tư lự, nhiều nỗi hoài cổ, nhiều tiếc thương cho mình giữa bốn bề lạc lõng. Với quan điểm về xã hội và văn chương sâu sắc, Nguyễn Thị Thu Huệ đã viết nên những trang văn thấm đẫm chất đời, buồn đến tê tái. Hơn hai mươi năm cầm bút, Nguyễn Thị Thu Huệ luôn là cây bút nữ không/chưa mệt mỏi trên hành trình sáng tạo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)