.Giọng suồng sã, hài hước, châm biếm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 87 - 90)

3.2 .Giọng điệu trần thuật

3.2.3 .Giọng suồng sã, hài hước, châm biếm

Bên cạnh một Nguyễn Thị Thu Huệ đa cảm dịu dàng đằm thắm, một Nguyễn Thị Thu Huệ giàu suy tư về cuộc đời và con người, người đọc còn cảm nhận một nữ

nhà văn thẳng thắn và gai góc khi tiếp cận hiện thực. Hiện thực đang chảy trôi từng giờ, mỗi khoảnh khắc qua đi, mỗi lời nói, hành động của con người trong cuộc sống dường như đều là chất liệu để nhà văn xây dựng tác phẩm. Chính vì vậy, giọng suồng sã của những lời nói tự nhiên hàng ngày được Nguyễn Thị Thu Huệ đưa thẳng vào trong tác phẩm, khiến câu chuyện sinh động, tự nhiên như một bức tranh phản ánh chân thực, rõ nét muôn mặt của đời sống.

Tác giả không ngại ngần ghi lại hoàn chỉnh lời nói tục tĩu của bà chủ quán phở: “Để bố mày tìm cái sổ ghi lần trước đã. Cân chúng mày điêu bỏ mẹ, lần nào cũng hao” (Trong lúc ăn một bát phở gia truyền). Cảnh hai cô gái nhảy từ một chiếc xe ôm xuống, chân dài, một cô có vài nốt muỗi đốt còn cô kia dính cái sẹo do bỏng pô xe máy. Cô bị muỗi đốt nói với cô bỏng pô: “Tám giờ tao có sâu, mày chiến đấu một mình, OK?” “Vô tư đi, nàm bát bún đã, đói dã họng”. (Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này).

Những đối thoại đời thường, những sinh hoạt vẫn diễn ra được khắc họa lại sinh động đã cho thấy một cuộc sống chân thật đến xô bồ chốn thị thành. Giọng suồng sã cho thấy nhà văn đã nhìn thẳng vào hiện thực, phản ánh trung thực, chính điều này làm nên sự sinh động cho mỗi trang văn.

Với giọng điệu hài hước, châm biếm, mỉa mai lúc nhẹ nhàng, lúc gay gắt, quyết liệt, tác giả đã biểu hiện thái độ đầy lo lắng, trăn trở trước những cái lố lăng, kệch cỡm, sự tha hóa và biến dạng của nhân tính con người đã, đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trong cuộc sống.

Nguyễn Thị Thu Huệ thường để cho nhân vật của mình có lối diễn đạt hài hước. Trước mỗi vấn đề của đời sống, dù là chuyện vui hay chuyện buồn, nhân vật của chị cũng có một lối nói riêng rất hóm hỉnh. Trong Minu xinh đẹp, để miêu tả một gia đình nghèo nuôi chó Nhật ở thời buổi kinh tế thị trường, nhà văn đã tập trung vào những hình ảnh khiến người đọc không khỏi bật cười vì sự đối lập lố bịch: “Từ ngày có “hai cây” về ở, nếp sống gia đình tôi thay đổi hẳn. Cửa lúc nào cũng đóng im ỉm sợ “hai cây” chạy mất”. Con chó giờ đây là cả gia tài, vì thế bao nhiêu sức lực, tâm huyết, gia đình đều dồn vào nó: “Tôi hồi hộp nhìn Minu lặc lè nặng nhọc đi lại trong nhà còn hơn vợ tôi ngày xưa mang bầu thằng cả”. Chú chó được cưng chiều nhất nhà bởi nó không phải là con vật bình thường: Nó là hai cây vàng bốn số chín – số tiền mà nhân vật tôi có nằm mơ cũng không nghĩ được một phần đôi như thế. Giọng hài hước châm biếm giúp cho câu chuyện thật sinh động và hấp

dẫn. Nó khiến cho người đọc phải bật cười trước những tình huống bi hài, dở khóc dở cười xung quanh chuyện nuôi chó. Hài hước nhất là sự kiện tuần lấy giống cho Minu: “Cả gia đình tôi coi trọng sự kiện đó còn hơn sự kiện vùng vịnh hay tổng thống của một nước nào đó mất chức”. Chỉ vì một tuần lấy giống của con chó đã biến gia đình trở nên nghiêm trang, biến một thiếu tá quân đội về hưu sống nguyên tắc và kỷ luật thành phờ phạc và vay nợ đầm đìa. Vợ chồng con cái mâu thuẫn với nhau cũng vì con chó. Đọc truyện ngắn, người đọc có những giây phút thật thoải mái bởi cách miêu tả tinh tế và giọng điệu rất linh hoạt của Nguyễn Thị Thu Huệ, nhưng đằng sau những câu nói rất hóm hỉnh, những chi tiết rất nực cười ấy, người đọc lại tự đúc rút những bài học sâu sắc. Thông qua hình ảnh con chó Minu, tác giả muốn phản ánh cái lố lăng, kệch cỡm làm đảo lộn các giá trị trong xã hội. Một con chó được quan tâm, coi trọng hơn cả con người. Giọng điệu mỉa mai, giễu cợt trở thành vũ khí đắc lực khi tác giả miêu tả và phê phán những thói rởm, sự kệch cỡm trong xã hội.

Giọng hài hước là yếu tố chính đem đến cái hài cho tác phẩm. Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ có khi còn khiến độc giả bật cười vì những chân dung nhân vật, lời nói mang yếu tố hài hước thú vị. Trong Sống gửi thác về, tác giả xoay quanh cuộc sống của vợ chồng Tân - Luyến. Họ lấy nhau vì một cái cắn vào môi: “Dí cái môi của mình vào môi Luyến, hai cái môi dầy, ướt nhẹp, loang mùi húng lìu thịt rán ăn hồi chiều, lắc phải lắc trái như con lắc đồng hồ, thế là phải nhờ đến răng. Cắn cho một cái. Luyến sinh ra thằng Đại Dương: “Luyến trở dạ. Thằng cu Dương phọt ra”. Luyến chăm con đến nỗi, chỉ đưa thằng Đại Dương đi cắt bao quy đầu mà “hôm ấy, cả làng một phen kinh hãi. Đương sự hét. Mẹ đương sự hét. Bố đương sự hét”. Cả nhà đi ăn tiệm, sợ con lạnh giữa trời đang nắng, “Luyến cuống cuồng tháo khăn voan hồng nơi cổ mình, trùm thẳng lên đầu thằng Dương, như một cái lồng bàn úp, rồi bốn đầu khăn túm lại làm hai túm, cho khỏi bay”. Cuộc sống của gia đình Luyến chỉ đảo lộn khi cha của Luyến – một nhà ngoại giao về nước, cho con tiền để hết trách nhiệm. Máy tính được mua nhưng “Từ ngày có nó, hai bố con thằng Dương xung khắc như quân thù quân hằn. Tranh nhau chơi điện tử, mua bán máu ảo bằng tiền thật bắn nhau đến hết máu thì mua tiếp”. Luyến chết vì bị bệnh gan, cái nếp sống của gia đình ấy vẫn không hề thay đổi. Có khác đi là người ngồi ở vị trí của Luyến bây giờ là bạn gái của Dương về ở chung nhà. Không khí gia đình hiện đại hơn một tý vì hai cái máy tính: “Anh một. Em một. Bên em thì Mỹ

Tâm tóc nâu môi trầm thời xưa hát sùng sục lửa. Bên anh Duy Mạnh thất tình, não nề đau thương trước nhà người yêu xúng xính đồ cưới về với chồng giàu, không cờ bạc, nghiện hút”.

Lời văn kể chuyện cứ thản nhiên trôi đi, mang theo tiếng cười trên khóe môi độc giả. Người đọc cười về mỗi nhân vật “hài”, mỗi hành động, cử chỉ, lời nói trong gia đình Tân – Luyến. Thế nhưng, đằng sau cái giọng điệu hài hước ấy, người đọc vẫn nhận thấy một nỗi buồn đan xen cảm giác bất lực trước cuộc sống khi thấy con người tự hủy hoại bản thân, hủy hoại ngày tháng sống quý giá của mình vì những điều vụn vặt, tầm thường, đôi khi là hèn hạ. Xã hội ngày càng phân hóa đẳng cấp và náo loạn về văn hóa, đảo lộn về đạo đức… Những ám ảnh đó thấm vào người viết mỗi ngày. Đúng như nhà hài kịch người Pháp Molie đã nói:

Tiếng vui cười mạnh chắc, rất buồn và rất sâu Đến nỗi mới cười xong, ta thấy cần phải khóc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 87 - 90)