3.2 .Giọng điệu trần thuật
3.2.4 .Giọng lạnh lùng vô âm sắc
Ai đã từng quen với một Nguyễn Thị Thu Huệ sắc sảo mà đằm thắm, dữ dội mà nồng say với những trang viết đậm đà nữ tính, chắc sẽ thật khó để nhận ra vẫn Thu Huệ ấy trong Thành phố đi vắng, tập truyện ngắn mới nhất của chị. Không còn là các vấn đề của phụ nữ, tình yêu, lòng người, rất nhiều truyện trong tập truyện mới này đã chú tâm khai thác các vấn đề của đời sống đô thị đương đại. Và chính ở chỗ ấy, Nguyễn Thị Thu Huệ đã đem đến cho người đọc một giọng điệu mới: Giọng lạnh lùng vô âm sắc.
Giọng điệu này quán xuyết hầu hết tập truyện Thành phố đi vắng, biểu lộ ở lớp ngôn từ không gợi cảm xúc. Ngôn ngữ trần thuật lại sự kiện vui hay buồn, sự sống hay cái chết đều giữ ở độ “vô âm sắc” nghĩa là luôn luôn luôn trung tính, không bộc lộ bất kỳ một sắc thái cảm xúc nào – điều rất khác so với Nguyễn Thị Thu Huệ trước đây. Giống một nhà quay phim, nhà văn hướng ống kính vào những mảng đời sống khác nhau, cặm cụi, tỉ mỉ ghi hình. Không tham dự, không phán quyết, không dự đoán, mỗi truyện ngắn đưa độc giả tiếp cận gần nhất với đời sống đô thị đương đại cùng những vấn đề của nó.
“-Hôm qua xe bus của thằng cháu tôi, đỗ một chỗ đợi, có bà tự lao vào đuôi xe, nằm trong đấy. Đúng lúc thằng bé nổ máy chạy đi thế là cán nát bươm. Chết gì như tự tử ấy…
-Tối qua…có con bé giận mẹ, cầm dao trong túi quần đi tự tử…Nó điên lên, rút ngay dao đâm bị thương mấy người rồi nhảy xuống lao đầu vào ô tô tải.
-Giá rau muống lên rồi, mà rau thì toàn hóa chất, đàn vịt nhà tôi, mới hôm kia lăn ra chết vì ngộ độc rau muống sống…
-Cô gái nói xong, tiến tới con chó. Bằng một động tác nhanh như tia chớp xẹt ngang trời đêm, đá một phát thẳng vào giữa mồm con chó…nó nằm vật ra đất, cổ ngộ sang bên…”
Chết do nhảy cầu tự vẫn. Chết do đổ xăng vào người rồi đốt. Chọc nhau trong quán nhậu là vớ dao đâm chết người. Chết do lật xe, cả một đống người không nhận ra ai nữa… Các sự kiện đều nhuốm màu tai ương và chết chóc dù ở quá khứ hay hiện tại, được nhắc đến một cách bất ngờ và thản nhiên, lạnh lùng, không chút cảm thương, day dứt.
Không chỉ nhắc đến chuyện chết, nhà văn còn chỉ đích danh kẻ gây ra cái chết, thực hiện hành vi giết người. Trong X-Men có mùi trường đua, cô gái điếm từng cả trăm lần đi khách, gặp X-Men và về chung sống với X- Men, gặp mấy vụ giết người, X-Men đều thừa nhận: “Anh giết đấy”. Tai ương và cái chết được kẻ giết người nhắc tới với giọng lạnh tanh nhẹ bỗng như hút thuốc vậy.
Một đôi trai gái khác hay lui tới Phòng chiếu phim số 9 khiến tạp vụ phải khen: “Đẹp đôi thế không biết . Cả năm nay một tuần gặp đến ba lần, lúc nào cũng thấy anh chị vui vẻ, thích xem phim. Nhìn anh chị em phát them”. Vậy rồi tan buổi chiếu soát vé đã phát hiện ra: “Hai mắt trong suốt mở to nhìn người đối diện. Ngực trái là con dao làm bằng xác máy bay, thép trắng xanh có khắc số 1975 bằng tay, cắm sâu và dòng máu nhỏ đạm đặc thâm đông trên nền áo trắng, chảu xuống đùi, đọng thành vũng dưới mặt sàn trải thảm…” - một cái chết còn tươi ròng được đặc tả rất chi tiết, khách quan nhưng không hề có một câu chữ nào của sự thương cảm.
Giọng vô sắc, trung tính xuyên suốt các truyện ngắn của Thành phố đi vắng
không phải thể hiện nhà văn đã “cạn tình”. Đây là một thủ pháp nghệ thuật để nhà văn khắc họa một “thành phố đông máu”, đã thiếu vắng tình người, một xã hội trơ lì, không còn nhúc nhích, không còn chuyển động, mọi sự vật, con người như những cô thể bất động chẳng ngọ nguậy, chẳng còn gắn kết được với nhau. Cảm giác trơ lỳ, vô sắc, dửng dưng trước mọi biến cố xung quanh, kể cả cái chết gợi lên từ truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ vốn là đặc điểm lớn nhất của thời ta đang sống.
Điều này xuất phát từ cách nhìn hiện thực của nữ nhà văn: “Ngày trước, những câu chuyện của đời sống đến với tôi, và tôi kể lại chúng theo cách nhìn của một người trẻ, trong một xã hội ít bất an, đâu đó còn nhiều góc bình yên. Bây giờ, đời sống của đám đông, của những thân phận bị trồi lên trụt xuống quẫy đạp nhằm tồn tại trong những cơn sóng táp thẳng, khiến tôi chao đảo, buồn bã và đau đớn. Và tôi đã kể những chuyện qua lăng kính của tôi, những ngày tháng này. Lạnh lùng ở câu chữ, nhưng xa xót trong tâm can”. [54].
Sự chuyển đổi về giọng điệu trần thuật cho thấy sự thay đổi về phong cách nghệ thuật của nhà văn. Không còn ngòi bút mang sắc thái tự truyện, là chất nữ tính, đàn bà tính bàng bạc trong mỗi trang văn, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tự làm mới, làm giàu mình, tự đột xuất mình lên, đa phong cách hóa bản thân, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Đây chính là nỗ lực của nhà văn trên hành trình dấn thân vào một lãnh địa văn chương mới. Cũng như nữ văn sĩ Canada Alice Munro, “nữ hoàng của nghệ thuật truyện ngắn đương đại”, đạt giải Nobel văn học 2013, Nguyễn Thị Thu Huệ đã “viết truyện ngắn khai quật những hang động vô cùng tận ẩn náu bên trong mình và những kiếp người bình thường nhất xung quanh mình” [60].
KẾT LUẬN
1.Nguyễn Thị Thu Huệ - người đàn bà đẹp viết văn đã làm nên sự đa sắc của bức tranh văn xuôi Việt Nam sau 1986. Gần hai thập kỷ trôi qua, với 6 tập truyện ngắn, Nguyễn Thị Thu Huệ đã nỗ lực định hình một phong cách, kiến tạo một “văn cách”, một cái tôi riêng khác, không trộn lẫn. Trong 5 tập truyện đầu, những câu chuyện về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc của những cô gái mới lớn, những người đàn bà đa đoan đã trở thành những miền ám ảnh, thao thức thường trực trong Nguyễn Thị Thu Huệ. Chị kể về những mảnh đời ấy với chất nữ tính, sự cảm thông sâu sắc.
Bẵng đi một thời gian dài, Nguyễn Thị Thu Huệ cho ra đời Thành phố đi vắng (tập truyện thứ sáu). Người đọc ngỡ ngàng vì một Nguyễn Thị Thu Huệ hoàn toàn khác. Không còn những số phận phụ nữ đau khổ về tình yêu, miệt mài đi tìm hạnh phúc và khát sống, không còn những câu chữ run rẩy vì những cảm nhận tế vi trong tâm hồn. Thành phố đi vắng là sự ồn ào phố thị, sự trơ lì cảm xúc, vô cảm vô hồn. Ở đó, người đọc bị lôi cuốn vào một không gian không phải ba chiều quen thuộc mà nhiều chiều. Ở đó đường thẳng dường như đã bẻ cong, mặt người như biến dạng và thời gian như ngưng đọng.
Với sự sáng tạo mới của mình, giải thưởng lại một lần nữa đến với chị. Dù nhiều luồng dư luận trái chiều khi tiếp nhận Thành phố đi vắng song điều đó đã khẳng định: Những câu chữ Nguyễn Thị Thu Huệ viết ra đã đi trọn một hành trình, từ “văn bản” trở thành một tác phẩm nghệ thuật, lưu dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
2. Sự thay đổi vùng hiện thực và cảm hứng nghệ thuật của nhà văn chính là cơ sở của sự thay đổi trong bút pháp trần thuật. Nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng tôi đã đi sâu phân tích vấn đề người kể chuyện và điểm nhìn trong 61 truyện ngắn. Qua đó nhận thấy, người kể chuyện hiện diện và người kể chuyện tiềm ẩn chiếm số lượng tương đối ngang nhau. Trong đó, người kể chuyện hiện diện là những cái “tôi” tự kể về mình, bộc bạch những cảm xúc, suy nghĩ cá nhân liên quan đến hạnh phúc, tình yêu, hôn nhân. Đến tập truyện Thành phố đi vắng, những cái tôi ấy lại thiên về kể những sự kiện xảy ra trong chốn thị thành, khiến con người trơ mòn đi, lạnh lùng hơn.
Người kể chuyện tiềm ẩn trong truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ thường xuất hiện ở hai dạng: Người kể chuyện tiềm ẩn tựa vào điểm nhìn của nhân vật để kể và
người kể chuyện kể theo điểm nhìn của chính mình. Trong 45 truyện ở 5 tập truyện đầu, có 21 truyện ngắn được người kể chuyện thường mượn điểm nhìn nhân vật để kể chuyện. Ở đây, người kể chuyện tiềm ẩn đã hòa vào nhân vật khiến mỗi trang văn dường như là lời của nhân vật đang tự kể về về câu chuyện của cá nhân nhân vật ấy cùng đủ đầy những suy nghĩ phức tạp, những rung động tế vi trong tâm hồn. Trong tập Thành phố đi vắng, người kể chuyện ngôi thứ ba đặc biệt chiếm ưu thế. Trong 16 truyện ngắn có 12 truyện được trần thuật người kể chuyện tiềm ẩn, chiếm 75%. 8 truyện có người kể chuyện tiềm ẩn mượn điểm nhìn nhân vật để kể về cuộc sống bộn bề, đầy ắp sự kiện, dồn dập hành động, chằng chịt các mối quan hệ nhưng lại thiếu tình người. Chính bản thân nhân vật được người kể chuyện đặt điểm nhìn để kể cũng là những con người hiện đại thiếu sâu sắc trong cuộc sống. 4 truyện có người kể chuyện tiềm ẩn sử dụng điểm nhìn của chính mình mang đến cảm giác lạnh lùng, thậm chí là ghê rợn cho người đọc khi kể về những mảng hiện thực quá kinh dị, trần trụi.
Về vấn đề điểm nhìn trần thuật, chúng tôi phân tích điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài và sự chuyển dịch của hai loại điểm nhìn ấy trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Trong 61 truyện ngắn của chị thì có 57 truyện được trần thuật từ điểm nhìn bên trong (chiếm 93,4%). Truyện của chị trong giai đoạn này không thiên về kể sự kiện, hành động, người kể vừa kể vừa tả mà lại thiên về tả nhiều hơn. Sự kiện chỉ là cái cớ để nhân vật bộ lộ suy nghĩ, cảm xúc cá nhân. Đến Thành phố đi vắng, 16 truyện thì có 12 truyện được trần thuật từ điểm nhìn bên trong. Cũng là những cái tôi tự kể chuyện hoặc người kể chuyện tựa vào điểm nhìn của nhân vật để kể nhưng tác phẩm lại thiên về kể nhiều hơn. Sự kiện và hành động cũng dày hơn so với 5 tập truyện đầu.
Điểm nhìn bên ngoài quán xuyến 4 truyện ngắn trong tập Thành phố đi vắng. Với điểm nhìn này, tác giả giống một nhà quay phim, hướng ống kính vào những mảng đời sống khác nhau, cặm cụi, tỉ mỉ ghi hình. Mỗi truyện ngắn đưa người đọc tiếp cận gần nhất với đời sống đô thị cùng những vấn đề phức tạp của nó.
Hai loại điểm nhìn bên trong và bên ngoài có sự dịch chuyển cho nhau trong một số truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, cho thấy cách tiếp cận hiện thực đa chiều của nhà văn và sự khéo léo tổ chức truyện của người cầm bút. Việc phối hợp và di chuyển các loại điểm nhìn này giúp cho nhà văn có điều kiện trổ nhiều ô cửa để khám phá đời sống từ những góc độ khác nhau. Theo đó, tác giả có điều kiện để
đào sâu cả tầng vô thức cũng như những biến đổi tâm trạng đầy tinh vi của nhân vật. Từ phương diện nào đó, có thể nói, sự đan xen và dịch chuyển liên tục điểm nhìn cũng là một cách thức để tạo nên tính phức điệu của truyện ngắn hiện đại.
3.Một trong những yếu tố chi phối bút pháp trần thuật của Nguyễn Thị Thu Huệ là quan điểm nghệ thuật của nhà văn. Chị có nhiều quan niệm riêng về nhà văn, cách viết và sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, nói về những thay đổi trong cách viết, tác giả đã chia sẻ những suy nghĩ về hiện thực, đời sống hiện thời – cái nguyên cớ tạo nên sự khác biệt của Thành phố đi vắng so với 5 tập truyện trước đó. Sự thay đổi mạnh mẽ này đã tạo nên một thế giới nhân vật đa dạng.
Nhân vật vốn là trung tâm của trần thuật, là đối tượng được tiêu điểm hóa với mức độ rất cao. Phân tích nhân vật trong truyện ngắn của chị, chúng tôi nghiên cứu ở ba loại hình nhân vật: Nhân vật bi kịch, nhân vật tha hóa và nhân vật vượt lên hoàn cảnh. Để xây dựng những chân dung nhân vật này, Nguyễn Thị Thu Huệ đã sử dụng biện pháp miêu tả tâm lý và xây dựng tình huống truyện.
4.Một trong những yếu tố độc đáo trong nghệ thuật trần thuật của Nguyễn Thị Thu Huệ là nghệ thuật tổ chức kết cấu. Trong 61 truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy nhà văn thường sử dụng các hình thức kết cấu như sau: (1) Kết cấu đảo trật tự thời gian của sự kiện; (2) Kết cấu tâm lý; (3) Kết cấu phân mảnh; (4) Kết cấu mở (kiểu kết thúc để ngỏ).
Giọng điệu là một phương diện quan trọng của nghệ thuật trần thuật bởi nó không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm văn học mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm vào một chỉnh thể. Trong thời kỳ “văn học mang gương mặt nữ” – ngày càng trắc ẩn và khoan dung, ngày càng tinh tế và đằm thắm, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tạo cho mình một dấu ấn riêng với giọng điệu trữ tình đằm thắm, xót xa, giọng chiêm nghiệm, triết lý, giọng suồng sã, hài hước, châm biếm. Đến tập truyện Thành phố đi vắng, người ta vẫn thấy những giọng điệu này xuất hiện nhưng mờ nhạt hơn. Ở tập truyện này xuất hiện một giọng điệu mới: giọng lạnh lùng vô âm sắc. Sự chuyển đổi về giọng điệu trần thuật cho thấy sự thay đổi về phong cách nghệ thuật của nhà văn.
5. Như vậy, nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy đổi mới trong ngòi bút của chị. Dẫu còn những hạn chế nhưng tác phẩm của chị đã khẳng định sự nghiêm túc và tài năng trong sáng tạo
nghệ thuật của nữ nhà văn. Sẽ tiếp tục “viết truyện ngắn khai quật những hang động vô cùng tận ẩn náu bên trong mình và những kiếp người bình thường nhất xung quanh mình”, Nguyễn Thị Thu Huệ sẽ tiếp tục đa phong cách hóa bản thân, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Thành công sẽ đến với những nhà văn có thực tài, không ngại khó, ngại khổ, chịu khó tìm tòi để tìm ra cái mới trong dòng đời luôn chảy trôi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐÃ ĐƯỢC IN THÀNH SÁCH HOẶC CÔNG BỐ TRÊN CÁC BÁO, TẠP CHÍ, BÁO VIẾT
1. Bùi Phương Anh, Quan niệm nhân sinh của người phụ nữ qua các sáng tác văn xuôi thời kỳ đổi mới qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư, Luận văn Thạc sĩ, ĐHKHXH&NVHN, 2009.
2. Vũ Tuấn Anh, Văn học Việt Nam hiện đại – nhận định và thẩm định, Nxb Khoa học xã hội, 2001.
3. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQGHN, 2003. 4. Lại Nguyên Ân, Văn học và phê bình, Nxb Tác phẩm mới, 1994
5. Xuân Cang, “Tám chữ hà lạc và quỹ đạo đời người”, Nxb Văn hóa thông tin, (2000).
6. Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb KHXH, H, 1994. 7. Doxtoiepxki, Thi pháp tiểu thuyết.
8. Kim Dung, Đọc hồi ức binh nhì và Bến trần gian, Văn nghệ trẻ ngày 25/3/1996. 9. Phan Cự Đệ, Truyện ngắn Việt Nam Lịch sử - Thi pháp – Chân dung, Nxb Giáo
dục, 2007.
10.Hoàng Dĩ Đình, Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (trên tư liệu truyện ngắn ba nhà văn nữ), Luận án Tiến sĩ, ĐHQGHN, 2012.
11.Hà Minh Đức, Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, 2003.
12.Văn Giá, Thử nhận diện tiểu thuyết ngắn Việt Nam gần đây, Báo Văn nghệ, số 26, năm 2006.
13.Kate Hamburger, Logic học về các thể loại văn học, NXB ĐHQGHN, 2004. 14.Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXb