Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 1848 đến 1858

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 27 - 33)

B. NỘI DUNG

1.2. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 1848 đến 1858

Nếu như dưới ba triều vua Gia Long (1802-1820), Minh Mệnh (1820- 1840), Thiệu Trị (1840-1847), quan hệ Việt Nam và Trung Quốc diễn ra trong mối quan hệ của hai nước láng giềng, của một nước nhỏ và một nước lớn (phiên thuộc và thiên triều) thì đến triều Tự Đức, quan hệ ấy lại diễn ra trong mối quan hệ với nhiều nước khác, đặc biệt là với các nước Phương Tây, mà trực tiếp là Pháp. Vì vậy, trong hơn 30 năm dưới triều vua Tự Đức, quan hệ Việt – Trung có nhiều thay đổi do quan hệ đa phương chi phối.

Trong 10 năm đầu, quan hệ Việt –Trung vẫn diễn ra theo những điển lệ của các triều đại trước đó. Vua Tự Đức rất quan tâm và coi trọng tới việc bang giao với các nước láng giềng, đặc biệt là với Thiên triều Mãn Thanh. Ngay sau khi lên ngôi, vua đã ban bố Bang giao chiếu: “Trẫm theo đạo lớn của bậc thánh nhân, sửa sang hoà mục để thiên hạ về chung một nhà, xây đời trị nước, tiếp khách lân bang theo nghi lễ quốc triều là để rạng tỏ phép nước giữ gìn hoà hiếu lâu bền, tỏ rõ uy linh của bậc quân vương ở ngôi cao chức trọng. Nước ta từ khi dựng nghiệp ở Phía Nam, đóng đô ở Xuân kinh, đất đai rộng lớn hơn ở các thời Trần, thời Lê…ấy là nhờ các bậc tiên đế ta làm tròn sứ mệnh của mình đối với quốc gia và giữ hòa hiếu với các nước lân bang, để được giúp đỡ từ nhiều phía…Cho nên muốn dân chúng được yên ổn, nước nhà hoà mục và phát triển, thì phải tiến hành việc bang giao” [23; 202]

Cũng giống như các triều vua trước, ngay năm đầu tiên lên ngôi, vua Tự Đức đã lo đến việc quan hệ với Thiên triều. Năm 1847 vua sai Hình bộ tham tri là Bùi Quỹ (nguyên là Bùi Ngọc Quỹ) làm chánh sứ, Lễ bộ hữu thị lang là

Vương Hữu Quang, Quang lộc tự khanh (nguyên sung sử quán toản tu) là Nguyễn Du làm phó sứ, đi sứ sang nước Thanh để báo tang vua Thiệu Trị, đồng thời xin vua Thanh sắc phong cho vua mới là Tự Đức.

Chúng ta đã biết việc sắc phong của triều đình Trung Hoa có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với một vị vua Việt Nam mới lên ngôi. Dưới triều vua Tự Đức, sắc phong của Thiên triều Mãn Thanh càng quan trọng, bởi so với các triều đại trước đó, nó có sự thay đổi lớn. Sứ bộ năm 1847 không chỉ có nhiệm vụ cáo phó (việc vua Thiệu Trị mất) và xin phong vương cho Tự Đức lên nối ngôi, mà còn phải xin sứ triều Thanh đến kinh đô Huế làm lễ bang giao. Các triều vua trước đó, kể cả dưới triều Gia Long, Minh Mệnh và Thiệu Trị dù kinh đô đã ở Huế, nhưng việc sắc phong của sứ thần nước Trung Hoa đều diễn ra ở Thăng Long- Hà Nội. Theo lời tâu của Nguyễn Đăng Giai và Tôn Thất Bật thì: “nước ta từ nhà Lê trở về trước, gọi là nước An Nam, đóng đô ở Thăng Long, cho nên lễ bang giao của các đời làm ngay ở đấy là lẽ chính đáng. Nay đã đóng đô ở Phú Xuân, cải chính quốc hiệu, gọi là nước Việt Nam, Thăng Long chỉ còn là một tỉnh thành, không thể giữ chỗ ấy để ấn định bang giao được”. “Huống chi kinh sư là nơi căn bản, trọng địa, ngàn dặm tuần du (ra Bắc), không khỏi không lo sự xảy ra bất ngờ” [69;57] “ cũng bớt được khoản tiêu phí”.

Tự Đức cho rằng “việc này quan hệ đến bang giao là việc rất lớn, lại thuộc buổi đầu, vị tất nước Thanh đã nghe” [69;57]. Từ năm Gia Long thứ nhất, triều Huế đã muốn đưa thư “xin tiếp sứ nhà Thanh ở trên cửa ải Lạng Sơn để đỡ phiền phí” [46;246]. Đến khi Minh Mệnh lên ngôi, nhà vua cũng cho rằng: “việc đi tuần miền Bắc làm lễ bang giao, không có thể để làm điều dạy đời”[46;246]. Vì vậy, đề nghị trên càng quan trọng, nó sẽ là một tiền lệ cho sau này. Vua đã xuống chiếu cho tỉnh thần và các quan địa phương thành hội đồng duyệt nghĩ làm bản tâu lên, tất cả đều cho là làm lễ ở kinh sư có lợi

cho ta vô cùng. Theo lời giáo mục Pellerin thì “sau vài cuộc điều đình Trung Hoa cũng phải chấp nhận ý nguyện của Tự Đức” [88;311]. Như vậy, vua Thanh vẫn có ý định giữ theo lệ cũ của các triều vua trước đó.

Khi sứ bộ Bùi Quỹ trở về, báo là sứ nước Thanh đã thuận theo, Tự Đức cho “đấy là nghĩa lớn về việc giao thiệp với nước gần bên, càng làm vẻ cho quốc thể lắm”[69;181], đã đặc cách gia ơn cho các sứ thần rất hậu.

Để đón sứ đoàn nhà Thanh sang làm lễ sắc phong, triều đình Huế đã chuẩn bị rất chu đáo, và nghi lễ này diễn ra ở kinh đô Huế “dù đã bớt được một khoản tiêu phí lớn”, nhưng thực sự nó cũng rất tốn kém. Ngay từ năm 1847, vua đã “sắc cho bộ Lễ, bộ Công bàn về việc xây dựng, sửa sang đường xá, cầu cống, trạm nghỉ, cách trưng bày trong các trạm nghỉ trên con đường suốt từ Trị Thiên đếnLạng Sơn’’[34;22].

Năm Tự Đức thứ hai (1849), khâm sứ nước Thanh là án sát Lao Sùng Quang (người ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ) cùng đoàn tuỳ tùng đến kinh đô Huế.

Những ghi chép trong Đại Nam hội điển sử lệ cũng như ghi chép của các giáo sĩ Pháp đương thời tại Huế có thể cho chúng ta một cái nhìn khá toàn cảnh về nghi lễ sắc phong này.

Theo thể thức việc tiếp sứ, khi sứ Thanh đến cửa quan bắn ba phát pháo lệnh rồi mở khoá cửa. Bên ta cũng bắn ba phát pháo lệnh trả lời, quân sĩ mở cờ, trống thành dạ ran hưởng ứng. Tài liệu của thượng thư bộ Lễ Ngô Đình Khôi cũng cho biết rất tỉ mỉ về đoàn sứ giả Trung Hoa sắc phong vua Tự Đức năm 1849 [88;319-320]

Khi phái đoàn Trung Hoa qua khỏi cửa ải Nam Quan thì các quan tỉnh Lạng Sơn cùng với các quan đón tiếp sứ thần Trung Hoa trong suốt thời gian ở lại An Nam phải lo sắp đặt trên địa phận phủ Thái Bình hai hương án và một chiếc kiệu được vẽ hình rồng. Đây là kiệu để khiêng các đồ vật do hoàng

đế Trung Hoa gửi sang cùng với tờ sắc. Xung quanh bàn và kiệu là những người cầm cái này, cái nọ, cầm trướng biểu và nhạc công, và nói chung là một đoàn người hơn nghìn lính với nhiều voi ngựa. Đi đầu là các người cầm cờ, giáo, phèn, la và 15 cặp cầm gươm chuôi, rồi đến hương án và kiệu, tiếp đến là chánh sứ ngồi kiệu cùng các phó sứ, đến đoàn tuỳ tùng, kẻ thì đi võng, kẻ thì đi ngựa, sau cùng là những người mang hành lý. Dù là đi bộ hay đi thuỷ thì thứ tự sắp xếp này vẫn phải được duy trì.

Sứ bộ sắc phong được đón tiếp linh đình trên suốt dọc đường từ biên giới về đến kinh đô Huế. Sứ đoàn đi đến đâu, thì đầu các làng, huyện, tổng đều phải treo biểu ngữ bằng màu đỏ mang hai chữ “Cung nghinh”.

Ngày 22/7 tại kinh đô Huế lễ sắc phong diễn ra trọng thể. Từ sáng sớm, các đại diện hoàng gia, các quan văn võ mặc lễ triều phục đã sắp hàng đứng đợi hai bên tả hữu. Hoàng thân và văn võ tam phẩm trở lên đứng ở trên sân rồng, văn võ từ tứ phẩm trở xuống đứng ở cầu Kim Thuỷ. Một chức sắc hoàng gia phẩm trật cao nhất, và hai quan phụ trách tiếp tân đi đến sứ quán dẫn theo các thông ngôn, và các sĩ quan đứng đầu 500 lính có cấp bậc của hoàng gia, và cả 50 người để gánh kiệu có tờ sắc, gánh hai hương án, gánh kiệu ngồi của đại sứ, và cầm các cây lọng cây kiếm, cùng với đoàn nhã nhạc.

Các quan phụ trách tiếp tân quỳ xuống vái 3 vái và mời đại sứ nước Thanh lên đường. Kiệu có tờ sắc khi ra khỏi sứ quán thì được chào mừng bằng ba phát súng lệnh. Ba hồi trống đánh lên để báo hiệu xuất hành. Vị chức sắc hoàng gia và các quan tiếp tân lên ngựa dẫn đầu đoàn người mang cờ và trướng biểu. Tiếp theo là đội nhạc công, rồi hương án, rồi những người lính mang kiếm, lính gánh kiệu có tờ sắc, gánh kiệu có đại sứ, rồi đoàn phụ tá cũng ngồi trên kiệu hay trên ngựa, và sau cùng còn có các quan chức, nhân viên, thông ngôn đi ngựa hay nằm võng.

Vua đứng trước điện Thái Hoà (trong một ngôi nhà gọi là Thể Điện) để đón. Nghi lễ sắc phong diễn ra hết sức long trọng: “tờ sắc phong của hoàng đế được đặt giữa cái lọ trầm trên một cái bệ hay nói cho đúng là cái bàn thờ. Vị quan cử lễ mời vua tới, lạy 5 lạy và quỳ xuống. Sứ giả trưởng đoàn cầm tờ sắc phong, đọc hết và giao lại cho vua, vua nhận rồi đưa ngang lên đầu, vái một vái rồi giao cho một trong các vị hoàng tử. Vua lại lạy thêm 5 lần tờ phong sắc”[88;317]

Trái với thái độ của triều đình Huế, các sứ thần Trung Hoa được cử sang Việt Nam, theo như quan sát của cha Pellerin thì: “tỏ ra khinh miệt người An Nam. Trong hành trình họ hạch sách đủ điều, xài phí vô tội vạ các lương thực thực phẩm đóng góp cho họ. Thử nghĩ xem tốn hết bao nhiêu của cải của đất nước”[88;312].

Như vậy, việc sắc phong diễn ra ở kinh đô Huế- là sự kiện hết sức quan trọng đối với vua Tự Đức. Ngoài những “cái lợi” mà các đại thần đã nêu như ở trên, có thể nói sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt bởi nó cho thấy “Trung Quốc đã hoàn toàn thừa nhận một triều đại mới tách rời khỏi triều ”[91;191]. Về mặt nội trị, điều này không chỉ thừa nhận tính chính thống của vua Tự Đức như các triều vua trước, mà còn nói lên phần nào “sự ưu ái” của Thiên triều đối với Tự Đức, hay việc bang giao “khéo léo” của triều Tự Đức – sẽ góp phần tạo nên uy tín cho triều vua mới này.

Quan hệ Việt- Trung những năm sau đó được duy trì chủ yếu bằng các đoàn sứ bộ do triều Huế cử sang Trung Quốc theo quy định 4 năm 1 lần. Ghi chép trong chính sử nhà Nguyễn và nhà Thanh đã cho ta biết các đoàn sứ bộ như sau:

Bảng 2: Các đoàn sứ bộ được cử sang Trung Hoa từ 1848 đến 1858

Thời gian Sứ bộ Nhiệm vụ Ghi chú

Mậu Thân (1849) Phan Huy Vịnh Trần Tiễn Thành Lê Đức Đáp tạ Cho đình lại vì sứ bộ trước chưa về[69;192] Nhâm Tý (1852) Chánh sứ: Phan Huy Vịnh Ất phó sứ: Vũ Văn Tuấn Giáp Phó sứ: Lưu Lượng

Mang lễ đi đáp tạ (sứ bộ này đã phải đi từ năm trước, sau hoãn lại, nay mới đi)

Chánh sứ: Phạm Chi Hương Ất phó sứ: Nguyễn Hữu Huyên Giáp phó sứ: Nguyễn Duy

Tuế cống theo định kỳ [69;356] Canh Thìn (1856) Tuế cống theo định kỳ Vua Thanh

báo cho hoãn lại vì nhiều tỉnh nước Thanh đang có chiến sự [10;100] Kỷ Mùi (1859)

Chánh sứ: Hoàng Thiện Trường Giáp phó sứ: Văn Đức Khuê Ất phó sứ: Nguyễn Huy Kỷ

Đệ lễ cống hai kỳ Nước Thanh báo cho lui lại vì hai

Quảng Đông,

Quảng Tây chưa yên [70;165]

Có thể nói, dù đã quy định bốn năm thực hiện triều cống một lần, nhưng các đoàn sứ bộ vẫn có thể được hoãn lại, không chỉ một lần mà đến hai, ba lần. Tất nhiên việc hoãn lại chỉ được thực hiện với sự cho phép của Thiên triều. Vua Thanh cho rằng: “điều đó là chứng tỏ lòng hoài nhu viễn phương của Thiên triều” [10;100], càng thắt chặt mối quan hệ với nước phiên thuộc. Song chính điều đó lại càng cho chúng ta thấy việc triều cống để thực hiện “trách nhiệm” với Thiên triều thực sự chỉ là mang tính hình thức, nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ chính thống giữa hai nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)