Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp từ 1858 đến 1883

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 76 - 86)

B. NỘI DUNG

2.3. Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp từ 1858 đến 1883

Nếu như trong nửa đầu thế kỷ XIX, quan hệ Việt – Pháp là mối quan hệ bình đẳng giữa hai nhà nước có độc lập, chủ quyền, thì nửa cuối thế kỷ XIX quan hệ giữa hai nước trở thành mối quan hệ đối kháng, giữa nước đi xâm lựơc và nước bị xâm lựơc.

Ngày 1/9/1858 liên quan Pháp – Tây Ban Nha đã nổ súng đánh vào bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng, mở đầu cuộc can thiệp vũ trang của tư bản Pháp vào Việt Nam. Cuộc chiến đấu quyết liệt của nhân dân ta khiến Pháp sau nhiều tháng chiếm đóng Đà Nẵng, nhưng đã không thể tiến thêm được. Năm 1859, quân Pháp đã quyết định chuyến hướng tấn công vào Nam Kỳ. Tháng 2/1861, quân Pháp chiếm được đồn Kỳ Hoà, đến tháng 4 chiếm đựơc đồn Mỹ Tho. Trong khi đó, từ tháng 6/1861, đô đốc Charner đã gửi tới triều đình Huế bản thương thuyết, trong đó nói rõ phía Pháp sẵn sàng hoà nghị nếu như triều đình Huế chấp nhận những điều kiện sau: tự do tín ngưỡng cho giáo dân Việt Nam, nhượng cho Pháp hai tỉnh Gia Định và Định Tường, phải cho người phương Tây đựơc tư do đi lại buôn bán trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cho phép thiết lập các lãnh sự phương Tây tại Việt Nam [1;28]. Trong những điều kiện Pháp đưa ra, thì vua Tự Đức chỉ chấp nhận điều kiện đầu, tức là tự do tín ngưỡng cho giáo dân Việt Nam. Ý định thương thuyết hoà nghị của Pháp không thành.

Đến cuối năm 1861, thực dân Pháp chiếm được bốn tỉnh quan trọng của Nam Kỳ là Gia Đinh, Định Tường, Biên Hoà, Vĩnh Long. Tuy vậy, Pháp rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, chúng phải luôn luôn đối phó với cuộc tấn công của quân dân Nam Kỳ. Cuối năm 1861, Nguyễn Trung Trực phối hợp với Trương Định đã đánh thắng một trận lớn trên sông Nhật Tảo, đốt cháy tàu

Esperance khiến quân Pháp vô cùng hoảng sợ, đồng thời khiến cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Kỳ càng trở nên quyết liệt.

Nhưng chính vào lúc quân Pháp trở nên yếu kém, thì tháng 5/1862 triều đình Huế chấp nhận thương thuyết với Pháp. Triều đình đã cử sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn để đàm phán với Bonard, phó Đô đốc, Tổng chỉ huy quân Pháp và Palanca, Đại tá tổng chỉ huy quân Tây Ban Nha.

Vấn đề nổi bật lên trong các cuộc đàm phán để đi tới một hiệp ước thống nhất giữa hai bên là vấn đề bồi thường chiến phí và nhượng đất. Phía Pháp đòi triều đình Huế phải nhượng 6 tỉnh và bồi thường chiến phí với số tiền lớn là 5 triệu đô la. Phan Thanh Giản đã kiên quyết phản đối những điều kiện phía Pháp đưa ra. Trong một văn bản gửi Tổng chỉ huy Pháp ông viết: “...hình như các vị chỉ huy chưa muốn hoà bình cho nên mới nêu lên các đòi hỏi quá nặng nề như vậy. Muốn hoà bình lâu dài thì phải công bằng, không nên để một bên phải khô héo, còn bên kia thì xanh tươi. Kẻ nào có thể chấp nhận cái hoà bình của phó Tổng chỉ huy (Pháp) cho được...Mong các ngài nên sửa lại các điều khoản thế nào để giữ đựơc danh dự cho cải hai quốc vương và cả hai bên đều có thể có lợi” [88; 290]. Kết quả của các cuộc đàm phán là phía Việt Nam sẽ bồi thường cho Pháp 4 triệu đô la và nhượng cho Pháp 4 tỉnh thay cho việc phải bồi thường 5 triệu và nhượng 6 tỉnh. Khi hai vấn đề trên đã được thống nhất, thì sứ thần hai bên đã đi đến ký kết một bản hoà ước, đựơc gọi là Hoà ước Sài Gòn hay Hoà ước Nhâm Tuất vào ngày 5/6/1862.

Hoà ước gồm 12 điều khoản, bao gồm những nội dung chính:

- Nhượng đất (khoản 2 và khoản 3): Triều định phải nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định và Định Tường cùng đảo Côn Lôn. Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình khi nào triều đình buộc dân chúng thôi chống Pháp.

- Bồi thường (khoản 8): Triều đình bồi thường cho Pháp bốn triệu đô la (tương đương 280 vạn lạng bạc) trong thời hạn 10 năm.

- Tự do mậu dịch và thông thương (khoản 3,5 và 10): mở 3 cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt và Quảng Yên cho người Pháp thông thương

- Truyền đạo (khoản 2): cho phép người Pháp và Tây Ban Nha tự do truyền đạo Gia Tô, bãi bỏ lệnh cấm trước đây

- Ngoại giao (khoản 4 và 6): Các sứ giả Pháp và Tây Ban Nha được quyền tới Kinh yết kiến vua Việt Nam, điều mà từ trước tới nay triều đình Huế vẫn luôn luôn từ chối. Nếu một nước ngoại quốc nào muốn được triều đình Huế chuyển nhượng cho một phần lãnh thổ, thì triều Huế phải báo cho vua Pháp và quyền quyết định là ở phía Pháp.

Ngay sau khi hoà ước đựơc kí kết, vua Tự Đức đã cho thi hành các khoản trong hoà ước rất nghiêm túc. Có thể trong thâm tâm, vua Tự Đức cho rằng, mục đích của Pháp là chỉ nhằm kiểm tra các thị trường, chứ không có ý đồ chiếm giữ đất đai lâu dài đã được chuyển nhượng cho Pháp. Vì thế, nhà vua cho thi hành đúng đắn hoà ước, vì muốn tỏ ra cho Pháp biết thiện chí của triều đình. Hi vọng vào “lòng tốt” của Pháp, tháng 6/1863 Tự Đức quyết định cử Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản đem theo đoàn tuỳ tùng hơn 60 người, có Trương Vĩnh Ký làm phiên dịch, qua Pháp với sứ mệnh ngoại giao chuộc lại 3 tỉnh miền Đông. Hi vọng của vua Tự Đức đặt ở chuyến đi này rất lớn: “Chuyến đi lần này đã định liệu trước là phải nói thế nào cho tất được. Nếu họ không nghe, thì nên ở lưu lại mà nói, cốt cho chuyển động lòng họ. Nếu đi không về không hoặc đi không mà đến chết, thì có bổ ích gì cho nước. Hãy đem 2 - 3 việc quan trọng mà bàn, còn thì chẳng qua là sửa định lại mà thôi” [70;245]. Nhà vua đã dặn dò các sữ thần rất kỹ: “Quốc thư nên đệ tới quốc trưởng, chớ để cho người đương sự làm lấp liếm đi. Khi đến nước ấy thì trước hãy hỏi xem quan của họ người nào được việc,

nhờ nói hộ không nên chuyên uỷ cho người thông ngôn, ngõ hầu mới được nên việc. Vả lại, sứ thần là thay mệnh lệnh của vua, sang sứ nước Thanh thì theo lễ nước Thanh, sang sứ nước Phú Lãng Sa thì theo lễ nước Phú. (Sứ thần của Tây dương sang sứ nước ta, chỉ làm lễ đứng vái cúi đầu) cẩn thận chớ có cúi lạy để đến nỗi làm nhục quốc thể” [70; 247]

Khi đoàn sứ thần triều Huế tới Pháp, thì tại Pháp đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai phe: một phe ủng hộ việc Pháp nhận tiền bồi thường và rút quân khỏi Nam Kỳ, còn một phe bao gồm những tướng tá quân đội viễn chinh ở bộ Hải quân và Thuộc địa thì chủ trương chiếm đất thực dân. Sau các cuộc đàm phán với vua Pháp không đem lại kết quả, sứ thần Việt Nam cho rằng, việc chuộc lại như thế là đã thất bại. Nhưng đến ngày 12/11/1863 tờ báo Moniteur Universel đăng tin chính Phủ Pháp sẽ xem xét lại hoà ước năm 1862 ký với triều đình Huế, thì sứ đoàn Phan Thanh Giản cho là việc điều đình đã thành công, nên sứ đoàn đã rời Pháp tới Tây Ban Nha. Ngày 18/2/1864 sứ đoàn Phan Thanh Giản về nước.

Đúng một tháng sau khi về nước, Phan Thanh Giản trở lại Sài Gòn để thương lượng về việc trả lại 3 tỉnh.

Ngày 15/ 7/1864 Phan Thanh Giản và Lãnh sự Pháp Aubaret đã ký một hiệp ước mới chấp thuận phía Pháp sẽ trả lại cho triều đình Huế 3 tỉnh Nam Kỳ nhưng chỉ có tính chất tạm thời, trong thời gian chờ chỉ thị từ chính phủ Pháp, trong đó ghi rõ quyền quyết định cuối cùng thuộc về chính phủ Pháp. Tuy nhiên hiệp ước mới này sau đó đã không được phê chuẩn, chính phủ Pháp bác bỏ việc cho triều đình Huế chuộc lại 3 tỉnh Nam Kỳ.

Hi vọng của Tự Đức thông qua con đường đàm phán ngoại giao để chuộc lại vùng đất bị cắt đã không thành hiện thực “Trẫm ngày ngày mong ngươi thu lại 3 tỉnh ấy, báo cho trẫm biết. (Lấy lại được) thì ngươi giả sử có chết cũng nhắm đựơc mắt, trẫm (có chết) cũng an tâm. Không thế thì trẫm

cùng với ngươi cùng mang tội đến muôn đời, không bao giờ chuộc được” [73; 114].

Đây là hiệp ước đầu hàng đầu tiên của triều Huế, chứng tỏ chính sách ngoại giao sai lầm của vua quan Tự Đức. Lẽ ra phải hợp sức với toàn dân chống Pháp, thì triều đình đã quay đầu lại với phong trào đấu tranh của nhân dân và ký hiệp ước thoả hiệp, đầu hàng với Pháp. Sai lầm này dẫn tới một loạt những sai tiếp sau trong đường lối ngoại giao của triều đình Tự Đức.

Sau khi ký hoà ước Nhâm Tuất, Pháp tổ chức chiếm đóng và cai trị ba tỉnh miền đông Nam Kỳ, đồng thời quyết định lấy nốt ba tỉnh miền Tây. Lấy cớ triều đình xúi giục và giúp đỡ những người nổi lên làm loạn, tháng 6/1867 thiếu tướng De la Grandière đem quân đánh chiếm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Vừa đưa quân đánh chiếm, Pháp lại vừa viết thư đòi triều đình Huế phải giao nộp 3 tỉnh này cho chúng. Vua Tự Đức cho rằng: “Việc ấy rất là trọng đại, không khinh thường được, tất phải đi lại bàn luận vài bốn lần, đắc thể hợp pháp mới được, sai Phan Huy Vịnh, Phạm Phú Thứ cùng đi đến sứ quán tuỳ cơ ứng phó cho khéo. (Nhà vua) lại báo cho Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển mật bàn với quan 2 tỉnh An Giang, Hà Tiên, xét xem sự thế nhân tâm ra sao, nếu cử động ngay, cũng phải nghĩ cách đối đãi, nếu nhường nên châm chước cốt được hoà bình, tính kỹ mật bàn tâu lại’ [74;267]

Các quan trong triều lại bàn “3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên là bờ cõi của ta, trong hoà ước đã định, đâu được thay đổi, mà đất cát nhân dân đâu có lẽ triều đình lại bỏ, nay nước Pháp muốn định điều khoản mới, mong ta nhường giao cho ba tỉnh, thì nước ấy liệu tha số bạc bồi thường, xét về tình lý rất là trái ngược, duy thế đất cheo leo, muốn giữ cho không lấn cũng khó. Thế của ta tính chưa thể đánh nhau với chúng được, nếu yêu cầu ta phải làm, nên 2 bên đều phải châm chước, ta lấy 3 tỉnh ấy giao cho nước Pháp, nước Pháp phải lấy Gia Định, Biên Hoà giao cho ta” [74; 269]. Có thể thấy vua

quan triều Nguyễn chỉ mong muốn thông qua con đường ngoại giao để đối phó với thực dân Pháp. Đến cuối năm 1867 triều đình Huế đã cử Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường vào Nam Kỳ để ký hiệp ước mới với Pháp. Hiệp ước này gồm 14 khoản, trong đó có những nội dung chính sau: triều đình phải chấp nhận việc nhượng 6 tỉnh cho Phàp cùng với chủ quyền các đảo Côn Lôn và Phú Quốc. Người Pháp sống ở 6 tỉnh đó được quyền tự do đi lại buôn bán ở các hải cảng của Việt Nam. Người Pháp được tự do truyền đạo...Pháp và Việt Nam sẽ trao đổi đoàn ngoại giao...Tuy nhiên, bản hiệp ước này chưa chính thức vì thiếu sự uỷ quyền của chính phủ Pháp. Nhưng sau này Pháp đã dựa vào hiệp ước này để có cớ mở đường đánh chiếm Bắc Kỳ.

Chính sách ngoại giao thoả hiệp của triều đình Huế đã góp phần đẩy nhanh quá trình đánh chiếm nước ta của thực dân Pháp. Triều Huế không những không chống Pháp mà đã luôn luôn tự đặt mình vào thế bị động, hoà hoãn. Vì vậy, khi có cơ hội đánh Pháp, triều đình vẫn đi theo con đường thoả hiệp, đầu hàng.

Năm 1870, cuộc chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra với thất bại thuộc về phía Pháp. Điều này tiếp sau những khó khăn mà đế quốc Pháp gặp phải về mặt tài chính vào những năm cuối thập niên 1860. Lẽ ra bộ máy quyền lực ở Huế phải nhận thức được thời cơ của một cuộc xoay chuyển tình thế, lãnh đạo hay chí ít cũng tích cực hỗ trợ những cuộc kháng chiến vẫn tiếp tục diễn ra khắp nơi, thì họ lại giữ một thái độ hoàn toàn thụ động. “Tháng 9, nước Đại Pháp đánh với Phổ lỗ sĩ, quan Pháp Soái thương cho ta biết. Ngài (vua Tự Đức) khiến quan Thương Bạc làm thơ thăm hỏi [75;360]

Bản thân Pháp cũng không thể ngờ rằng thái độ của triều đình Huế lại thụ động đến mức đó. Tháng 8/1870, khi cuộc chiến Pháp - Phổ lan tới Sài Gòn, thống đốc Cornulier Lucinìene đã vội vàng cho tổ chức phòng bị nghiêm mật [1; 60], sợ rằng triều đình Huế sẽ nhân cơ hội này mà tổ chức

những cuộc phản công. Nhưng trái hẳn với dự đoán của Pháp, triều đình Huế không những không nhân cơ hội này nổi dậy đánh đuổi Pháp mà còn cho rằng

“không nỡ nhân lúc họ (chỉ Pháp) nguy khốn mà mình đánh, để nước ấy tự hối, cho toàn tình nghĩa với nước láng giềng” [75; 56]. Thái độ nhu nhược của triều đình đã mở đường để Pháp lấn sâu hơn.

Sau khi chiếm đựơc Nam Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu kéo quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ. Sau một thời gian thăm dò, cuối năm 1873, đô đốc Dupré đã quyết định đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Cũng giống như khi kí hiệp ước năm 1862, lần này, khi cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân ta đang lên cao, nhất là sau thắng lợi Cầu Giấy (21/12/1873), thì Tự Đức lại ra lệnh ngừng chiến đấu để ký kết hiệp ước với Pháp. Triều đình đã cử Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường đàm phán về các điều khoản của hiệp ước mới với đại diện của Pháp là Philastre. Tự Đức đã dụ cho đoàn sứ bộ này như sau: “Lũ ngươi vâng mệnh ra chốn biên giới (Nam Kỳ) tất cả việc hai nước giao thiệp, có thể được yên lợi. Trẫm đều chuẩn cho tự ý làm việc. Gần đây lại mới cho sắc ấn toàn quyền. Trẫm giao phó, uỷ thác long trọng biết là chừng nào. Điều ước mới ở trong Nam, các ngươi đã nói trước với tướng Pháp, hoặc kí kết ở Gia Định, hoặc đi sang Tây tưởng nên khéo làm cho xong việc….Lần này, lời ước làm đến lần thứ hai thì nên làm thế nào cho hoà hảo mãi mãi, mà tự ta có thể (đựơc Pháp) đền bù thiệt hại (bởi việc) gần đây, các người phải xem cơ tuỳ thế, thận trọng nghìn muôn phần. Nếu cùng phải lập thành điều ước ngay thì nên đem hết ý chí để trọng lời hẹn thè. Hoặc phải sang Tây mới cùng nhau định ước, thì gặp gỡ cơ hội, chuyển bát bớt thêm, lại nhiều dịp tốt. Nói tóm lại là điều ước trẫm đã chuẩn cho làm. Còn có ngăn trở trì hoãn gì mà làm xong hay không xong, đi (Pháp) hay không đi (Pháp) là do tướng nước ấy (Dupré) cùng các ngươi xét rõ lợi hại mà thôi” [74; 369]

Ngày 15/3/1874, sứ bộ Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường vào Gia Định ký kết với Dupré bản Hiệp ước Giáp Tuất gồm 22 điều khoản, đề cập đến những vấn đề chính sau:

- Lãnh thổ: Triều đình thừa nhận sự cai trị của Pháp ở xứ Nam Kỳ, trừ hai ngôi mộ họ ngoại của Tự Đức ở Biên Hoà

- Ngoại giao: Pháp xác nhận chủ quyền của vua Nguyễn và sự độc lập của Việt Nam đối với các nước khác. Triều Nguyễn sẽ áp dụng một chính sách ngoại giao thích hợp với đường lối ngoại giao của Pháp, và sẽ không thiết lập những quan hệ ngoại giao với nước khác. Ngoài ra Pháp sẽ giúp Việt Nam dẹp yên mọi sự nổi loạn trong và ngoài nước.

- Thương mại: Triều đình phải mở các cửa biển Thị Nại (Bình Định), Ninh Hải (Hải Phòng), mở cảng sông Hồng cho người Pháp thuông thương, buôn bán. Tại những nơi này, các thương nhân nước ngoài đựơc quyền lập thương điếm.

Tuy không có hai từ “bảo hộ” trong Hiệp ước, nhưng với những điều khoản trên đây thì thực tế triều đình Huế đã đặt nước Việt Nam vào địa vị “bảo hộ” của Pháp. Pháp tìm mọi cách ràng buộc triều đình Huế về mặt ngoại giao, cô lập triều đình Huế với các nước khác. Sau hiệp ước 1874, hoạt động ngoại giao của Việt Nam với các nước khác đã hoàn toàn bị thu hẹp. Chẳng hạn như năm 1880 khi nước Xiêm sai sứ sang thăm và tặng quà triều đình Huế, thì đoàn sứ thần nước Xiêm đã bị Thống đốc Sài Gòn ngăn trở không đến thăm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 76 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)