Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp từ 1848 đến 1858

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 73 - 76)

B. NỘI DUNG

2.2 Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp từ 1848 đến 1858

Năm 1847, Tự Đức lên ngôi giữa lúc tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn. Trong nước, thiên tai mất mùa, dân chúng đói khổ, các cuộc nổi dậy chống triều đình vẫn liên tiếp xảy ra, đặc biệt là cuộc nổi dậy của người anh cùng cha khác mẹ với nhà vua là Hồng Bảo đã khiến cho tình hình càng thêm phức tạp. Và trên hết là nguy cơ xâm lựơc của Pháp ngày càng lộ rõ. Trong 10 năm đầu thời Tự Đức, quan hệ Việt -Pháp đặc biệt khó khăn, và chủ yếu là xoay quanh vấn đề cấm đạo – chính là cái cớ để Pháp xâm lược Việt Nam.

Trước những hoạt động ngày càng trắng trợn và lộ liễu của tư bản Pháp, Tự Đức một mặt vẫn duy trì chính sách không quan hệ với phương Tây, một mặt thực hiện chính sách cấm đạo nghiêm ngặt hơn trước. Năm 1848, Tự Đức đã ra lệnh cấm đạo, ghi rõ: “từ nay phàm những đạo trưởng ở Tây dương lẻn đến nước ta thì cho quân dân mọi người ai có thể bắt được giải nộp quan, thưởng cho 300 lạng bạc. Còn người đạo trưởng Tây dương ấy do quan sở tại xét hỏi rõ ràng lai lịch, lập tức đem việc dâng tâu, cho đem đích thân tên phạm ấy ném bỏ xuống sông, biển. Còn như những đạo trưởng và bọn theo đạo người nước nhà, xin do các nha xét việc hình 2 - 3 lần mở cho biết tội, nếu họ biết hối cải bỏ đạo, bước qua cây giá chữ thập, thì thả ra ngay. Người nào không chịu nhảy qua cây giá chữ thập, thì người đạo trưởng cũng xin xử tử; các con chiên theo đạo, thì hãy tạm thích chữ vào mặt, đuổi về vào sổ

dân” [69; 83]. Vì “nghi ngờ các nhà truyền đạo lại nhúng tay vào đời sống chính trị Việt Nam, nên ông bắt đầu một chính sách chống Thiên chúa rất gắt gao” [1, 201]

Những năm sau đó, các giáo sĩ Pháp phải chuyển sang hoạt động truyền giáo bí mật. Vừa tiến hành truyền giáo, các giáo sĩ vừa tiến hành điều tra tình hình để báo cáo về nước, yêu cầu chính phủ Pháp phải vũ trang can thiệp vào Việt Nam. Điều này càng làm cho vua Tự Đức thêm tức giận. Đến năm 1857, Tự Đức lại tiếp tục ra một đạo dụ cấm đạo nữa, mở màn cho một thời kỳ sát đạo mới, ráo riết hơn: “Người nào trót đã theo đạo Gia tô, đều cho cứ thực đến thú tội và đổi lại, thì được miễn tội; nếu không tự thú, có người giác ra, là quan lại sẽ phải cách chức, dịch về số đinh ở làng chịu sai dịch; là quân dân cũng phải trị tội theo điều luật đáng bị tội. Bắt được tên đạo trưởng người Tây dương thì xử tội chém đầu đem bêu rồi quăng xác xuống sông; bọn con chiên người Tây và đạo trưởng người bản quốc, thì xử trảm ngay; còn bọn con chiên người bản quốc, thì phát vãng đi đầy ở đồn bảo ven biên giới, mà không phải là vùng biển....” [70;334]. Từ năm 1848 đến năm 1860, tại Bắc Việt Nam có đến mười giáo sĩ phương Tây khoảng một trăm giáo sĩ người Việt bị xử tử, còn tại Nam Việt Nam có khoảng mười lăm giáo sĩ ngoại quốc và hai mươi giáo sĩ người Việt bị giết. Hàng vạn giáo dân bị tàn sát hoặc lưu đày. Chính sách sát đạo của Tự Đức càng tạo thêm lý do để các giáo sĩ Pháp vận động chính phủ Pháp nhanh chóng can thiệp vũ trang vào Việt Nam.

Huc, một giáo sĩ thừa sai Pháp hoạt động ở Trung Quốc, nhưng biết rất rõ tình hình Việt Nam, đã từ Trung Quốc trở về Pháp nhằm vận động Napoleon III đưa quân sang Việt Nam.

Pellerin, Giám mục địa phận Tây Nam Kỳ đã giữ một vai trò chính yếu trong việc vận động chính phủ Pháp tiến hành can thiệp vũ trang vào Việt Nam. Tháng 5/1857, ông đã đệ lên Napoleon III một bản trần tình bày tỏ “ý

muốn sâu sắc, nhất trí của các giáo sĩ ở Việt Nam là hạ bệ vua Tự Đức hiện đang trị vì, mà thay vào đó là một ông vua theo đạo Công giáo, hay ít nhất là có thiện cảm với tôn giáo của người Pháp” [92; 67]. Kết quả cuộc vận động của các giáo sĩ Pháp là ngày 22/4/1857, Napoleon III quyết định thành lập “Hội đồng Nam Kỳ” nhằm xét lại hiệp ước Versailles năm 1787, với mục đích dựa vào văn kiện này để hợp thức hoá việc đưa quân sang đánh chiếm nước ta, mặc dù trong thực tế Hiệp ước Versailles đã không đựơc chính phủ Pháp thi hành sau khi ký kết, nên coi như nó không có giá trị. Liền sau đó, một kế hoạch hành binh được vạch ra và đến tháng 7/1857 vua Pháp thông qua quyết định vũ trang xâm lựơc Việt Nam.

Sau khi cùng Anh đánh chiếm Trung Quốc (5/1/1858), buộc triều đình Mãn Thanh phải ký hiệp ước Thiên Tân (27/6/1858), quân Pháp do Rigault de Genouilly chỉ huy hợp lực với quân Tây Ban Nha do đại tá Palanca chỉ huy, cùng kéo thẳng xuống vùng biển phía nam. Ngày 31/8/1858 liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chấm dứt thời kỳ ngoại giao hoà bình giữa Việt Nam và Pháp.

Như vậy, không phải đến năm 1858, âm mưu xâm lược Việt Nam của Pháp mới rõ ràng, mà ngay dưới thời trị vị của Thiệu Trị, Pháp đã có những hành động chuẩn bị cho quá trình can thiệp vào nước ta. Nguy cơ này, không phải các vua triều Nguyễn không biết. Các vua Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị đều nhìn thấy nguy cơ đe dạo trước mắt đối với đất nước. Tự Đức - người kế vị vua Thiệu Trị cũng không phải là không ý thức đựơc mối đe doạ ấy. Nhưng triều đình đã không có một biện pháp đối phó hiệu quả nào, ngoài sự cấm đoán đạo Thiên chúa ngặt nghèo hơn trước. Chính sách sai lầm này đã đẩy đất nước rơi vào số phận thuộc địa nhanh chóng hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)