Triều Nguyễn yêu cầu Mãn Thanh giúp đỡ tiễu trừ giặc phỉ nước Thanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 49 - 64)

B. NỘI DUNG

1.3. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 1858 đến 1883

1.3.3 Triều Nguyễn yêu cầu Mãn Thanh giúp đỡ tiễu trừ giặc phỉ nước Thanh

Dưới triều Nguyễn nói chung, bên cạnh các cuộc nổi dậy của nhân dân trong nước, ở các vùng biên giới Việt –Trung còn thường xuyên xuất hiện các toán giặc từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam quấy nhiễu, hoành hành, mà trong chính sử của cả triều Nguyễn và triều Thanh gọi là thổ phỉ, hay cổ phỉ.

Ngoài ra ở các vùng biển giáp danh hai nước cũng xuất hiện các toán cướp biển. Chúng không chỉ cướp của cải của nhân dân mà nhiều khi còn tấn công cả các thuyền của quan quân triều đình đi tuần tiễu hay vận tải.

Dù giặc nước Thanh không xuất hiện thường xuyên và chỉ là các toán giặc nhỏ, nhưng chúng cũng là mối lo thường trực ở các vùng biên giới và vùng cửa biển- nơi chúng hoành hành.

Trong vòng 35 năm dưới triều vua Tự Đức, tình hình biên giới Việt – Trung luôn rơi vào tình trạng hỗn loạn, liên tục bị các toán giặc từ nước Thanh tràn sang quấy nhiễu.

Không phải là các toán giặc lẻ tẻ vài chục hay vài trăm người,mà chúng tụ tập thành bè đảng đến hàng nghìn, hàng vạn người. Nhiều toán giặc sang Việt Nam đã liên kết lại với nhau và “kết thông”với những cuộc nổi loạn của người Việt, thậm chí cả với thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt từ năm 1868 trở đi xuất hiện nhiều toán thổ phỉ nước Thanh có vũ trang, nhiều toán giặc đã

sử dụng “súng ống như súng thần công và súng ống kiểu tây vỏ đồng, bắn rất nhanh” [302, 65].

Các toán thổ phỉ từ nước Thanh tràn đến Việt Nam không chỉ có cướp bóc của cải, mà chúng còn đánh chiếm tỉnh thành, xây dựng căn cứ vũ trang. Chính vì thế, thời gian chúng hoành hành trên lãnh thổ Việt Nam không phải chỉ một tháng, một năm mà thường là khá lâu, thậm chí có toán giặc đã tìm cách lưu lại năm, sáu, bảy năm. Nhiều toán giặc, trước sức đánh dẹp của triều đình, thì tìm cách đầu hàng, nhưng sau đó lại nổi lên. Vì thế, hầu hết ở các tỉnh biên giới Việt- Trung thường xuất hiện rất nhiều toán giặc cùng một lúc.

Cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng trong vòng 4 năm (1861-1865) không chỉ được sự giúp sức của bọn thực dân Pháp, mà còn câu kết chặt chẽ với thổ phỉ nước Thanh, đánh chiếm phủ Hải Ninh và làm loạn các tỉnh Bắc Kỳ [495, 21]. Trong khi đó khắp các tỉnh biên giới Bắc Kỳ, hầu như tỉnh nào cũng có giặc từ nước Thanh nổi lên. ở Tuyên Quang, giặc phỉ là Mông Hùng Thạc hợp với thổ phỉ Trung Hoa là bọn Hoàng Anh đến hơn một vạn người vây tỉnh thành. ở Cao Bằng, bọn thổ phỉ Trung Hoa là Lý Hợp Thắng, Chu Chí Văn với khoảng hơn 2000 quân cũng vây chiếm tỉnh thành năm 1862.

Bọn giặc Tô Tứ xuất hiện từ năm 1866, ban đầu chỉ là bọn người đói khát, cùng khổ đi cướp ăn ở vùng biên giới nhưng “quan quân mãi chưa bình được” nên chúng tụ họp đông dần từ bảy tám trăm người lên đến vài nghìn quấy nhiễu ở các tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn. Sau chúng đã ra hàng, nhưng đến năm 1870, chúng đã hợp với bọn Ngô á Trị – là giặc phạm của nước Thanh cùng nhau nổi lên đánh úp được thành Lạng Sơn..

Từ những năm 1860 trở đi, nhất là sau năm 1867 cùng với các toán giặc vốn có từ trước, ở vùng biên giới Việt Nam xuất hiện thêm nhiều tàn quân của phong trào nông dân Thái Bình Thiên Quốc, hoặc của các cuộc nổi dậy địa

phương khác bị triều đình nhà Thanh truy đuổi. Chúng tập hợp thành những lực lượng có vũ trang nổi lên ở khắp nơi.

Dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc là giặc Ngô Côn (còn gọi là Ngô Hoà Khanh hay Ngô á Chung) chạy sang Việt Nam, trước còn nói xin hàng, sau đã liên kết với bọn giặc cũng từ nước Thanh sang là bọn Trần Thất,Tạ Tĩnh Xuyên, Trương Cận Bang đi quấy nhiễu các tỉnh của cả hai nước.

Đối với triều Nguyễn, dù giặc Ngô Côn chỉ nổi lên khoảng 2 năm, nhưng chúng đã thực sự là mối lo lắng của triều đình. Năm 1868, giặc Ngô Côn đã đánh úp tỉnh Cao Bằng, bắt được lãnh bố chính sứ là Nguyễn Văn Vỹ. Chúng đưa bè lũ tới hơn 2000 tên đi cướp bóc tỉnh Lạng Sơn. Chúng vây đồn Lạc Dương, rồi đưa quân quấy nhiễu hai hạt Tuyên Quang, Thái Nguyên. Năm 1869, quan quân của cả hai nước Việt Nam và Trung Hoa hợp vào mới lấy lại được tỉnh Cao Bằng, nhưng sau đó giặc lại vây tỉnh thành Bắc Ninh “với khí thế rất mạnh”.

Theo tài liệu Trung –Pháp chiến tranh, vào thượng tuần tháng chạp, Đồng Trị thứ 10, tức năm 1871, giặc cờ Vàng là Bàn Luân Tứ đã đem hơn vạn người đến đánh xã Bạch Lâu thuộc Sơn Tây. Năm sau chúng đã thông đồng với nước Pháp nhằm chống lại quân Cờ Đen và chiếm đóng Việt Nam.

Lưu Vĩnh Phúc dưới hiệu Cờ Đen đóng giữ cả đồn Bảo Thắng ở Hưng Hoá, có ảnh hưởng lớn tới vùng thượng du Bắc Kỳ. Nhưng khác với những toán giặc thổ phỉ của nước Thanh, quân Cờ Đen đã trở thành đội quân hùng hậu, mà triều đình Huế đã dựa vào đó để tiễu trừ các toán thổ phỉ khác và quân Pháp xâm lược khi chúng đưa quân ra Bắc Kỳ cả lần một và lần hai, Lưu Vĩnh Phúc được coi như “bề tôi’ [140, 17] của triều đình.

Trong hai năm 1878, 1879, giặc Lý Dương Tài vốn là một tướng cũ của đề đốc nước Thanh là Phùng Tử Tài, làm phản, rồi chạy sang Việt Nam,“có tư tưởng làm vua nước Nam” [121, 17], mà theo lời kể của Giá Sơn Kiều Mậu

Oánh thì“chúng đã tự nhận là dòng dõi của vua Lý nước Việt, khi chúng đến Bắc Ninh, tên Tài đã đích thân vào bái yết ở miếu Lý Bát Đế trong xã Đình Bảng’’[526, 31].

Năm 1878, chúng đưa quân sang chiếm giữ các phố Đồng Bộc, Kỳ Lừa- Lạng Sơn, sau đó chúng tràn xuống các hạt giáp với Lạng Sơn là Đông Triều và Nam Sách. Chúng đến Thái Nguyên chia ra thành từng bọn, mỗi bọn 400 người để đánh úp đồn Chợ Mới, giết chết lãnh binh quan là Nguyễn Luân và Vũ Huy Thục, nhân đó thế giặc nổi lên chiếm luôn đồn Bắc Cạn. Chúng “qua Thái Nguyên đến Bắc Ninh và bao vây tỉnh thành trong 10 ngày”[526, 31]. Như chúng ta đã biết qua tư liệu Trung-Pháp chiến tranh, thì tại Bắc Ninh Lý Dương Tài đã câu kết với thực dân Pháp để chiếm giữ thành.

Ngoài những toán giặc kể trên, ở các tỉnh biên giới Bắc Kỳ, lúc nào cũng có hàng chục toán giặc nhỏ khác cướp bóc, quấy nhiễu. Mặt khác, dù triều đình có tiễu trừ được toán giặc nào đi nữa thì dư đảng của chúng vẫn cứ tồn tại dai dẳng. Vì thế mà dưới triều Tự Đức, không một năm nào, biên giới phía Bắc lại không phải lo đối phó với các toán thổ phỉ nước Thanh. Cho đến những năm 1881, 1882 các toán giặc phỉ từ Trung Hoa vẫn liên tiếp kéo sang Việt Nam.

Bên cạnh giặc thổ phỉ ở biên giới Việt –Trung, giặc biển từ nước Thanh cũng ra sức hoạt động ở các phận biển Việt Nam, chúng lại hay câu kết với nhau. So với bọn thổ phỉ ở biên giới, thì các toán giặc biển xuất hiện ít hơn, song chúng cũng thường tụ tập thành bè đảng đông tới hàng nghìn người.

Năm 1849, hơn 70 thuyền giặc nước Thanh kéo đến gần bờ biển tỉnh Hải Dương, sau chúng chia nhau lên đường bộ quấy nhiễu. Triều đình cử quan quân đi đánh giết, chúng rút lui, rồi lại nhân đêm lẻn vào phần sông tỉnh Quảng Yên hướng vào tỉnh thành sinh sự.

Vào nửa sau thế kỷ XIX, cả Việt Nam và Trung Quốc, tình hình đất nước đều có rất nhiều biến động. ở Việt Nam, cùng với cuộc xâm lược của thực dân Pháp là các cuộc nổi dậy không ngừng của nhân dân ở khắp nơi, từ chỗ chống Pháp đến chỗ “chống cả triều lẫn Tây”. Chính điều này đã góp phần tạo điều kiện để các toán thổ phỉ Việt Nam nhanh chóng kết hợp với thổ phỉ nước Thanh. Những biến động của Trung Quốc, đã làm cho nhiều toán giặc có khi là dân đói, có khi là các đám tàn quân từ các cuộc nổi dậy chống triều đình của nhân dân, đặc biệt là từ phong trào nông dân Thái Bình Thiên Quốc trước sự truy quét của triều đình đã tìm đường đến Việt Nam. Vì thế, chúng trở thành giặc phạm của cả hai nước. Triều đình Huế đã tìm nhiều cách và tốn nhiều binh lực để đối phó lại với chúng.

Đối với triều Nguyễn, đặc biệt là triều Tự Đức, vấn đề biên giới nói chung và biên giới Việt- Trung nói riêng luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Với các tỉnh biên giới- nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số, triều Nguyễn luôn tìm mọi cách để cai trị một cách hiệu quả nhất. Trước năm 1835, triều Nguyễn vẫn duy trì chế độ thổ quan ( trực tiếp lấy người trong vùng cai quản theo chế độ cha truyền con nối) ở các vùng biên giới, nhưng sau đó, triều đình muốn trực tiếp nắm lấy các vùng đất xa, nên đã thay đổi bằng việc bỏ thổ quan đặt lưu quan( cử quan lại của triều đình về đó cai quản). Nhưng chính sách này đã không có hiệu quả. Vì thế năm Thiệu Trị 4 năm, triều đình lại chuẩn cho các phủ, huyện, châu thuộc tỉnh hạt phía Bắc, Tây Bắc đặt lại chức thổ quan. Đến năm Tự Đức 22, triều Huế đã phải trở lại việc đặt chức thổ quan đối với các vùng dân tộc ít người trên phạm vi cả nước. Từ tháng 8/1867, để giữ trật tự các địa phương nói chung và vùng biên giới nói riêng, triều đình đã cho lập thêm chức quan kinh lược. Đây là một

viên quan của triều đình, thay mặt nhà vua phối hợp với quan sở tại của các địa phương để thống lĩnh từng vùng lãnh thổ [144, 73].

Cùng với việc đặt các chức quan cai trị, Tự Đức đã rất nhiều lần dụ cho các phủ, huyện, tổng phải nghiêm sức canh phòng những nơi trọng yếu của biên giới. Vua từng “bảo với quan tổng đốc Ninh Thái là Phạm Chi Hương rằng: biên giới không như trung châu, lũ ngươi nên hết lòng vỗ yên, dùng người thổ trước canh phòng, cốt cho vững chắc, để đỡ mệt người tốn của”[144, 73]. Trước tình hình giặc giã ngày càng nhiều, năm 1870, vua xuống dụ cho các đình thần: “phải tập hợp tất cả các tướng sĩ lại đánh một trận đuổi hết chúng (bọn phỉ nước Thanh) ra khỏi bờ cõi, khiến cho khiếp sợ mà không dám nhòm ngó tới biên giới của ta. Giặc ấy không phải là việc chốc lát, mối lo ở biên giới của ta không biết bao giờ hết, nên phải tính gấp” [50,74].

Nhiều chính sách cụ thể được đưa ra nhằm mục đích tiễu trừ nạn thổ phỉ nước Thanh, ổn định tình hình biên giới phía Bắc. Điều này cho thấy việc tiễu phỉ thực sự là vấn đề cấp bách đối với triều đình, đồng thời nó cũng cho thấy sự lo lắng của triều Huế về biên giới Việt – Trung.

Bên cạnh việc đề ra các chính sách, triều Huế còn huy động binh lính đánh đuổi giặc phỉ nước Thanh. Triều đình không chỉ điều động binh lính tại các địa phương, mà thường xuyên phải đưa quân từ các tỉnh thành khác đến hỗ trợ. Thậm chí, để đối phó với bọn thổ phỉ Trung Hoa, triều đình đã phải tập trung tới cả lực lượng quân đội chính quy. Năm 1868, triều đình đã cho đề đốc hải phòng tỉnh Hải, Yên là Phan Bân sung làm đề đốc quân thứ Lạng Bằng, hải phòng hiệp lý là Mai Quý sung làm tán tương lãnh đem quân hai tỉnh Sơn Tây, Hà Nội (mỗi tỉnh 1000 người) tiến đi đánh bắt giặc Ngô Côn đang ở Cao Bằng, nhưng đều bị thua [230, 73]. Trước tình hình đó, triều đình đã huy động quân chính quy gồm: “quân Trung bảo, doanh Vũ Lam, vệ Tuyển

phong và quân, voi các tỉnh thàn Nghệ, Hà, Ninh, Nam Định, Sơn, Hưng chia làm ba đạo, chiểu theo địa hạt đóng giữ, quân chính đến tỉnh Lạng, quân tả đến tỉnh Thái, quân hữu đến tỉnh Tuyên”[238, 73]. Như vậy, triều Huế đã phải huy động những đội quân tinh nhuệ nhất, hơn nữa lại có sự phối hợp của các đạo quân do nhà Thanh cử sang để đối phó với một đạo thổ phỉ Trung Quốc.

Dù triều đình đã huy động lực lượng quân đội khá lớn đánh dẹp các toán thổ phỉ từ Trung Quốc tràn sang, nhưng tình hình biên giới vẫn luôn rơi vào tình trạng bất ổn. Triều Huế đã phải viện đến sự giúp đỡ của Mãn Thanh.

Trước khi giặc Ngô Côn xuất hiện năm 1867, triều Huế đã một vài lần gửi thư cho Lưỡng Quảng (Trung Quốc) yêu cầu đưa quân sang hội đánh thổ phỉ như năm 1850 [247, 69] nhưng thực sự nhà Thanh cũng chưa có một sự giúp đỡ nào đáng kể ngoài một đôi lần tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hay Châu Khâm có phái một số biền binh hội với quan quân Việt Nam đánh dẹp bọn giặc. Thời kỳ này, Tự Đức có vẻ rất e dè trong việc nhờ đến nhà Thanh. Năm 1851, trong khi một bọn cổ phỉ nước Thanh tràn đến châu Tiên Yên thuộc Quảng Yên nước ta, thì ở đất Long Đầu (Trung Quốc) giáp với Việt Nam có lũ giặc là Nhan Đại đến bảy, tám nghìn người tụ họp. Nghe tin án sát Quảng Tây là Lao Sùng Quang đang vây bắt, kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai đã tâu rằng nước ta nên dùng biền binh, voi ngựa và tất cả những công việc để có thể thù ứng (cho Lao Sùng Quang). Sau bộ Lễ nói: án sát Lao Sùng Quang năm trước sang sứ nước ta, nếu đem quân hội đánh, cần gặp mặt để bàn bạc, thì viên kinh lược đại thần cũng có thể cùng ra mắt nhau. Nếu viên khác đến nước ta, thì chỉ nên cho dừng ngựa lại ở tỉnh Lạng Sơn, tuỳ nghi mà điều độ, để trọng quốc thể. Vua cho là phải. Năm 1854, lãnh tổng đốc Hà Ninh là Lâm Duy Thiếp xin cấp trát cho người nước Thanh là bọn Lê Đạt Ký nguyên bang

Hướng Nghĩa là chủ mỏ, tập hợp phu mỏ và thủ hạ hơn 300 tên, để phòng giữ thổ tù là Đinh Công Mỹ, thì Tự Đức bảo rằng: dùng quân đội vững mạnh của ta mà chế ngự bọn giặc nhỏ kia, ví như cái lò than hồng đốt cái lông, hà tất phải nhờ đến người ngoại quốc, lại thành ra có sự lo ngại khác, nên không cho [89, 70].

Trong những năm đầu, dù giặc phỉ nổi lên nhiều, nhưng triều Huế đều rất cố gắng để tự giải quyết. Đến năm 1867, sự xuất hiện của giặc Ngô Côn đã thực sự trở thành mối lo lắng của triều đình. Chỉ trong năm 1868, chúng đã vây khắp các tỉnh thành Cao Bằng, Lạng Sơn, Lạc Dương…Quan quân triều đình được điều động cả đến lực lượng chính quy cũng không dẹp nổi. Trong khi đó, ở Nam Kỳ, thực dân Pháp đang chiếm dần các tỉnh. Tháng 10/1868, khoa đạo Nguyễn Quế đã đề nghị triều đình cử “Nguyễn Tri Phương phải đem quân tốc chiến tấn công giặc (Ngô Côn), cố gắng dẹp yên bọn đó đừng để kéo dài trong khi ở phía Nam Pháp đã chiếm một số tỉnh”[145; 92]. Trước tình hình đó, triều Huế đã liên tục yêu cầu nhà Thanh đưa quân sang hội lại đánh giặc. Năm 1868, khi tỉnh Cao Bằng bị đánh úp, vua đã sai Phạm Chi Hương “đi ngay xét kỹ và yêu cầu quan quân nước Thanh đến ngay cùng đánh”[197, 73]. Năm 1869, đình thần nhà Thanh Tô Phượng Văn tâu với vua Đồng Trị “là lại nhận được một bức công hàm của quốc vương Việt Nam nói về việc trù liệu các công việc ở biên giới Trung- Việt” [113, 10]. Cho đến năm 1883, hầu như không năm nào Tự Đức không nhờ đến sự giúp đỡ của nhà Thanh đánh dẹp các bọn thổ phỉ. Dù hiệp ước Giáp Tuất năm 1874 ký kết giữa Pháp và Việt Nam có điều khoản quy định, Pháp sẽ giúp Việt Nam tiễu trừ giặc biển, và “tướng Pháp cũng đã từng đưa thư đến nói muốn giúp ta đánh lui giặc giã ở Bắc Kỳ, cho quân Thanh về nước”, nhưng triều đình Huế trước sau vẫn muốn nhờ đến sự giúp đỡ của Trung Hoa. Năm 1878, trước sự quấy nhiễu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 49 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)