Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 33 - 35)

B. NỘI DUNG

1.3. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 1858 đến 1883

1.3.1. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam

Sau một thời kỳ tìm hiểu, thăm dò, năm 1858 liên quân Pháp- Tây Ban Nha đã trực tiếp nổ súng đánh chiếm cửa biển Đà Nẵng. Trước sức kháng cự của quân và dân ta, thực dân Pháp đã bị giam chân tại chỗ trong vòng năm tháng liền. Vì thế, năm 1859, thực dân Pháp đã quyết định chuyển phần lớn quân vào Nam Kỳ, trước hết là Gia Định. Đến năm 1861, quân Pháp chiếm được bốn tỉnh quan trọng của Nam Kỳ là Gia Đinh, Định Tường, Biên Hoà, Vĩnh Long. Thái độ lưỡng lự, muốn “nghị hoà” của Tự Đức đã tạo điều kiện cho Pháp ký với triều đình Huế Hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5/6/1862 gồm 12 khoản, với nội dung chính là: triều đình Huế thừa nhận việc cai quản miền đông Nam Kỳ thuộc Pháp; phải bồi thường chiến phí cho Pháp; mở ba cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho người Pháp thông thương; cho phép Pháp và Tây Ban Nha tự do truyền đạo; Pháp sẽ trả lại Vĩnh Long cho triều đình Huế…Chưa đầy 5 năm sau, năm 1867, thực dân Pháp đã chiếm được cả lục tỉnh Nam Kỳ, buộc triều đình Huế ký hiệp ước mới ngày 15/10/1867 chứa đựng nhiều điều khoản nặng nề hơn mà triều Huế phải chịu. Tham vọng của

thực dân Pháp không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi chiếm đuợc Nam Kỳ, chúng muốn chiếm luôn cả Bắc Kỳ “là xứ giàu có tiếp giáp với Trung Quốc và là cửa ngõ thiên nhiên mở vào các tỉnh giàu có ở miền Tây Nam của nó”- đây là “một vấn đề sống còn đối với tương lai của nền bảo hộ Pháp tại Viễn Đông”[87;239]. Song những khó khăn mà Pháp đang gặp phải trong nội tình nước Pháp, nhất là cuộc chiến tranh Pháp- Phổ năm 1870 đã không cho Pháp hành động ngay.

Cuối năm 1873, đô đốc Đuyprê (Dupré) quyết định đưa quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ. Ngày 20/11/1873 chúng tấn công thành Hà Nội, sau đó chiếm đánh lần lượt các tỉnh xung quanh. Trong khi triều đình Tự Đức huy động lực lượng quân đội chống Pháp hết sức “dè dặt, chậm chạp”, thì cuộc kháng chiến của nhân dân ta thực sự bắt đầu. Phối hợp với quân Cờ Đen của tướng Lưu Vĩnh Phúc đang đóng quân ở phủ Hoài Đức, ngày 21/12/1873, quân ta đã phục kích và tiêu diệt nhiều giặc Pháp, trong đó có Gácniê.

Nhưng Tự Đức đã từ bỏ phong trào yêu nước của nhân dân, mà đi vào con đường thương lượng, thoả hiệp với Pháp, đưa đến bản Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874. Với bản Hiệp ước này, triều đình thực sự thừa nhận sự cai trị của Pháp ở xứ Nam Kỳ (điều 5) trừ hai ngôi mộ của họ ngoại Tự Đức ở Biên Hoà.

Năm 1882, thực dân Pháp kéo quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai. Lần này, thực dân Pháp đã nhanh chóng chiếm được thành Hà Nội, sau đó chúng nhanh chóng đánh chiếm các tỉnh xung quanh. Triều đình Huế vô cùng lúng túng, tuy có tổ chức chiến đấu bảo vệ thành, nhưng gần như không có hiệu quả.

Ngày 19/7/1883, vua Tự Đức qua đời, triều đình càng thêm rối loạn. Lợi dụng tình hình này, quân Pháp quyết định đánh thẳng vào Huế, và nhanh chóng chiếm được Huế. Ngày 22/8/1883 vua Hiệp Hoà chấp nhận đầu hàng.

Ngày 25/8/1883, hiệp ước Hácmang (Harmand) được ký kết với 27 điều khoản đã hoàn toàn công nhận Việt Nam là thuộc địa của thực dân Pháp. Đến ngày 6/6/1884, hiệp ước Patơnot (Patenotre) được coi là văn bản “hoàn thiện” hiệp ước Hácmang, đã hoàn toàn xoá bỏ sự tồn tại của triều Nguyễn với ý nghĩa là một vương triều độc lập. Cuộc xâm lược Việt nam ngót 30 năm của thực dân Pháp coi như hoàn thành.

Cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp là một nhân tố tác động trực tiếp đến mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam – Trung Hoa. Vậy trong giai đoạn 1858 – 1883, mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc diễn biến thế nào?

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)