Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp từ đầu thế kỷ XIX đến 1848

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 64 - 73)

B. NỘI DUNG

2.1. Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp từ đầu thế kỷ XIX đến 1848

Trong nửa đầu thế kỷ XIX, mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp được thể hiện trên hai lĩnh vực nổi bật: giao thương, chính trị và vấn đề đạo Thiên chúa giáo.

Năm 1802, sau khi lật đổ vương triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long (1802-1820), thiết lập nên triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Trong quá trình lật đổ triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã dựa rất nhiều vào sự giúp đỡ của các nước phương Tây, đặc biệt là nước Pháp, nổi bật lên là vai trò của Bá Đa Lộc. Nguyễn Ánh đã từng nhờ Bá Đa Lộc mang thư cùng người con trai 4 tuổi của mình là Hoàng tử Cảnh làm con tin sang cầu cứu nước Pháp. Thay mặt Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc đã ký với triều đình Pháp một bản hiệp định 10 điều vào năm 1787. Theo đó, vua Pháp cam kết giúp Nguyễn Ánh quân sự để chống lại Tây Sơn, đổi lại vua Pháp được sở hữu cảng Hội An và đảo Côn Lôn. Tuy lúc đó hiệp ước không được thực hiện, nhưng Nguyễn Ánh vẫn nhận được sự trợ giúp của chính phủ Pháp.

Vì vậy, sau khi lên ngôi, để trả ơn những người đã giúp mình trong cuộc chiến đấu chống Tây Sơn, Nguyễn Ánh giữ lại một vài người Pháp làm quan trong triều đình như Senhô (Jean Baptiste Chaigneau), Vaniê (Philippe Vannier), Baridi (Barisy).... Những người này được vua Gia Long đỗi đãi rất

hậu, như cấp cho họ mỗi người một đội lính hấu 50 người...hoàn toàn thuộc quyền sai phái của họ, hay miễn cho họ lệ mỗi khi vào chầu không phải sụp lạy năm lần như các quan lại người Việt mà chỉ cần khấu đầu năm vái...

Trong khoảng gần 20 năm đầu triều vua Gia Long, mối quan hệ Việt Nam và Pháp gần như không có sự kiện gì đặc biệt ngoài sự hiện diện của một vài người Pháp trong bộ máy quan lại của triều Nguyễn.

Đến năm 1817, được coi là năm đánh dấu sự trở lại của các tàu buôn Pháp tại Việt Nam. Mục lục châu bản triều Nguyễn ghi lại: “Tàu trưởng tàu Balăngsa, tên là Đanhetxichlâu cùng Antônbônliên tới Cần Giờ từ ngày 12/6 xin thành Sài Gòn ra hiệu ứng và ra cửa Hàn buôn bán” và “tàu Phi Giác hiệu Xuy Lê đến cửa Hàn ngày 6/1/1818, có đem theo lễ vật: một cái đồng hồ, khẩu súng đẹp...do vua Balăngsa tặng vua nước Việt Nam để tỏ tình bang giao nghĩa như anh em” [92;196]. Các tàu buôn của thương nhân Pháp tới Việt Nam trong thời gian này đều đựơc vua Gia Long tạo nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động buôn bán. Nhà vua đã miễn thuế hoàn toàn cho tàu buôn Pháp, và từng đích thân chỉ ra những mặt hàng gì các thương nhân Pháp nên đưa sang Việt Nam bán.

Cũng trong năm 1817, một tàu Pháp là La Cybèle đã đến cửa Hàn, viên thuyền trưởng Kergariou xin được vào triều yết kiến vua Gia Long để dâng quà tặng của vua Pháp và nhắc lại hiệp ước năm 1787 mà Bá Đa Lộc đã thay mặt Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long ký với chính phủ Pháp. Sự kiện này đã đựơc ghi lại trong Đại Nam thực lục như sau: “Tàu của Phú Lãng Sa [Pháp] đậu ở Đà Nẵng, đưa thư cho Nguyễn Văn Thắng nói vua nước ấy lấy lại được trước, sai treo cờ ở thuyền đi đến các cửa biển để các nước láng giềng biết, xin dâng sản vật địa phương, đến Kinh chiêm yết. Vua lấy cớ không có quốc thư mà khước từ. Sai Đinh thần Quảng Nam khoản đãi hậu, rồi bảo đi”

Tới năm 1819, tàu Henry của Pháp đã đến Việt Nam, vua Gia Long cũng cho phép họ mở cửa hàng cạnh nhà Vannier. Trong những năm 1819, 1820, các công ty thương mại tại các thành phố lớn của Pháp như Nante, Lorient, Bordeaux được các nhà cầm quyền hết lòng giúp đỡ nên đã tăng cường hoạt động, liên tiếp chở hàng sang Việt Nam trao đổi, buôn bán.

Có thể nói, dưới triều vua Gia Long, quan hệ thương mại Việt – Pháp diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên mối quan hệ ấy chỉ dừng lại ở những hoạt động buôn bán của các tàu buôn Pháp tới Việt Nam, còn lại mọi đề nghị ký kết các hiệp ước thương mại từ phía Pháp đều bị vua Gia Long tìm cách từ chối.

Dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1840), mối quan hệ Việt - Pháp về cơ bản vẫn dựa trên đường lối ngoại giao từ thời Gia Long. Trong những năm đầu lên ngôi, vua Minh Mạng vẫn thể hiện lòng biết ơn, vẫn đối đãi tử tế với những người Pháp đang làm quan trong triều, và vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu buôn Pháp tới Việt Nam buôn bán. Tuy nhiên, đến giữa thời Minh Mạng, quan hệ Việt – Pháp có những diễn biến phức tạp hơn, do những thay đổi của hoàn cảnh lịch sử.

Về phía Pháp, sau khi tàu La Cybèle thất bại trở về năm 1818, chính phủ Pháp càng cố gắng liên lạc với vua Nguyễn, tăng cường các phái đoàn sang Việt Nam nhằm vận động vua Nguyễn lập thương ước với Pháp. Các phái đoàn của Pháp đến Việt Nam dưới thời Minh Mạng đã được chính sử triều Nguyễn (Đại Nam thực lục), ghi lại như sau:

Năm 1821, một thuyền Pháp tới cửa biển Đà Nẵng. Hai người Pháp, đi cùng với Thắng (tức Jean Chaigneau), dâng lễ vật và quốc thư của vua Pháp xin được thông thương. Vua Minh Mạng lệnh cho ty Thương bạc đưa thư trả lời nhận lễ vật, đồng thời biếu họ lại nhiều sản vật khác [49; 131]

Năm 1824, tàu Pháp tới Đà Nẵng mang theo lễ vật và quốc thư của vua Pháp xin đựơc thông thương với Việt Nam. Vua Minh Mạng từ chối tiếp. Nhà vua cho rằng: “Nước Phú Lãng Sa cùng nước Anh Cát Lợi thù nhau. Năm trước nước Anh Cát Lợi nhiều lần dâng lễ, trẫm đều từ chối không nhận, nay chẳng lẽ lại cho Phú Lãng Sa thông hiếu! Song nghĩ khi đức Hoàng khảo ta bước đầu bôn bá từng sai Anh Duệ Thái tử sang nước họ, cũng có ơn cũ, nếu vội cự tuyệt thì chẳng phải là ý mến người xa”. Liền sai làm thư của Thương bạc và thưởng cho mà khiến về. Quốc thư cùng lễ vật thì không cho trình dâng”. [49;388]

Năm 1830, binh thuyền nước Pháp tới cửa biển Đà Nằng, xin được thông thương với Việt Nam. Đại Nam thực lục đã ghi lại sự kiện này: “Thuyền trưởng ấy nói rằng vua nước ấy muốn cùng nước ta giao hiếu, nhưng xa cách biển khơi không đạo đạt được, nay nghe tin nước Hồng Mao mưu đồ xâm lất đất Quảng Đông (Trung Quốc), thế tất rồi cũng lan đến nước ta, nên vua nước ấy sai đến báo tin dặn ta đừng giúp Quảng Đông.

Nhà vua cười nói rằng : “Nước ấy muốn mượn việc đó làm ơn với ta để mong đạt kế muốn giao hiếu đó thôi. Nước Hồng Mao mưu lấn nước Thanh, có can thiệp gì đến ta”...Viên thuyền trưởng ấy lại tự tiện lên núi Tam Thai (2)

để xem xét, lại nói muốn được một người hoa tiêu cùng đi ra các hạt Bắc Thành để vẽ đồ bản” [50;118]. Có thể nói đây là sự kiện đánh dấu những cố gắng cuối cùng của Pháp trong việc thiết lập mối quan hệ giao thương với Việt Nam. Sau năm 1831, các tàu Pháp vẫn đến Việt Nam, nhưng họ không có tính chất ngoại giao nữa.

Trong khoảng thời gian từ 1817 đến 1831, chính phủ Pháp đã cố gắng liên lạc với vua Nguyễn, với mục đích khuyến khích triều đình Huế giao thiệp

với người Pháp, mong triều đình Huế cho phép người Pháp buôn bán tại Việt Nam, song mọi cố gắng của Pháp đều thất bại. Tiếp tục đường lối ngoại giao của Gia Long, Minh Mệnh kiên quyết từ chối ký kết các thương ước với Pháp, nhưng ông không cấm đoán tàu bè và các thương nhân Pháp, cũng như các nước phương Tây khác đến Việt Nam mua bán. Tuy nhiên, triều Nguyễn quy định tàu thuyền phương Tây chỉ đựơc phép cập bến ở cảng Đà Nẵng. Nơi đây triều đình đã cho đặt Nha thương bạc để quản lý mọi hoạt động buôn bán của các tàu buôn nước ngoài. Như vậy, chính sách đối với phương Tây của vua Minh Mạng không phải là chính sách bế quan toả cảng, mà có mở cửa, nhưng mở cửa rất hạn chế và đặt dưới sự kiểm soát của triều đình.

Trong những năm cuối triều vua Minh Mạng (khoảng từ năm 1830 đến 1840), đường lối ngoại giao với Pháp của triều đình Huề có nhiều thay đổi do những biến động của tình hình trong nước và khu vực.

Trong nước, chính sách cấm đạo của vua Minh Mạng dường như không đem lại hiệu quả. Càng ngăn cấm thì số người theo đạo Thiên chúa giáo càng gia tăng, có nhiều trường hợp “tử vì đạo” đã xảy ra. Vua Minh Mạng càng kiên quyết từ chối mọi mối quan hệ chính thức với Pháp. Vụ biến Lê Văn Khôi năm 1833 với sự tham gia của nhiều giáo dân bản địa và nhiều giáo sĩ người Pháp chống lại triều đình, chiếm thành Gia Định tới 6 tháng liền. Triều đình phải rất vất vả mới dẹp yên được cuộc nổi loạn này. Sau sự kiện này, vua Minh Mạng không muốn có bất kỳ một tiếp xúc nào với người Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.

Tại Trung Quốc, năm 1839 thực dân Anh mở đầu cuộc chiến tranh Nha Phiến lần thứ nhất. Đây chính là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các nước châu Á trước hiểm hoạ xâm lựơc của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Dường như được “đánh thức do những biến động của Trung Quốc” [87;53], vua Minh Mạng đã ý thức ngay được nguy cơ đang đe doạ độc lập tự chủ của đất nước

mình. Nhà vua phần nào hiểu ra rằng, nếu đóng cửa, tuyệt giao với các nước phương Tây, thì trước sau đất nước cũng có số phận như Trung Quốc. Vì vậy, một mặt Minh Mạng cho tăng cường củng cố lực lượng quân sự trong nước, mặt khác bắt đầu cử người đi thăm dò các nước phương Tây.

Năm 1839, triều Huế đã cử sứ đoàn đầu tiên sang Anh và Pháp. “Vua nghe nói địa phương Đại Tây Dương vốn có tiếng là nơi đô hội, sai Tư vụ Trần Viết Xương, Thư lại Tôn Thất Thường mang theo người thông ngôn cùng ngồi vào thuyền Thuỵ Long đến Giang Lưu Ba, rồi do phái viên chuyển đáp nhờ sang thuyền Tây Dương mà đi, năm sau thì về. Phàm đến nơi nào, mắt trông thấy, tai nghe thấy cái gì đều ghi tường tận về tâu, để biết rõ phong vật phương xa; nhân tiện tìm mua một vài thứ hàng Tây Dương đem về dâng” [52;266,]. Sứ đoàn này cũng có nhiệm vụ thiết lập mối quan hệ chính thức với hai nước Anh, Pháp, đồng thời thăm dò xem thái độ của chính phủ Pháp như thế nào đối với chính sách cấm đạo của triều Nguyễn. Khi đến Pháp, Trần Viết Xương xin được gặp hoàng đế Pháp. Vua Pháp lúc đó là Louis Philippe đã nhận được thư của Hội truyền giáo ngoại quốc và của Giáo Hoàng La Mã tố cáo việc cấm đạo Thiên Chúa và giết hại giáo sĩ của triều Huế, và yêu cầu vua Pháp có biện pháp can thiệp “các phái bộ truyền giáo nước ngoài, để ngăn chặn việc ký kết một hiệp ước mà họ sợ phải gánh chịu phần thua thiệt, đã mưu mô vận động ở triều đình, đã nói về vua Minh Mạng như một kẻ thù quyết liệt của tôn giáo và Giáo hoàng cũng phản đối” [87;53]. Vì vậy, vua Pháp đã không tiếp sứ bộ của Việt Nam với lý do các sứ thần không có quốc thư. Cơ hội ngoại giao cuối cùng giữa Việt Nam và Pháp đã đi vào con đường bế tắc.

Đến thời Thiệu Trị (1841 – 1847), chính sách ngoại giao của triều đình Huế đối với Pháp về cơ bản vẫn theo đường lối thời Minh Mạng, tuy nhiên,

chính sách của Thiệu Trị ôn hoà hơn. Khi triều Nguyễn bắt đầu chính sách ôn hoà, thì Pháp lại bắt đầu tìm cách gây hấn can thiệp vào nước ta.

Năm 1841, một tàu chiến của Pháp kéo tới vùng biển Trà Sơn, sau “chúng lên bờ căng bạt, [đóng quân], bắn hơn 60 phát súng lớn” [66;248]

Năm 1843, một chiếc tàu Pháp là Erigone đến Đà Nẵng, viên thuyền trưởng là Cécille đã gửi một bản báo cáo về Pháp, yêu cầu chính phủ Pháp nhanh chóng can thiệp vào Việt Nam.

Năm 1847, một hạm đội Pháp kéo đến Đà Nẵng phô trương thanh thế, trong đó “có 5 - 6 người đạo trưởng công nhiên đeo chữ “thập”, đi lại ở nơi cửa biển....Bọn chúng ngày càng rông càn, ngày thường lên bờ, đi lại chỗ làng xóm. Những thuyền quân đi tuần biển bị chúng bắt giữ lại ở cửa biển. Có 5 chiếc thuyền bọc đồng ở Kinh phái đi Nam (Kim Ưng, Phấn Bằng, Linh Phượng, Thọ Hạc, Vân Bằng) chưa ra biển, còn đậu lại ở vụng Trà Sơn cùng đối diện với thuyền Tây dương, cũng bị chúng sấn đến cướp lấy buồm thuyền và dây buộc thuyền. ”(68;375].

Càng ngày Pháp càng lộ rõ ý đồ can thiệp vào nước ta. Sau sự kiện khiêu khích trắng trợn của Pháp vào năm 1847, Thiệu Trị rất tức giận, cho rằng: “Nước Phật Tây Lan (tức Pháp) mọi rợ, ngông cuồng, tội không đáng khoan xá, nếu chúng lại đến không kể thuyền buôn hay thuyền quân, các phận cửa biển nơi sở tại lập tức phải đuổi đi không được cho chúng bỏ neo” [68;284]. Nhà vua ra lệnh cho tăng cường phòng thủ, nhất là những nơi cửa biển. Quan hệ Việt – Pháp trở nên căng thẳng.

Ở nửa đầu thế kỷ XIX, trong quan hệ Việt – Pháp nổi bật lên là vấn đề thông thương, thiếp lập mối quan hệ chính thức giữa hai chính phủ. Khi Pháp mong muốn lập thương ước, lập mối quan hệ ngoại giao với triều Nguyễn, thì triều Nguyễn đã tìm mọi cách từ chối. Đến những năm cuối đời, khi nhận ra tình hình thay đổi, vua Minh Mạng đã cử sứ thần sang Pháp với mục đích

thiết lập mối quan hệ với chính phủ Pháp, nhưng cố gắng này bị thất bại. Rồi triều đình Huế bắt đầu chính sách hoà hoãn với Pháp, thì Pháp lại bắt đầu chính sách can thiệp Việt Nam.

Bên cạnh những diễn biến phức tạp này, vấn đề đạo thiên chúa cũng là một vấn đề nổi bật trong mối quan hệ Việt – Pháp, gây ra nhiều trở ngại trong quan hệ giữa triều Nguyễn với các nước phương Tây nói chung và nước Pháp nói riêng.

Do chịu ơn Bá Đa Lộc và những người Pháp đã giúp trong cuộc chiến với Tây Sơn, khi lên ngôi Gia Long vẫn để việc truyền đạo Thiên chúa giáo diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, thái độ của ông với Thiên chúa giáo thì chẳng hề tốt đẹp gì, và thực chất thì ông vẫn cố gắng “ngấm ngầm” ngăn chặn sự phát triển của thiên chúa giáo. Năm 1804, khi bàn về phong tục thờ cúng ở nước ta, Gia Long đã nhận xét về đạo Thiên chúa “Lại như đạo Gia Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến kẻ ngu phu, ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Gia Tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm” [48;385]

Đến Minh Mạng, chính sách cấm đạo của triều Nguyễn thực sự gay gắt. Nhà vua liên tục đưa ra các chỉ dụ cấm đạo, trong đó dụ năm 1832 quy định rõ: “...có ai trước đã trót theo đạo Gia tô, nay nếu cảm phát lương tâm, biết sợ, biết hối, thì cho phép được đến bày tỏ với quan sở tại, tình nguyện bỏ đạo. Quan địa phương xét quả thành thực thì sai làm ngay tại chỗ: bước qua cây thập tự. Rồi làm tập tâu lên vua, sẽ được chuẩn cho miễn tội. Còn những nhà thờ, nhà giảng, thì ra lệnh cho huỷ triệt đi..”[60;415-416].

Năm 1833, cuộc khởi nghĩa chống triều đình của Lê Văn Khôi bùng nổ, với sự tham gia của nhiều giáo sĩ Pháp đã khiến Minh Mạng rất tức giận. Nhà

vua ra lệnh: “Trong những người theo đạo Gia tô kẻ nào theo giặc, chống lại quan quân, đã bắt được tại trận hoặc tiếp tục bắt sau, tức thì chém đầu, đem bêu cho mọi người biết; còn kẻ nào hiện nay tuy đã bị bắt, nhưng trong những

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ngoại giao giữa việt nam với trung quốc và pháp dưới thời tự đức (1848 1883) (Trang 64 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)