Tình hình phát triển các khu công nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của các khu công nghiệp đến phát triển bền vững nông thôn ở tỉnh vĩnh phúc (Trang 49 - 54)

2.2. TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NÔNG THÔN VÀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÁC

2.2.2. Tình hình phát triển các khu công nghiệp

Với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi nhiều mặt, các cấp, các ngành trong tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của phát triển sản xuất công nghiệp trong sự nghiệp CNH, HĐH. Ngay sau tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng vận dụng các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chủ trương phát triển công nghiệp tập trung theo ven trục quốc lộ số 2 đến Vĩnh Yên và các huyện, thị.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có: 04 KCN có quyết định thành lập, đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động với diện tích 1.345 ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng 69,1% (riêng KCN Kim Hoa thuộc huyện Mê Linh chuyển về Hà Nội từ 01/8/2008); 04 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với diện tích 889 ha và 11 khu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 với diện tích 3.754 ha. Danh mục các KCN như sau:

- KCN đã được quyết định thành lập và đã triển khai: KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên, KCN Bá Thiện, KCN Bình Xuyên II.

- KCN đã được phê duyệt chủ trương: KCN Bá Thiện II, KCN Chấn Hưng, KCN Hội Hợp, KCN Sơn Lôi.

- KCN đã chấp thuận bổ sung vào quy hoạch các KCN: KCN Tam Dương, KCN Nam Bình Xuyên, KCN Phúc Yên, KCN Lập Thạch, KCN Sông Lô I, KCN Sông Lô II, KCN Lập Thạch II, KCN Tam Dương II, KCN Vĩnh Tường, KCN Thái Hoà - Liễn Sơn - Liên Hoà, KCN Vĩnh Thịnh.

Như vậy đến giai đoạn 2015 - 2020 có thể đạt khoảng 6.000 ha đất quy hoạch KCN. Đây là tín hiệu tốt giúp Vĩnh Phúc phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao.

Các KCN của tỉnh chủ yếu đầu tư vào những ngành công nghiệp trọng tâm, đó là: Công nghiệp cơ khí chế tạo; Công nghiệp điện tử, tin học; Công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm; Công nghiệp dệt may, da giầy; Công nghiệp hoá chất và dược phẩm; Công nghiệp khác. Trong đó công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm; công nghiệp dệt may, da giầy và công nghiệp hoá chất, dược phẩm là những ngành có liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Những ngành này tập trung ở các KCN Lập Thạch, Sông Lô I, Lập Thạch II, Vĩnh Tường, Tháu Hoà - Liễn Sơn - Liên Hoà. Nó sẽ thu hút được một khối lượng lớn sản phẩm đầu vào từ trồng trọt và chăn nuôi.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng trong các KCN. Các KCN tỉnh Vĩnh Phúc là nơi thu hút khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý là trong thời gian gần đây các KCN trong tỉnh đặc biệt là những KCN mới thành lập đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Số lượng các KCN nhanh chóng đi vào vận hành. Nhiều địa phương đã khắc phục được những vướng mắc kéo dài trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng KCN nên tiến độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN nhìn chung được đẩy nhanh và thuận lợi. Trong

năm 2008, các KCN trên địa bàn tỉnh đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 182,79 ha, di chuyển được 1.997/2.060 ngôi mộ ra nghĩa trang mới, đạt 48,3% so với năm 2007, kết quả bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2008 cụ thể tại một số KCN như sau:

- KCN Bình Xuyên: Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 79,4% tổng diện tích đất công nghiệp đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê. Tổng vốn đầu tư thực hiện vào xây dựng cơ sở hạ tầng KCN đạt 228,2 tỷ đồng/573,54 tỷ đồng, đạt 39,79%.

- KCN Khai Quang: Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 74,1%. Tổng vốn đầu tư

thực hiện vào xây dựng cơ sở hạ tầng KCN là 156,04 tỷ đồng/286 tỷ đồng, đạt 54,56%.

- KCN Bá Thiện: Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 56,9%. Chủ đầu tư hạ tầng

KCN là Công ty TNHH Compal Việt Nam. Tổng vốn đầu tư thực hiện vào xây dựng cơ sở hạ tầng KCN là 3,82 triệu USD/78,5 triệu USD, đạt 4,87%, chủ yếu đầu tư cho việc san lấp mặt bằng và làm nền đường.

- KCN Bình Xuyên II: Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 65,8% tổng diện tích đất

công nghiệp đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê. Chủ đầu tư hạ tầng KCN là Tập đoàn KHKT Hồng Hải - Đài Loan. Tổng vốn đầu tư thực hiện vào xây dựng cơ sở hạ tầng KCN là 2 triệu USD/100 triệu USD, đạt 2%, chủ yếu dùng vào việc san lấp mặt bằng KCN.

- CCN Hợp Thịnh: Năm 2008 đã bồi thường, giải phóng mặt bằng

được 33,39 ha/128 ha, gồm 33,0 ha thuộc xã Yên Bình (huyện Vĩnh Tường) và 0,39 ha thuộc xã Đồng Văn (huyện Yên Lạc).

- KCN Bá Hiến: Năm 2008 bồi thường, giải phóng mặt bằng được 28

ha, trong đó có 11 ha thuộc đất nghĩa trang của 5 thôn thuộc xã Bá Hiến và 17 ha khu nhà ở công nhân của KCN; tổ chức di dời được 556/581 ngôi mộ nằm trong KCN ra nghĩa trang mới. Khu tái định cư đã có hạ tầng giao thông, đường điện, đường cấp, thoát nước. Đã xây dựng được 172 nhà tạm cư để cho

các hộ dân đạt tiêu chuẩn tái định cư của thôn Trại Cúp và thôn Bắc Kế di chuyển đến.

Về thu hút đầu tư. Cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng cao, thời gian gần đây Vĩnh Phúc được xếp vào tốp các tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư trong cả nước. Tỉnh đã đề ra phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc - Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư và sản xuất kinh doanh có hiệu quả” [37]. Đặc biệt các KCN đã đạt kết quả tốt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Trong năm 2008, năm có thể nói là vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng của kinh tế toàn cầu, nhưng tại Vĩnh Phúc việc thu hút đầu tư vẫn đạt được những kết quả hết sức khả quan. Ban quản lý KCN Vĩnh Phúc đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 112 dự án và làm thủ tục tăng vốn đầu tư cho 15 lượt dự án. Trong đó, đối với đầu tư trong nước (DDI): cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 86 dự án đầu tư mới với số vốn đầu tư đăng ký là 5.516,08 tỷ đồng và 8 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký tăng thêm là 415,79 tỷ đồng; về đầu tư nước ngoài (FDI): cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án đầu tư mới với số vốn đầu tư đăng ký là 526,2 triệu USD và có 7 lượt dự án tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng số vốn tăng là 14,8 triệu USD.

Dù chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, 6 tháng đầu năm 2009, Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 35 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 1.947,04 tỷ đồng và 79,26 triệu USD. Tính đến hết tháng 6/2009, trên địa bàn tỉnh có 387 dự án thực hiện đầu tư. Trong đó, đầu tư trong KCN có 173 dự án chiếm 44,70% tổng số dự án, gồm có 87 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 1.876,35 triệu USD, chiếm 90,83% tổng vốn đầu tư của các dự án FDI và 86 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là 3.218,55 tỷ đồng, chiếm 18,65% tổng vốn đầu tư của các dự án.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, đến hết năm 2011, toàn tỉnh thu hút được 622 dự án, gồm 118 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 2.342 triệu USD và 504 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 27 ngàn tỷ đồng (chưa kể 17 dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 4.456 tỷ đồng). Hiện đã có 248 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm 156 dự án DDI và 92 dự án FDI, chiếm gần 40% tổng số dựa án trên đầu tư. Có thể nói, vốn đầu tư trực tiếp FDI đã thu hút được của tỉnh chưa lớn (năm 2011 Vĩnh Phúc xếp thứ 20) nhưng Vĩnh Phúc có những dự án hoạt động có hiệu quả, liên tục mở rộng qui mô, tăng năng lực sản xuất như: Công ty Honda, Toyota, Piagio và các tập đoàn lớn DDI như Prime, Thép Việt đức. Gần đây Vĩnh Phúc còn thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có đầu tư lớn như sản xuất điện thoại di động, sản xuất máy tính xách tay...

Điểm nổi bật trong thu hút đầu tư vào KCN thời gian qua là bên cạnh việc tiếp tục thu hút các dự án quy mô vừa, các KCN đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Các dự án này sẽ có tác động lớn tới sự phát triển công nghiệp, thu hút lao động của địa phương trong thời gian tới.

Các KCN Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động không chỉ cho lao động tại địa phương mà còn thu hút lao động ở khu vực lân cận. Người lao động trong các KCN được tạo môi trường làm việc tốt, thu nhập và công việc ổn định. Ngoài ra, các KCN đã chú trọng hơn tới vấn đề nâng cao điều kiện sống, làm việc của người lao động. Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 14/9/2010 về việc ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư để thực hiện thí điểm dự án xây dựng nhà ở công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bảo Quân tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên với diện tích 4,3 ha. Bên cạnh đó, tỉnh còn quy hoạch đất để xây dựng nhà ở cho công nhân tại KCN Khai Quang (12,2 ha); KCN Bá Thiện (15ha), các dự án này đã có chủ đầu tư, đang từng bước hoàn thiện quy hoạch chi tiết và đã triển khai xây dựng. Đặc biệt, Công ty Honda Việt Nam đã đầu

tư xây dựng khu chung cư phục vụ cho 1.800 công nhân với tổng giá trị đầu tư khoảng 130 tỷ đồng, đến cuối năm 2011 đã đưa vào sử dụng. Đây là doanh nghiệp đầu tiên ở Vĩnh Phúc thực hiện tốt chủ trương về xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Dự án xây dựng khu chung cư dành cho người thu nhập thấp diện tích 3,8 ha của Công ty Cổ phần Vinaconex Xuân Mai tại thành phố Vĩnh Yên hiện nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp khác cũng đang có nhu cầu bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân như Công ty Hoài Nam, Công ty Đại Phát... Việc xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp trực tiếp góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời có vai trò tạo dựng, đưa Vĩnh Phúc trở thành một đô thị hiện đại trong tương lai.

2.3. TÌNH HÌNH TÁC ĐỘNG CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NÔNG THÔN Ở TỈNH VĨNH PHÚC

Quá trình xây dựng và phát triển các KCN ở tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua đã đem lại nhiều kết quả to lớn. Các KCN đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động... Để đánh giá quá trình phát triển của các KCN đến sự PTBV nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, luận văn phân tích trên 3 khía cạnh: khía cạnh kinh tế, khía cạnh xã hội và khía cạnh tài nguyên môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của các khu công nghiệp đến phát triển bền vững nông thôn ở tỉnh vĩnh phúc (Trang 49 - 54)