1.3. Quan niệm về người quân tử trong Tứ thư
1.3.1. Người quân tử là ai?
Trước Khổng Tử, từ “quân tử” thường thấy trong Thượng thư, Kinh thi,
hàm nghĩa chỉ tầng lớp quý tộc đương quyền từ Đại phu trở lên. Vốn từ quân tử chẳng qua cũng như từ vương tử, công tử. Trong thời cổ đại, “quân” không phải chỉ vua của một nước, mà khanh, đại phu cũng đều có thể xưng quân, còn “tử” là từ tôn xưng đối với nam giới. Nhưng vì chữ quân còn có nghĩa chung là người cai trị , người đứng đầu, trong khi đó chữ vương, chữ công không có nghĩa trên mà là những từ chuyên xưng hô. Quân tử có nghĩa là
trưởng quan, quan đại nhân. Những người này có địa vị cao quý, có văn hóa, dung mạo phi phàm. Như vậy, ban đầu hai từ quân tử luôn luôn có hàm ý khen ngợi về thân phận, giáo dưỡng cũng như phân biệt hình thức phục trang.
Thêm vào đó, quân tử đứng trên cương vị lãnh đạo của mình thì tự nhiên vị thế của họ được nâng lên, với điều kiện là phải có tài có đức. Không cương vị đó vẫn không được kính trọng. Vì thế mà thời cổ đại người làm quan cần tuân theo lễ, thậm chí tước lộc phải tương xứng với đức. Chính vì lẽ đó mà quân tử đồng thời còn là từ ca ngợi người đức dày trong nước.
Về sau, lễ nhạc băng hoại, quyền lực cá nhân bành trướng, lũng đoạn. Hiền nhân đức giả không còn vị trí như trước nữa, kẻ bất tài khiếm đức lên nắm quyền. Lúc này quân tử dùng để chỉ những người có quyền thế tước vị cao hơn bình dân mà thôi. Từ chỗ đức và vị gắn bó chặt chẽ dẫn đến li tán tách rời, kéo theo nền chính trị cũng từ ổn định đến bất ổn; phủ bại, hỗn loạn cũng từ đó mà nổi lên. Khổng Tử sống đúng vào thời kỳ chính trị và đạo đức li loạn. Ông cho rằng, muốn cứu vãn nền chính trị cần phải dùng nhân chính đức trị, đề cao phẩm cách quân tử, với hy vọng đào tạo một lớp nhân tài ưu tú có khả năng chống lại các thế lực đen tối, đảm đương chức trách xã hội, đi trên con đường quang minh chính đại. Bởi vì nếu không có tầng lớp người đó thì đạo của ông không thể thi hành được. Khổng Tử cho rằng chính những người áo vải biết tự học, tự tu dưỡng sẽ đạt được đạo. Bởi vì thực tế đã mách bảo cho Khổng Tử biết rằng quân tướng các nước bấy giờ không thể đi theo con đường chính đạo. Giờ đây chỉ có những người không quyền thế, không phú quý mới có thể trở thành lớp đệ tử nghe ông giảng đạo để cầu tiến, để gánh vác trọng trách của người quân tử đức dầy. Khổng Tử kì vọng ở hàng môn đệ có thể thực hiện lí tưởng chính trị của mình thông qua việc học hành
Để đào tạo một tầng lớp sĩ quân tử (hay còn gọi là nho quân tử) luôn giữ được thiện đạo mà không bị biến chất trong xã hội rối ren, ô trọc ấy, Khổng Tử đã đưa ra yêu cầu cao khá nghiêm khắc ở tất cả các mặt của đời sống từ niềm truy cầu nội tâm, tu dưỡng lời nói dung mạo, đối nhân xử thế, văn hóa giáo dưỡng,…
Năm 35 tuổi, sau khi Khổng Tử thăm Kinh sư Lạc ấp trở về, môn sinh theo học càng ngày càng đông. Từ đó đến khi ông 51 tuổi, trước thời gian làm quan nước Lỗ, là thời kì phát triển sự nghiệp dạy học tư của mình. Bởi thực hiện “hữu giáo vô loại” (dạy học không phân biệt sang hèn) nên học trò của ông phần lớn xuất thân từ con em bình dân địa vị thấp trong xã hội. Nội dung
học văn hóa vẫn là Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Câu hỏi lớn đặt ra là đào tạo học trò
thành những người như thế nào để phục vụ xã hội? Và trong lời dạy của Khổng Tử lần lượt đề xuất các khái niệm nhân cách như “thánh nhân”, “quân tử”, “thành nhân”, “chí sĩ”… Trong đó quân tử được nói đến nhiều nhất. Quân tử là tiêu chuẩn nhân cách mà Khổng Tử dùng để bồi dưỡng học trò và đưa mình, đưa người vào khuôn khổ.
Như vậy, theo Khổng Tử khái niệm người quân tử có hai nghĩa: Một là, chỉ người có địa vị tôn quý, có quyền tước sang trọng, tham gia bộ máy thống trị, là những người ở ngôi trên,như Khổng Tử nói: “Người quân tử ở ngôi trên, nhờ học đạo mà thương dân, mến chúng” [11, tr.271]; hoặc như Mạnh Tử viết: “Người nước Đằng tuy nhỏ hẹp, tất cũng có người quân tử, có người dân quê; không có người quân tử thì không có ai cai trị người dân quê; không có người dân quê thì không có ai nuôi người quân tử” [19, tr.274]. Ở nghĩa này, người có đức hạnh lớn, ra làm quan để cai trị dân, được gọi là “quân tử cầm quyền”. Nghĩa thứ hai là, nói cho người học đạo thánh hiền, học rộng và sửa mình cho thành người có phẩm giá tôn quý, dẫu bần cùng cũng không làm điều trái đạo, được gọi là “nho quân tử”. Vậy theo nghĩa rộng, tuy cùng khổ,
không có quyền tước sang trọng cũng có thể là quân tử, ngược lại, người có quyền tước cao và giàu có cũng có thể không phải là quân tử mà là tiểu nhân. Điều đó cho thấy Khổng Mạnh quan tâm chủ yếu đến người quân tử, đặc biệt kẻ cai trị, các bậc quân vương. Nhưng để như thế, người quân tử trước hết phải là người có đạo đức.